Mega Booming – Huế 2025 đã khép lại với hơn 10.000 lượt khán giả đổ về Quảng trường Ngọ Môn, tạo thành một trong những đêm nhạc gây dấu ấn đặc biệt tại Huế trong năm 2025, góp phần tích cực vào Năm du lịch Quốc gia 2025 tại Huế, mang đông đảo du khách đến với Huế trong suốt tuần lễ diễn ra đêm nhạc.
Ông Châu LE không phải là cái tên xa lạ trong giới âm nhạc và sự kiện. Từng là CEO của M-TP Entertainment, ông là người đồng hành cùng Sơn Tùng M-TP trong giai đoạn thành công vang dội nhất của nam ca sĩ này, với những dấu mốc như MV Hãy Trao Cho Anh hợp tác rapper huyền thoại Snoop Dogg, hay chuỗi concert Sky Tour đình đám trên toàn quốc. Sau khi rời M-TP Entertainment, ông sáng lập BamBoo Artists Agency – nơi ông giữ vai trò Founder & CEO cho đến nay.
Người đứng sau chương trình – ông Châu LE, Tổng đạo diễn kiêm Giám đốc sản xuất – đã có những chia sẻ đầu tiên về hành trình đưa một đại nhạc hội trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch tầm cỡ quốc gia.
Dưới sự dẫn dắt của ông, BamBoo Artists đã thực hiện thành công nhiều chương trình gây tiếng vang như BamBoo Concerto (3/2024, TP.HCM), Huế Symphony (10/2024, Nhà hát Sông Hương), Đối Thoại Trịnh Công Sơn (6/2024, Điện Kiến Trung), và Đà Lạt Harmony (12/2024, Dalat Opera House). Với Mega Booming – Huế 2025, Châu LE giữ vai trò Tổng Đạo diễn kiêm Giám đốc sản xuất, mang đến một show diễn gây tiếng vang về chất lượng nghệ thuật cũng như mức độ đầu tư “khủng”.
Chọn Huế không vì thuận lợi, mà vì xứng đáng
Đứng giữa muôn vàn lựa chọn quen thuộc như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng – nơi khán giả đã quen với các đại nhạc hội – ông Châu LE lại chọn Huế. Một thành phố cổ, nổi tiếng với di sản, nhưng còn rất ít hoạt động giải trí hiện đại dành cho giới trẻ. “Chúng tôi không chọn Huế vì dễ làm, mà vì tin rằng nơi này xứng đáng được kể lại bằng một ngôn ngữ mới – nơi âm nhạc có thể đối thoại với văn hóa truyền thống, nơi một chương trình giải trí có thể làm thay đổi nhận thức của người trẻ về cố đô,” ông chia sẻ.
Từ những chương trình trước như Đối Thoại Trịnh Công Sơn (Điện Kiến Trung), Huế Symphony (Nhà hát Sông Hương), BamBoo Artists đã thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau với công chúng Huế – để hiểu được thị hiếu, khả năng tiếp nhận, và đặc biệt là cách mà người dân nơi đây phản ứng với những sáng tạo mang yếu tố đương đại. Những trải nghiệm này, theo ông, là “vốn tích lũy” cần thiết để Mega Booming – Huế có thể thành hình.
Ngay từ đầu, BamBoo Artists đã không coi Mega Booming là một “show diễn”, mà là một sản phẩm du lịch âm nhạc – được thiết kế theo hành vi tiêu dùng trải nghiệm. Việc kết nối các đơn vị lữ hành, khách sạn, dịch vụ ăn uống – tạo thành combo du lịch tích hợp – là một phần quan trọng của chiến lược. Khán giả không chỉ mua vé xem ca sĩ, mà còn mua một hành trình: từ đặt tour – đến trải nghiệm văn hóa – rồi sống trong khoảnh khắc nghệ thuật tại một địa điểm mang tính biểu tượng.
Dưới góc nhìn của một người từng vận hành các dự án âm nhạc lớn, ông Châu LE khẳng định: “Chúng tôi không đơn thuần làm show. Chúng tôi phát triển sản phẩm văn hóa – và phải nhìn nó dưới góc độ đầu tư, vận hành, thị trường”.
Với Mega Booming – Huế, toàn bộ lộ trình bán vé được chia rõ ràng theo từng nhóm khách hàng. Vé UniTix dành cho học sinh – sinh viên được phân phối sớm, vé Early Birds tạo hiệu ứng “cháy vé” chỉ trong 24 giờ đầu tiên, vé Soundcheck bán giới hạn và có bốc thăm ngẫu nhiên – tất cả tạo nên cảm giác khan hiếm, cá nhân hóa trải nghiệm, và kích hoạt hiệu ứng truyền thông tự nhiên trong cộng đồng người trẻ. Tổng cộng hơn 10.000 vé đã được tiêu thụ chỉ trong vòng 45 ngày, một con số chưa từng có tại Huế cho một sự kiện âm nhạc hiện đại.
Không chỉ dừng ở con số vé, chương trình còn đầu tư mạnh về công nghệ: drone light show quy mô hàng nghìn thiết bị lần đầu xuất hiện tại Huế; hệ thống sân khấu – ánh sáng – âm thanh được lắp đặt dưới những giới hạn nghiêm ngặt của khu di tích quốc gia đặc biệt. Một chi tiết khiến khán giả nể phục là suốt một tuần trước đêm diễn, Huế mưa liên tục. Việc thi công, dựng sàn, kỹ thuật tổng duyệt đều bị ảnh hưởng. Nhưng như ông nói: “Ngay đêm 6/7, trời bất ngờ trong vắt. Đó là một phép màu – hay cũng có thể là phần thưởng dành cho sự nỗ lực tuyệt đối của cả ekip.”
Về mặt nội dung, chương trình không đơn thuần gom nghệ sĩ hot, mà xây dựng line-up với chủ ý rõ ràng: từ chất liệu âm nhạc truyền thống đến những tên tuổi hiện đại và đặc biệt là nhóm nghệ sĩ nổi bật từ các show thực tế Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Anh Trai Say Hi, Em Xinh Say Hi – tạo sự gắn kết khán giả truyền hình với khán giả concert. Mỗi nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn là một mảnh ghép trong câu chuyện tổng thể mà đạo diễn Châu LE và ekip dàn dựng.
Điểm đặc biệt của Mega Booming - Huế 2025?
Không chỉ đơn thuần là đêm đại nhạc hội, Mega Booming - Huế 2025 là tâm điểm của chuỗi trải nghiệm tại Huế trong dịp Hè. Vé tham dự concert bao gồm vé tham quan di tích, các lăng Vua và thêm nhiều ưu đãi tại hệ thống nhà hàng, ẩm thực của đối tác theo hình thức “combo”, điều này giúp phát huy rất mạnh yếu tố du lịch và trải nghiệm. Lượng khách viếng thăm Đại Nội tăng rõ rệt trong tuần lễ sự kiện và sau đó.
Mega Booming được vận hành theo tiêu chuẩn concert chất lượng cao không khác gì các concert tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tổng lượng thiết bị và dụng cụ lên đến 200 tấn, luân phiên được đưa vào quảng trường Ngọ Môn, gần 500m2 Led đồng bộ, hệ thống ánh sáng tiêu chuẩn cao, vận hành timecode và được đích thân đạo diễn ánh sáng Hoành Châu (cũng là đạo diễn các concert lớn) thực hiện. Các hàng rào chống lật hỗ trợ rất lớn cho khán giả, fan đến gần thần tượng hơn mà rất an toàn.
Lần đầu tiên, chương trình đầu tư tiết mục drone light (trình diễn ánh sáng) kết hợp cùng tiết mục trình diễn của nghệ sĩ và gần 50 bài hát được trình diễn liên tục trong 5h. Khán giả Huế lần đầu tiên trải nghiệm concert đến nửa đêm và về đến nhà 1:00 sáng và đăng tải cảm xúc liên tục về chương trình và chia sẻ rằng Huế đã khác xưa, năng động và không còn “buồn” như trước đây.
Mega Booming diễn ra tại quảng trường Ngọ Môn, sự khéo léo lồng ghép các tiết mục trình diễn gắn liền với văn hoá, dân gian đương đại và làm mới cho phù hợp với hơi thở thời đại giúp giới trẻ gắn liền với di sản, văn hoá và lan tỏa tình yêu quyên hương đất nước.
Mega Booming kiên định với hành trình phát triển văn hoá, du lịch và âm nhạc. Cấu trúc chương trình sẽ luôn có tối thiểu 1 đến 2 chương về văn hoá bản địa, phát triển sáng tạo và tô điểm nét đẹp địa phương trước khi dành tặng cho khán giả những giai điệu giải trí sôi động nhất đến từ các thần tượng trình diễn trong chương trình. Rất nhiều khán giả đã chia sẻ, họ cảm thấy sự sắp xếp kịch bản, ý tưởng chương trình rất sâu sắc, tinh tế và vô cùng hợp lý giúp cho hàng ngàn khán giả có thể trụ đến 5h liên tục đến cuối show.
Du lịch âm nhạc – từ phép thử đến mô hình tăng trưởng mới
Nếu trước đây, các địa phương tìm cách phát triển sản phẩm du lịch thông qua cảnh quan, ẩm thực hay các tour truyền thống, thì ông Châu LE tin rằng đã đến lúc phải tính tới một khái niệm mới: du lịch âm nhạc. Không phải ai cũng yêu văn hóa theo kiểu “tham quan bảo tàng”, nhưng âm nhạc là thứ chạm đến cảm xúc trực tiếp – và nếu tổ chức đúng cách, có thể khiến cả thành phố thay đổi trong vài ngày.
Với Mega Booming – Huế, điều này đã được chứng minh. Lượng phòng khách sạn tăng đột biến, các dịch vụ đi kèm được kích hoạt đồng loạt, truyền thông và mạng xã hội đều dành sự chú ý đáng kể. Quan trọng hơn, sản phẩm này có thể nhân rộng theo chuỗi, với các phiên bản được tùy chỉnh theo bản sắc địa phương.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Mỗi địa phương phải được nghiên cứu kỹ, không thể áp dụng rập khuôn. Chúng tôi không nhân bản Mega Booming – Huế, chúng tôi kiến tạo từng phiên bản Mega Booming riêng biệt cho từng thành phố.”