Hiện nay, việc đăng ảnh của người khác lên các trang mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải hình ảnh nào cũng được tự ý đăng tải lên mạng xã hội. Vậy khi nào thì đăng ảnh người khác lên mạng xã hội bị xử phạt và mức phạt như thế nào?
1. Khi nào đăng ảnh người khác lên mạng xã hội bị xử phạt?
Tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
- Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
- Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
- Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, theo Điều 38 Bộ luật dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
2. Mức phạt khi đăng ảnh người khác trái phép lên mạng xã hội?
2.1 Trách nhiệm hành chính
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, người có hành vi vi phạm phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý còn bị phạt từ 10-20 triệu đồng (theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
2.2 Trách nhiệm dân sự
Hành vi đăng ảnh người khác lên mạng xã hội có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
2.3 Trách nhiệm hình sự
Trường hợp hành vi tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm (theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).
3. Các trường hợp được phép sử dụng ảnh của người khác không cần xin phép
Căn cứ khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Bạn có thông tin gì mới không?