Trong cuốn “Le Silence de la mer” (Sự lặng im của biển) do tác giả Jean Bruller chắp bút có 1 trích đoạn tuyệt hay, khi mặt trời yếu mềm lướt qua màn sương ẩm lạnh để đặc tả 1 mối tình mãnh liệt & ám ảnh đến nao lòng chỉ bằng 1 từ duy nhứt: “Adieu” (vĩnh biệt).
Truyện lấy bối cảnh 1 sĩ quan trẻ Đức Quốc xã tên Werner đến cư ngụ tại ngôi nhà của 1 cụ ông người Pháp đang sống với cháu gái trong Thế chiến hai. Để phản đối lại sự “xâm lăng” này, 2 ông cháu đáp lại bằng thái độ im lặng hoàn toàn đến bất nhẫn đối với Werner. Suốt 6 tháng ròng sống trong nhà, Werner luôn cố gắng xuống phòng khách của 2 ông cháu để làm thân, nhưng đổi lại chỉ là sự ghẻ lạnh tuyệt đối - 1 sự tĩnh mịch đến ghê người khi những tâm tư ko thể thoát ra thành lời…
Và như thế, đêm đêm, người sĩ quan xuống phòng khách, đến bên lò sưởi hơ tay và… độc thoại tiếng Pháp. Werner có vốn hiểu biết rộng. Anh nói về đủ thứ trên đời: lúc là thời tiết, khi thì thuở ấu thơ, có hôm về văn chương, âm nhạc, chính trị hoặc những lý tưởng sâu sắc từ trong tâm khảm. Nhưng, 2 ông cháu vẫn ngồi lặng thinh, ko 1 lời hồi đáp. Ngày lại ngày, những buổi tối bên lò sưởi, cụ ông đọc sách, người cháu gái ngồi đan áo, còn anh sĩ quan vẫn khẽ khàng bước xuống gian phòng, cất tiếng chào rồi bắt đầu cuộc độc thoại, rồi sau đó lui về phòng sau khi chúc 2 ông cháu ngủ ngon.
Werner vốn đọc nhiều sách Pháp, yêu nước Pháp, mơ đến ngày 2 nước thái hòa. Có 1 lần sau bao đêm độc thoại mà ko nhận được mảy may 1 lời nói, hay 1 cử chỉ đáp lại nào, anh đánh liều bộc lộ tình cảm của mình đối với cô gái qua câu chuyện La Belle et la bête (Người Đẹp & Ác Thú). Song, đối diện với anh vẫn là cô gái có gương mặt nghiêm nghị & lạnh lẽo, mải mê may vá & ko nói 1 lời…
Thế rồi, 1 buổi tối, anh sĩ quan xuất hiện như thường lệ, nhưng lần này để từ biệt sau khi báo tin mình sẽ thuyên chuyển đến vùng chiến tuyến rực lửa, do thất vọng khi biết rằng mục đích Đức xâm chiếm Pháp là để tiêu diệt chứ ko phải xây dựng. Và cô gái, màu nhiệm thay, đau đớn vì tin sét đánh đến đỗi thốt lên lời tạ từ, “Adieu”, tiếng nói đầu tiên, cuối cùng & duy nhứt cô dành cho anh sĩ quan sau ngần ấy thời gian che giấu mối tình mãnh liệt dưới khuôn mặt vô hồn...
Có lẽ, Werner tượng trưng cho cái đẹp của những con người mê đọc sách.
Vn cái thời những năm 90, nếu lỡ có vẩn vơ rảo bước trên vỉa hè những góc phố cũ Hiền Vương, Lương Nhữ Học, thì thi thoảng cánh đàn ông lại gặp 1 cảnh tượng khá nguy hiểm: trên 1 cửa sổ rêu phong, hoặc trên 1 ban công biệt thự nhỏ có giàn ti-gôn, thấp thoáng 1 thiếu nữ hay 1 thiếu phụ đang ngồi đọc sách.
Trong ánh hoàng hôn nhợt nhạt sót vài vệt nắng, có 1 âm hưởng gì đó rất đỗi dịu dàng, bất trắc xoáy vào tim của kẻ đang ngẩn ngơ nhìn trộm. Anh ta vĩnh viễn ko còn được chính là anh ta nữa. Nếu chưa yêu thì anh ta sẽ yêu. Nếu đang định làm 1 việc khuất tất thì anh ta sẽ lưỡng lự dừng bước. Được thấy 1 người đang đọc sách tử tế, ko nhứt thiết đấy phải là 1 cô gái, mà dù có là ai đi nữa thì cũng làm người nhìn bỗng dưng cảm thấy thiện lương.
Giờ đi ngoài phố, nếu cố ý tìm, cũng chẳng mấy khi thấy ai đọc sách. Ở các quán cf hay phòng chờ bay, đàn ông chỉ háo hức há hốc mồm đọc báo hoặc khề khà, ba hoa hoặc tán phét. Đám trẻ sành điệu thì dán mắt vào đt hoặc máy tính xách tay. Dĩ nhiên là cái thứ a-dua-thời-thượng-đầy-tiện-lợi-này đương nhiên cũng có sách, nhưng những dòng chữ ở cái màn hình ấy đã bớt đi ít nhiều sự khiết thuần, bởi đơn giản, nó phải sống cùng với game, với chat-chit, thậm chí cả với ảnh người mẫu cởi truồng. Đọc sách ko cần 1 nghi thức thiêng liêng, nhưng tuyệt nhiên cũng ko dung tục chia duyên với phường phồn thực.
Đọc sách tốt nhứt cần có 1 chỗ ngồi tĩnh tại tựa như thư viện để có thể lửng lơ thả hồn, mặc kệ thói đời ngoài kia sắc tối bủa vây. Khi đó, đọc sách ko hẳn là phương tiện truyền tải kiến thức để truy cầu lợi danh, mà ngta sẽ đọc như 1 tín đồ thành kính đều đặn đi lễ nhà thờ hay cửa chùa để dưỡng tâm an lạc, chứ ko nhằm minh chứng nội hàm ngoan đạo.
Khi ấy, đọc là 1 nhu cầu tự nhiên từ nội tại riêng tư, 1 cách sống, 1 kiểu tu tâm dưỡng tánh. Kiến thức khi đó là vô hạn, tri thức khi đó là vô lượng, chỉ khi nào bắt đúng mạch chảy cuộc đời họ mới miễn cưỡng thi triển.
Điều này khác xa với những tuần lễ “văn hóa đọc” phong trào, khi ngta thường hay xướng tên các vị doanh nhân - những quý ông, quý bà khả kính (có vẻ như tài trợ cho sự kiện này?) rất hay sử dụng 1 mẫu câu lịch lãm, kiểu “Tôi là người mê đọc sách...” - những người vẫn giàu sang & thi thoảng vẫn thiện lương.
Có điều, đôi lúc gặp chuyện bất hạnh hoặc bá cường, hầu hết bọn họ đều oán than, bẽ bàng, cáu kỉnh, ngỡ ngàng, chếnh choáng, mặc thế nhân…
Truong Quoc Hung