"Với nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng sự thật, nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi của 4 nữ tiếp viên hàng không không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ trả tự do".
Ngày 22/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét, xử lý những người liên quan trong vụ án 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines mang hơn 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam.
Quá trình điều tra trong thời gian tạm giữ, bước đầu cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở để xác định một số dấu hiệu hành vi như: Các tiếp viên có biết trong lô hàng hóa chứa ma túy hay không? Có quen biết trước đó với đối tượng gửi hàng hóa cho các tiếp viên mang về Việt Nam hay không? Có thỏa thuận, hưởng lợi hay không?...
Lời khai ban đầu, các tiếp viên cho rằng đã nhận lô hàng kem đánh răng nặng hàng chục kg thông qua một đồng nghiệp làm chung hãng để đưa về Sân bay Tân Sơn Nhất, tiền công là hơn 10 triệu đồng. Sau đó, số kem đánh răng này được chia ra cho từng người để vận chuyển.
Cơ quan điều tra đã triệu tập, làm việc với người giới thiệu để các tiếp viên đưa số kem đánh răng trên từ Pháp về Việt Nam.
Qua làm việc, các tiếp viên cũng cung cấp các đoạn tin nhắn thỏa thuận tiền công vận chuyển 10 triệu đồng với người giao hàng tại Pháp. Từ những cơ sở trên, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định trả tự do cho các nữ tiếp viên.
Liên quan đến diễn biến mới này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng quyết định của cơ quan chức năng là không bất ngờ.
"Với nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng sự thật, nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi của 4 nữ tiếp viên hàng không không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ trả tự do cho họ", luật sư Cường nói và cho biết, quyết định tạm giữ hình sự trước đó của cơ quan điều tra cũng hoàn toàn đúng quy định pháp luật, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm.
Theo ông Cường, pháp luật quy định cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm; còn bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, không có nghĩa vụ nhận tội, thậm chí không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình.
"Trong quá trình xác minh, điều tra vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng. Lời khai nhận tội (nếu có) cũng không phải là căn cứ duy nhất để kết tội.
Nếu người vi phạm không nhận tội thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bằng chứng cứ, nếu không chứng minh được có hành vi phạm tội hoặc hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì mặc nhiên nghi phạm không có tội", luật sư cho hay.
Đối với tội Vận chuyển trái phép chất ma túy, ông Cường trích dẫn Điều 250 Bộ luật Hình sự để phân tích về các điều kiện thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 250, người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy phải biết rõ chất mà mình vận chuyển là chất ma túy (các chất trong danh mục chất ma túy được nhà nước quy định); phải nhận thức được hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.
Còn trường hợp người nào tàng trữ, vận chuyển chất ma túy nhưng không biết đó là chất ma túy thì hành vi không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Đối với vụ án trên, lời khai ban đầu của 4 nữ tiếp viên đã chứng minh rằng hành vi của họ không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Vụ án sẽ tiếp tục được điều tra, làm rõ.