Bàn về sự vô định. Trong đầu luôn có những câu hỏi phải làm sao? Làm gì? và phải làm như thế nào? Có những ngày mà thời gian trôi qua thật lãng phí?
Cái cảm giác vô cùng khó diễn tả, thực sự cần được giải quyết nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu? Rồi đến khi nào chúng ta sẽ ổn?
Thời gian cứ trôi, nó chẳng đợi bất cứ một ai cả. Ngày càng ngày, sự vô định nó càng hiện rõ và bỗng trở thành đáng sợ trong cái khi mà ta bắt đầu trưởng thành.
Sự vô định rất khó để miêu tả, nó cứ lơ lửng, lơ lửng chẳng thể nào nắm, giữ nổi cho đến khi nó chợt làm chúng ta sực nhận ra ngay đến bạn thân mình cũng chẳng biết cảm xúc hiện tại như thế nào, điều gì đang chiếm lấy cảm xúc của mình. Thật khó mà nói chính xác nó là gì.
Bỗng một ngày ta tự hỏi chính mình rằng điều mà mình mong muốn là gì? Suy nghĩ một lúc thì đáng cười thay, ngay cả chính bản thân cũng chẳng biết bản thân muốn gì hay thực sự thích điều gì.
Điều đáng sợ ở đây không phải là thất bại, hay là mất mát cái gì mà là mỗi sáng mai thức dậy: không khao khát, trái tim trống rỗng và tự bất mãn với chính bản thân.
Rồi ai cũng phải đi qua những tháng ngày vô định và trống rỗng. Những ngày cứ hỏi đi hỏi lại một câu hỏi: Mình đang muốn điều gì, khao khát điều gì. Sự của bản thân tồn tại có ý nghĩa gì?
Cuộc sống chính là vậy, lúc vui vẻ, náo nhiệt thì cũng phải có lúc cô đơn, có khi bừng bừng khát vọng thì cũng có khi vô vọng, trống rỗng.
Một doanh nhân từng nói: “Vào đêm khi đứng trên cao nhìn xuống thành phố đầy ánh đèn, gã chợt thấy sợ, sợ sau này mình cũng sẽ chỉ là một ánh đèn bình thường, vô nghĩa trong hàng vạn ánh đèn kia”.
Từ đó gã quyết phải xây dựng một thứ gì đó lớn, thật lớn…. Để cuộc đời gã trở nên có ý nghĩa, phi thường. Và Cho tới hôm nay, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng gã đã trở thành người đứng mũi chịu sào cho cả một cơ ngơi…
Đời là thế, đôi khi, trên con đường dài phát triển, chúng ta, gồm bạn và tôi vô tình lần mò những thắc mắc và lo sợ về ý nghĩa của bản thân với thế giới, có thể lúc đó, bạn cũng sẽ thấy sợ, nỗi sợ giống như gã doanh nhân kia.
Nhưng những lúc như thế, hãy nhớ bình tĩnh, suy xét, và quan trọng là từ bỏ lối mòn trong tư tưởng để có thể khai mở được một hướng đi mới, hướng đi dẫn tới những thứ trong tương lai khiến ta hài lòng.
Tôi nghĩ, nhận thức được giới hạn của bản thân là một phần không thể tách rời của ý chí cầu tiến.
Gần như tất cả mọi người đều có một mong muốn chung: làm được điều mình thích, có được thứ mình muốn. Thế nhưng, việc mỗi người chạy được bao xa trong con đường sự nghiệp thì còn tùy thuộc sức bật và sự tập trung của mỗi cá nhân. Bạn sẽ chẳng thể đi đến đâu nếu chỉ bước lan man mỗi nơi một chút. Tập trung không chỉ đơn giản là nói “Có” với thứ mình muốn, vế sau cũng là vế quan trọng nhất – nói “Không” với tất cả những thứ còn lại thì không phải ai cũng làm được. Bản thân con người có rất nhiều giới hạn. Vậy nên, muốn tiến xa thì không thể cái gì cũng ôm đồm.
Đến một lúc, những thứ chúng ta chọn bỏ lại cũng quan trọng chẳng kém gì những giá trị mình chọn để mang theo trong đời. Giống như thể cuộc đời của bạn là một chiếc túi, bạn không thể đặt tất cả mọi thứ vào đó. Chúng ta chỉ luôn giữ bên mình những điều giá trị nhất và có ý nghĩa nhất. Những thứ không cần thiết, đến một ngày rồi sẽ bị bỏ lại.
Ai cũng muốn đặt ra “chuẩn” riêng của mình nhưng lại bắt mọi người tuân theo. Ai cũng muốn được sống trong sự công bằng, vậy nên mới có trọng tài bóng đá, mới có thẩm phán trong phòng xử án. Con người có những định nghĩa riêng về cái gì đúng, cái gì sai, hoàn toàn dựa trên hệ quy chiếu của cá nhân ta. Nhưng mỗi khi thấy ai đó không giống, không tuân theo hệ quy chiếu đó, bản thân lại thấy thất vọng và kêu ca rằng đời bất công.
Thích một người, hy sinh quá nhiều cho một người mà không được đáp trả? – Đời bất công? Học bài cật lực trước kì thi, kết quả không như mong muốn trong khi thằng bạn không thấy học hành gì lại điểm cao hơn mình? – Đời bất công? Vậy chẳng hóa ra, định nghĩa về sự “công bằng” của chúng ta đều xoay quanh những gì ta thích, ta muốn, ta cần sao? Đời trao ta thứ ta cần thì gọi là công bằng. Đời không trao ta thứ ta muốn thì đó là bất công ư? Vấn đề không phải là đời bất công, mà chính bạn đang hiểu sai về “Công bằng”.
Đời không bất công, mà chỉ là bạn đang nhìn nhận nó theo chiều hướng có lợi cho bạn, là do định nghĩa về sự công bằng của chúng ta đang mộng mơ quá mà thôi.
Khi đang ngập ngụa thất bại, bạn sẽ thấy cuộc đời bất công. Đứng trên đỉnh cao danh vọng rồi, nhìn xuống dưới, nhớ lại những ngày tháng cũ, sẽ thấy đời công bằng vô cùng.
Thật ra thế giới vẫn luôn rộng lớn như thế. Chỉ là đến khi nào một người mới vượt qua được những rào cản trong tâm lý và cái tôi của chính mình để nhìn thấy bầu trời thực sự cao xa đến mức nào.
Bản thân trong khái niệm phát triển hay tiến hoá chưa bao giờ bao gồm cảm giác “thoải mái”. Khi đạt đến một thành tựu ở ngưỡng hiện tại, rồi leo đến tầng tiếp theo, ngay lập tức sẽ gặp một thử thách của tầng mới. Chỉ sau khi đấu tranh, vật lộn để vượt qua được thử thách đó thì mới có được bước tiến mới. Điều ấy gọi là phát triển.
Giữa thế giới đang không ngừng phát triển này, chúng ta là ai, ở đâu, đại diện cho giá trị gì và sẽ làm những gì để tác động vào thời đại?
Đó cũng chính là những câu hỏi lớn mà bao trái tim mang đầy hoài bão vẫn luôn ấp ủ. Đối với ai đó, ngày mai có thể là một ngày quan trọng nhưng sẽ không phải quan trọng nhất trong đời. Nên cho dù thế nào đi chăng nữa hãy luôn vững bước và kiên định thực hiện ước mơ đóng góp tiếng nói vào một thế giới đang chuyển mình.
Chúc các bạn thành công. Quyết thắng!
Den Trang