Sáng ngày 3/3, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Triển lãm giới thiệu 100 bức chân dung của các nhà báo, tranh áp phích chống dịch và mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch.
Triển lãm tranh “Nhà báo vẽ nhà báo” của Huỳnh Dũng Nhân
Với kinh nghiệm 40 năm cầm bút, là một cây phóng sự được nhiều bạn đọc yêu thích, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) nguyên Ủy viên BCH, Phó Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 8-9), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước luôn say mê viết văn, viết báo, in sách, giảng dạy trực tuyến…Nhiều tác phẩm phóng sự của ông đã được in thành sách như: "Ba hồi chuông", "Ăn Tết trong rừng chó sói", "Tôi đi bán tôi", "Kính thưa ô-sin"… Đặc biệt, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân yêu thích việc vẽ chân dung các đồng nghiệp, bởi thế đến nay ông đã cho ra đời khoảng 600 bức chân dung.
Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, những ý tưởng vẽ chân dung các nhà báo đến với ông vô cùng bất đắc dĩ. Bất ngờ bị tai biến từ tháng 4/2021 sau một chuyến đi thăm Cột Cờ Lũng Cú tại Hà Giang, trong thời gian điều trị bệnh tai biến và bị cách ly do đại dịch Covid-19, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã bị liệt và phải nằm điều trị tại nhà, chỉ một tay của ông có thể cử động được.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đam mê với cọ vẽ ngay từ nhỏ
Đam mê với cọ vẽ ngay từ khi còn nhỏ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã được học vẽ, biết cầm cọ, pha màu, vẽ báo tường, có tranh triển lãm nhưng còn ngây ngô và hoàn toàn chưa được tiếp xúc với vẽ tranh chân dung. Sau này, ông theo nghiệp báo nên tạm gác lại đam mê của mình. Chỉ đến khi gặp phải những biến có về sức khoẻ, ông mới lại tiếp tục thực sự trở lại với đam mê được cầm bút, tô màu của bản thân mình.
Lúc bắt đầu vẽ tranh lại, ông chỉ vẽ những thứ hết sức đơn giản như vẽ tĩnh vật, con mèo, trẻ nhỏ trong nhà và dần dần ông vẽ bạn bè, những người thân thiết mà ông tiếp xúc hằng ngày. Được mọi người hết sức ủng hộ nên ông bắt đầu công phu hơn, chăm chút hơn cho các bức tranh của mình. Nhận thấy các bức tranh do mình vẽ không chỉ mang đến niềm vui cho bản thân mà còn mang những tiếng cười, niềm hạnh phúc đến cho mọi người, ông đã quyết tâm thực hiện chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”.
Không gian triển lãm tranh "Nhà báo vẽ nhà báo"
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự: “Bản thân tôi chỉ là một họa sĩ nghiệp dư, tôi thích vẽ và tạo bất ngờ cho mọi người. Tôi vẽ tranh tặng cho một bạn sinh viên đến phỏng vấn, tôi còn vẽ cho cả một cô tiếp viên hàng không trong một chuyến bay ngắn,... đấy là niềm vui trong cuộc sống, chống trầm cảm, chống nỗi buồn cách ly trong mùa dịch”.
Các nhân vật được họa sĩ “nghiệp dư” Huỳnh Dũng Nhân vẽ là bạn bè thân thiết, những người dễ mến, những người tốt, hướng thiện, người tạo cho ông sự đồng cảm trong suy nghĩ. Các tác phẩm của nhà báo Huỳnh Dũng nhân với các nét vẽ mộc mạc, nghiệp dư nhưng vẫn tạo cho người xem cảm giác lạc quan, yêu đời, tươi mới đồng thời thể hiện được tình yêu, sự trân trọng của tác giả dành cho các nhân vật.
Một số chân dung nhà báo được ký họa bởi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Được biết, trong khoảng thời gian điều trị bệnh và trải qua nhiều đợt phong tỏa ở TP. HCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một trong số ít những người đã vẽ lại hình ảnh những chiến sĩ từ khắp mọi nơi trên tổ quốc đến để tăng cường, làm công tác chống dịch tại đây. Bằng sự đồng cảm của mình, ông đã dùng các các bài thơ, các bức vẽ chân dung kết hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh tạo ra các tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần của những chiến sĩ, những người lính hết lòng vì nước, vì dân.
Thông qua triển lãm tranh “Nhà báo vẽ nhà báo”, tác giả muốn truyền tải đến người xem một tinh thần quật cường: “Khi bạn sắp gục ngã, bạn phải cố gắng bước tiếp, tự lực tự cường, tự vươn lên”.
Áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh kết hợp với tranh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” diễn ra từ ngày 3/3 -15/3 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (TP. Hà Nội), triển lãm trưng bày 100 tác phẩm (khổ 70 cm x 90 cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4) cùng bộ sưu tập 20 tranh áp phích chống dịch và nhiều mẫu áo thời trang họa tiết chống dịch do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.
Đây là sự kiện được bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022; chào mừng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp và mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2022)