Tiếp tục chinh phục thị hiếu khán giả yêu phim truyền hình xưa trong phim Nghiệp sinh tử phần 4, Hòa HIệp chia sẻ đóng phim xưa rất cực thiếu thốn nhưng đầy thú vị, phải chăng đó là lý do mà chàng diễn viên mắt hí này đã tạo nên dấu ấn qua dòng phim này.
Liên tiếp tham gia những vai diễn xưa, Hòa Hiệp có cảm thấy áp lực khi sáng tạo cho nhân vật mới mẻ ra sao?
Trước giờ tôi rất thích được hóa thân vào nhân vật xưa của phim truyền hình xưa. Sau khi gặp khán giả qua vai Thiện trong phim Lỗi đạo cang thường, tôi có thêm phim Nghiệp sinh tử vai Trọng Sinh đang phát sóng trên THVL… Mỗi vai diễn đều có cái khó riêng nhưng đam mê phim xưa nên tôi luôn nỗ lực học kịch bản thật kĩ vì lời thoại xưa rất khác, sửa lại dáng đi khoan thai chậm rãi cho đúng tác phong của nhân vật bá hộ, quan trường ngày xưa… Mỗi phim mới tôi đều áp lực là làm sao cho nhân vật luôn mới mẻ vì tạo hình chỉ có chung một kiểu nên tôi sẽ chọn thể hiện nét diễn nhiều xúc cảm nhất thông qua nội dung phim, qua tâm tính nhân vật.
Vai diễn trong phim Nghiệp sinh tử có điều gì cuốn hút Hòa Hiệp ngay khi nhận được lời mời? Câu chuyện phim có gì khiến Hòa Hiệp trăn trở lẫn tâm đắc?
Nhân vật phim xưa là mê rồi nên khi đọc kịch bản tôi càng bị cuốn hút vào nhân vật. Tôi hiểu vai diễn Trọng Sinh là người đàn ông đáng thương: tốt bụng hi sinh cho tình yêu nhưng rồi cũng bị chính người thân trong gia đình chia cắt.. sau bao năm bôn ba xứ người, Trọng Sinh lại dùng tình cảm chân thành để cảm hóa lòng thù hận của người yêu cũ để giữ bình yên cho gia đình. Tôi tâm đắc cả bộ phim nói về luật nhân quả gieo gì gặt nấy để mang đến cho khán giả một câu chuyện phim nhiều tình tiết lôi cuốn nhưng sau cùng tựu trung sẽ là bài học về đạo lý làm người nên lấy cái thiện làm gốc. Người phụ nữ xưa vì lề lói phong kiến hay bị coi rẻ, hay chịu đựng nhưng khi hết sức chịu đựng thì họ sẽ bùng lên, trong mỗi người đều có thiện ác thì mình làm gì đều phải cân nhắc để phần ác không trỗi lên… Còn sự trăn trở chính là đóng phim xưa rất cực hi sinh nhưng cả đoàn phim vì đam mê mà cứ dấn thân vì thế hi vọng khán giả xem phim sẽ thấy hài lòng.
Diễn viên đóng cặp với Hòa Hiệp lần này là Thanh Trúc, Hòa Hiệp có gặp thuận lợi hay khó khăn gì khi đóng chung phim?
Trong phim Nghiệp sinh tử, Hòa Hiệp đóng chung với nhiều nữ diễn viên đều là thân quen làm việc chung nhiều phim nên anh em rất ăn ý hỗ trợ nhau trong từng cảnh quay, còn đóng cặp tình yêu thì diễn chung với Thanh Trúc. Trúc là một nữ diễn viên cũng yêu thích phim xưa sau nên cô rất tập trung diễn xuất và bàn cách diễn với tôi trước khi ra cảnh quay để chúng tôi nhanh chóng hoàn tất cảnh diễn một cách tự nhiên nhất.
Dễ nhận thấy là Hòa Hiệp tham gia phim xưa theo lời mời từ ekip quen thuộc trong một chuỗi phim quen thuộc là phim truyền hình xưa, anh có thể lý do về điều này anh có e dè sẽ bị đóng khung vào một dạng vai?
Tôi là người hoài cổ nên có lời mời đóng phim cổ trang là tôi thích liền. Đã tham gia 3 phần phim Nghiệp sinh tử, tôi rất tâm đắc truyện phim vì mang tính nhân quả để mình rút ra những bài học cho cuộc sống. Trong phim Nghiệp sinh tử 4, tôi vẫn rất hào hứng với Trọng Sinh vì tính chất cao trào của nhân vật: một người nhu nhược để mất người yêu trong tay chính anh trai, sau này ông cũng về hi sinh tài sản để cứu cứu người yêu cũ nhưng vẫn gìn giữ lễ giáo gia phong là xem như chị dâu, ông lại tiếp tục ra đi, còn người yêu cũ thì khi phát hiện ra sự việc hiểu lầm mới hối cải. Có thể nói Trọng Sinh là một nhân vật đa chiều nhiều khúc mắc trăn trở trong số phận và vì thế mà tôi có nhiều đất để cày xới tâm lý nhân vật thêm phong phú mà không bị lặp lại diễn xuất khi liên tục tham gia dòng phim xưa.
Làm phim theo ekip cũng dễ dẫn đến lối mòn, Hòa Hiệp nghĩ sao về điều này?
Thời buổi bây giờ là vậy, đạo diễn nào sẽ có dàn diễn viên thân thiết đó, mình không chen chân vô được vì mối quan hệ thân thiết, hiểu ý khi làm việc chung còn nhà sản xuất thường ít can thiệp vì họ tôn trọng ý kiến đạo diễn mà họ chọn. Cá nhân tôi cũng vậy dù bận rộn nhưng khi đạo diễn quen mời thì tôi luôn sắp xếp tham gia và như vậy thì đạo diễn luôn ưu tiên đo ni đóng giày những vai hay lạ cho tôi và tôi yên tâm diễn xuất thôi. Khi làm việc hợp ý thì không khí đoàn phim luôn vui vẻ, không áp lực thì cả ekip sẽ thoải mái sáng tạo hơn. Tôi nghĩ nhà sản xuất khi đầu tư đề tài tin tưởng vào ekip thì họ cũng sẽ biết lựa chọn sao cho không bị rập khuôn đi vào lối mòn.
Hậu trường phim Nghiệp sinh tử 4 có gì thú vị?
Hiện nay, thành phố đã đô thị hóa rất nhiều nên đoàn phim phải chọn quay ở vùng sâu vùng mới có cảnh xưa cũ tự nhiên. Tôi nhớ có cảnh quay bị bể do trời mưa xe của đoàn phim bị lún không vào được , cả đoàn diễn viên phải xuống đẩy qua vũng lầy lún đó. Tiếp đến ,cảnh quay TrọngSinh bị mai phục đánh bắn té sông chết mất xác, nhưng lúc đó nước chảy ngược, tôi té thật gặp nước lớn, sông sâu tôi nín thở hồi lâu bị mệt nên buông xuôi lúc nào không hay, cả đoàn phim thấy lâu quá tôi không nổi lên dù đạo diễn hô cắt nên vội vàng nhảy xuống cứu, may mà tôi không sao chỉ hơi sặc nước chút. Cảnh khó đáng nhớ cười buồn tiếp nữa là cảnh ngồi tỏ tình của Trọng Sinh và Như Nguyệt, cả hai ngồi trên cái tản đá mà cảnh quay không tìm ra chỗ nào có tản đá to vừa cho hai người ngồi nên cả hai đành ngồi trên cái bục nhỏ. Tôi và Trúc phải diễn tình tứ còn ở dưới thì 4 cái chân ráng gồng bám cho khỏi ngã, khi đạo diễn quay xong thì chúng tôi đứng dậy với đôi chân tê cứng mặt nhăn nhó gượng gạo từng bước đi… đây là những cảnh khó trong số các cảnh khó khi quay phim xưa ở vùng sâu vùng xa… mà chúng tôi phải trải qua nhưng vì đam mê diễn xuất mê phim ảnh nên ai cũng cố gắng hết sức.
Trong khi các loại hình giải trí khác lên ngôi thì phim truyền hình xưa vẫn có một vị trí nhất định, là diễn viên Hòa Hiệp có ý kiến gì về vấn đề này?
Phim truyền hình hay điện ảnh cũng là những vai diễn những bộ phim hay phục vụ khán giả. Làm diễn viên thì ai cũng mong có vai trong phim điện ảnh cả, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào hai chữ duyên nghề nữa. Tôi thấy có những diễn viên rất đắt show phim truyền hình và có những diễn viên chỉ thích hợp thể hiện phim điện ảnh… Cá nhân tôi thì luôn tham gia hết những vai diễn cơ hội đến với mình bằng tất cả đam mê để khán giả có được những thước phim hay.
Từ phim đến kịch đều đang chịu sự cạnh tranh về nội dung, chất lượng phim với webdrama, với phim điện ảnh, Hòa Hiệp có cảm thấy đắn đo cho đường đi của mình?
Tôi thấy lo chứ, vì hiện nay có nhiều mô hình giải trí khiến nhiều sân khấu đóng cửa, tôi lo lắng cho đời sống nên kiếm nghề tay trái là kinh doanh để nuôi dưỡng đam mê đóng phim của mình nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.Chỉ khi an tâm kinh tế thì tôi chủ động chờ vai diễn phù hợp để khi đó được cháy hết mình cùng vai diễn.
Bên cạnh đó, sự phát huy sang ca nhạc tâm linh, Hòa Hiệp đang muốn hướng đến điều gì?
Điều tôi muốn là truyền năng lượng tích cực vui mà sống được gửi gắm qua các musicvideo. Tôi đã thực hiện các MV ca nhạc tâm linh cùng ca sĩ Bá Thắng và NSUT Ngọc Huyền, Bình Tinh… các MV được đầu tư quay hình rất công phu mong rằng sẽ lan tỏa được niềm an lạc tốt lành đến cho khán giả khắp mọi nơi.
Kế hoạch mới của Hòa Hiệp có gì đặc biệt?
Tết này tôi có kịch hài Siêu thị cười của HTV, Phim Bí mật GenZ - đạo diễn Trần Toàn, Bão mạng - đạo diễn Vũ Huân…
Thông tin phim: “NGHIỆP SINH TỬ”- PHẦN 4 (Câu chuyện: Gia đình họ Trịnh)
Thời lượng: 49 tập
Biên kịch và đạo diễn: Bùi Ngọc Nam Phương
Diễn viên tham gia: NSƯT Hùng Minh (vai Diêm vương)
Công Hậu (vai Phán quan)
Thanh Trúc (vai Như Nguyệt)
Nguyệt Ánh (vai Hồng Liên)
Huy Cường (vai Trịnh Quý Thìn)
Hòa Hiệp (vai Trịnh Trọng Sinh)
Bích Trâm (vai Thu Trâm)
Thanh Hiền (vai Mận)
Thanh Thức (vai Thế)
Phương Trâm (vai bà Tư)
Thái Điền (vai Phú Túc),…
Tóm tắt câu chuyện:
Ông Trịnh Quý Thìn là một bá hộ giàu có nhất vùng, ngoài chuyện giỏi làm ăn thì ông còn được mọi người ngưỡng mộ bởi có một gia đình vô cùng hạnh phúc với 3 bà vợ: Bà cả- Hồng Liên là người phụ nữ đảm đang tháo vát, được ông Trịnh giao cho quán xuyến mọi việc trong gia đình; Bà hai- Thu Trâm vốn xuất thân con nhà danh giá nên tính tình có phần kênh kiệu, chua ngoa; Còn bà ba - Như Nguyệt thì đẹp sắc sảo, nhu mì, dù được ông Trịnh thương yêu nhất nhà nhưng bà không hề lên mặt mà biết sống nhẫn nhịn, hòa đồng với mọi người.
Cuộc sống êm đềm trôi qua cho đến khi bà ba gặp lại em trai của ông Trịnh là Trịnh Trọng Sinh.
Câu chuyện quá khứ năm xưa được khơi lại: Bà ba Như Nguyệt vốn là người yêu của Trọng Sinh. Khi Trọng Sinh dẫn Như Nguyệt về nhà ra mắt gia đình để chuẩn bị thành hôn thì ông Trịnh đã bị say đắm bởi vẻ đẹp của cô em dâu tương lai. Vì không kiềm chế được dục vọng nên ông Trịnh đã ép bà cả bày kế để chia cắt tình cảm của Trọng Sinh và Như Nguyệt. Như Nguyệt đau khổ vì hiểu lầm Trọng Sinh đã phản bội mình nên mới đồng ý về làm vợ của ông Trịnh. Còn Trọng Sinh thì tưởng người yêu thay lòng, trở thành chị dâu của mình nên thất chí và từ đó quyết ra đi không quay trở về nhà họ Trịnh nữa.
Như Nguyệt biết được âm mưu của ông Trịnh và bà cả năm xưa nên vô cùng oán hận. Trọng Sinh cũng giải tỏa được hiểu lầm với Như Nguyệt, anh đồng ý đánh đổi phần tài sản của mình trong nhà họ Trịnh để cho Như Nguyệt được tự do. Nhưng với tình cảnh chị dâu - em chồng, dù thoát khỏi nhà họ Trịnh thì Như Nguyệt cũng không thể đến được với Trọng Sinh nên cô đã quyết định quay trở lại nhà họ Trịnh để trả thù những kẻ đã nhẫn tâm chia cắt tình yêu khiến cuộc đời mình rơi vào bi kịch. Với bản tính trăng hoa, ông Trịnh lần lượt cưới thêm 2 người vợ nữa là bà tư - 1 ca nữ tài sắc, và bà năm là Mận.
Cuộc sống trong gia đình họ Trịnh không còn yên ấm khi các bà vợ vì quyền lợi mà không từ thủ đoạn để hãm hại lẫn nhau.
Trong đó, bà ba là người đứng sau kích động để gây ra những chuyện đấu đá trong gia đình. Không chỉ vậy, bà ba còn bày cách để hại con trai duy nhất của ông Trịnh là Phú Túc mang tội giết người, và khiến ông Trịnh trúng độc không còn khả năng vận động. Lúc này, bà cả gọi Trọng Sinh quay trở về để khuyên nhủ Như Nguyệt hồi tâm. Thế nhưng Như Nguyệt đã bị lòng thù hận che mờ lý trí, cho người truy sát Trọng Sinh nhưng anh may mắn sống sót.
Tưởng nhầm rằng Trọng Sinh đã chết và hiểu ra tất cả tình cảm của Trọng Sinh dành cho mình, Như Nguyệt hối hận nên bỏ đi lên chùa sám hối.