Xưa, khi trò chuyện với các chú được xếp vào hàng “tài già”, các chú đều bảo lái xe là nghề bạc bẽo. Vì, sau vô-lăng là miếng cơm manh áo nhưng cũng là sức khoẻ, tính mạng của nhiều người khác, bao gồm cả bản thân và chính gia đình mình. Mà những điều đó, đôi khi và vài trường hợp, chúng ta không thể kiểm soát nổi.
Ý thức hơn kỹ năng
Nghề nghiệp nào cũng vậy, kỹ năng là thứ mỗi chúng ta hoàn toàn có thể học tập và rèn luyện, để ngày một nhuần nhuyễn và giỏi hơn. Tất nhiên, luôn có những người vượt trội bởi thiên phú. Lái xe cũng thế.
Nhưng, với công việc lái xe, nó không đơn giản là điều khiển phương tiện mà quan trọng nhất là phải đi đến nơi, về đến chốn một cách trọn vẹn. Để đạt được mục tiêu tối thượng đó, điều quan trọng nhất là luôn có ý thức tuân thủ luật pháp giao thông, tôn trọng những người đang tham gia giao thông khác.
Có những người hễ lên xe là phóng. Lại có những người luồn lách, tăng tốc như muốn thể hiện rằng, tôi lái xe rất giỏi. Nhưng sẽ không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Hôm nọ, một sự việc xảy ra khi tài xế đầu kéo quệt phải đoàn xe “siêu ưu tiên” rồi bị phạt, trừ điểm GPLX. Trên diễn đàn, nhiều người bảo anh ta sai ở đâu? Cười.
Rồi lật lại sự việc rất lùm xùm cách đây vài năm cũng liên quan một tài xế đầu kéo. Vụ này chắc vô số người biết. Vấn đề là cho đến tận giờ vẫn có người mỉa móc “toà Thái Nguyên”. Theo họ, tài xế H không sai. Cười.

Cái sai của chúng ta là không lường trước tình huống, không cẩn trọng khi điều khiển ở những điều kiện dễ xảy ra nguy hiểm. Trước khi quệt phải xe ưu tiên, tài xế đầu kéo đang đi đúng làn của mình. Vậy sai ở đâu? Sai ở việc tài xế duy trì tốc độ ở khúc cua trong điều kiện mặt đường ẩm ướt dẫn đến không thể xử lý chính xác được chiếc xe khi gặp tình huống bất ngờ. Mà thực ra, tình huống đó không bất ngờ lắm, vì đoàn xe ưu tiên có còi hú từ xa. Đối với luật pháp, khi anh để xảy hậu quả thì đồng nghĩa anh sai, dù không hoàn toàn sai và anh không hề chủ đích.
Luật giao thông có những quy định mà chúng ta khó định lượng, ví dụ như khoảng cách và tốc độ an toàn trong những điều kiện khác nhau. Khoảng cách và tốc độ an toàn là thứ người lái xe buộc phải tính toán để nếu xảy ra tình huống cụ thể, khoảng cách và tốc độ đó đủ để tài xế xử lý ổn thoả. Còn nếu thực hiện các kỹ năng hết mức có thể mà vẫn xảy ra sự cố thì có nghĩa là không an toàn.
Sự việc xe giường nằm va quệt xe đầu kéo ở Sơn La vừa rồi cũng vậy.

Đó cũng là lý do thường xảy ra va chạm trên cao tốc. Nhiều người có thói quen dí sát đuôi xe phía trước. Quan sát sẽ thấy, khoảng cách an toàn vẫn đang là khái niệm xa xỉ trên các tuyến cao tốc. Ta nghĩ ta có thể tránh được, nhưng không hề, nếu sự cố xảy ra bất ngờ. Một chiếc xe con trang bị đầy đủ các chức năng phanh an toàn thì ở tốc độ 80-100km/h, nếu ta phanh cứng thì quãng đường xe trượt cũng lên đến 70-100m tuỳ mặt đường. Vậy hình dung xem, khoảng cách ta thường giữ trên cao tốc đủ an toàn không?
Vì vậy, ý thức giữ an toàn mới là yếu tố quan trọng nhất khi lái xe.
Nhân cách sau vô-lăng
Sự việc tài xế chiếc Mazda CX-5 kéo lên xe máy từ phố này sang phố khác sau khi xảy ra va chạm vừa rồi cho thấy điều gì? Lẽ ra khi xảy ra tai nạn, anh ta phải dừng lại xem xét tình huống, hỗ trợ người bị nạn, chờ và báo cơ quan chức năng.
Có những người khi lái xe trên đường luôn tìm cách “đè” người khác vào những tình huống nguy hiểm. Xe tải đè xe con, ô tô đè xe máy, xe cơ giới chèn người đi bộ… Lợi thế, hoặc họ cho là họ có lợi thế, khiến họ ném nhân cách của mình vào sọt rác.
“Mày biết bố mày là ai không?” là câu hỏi thường được thốt lên bởi những người có vấn đề về nhân cách. Họ luôn cho rằng họ trên cơ người khác, có quyền chèn ép người khác, và thiên hạ phải chịu nhún nhường với họ.
Ra đường, ai cũng muốn mình phải là người được ưu tiên. Khi xảy ra sự cố, dù chỉ là rất nhỏ như va quệt nhẹ vào nhau, họ sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết. Gã đi xe Lexus “giơ tay hơi cao” với anh shipper và đã phải gánh chịu hậu quả. Một con mẹ bổi lao vào tương tác vật lý với chị canh đường tàu chỉ vì bà ta không được… chít dưới gầm tàu, vì khi đang tương tác, tàu đã xình xịch đi qua.
Nhân quả có thể không đứng ngay trước mắt, nhưng sẽ đến. Làm người tử tế thì không bao giờ thiệt. Và quan trọng là, đừng bao giờ nghĩ mình chắc chắn “trên cơ” người đối diện.
Source: FB Nhà báo Vi Đức Thọ