Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!

Viết bởi 
29/01/2023 - 08:01

Tiến sĩ (TS.) Lê Thái Hà hiện đang là Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture. Trước khi gia nhập Quỹ VinFuture, TS. Thái Hà đã có gần 3 năm làm Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên Cao cấp tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam và 7 năm làm Giảng viên Cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam.

TS. Thái Hà đã công bố gần 70 bài báo nghiên cứu khoa học trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín. Theo xếp hạng của các chuyên gia thuộc Đại học Stanford được đăng trên tạp chí khoa học PLoS Biology vào năm 2021, TS. Thái Hà có tên trong top 1% các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong tất cả lĩnh vực khoa học và là nhà nghiên cứu nữ người Việt duy nhất ở trong xếp hạng này.

Đặc biệt, TS. Thái Hà có thời gian hoàn thành luận án Tiến sĩ ngắn kỷ lục, hoàn thành chương trình Tiến sĩ của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore chỉ trong hai năm vào năm 24 tuổi.

Gặp TS. Lê Thái Hà trong một buổi sáng mùa thu tại khuôn viên trường đại học VinUniversity, sự nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học cũng như góc nhìn dung dị với cuộc sống thể hiện rõ qua những câu chuyện mà vị tiến sĩ này chia sẻ.

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 1.
Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 2.

 

Chào TS. Lê Thái Hà, cơ duyên nào khiến chị quyết định về làm việc tại VinGroup và trở thành giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture?

Tôi bén duyên với Tập đoàn 3 lần trong đó có 2 lần lỡ duyên vì chưa muốn rời xa con đường học thuật và cuộc sống ổn định ở TP. HCM. Đến lần thứ 3 là lúc Quỹ VinFuture đã đi vào hoạt động được 1 năm, giai đoạn này thế giới cũng trải qua 2 năm đại dịch và suy nghĩ của tôi cũng thay đổi nhiều hơn. Cuối cùng, sau buổi gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ chân thành, tâm huyết của Nhà sáng lập Quỹ, tôi cảm nhận đây là thời điểm mình có thể thực hiện một cuộc “chuyển giao” lớn.

Một lý do quan trọng dẫn đến quyết định thay đổi định hướng sự nghiệp tại thời điểm này là tôi rất trân trọng tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ. Quỹ hướng đến những phát minh khoa học có tác động lớn đến con người. Quan trọng hơn cả là trong tương lai khi các hoạt động kết nối và chuyển giao khoa học công nghệ của Quỹ cũng như Giải thưởng VinFuture đạt được sự lan tỏa và sức ảnh hưởng như kỳ vọng, vô hình trung sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Việc quyết định gắn bó với VinFuture cũng là cách tôi thử thách bản thân. Mặc dù Quỹ đã đi vào hoạt động được 1 năm, không phải là người đặt những viên gạch đầu tiên nhưng tôi vẫn đang cùng các đồng nghiệp tiếp tục cải thiện và xây dựng thêm nhiều hoạt động vì Quỹ còn quá mới. Chính quá trình đặt những viên gạch tiếp theo này làm tôi cảm thấy thích thú dù cũng rất thách thức. Bởi đây là quá trình sẽ khiến tôi trưởng thành và học hỏi được nhiều điều hơn. 

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 3.

 

Trước khi gia nhập quỹ VinFuture, tiến sĩ từng có 10 năm hoạt động giảng dạy. Cảm xúc của chị thế nào khi “gác lại” công việc giảng dạy mà mình đã làm suốt một thập kỷ qua và bắt đầu một bước tiến mới?

Có 2 cảm xúc song hành trước khi tôi đưa ra quyết định gia nhập VinFuture. Đầu tiên là bồi hồi, xúc động vì tôi sẽ phải tạm xa trường lớp và giảm nhiều sự tập trung cho công việc nghiên cứu khoa học của mình. So với ngày trước thì thời gian làm nghiên cứu của tôi bây giờ chỉ còn khoảng 15% nên có những lúc tôi thấy nhớ lắm… May là Quỹ VinFuture đặt văn phòng tại ĐH VinUni, vẫn thường xuyên gặp các giáo sư, sinh viên nên tôi cũng không cảm thấy quá xa lạ và thấy môi trường học thuật vẫn như ở ngay đây thôi.

Cảm giác thứ 2 là hào hứng, thích thú xen lẫn chút hồi hộp khi bước vào một thử thách mới, môi trường mới, trở về Hà Nội sau 9 năm sống và làm việc tại TP. HCM. Đặc biệt là theo đuổi công việc với phạm trù tính chất khá khác biệt.

Hàng ngày tôi và các cộng sự làm việc và trao đổi với rất nhiều chuyên gia và học giả hàng đầu ở các trường, viện, tổ chức trên khắp thế giới – nói chung, Quỹ có một tệp đối tác rất đa dạng và đông đảo. Họ là những cá nhân xuất sắc nên cũng đòi hỏi rất cao trong sự chuẩn chỉnh về công việc. Vậy nên chúng tôi phải rất kỹ lưỡng, và công việc quản lý của tôi vừa đòi hỏi tốc độ nhanh, vừa đảm bảo chất lượng để xứng đáng với tầm vóc của Quỹ và kỳ vọng của Nhà sáng lập. 

Công việc mới mang tính bước ngoặt, kéo theo rất nhiều thay đổi trong cuộc sống của tiến sĩ. Chị có mất nhiều thời gian hay phải “đấu tranh tâm lý” nhiều trong quá trình suy nghĩ cho cuộc chuyển giao mới này không?

Tôi mất khá nhiều tuần suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều yếu tố. Tôi phải thay đổi nơi mình đã quen thuộc với điều kiện sống và làm việc rất tốt sau 9 năm. Tôi ở một nơi rất khác, văn hóa xung quanh khác, văn hóa làm việc, tính chất công việc cũng rất khác. Nhìn chung, mọi thứ đều khác rất nhiều, đòi hỏi tôi phải thích nghi.

Một số cộng sự nghiên cứu thân thiết không phải ai cũng ủng hộ tôi về quyết định đánh đổi đường hướng sự nghiệp này và ở một mức độ nào đó, cũng đã làm tôi suy nghĩ. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu tôi. Từ một lĩnh vực mình đang rất thân quen, có nhiều tiềm năng phát triển, giờ chuyển sang một lĩnh vực khác, liệu có quay đầu lại được không? Liệu lúc quay đầu lại có bị mất đà tăng của lúc trước không? Ngược lại, nếu mình cứ luôn ở một chỗ, sẽ rất thoải mái nhưng liệu như vậy thì mình có phát triển được thêm không, mai sau liệu có nuối tiếc vì không thử sức không? Và tôi vẫn quyết định thử thách bản thân và gửi gắm niềm hy vọng về một phiên bản tốt hơn của chính mình trong cuộc chuyển giao công việc này. Bởi cuộc sống cuối cùng là sự trải nghiệm, tôi cho rằng mình vẫn đang ở độ tuổi trải nghiệm được thì nên thử. Trước sự chuyển giao này, tôi cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình, vậy thì có lẽ cũng không cần băn khoăn thêm nữa.

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 4.
Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 5.

 

Kể cả khi bận rộn với công việc điều hành Giải thưởng VinFuture hay công việc giảng dạy như ngày trước, tiến sĩ vẫn đều đặn công bố các bài báo nghiên cứu khoa học. Đâu là động lực, nguồn cảm hứng khiến chị say mê nghiên cứu khoa học đến vậy?

Đầu năm 2013, khi làm việc tại RMIT, chỉ tiêu công việc (KPI) được giao lúc đó chỉ là chất lượng giảng dạy nhưng tôi vẫn muốn làm nghiên cứu khoa học. Lúc ấy, tôi nghĩ mình mới tốt nghiệp PhD về, nếu không làm nghiên cứu nữa thì lãng phí kiến thức quá. Tôi làm nghiên cứu khoa học vì tôi cảm thấy thích và không muốn lãng phí những gì mình đã dành tâm trí theo đuổi. Bởi không có gì dễ trôi bằng kiến thức nếu như mình không trau dồi liên tục. Mỗi khi có thêm 1 bài báo nghiên cứu khoa học của mình được đăng, tôi đều cảm thấy rất vui và dù có thêm bao nhiêu bài thì niềm vui này vẫn như những ngày đầu. Tôi hay nói đùa với mọi người trong nhóm nghiên cứu là: “Tiền bạc có thể sinh ra hay mất đi nhưng bài báo khoa học thì sẽ luôn còn mãi”. 

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 6.

 

Nhiều người có suy nghĩ rằng, làm nghiên cứu khoa học khô khan lắm, chị có nghĩ vậy không? Một công việc mang nhiều tính chất “đặc thù” về kiến thức như nghiên cứu khoa học, với chị, để xuất bản được một bài báo nghiên cứu, có cần cảm hứng không?

Khi tập trung làm khoa học, sẽ không tránh khỏi những cuộc tranh luận, có lúc nhẹ nhàng, đôi khi gay gắt. Tôi nhận thấy người làm khoa học thường có quan điểm và lập trường rất vững chắc đến nỗi nhiều khi rất khó xoay chuyển. Thế nên nhiều người nói rằng “dân” làm khoa học thường khá “khô khan” và cứng nhắc. Tuy nhiên, công việc này cũng cần cảm hứng. Thật ra làm khoa học cũng cần cảm hứng sáng tạo như nghệ thuật vậy, nhưng khác là sáng tạo kiến thức mới, lý thuyết mới. 

Được biết, tiến sĩ từng có thời gian hoàn thành luận án Tiến sĩ ngắn kỷ lục tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Điều gì đã khiến chị làm được điều rất ấn tượng này?

Trải nghiệm ban đầu khá thách thức nên tôi cần rất nhiều sự nỗ lực, và cả may mắn nữa. Thời điểm khó khăn nhất của tôi là trong 2 tuần đầu học tiến sĩ. Thú thực, tôi học trường chuyên, lớp chọn từ bé, nên đã từng nghĩ rằng việc học lý thuyết với mình có lẽ là đơn giản nhất. Nhưng khi vào tuần đầu của chương trình PhD, mọi thứ đã khác. Đây là lần đầu tiên tôi đi học mà không hiểu rõ lắm cái gì đang xảy ra. Cảm giác lúc đó như kiểu “bị rơi xuống vực thẳm” vì trước đó tôi còn đang khá tự hào là một trong những học viên hiếm hoi ở trường vừa hoàn thành cử nhân đã được học bổng toàn phần học tiến sĩ ngay – nhưng rồi mới học tuần đầu đã như vậy. Điều này khiến tôi cảm thấy tự xấu hổ, ngờ vực bản thân. Tôi đã nghĩ chắc không sao đâu, vì mình chưa học qua thạc sĩ nên bị “hổng” so với mọi người lúc đầu, rồi sẽ quen thôi; nhưng rồi nhận ra chẳng có gì là tự nhiên sẽ quen cả nếu mình không cố gắng.

Đến tuần tiếp theo, tôi vẫn bị rơi vào tình trạng như vậy. Cảm thấy không thể chấp nhận được nữa, tôi đã tự “đóng cửa”, lên mạng tìm đọc tất cả những kiến thức để xóa khoảng cách đấy trong vòng hơn 1 tuần. Bắt đầu đến tuần thứ 4, nỗ lực đã được đền đáp, tôi đi học đã hiểu được trọn vẹn kiến thức.

Giờ nhìn lại, trải nghiệm học ở 2-3 tuần đầu trong chương trình tiến sĩ đúng là đã từng như một cú shock với tôi. Nhưng có lẽ muốn đạt được một bước phát triển mới thì thường sẽ phải trải qua những ngờ vực, khủng hoảng như vậy. Và chính điều đó đã tiếp thêm cho tôi động lực để đẩy nhanh quá trình học tiến sĩ. 

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 7.

 

Quá trình sau đó diễn ra như thế nào và với chị có nhiều khó khăn không?

Một vài tuần sau, tôi không chỉ học những kiến thức được giảng trên lớp nữa, mà bắt đầu tìm đọc những bài nghiên cứu của các thầy. Có một lần, lúc giảng bài, thầy dạy môn toán kinh tế nâng cao có nói rằng: “Tôi đang có bài nghiên cứu này và đang bị tắc ở phần này”. Sau đó về nhà, tôi ngồi “nghiền ngẫm” bài của thầy và phát hiện ra thầy tính chưa đúng ở một chỗ và giúp thầy “giải quyết” được bài nghiên cứu mô hình toán kinh tế đang dang dở. Từ lúc đó, thầy bắt đầu để ý đến tôi hơn, và dành nhiều sự động viên để tôi tin tưởng hơn vào năng lực của mình.

Sau đó, tôi muốn mình phải viết được các bài báo nghiên cứu khoa học. Thay vì tập trung toàn lực vào việc học trên lớp như các bạn PhD năm một khác, tôi vừa học kiến thức qua bài giảng vừa tự tập cách viết bài báo khoa học dù giáo sư hướng dẫn tôi thời điểm đó chưa kỳ vọng vào chuyện này.

Cuối cùng, khi đã có nhiều yếu tố hội tụ như điểm số tốt, cao nhất trong khóa, có 2 bài báo khoa học được đăng, tôi thấy mình đã sẵn sàng để tốt nghiệp. Nhưng tôi cũng phải thuyết phục hội đồng trường. Tôi vẫn nhớ phiên bảo vệ luận án tiến sĩ của tôi, rất nhiều các bạn nghiên cứu sinh ở các ngành khác trong trường đến tham dự mặc dù lĩnh vực không liên quan. Tôi nghĩ có thể vì các bạn tò mò tại sao có người mới học PhD 2 năm mà đã “dám” bảo vệ. Lúc bước vào phòng, tôi thấy đông người nên cũng ngạc nhiên và khá hồi hộp, nhưng vì chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên tôi may mắn cũng có phiên bảo vệ thành công.

ky niem 25 nam hop tac harvard fulbright 1 16639214945762072457826
le tot nghiep phd cua ha 1 1663921494570453583000

Trong câu chuyện hoàn thành luận án ngắn kỷ lục này, chị có những sự việc nào đặc biệt ấn tượng không?

Có 1 kỷ niệm như thế này. Khi tôi hoàn thiện xong bài nghiên cứu đầu tiên và bày tỏ nguyện vọng muốn thầy xem giúp để nộp báo khoa học, thầy có nói với tôi rằng cứ nghiên cứu sâu thêm đi, chưa cần phải vội nộp báo. Tôi với thầy từng tranh luận nhiều về vấn đề: “Tại sao phải có bài báo khoa học quá nhanh? Tại sao em muốn tốt nghiệp sớm?”. Nhưng lúc đó, tôi đã tự hỏi bản thân là bài của mình đã đủ tiêu chuẩn và mình tự thấy cũng không thua gì những bài báo quốc tế khác, vậy tại sao mình lại không thử sức nộp? Thế là với sự nôn nóng của tuổi trẻ, tôi đã quyết định tự nộp báo. Khi biết chuyện, thầy ban đầu cũng giận nhưng rồi với sự bao dung, thầy cũng hiểu và chúc mừng khi bài báo nghiên cứu khoa học của tôi được đăng.

Lúc ấy, trường tôi có quy tắc thời gian hoàn thành PhD tối thiểu là 2 năm. Tôi rất muốn tốt nghiệp sớm nên đã chờ tròn 2 năm để đủ điều kiện tốt nghiệp. Tôi cũng rất cảm động vì GS hướng dẫn cuối cùng cũng ủng hộ tôi. Tôi với thầy vẫn giữ trao đổi và viết bài cùng nhau đến tận bây giờ.

Sau khi tôi ra trường, thầy có kể lại với tôi rằng câu chuyện tốt nghiệp sớm của tôi lan rộng ở trường. Có những bạn ở các ngành khác đến gặp thầy để xác nhận và hỏi thăm kinh nghiệm. Sau này, trường NTU đã thay đổi quy tắc là phải học tối thiểu 3 năm mới tốt nghiệp PhD để tránh những thắc mắc thế này. 

Vì sao tiến sĩ phải tốt nghiệp nhanh như thế?

Lúc đó suy nghĩ đơn giản lắm. Tôi chỉ nghĩ là: Nếu có thể làm nhanh, hoàn thành sớm được thì tại sao phải để lâu? Thực ra, từ khi học chương trình cử nhân ở NTU, tôi cũng đã hoàn thành chương trình chỉ trong 3 năm rưỡi thay vì 4 năm như yêu cầu thông thường.

Quan trọng hơn, tôi muốn được tự do tìm hiểu nhiều ý tưởng ở các lĩnh vực khác nhau và trở thành một người giảng dạy chứ không muốn mãi là một nghiên cứu sinh làm trợ giảng. Khát vọng như vậy làm cho tôi muốn ra trường sớm để làm mọi thứ độc lập, được trở thành giảng viên và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học như mình mong muốn. 

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 9.

 

Có thể đạt được những thành tựu ấn tượng như vậy, chắc hẳn tiến sĩ cũng được gia đình giáo dục theo một cách rất đặc biệt?

Điều mà tôi trân trọng nhất ở gia đình mình là bố mẹ rất hạnh phúc và dành cho tôi và em gái sự quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Nhất là mẹ, mẹ luôn tạo cho tôi niềm tin là tôi sẽ làm được. Nếu có điều gì tôi sợ mình không làm được, mẹ luôn động viên là làm gì mới đầu cũng có thể có những lúc bị mắc lỗi, sơ suất, quan trọng là đừng lặp lại những lỗi đó nên hãy cứ thử sức. Điều đó tiếp cho tôi sự tự tin. Đến khi tôi làm được rồi, bố mẹ rất vui, và thường bày tỏ sự hài lòng bằng nụ cười chứ rất kiệm lời khen (cười).

Bố mẹ cũng luôn nhắc tôi về tầm quan trọng của sự chân thành trong cuộc sống. Đó là khi mình làm điều gì với người khác thì phải đặt địa vị mình vào người đó. Lời nhắc nhở này đã giúp tôi có được những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và ngoài xã hội, hiếm khi xảy ra xích mích với ai, dù bản thân không phải là người khéo léo.

Bố mẹ còn “dành tặng” cho tôi văn hóa kỷ luật của một gia đình quân đội. Bố mẹ tôi là người rất kỷ luật, rất chính xác về giờ giấc. Và dần dần, cả hai chị em tôi cũng học được sự kỷ luật ấy.

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 10.

 

Văn hóa kỷ luật của gia đình đã song hành với tiến sĩ trong cuộc việc như thế nào?

Thường tôi đã nhận deadline thì rất hiếm khi trễ trừ những lí do bất khả kháng. Lúc bé đi học, tôi không bao giờ nộp bài trễ. Tôi sẽ hoàn thành trước deadline vài ngày. Cách làm việc như vậy cho tôi cảm giác an toàn. Nhưng bây giờ khối lượng công việc lớn hơn trước rất nhiều, các mối quan tâm trong cuộc sống cũng nhiều hơn thì đòi hỏi thêm sự linh hoạt, mình phải xem cái gì cần ưu tiên trước.

Deadline là kim chỉ nam còn sự linh hoạt cho mình cách tiếp cận phù hợp nhất với nguồn lực, thời gian mình có để đạt được mục đích, đạt được kim chỉ nam đó. 

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 12.
Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 13.

 

 Công việc bận rộn như vậy, tiến sĩ có bao giờ lo lắng rằng, mình không dành “đủ nhiều” thời gian cho gia đình, con cái không?

Nỗi lo này có. Mỗi lần đứng trước quyết định mình có nên nhận thêm công việc mới, dự án nghiên cứu mới, tôi luôn tự hỏi là công việc mới này có chiếm mất nhiều thời gian của mình cho gia đình không. Khi tôi bị quá bận rộn trong vòng khoảng một tuần, con vào phòng mình mà mình không thể chơi được với con, tôi sẽ hỏi bản thân như vậy liệu có ổn không, mình có đang đi đúng hướng không.

Khi tôi chuyển sang làm việc tại Quỹ VinFuture thì đây đúng là câu hỏi rất lớn. Lúc ấy, tôi suy nghĩ là: “Công việc bận rộn như vậy thì mình có cân bằng được với cuộc sống gia đình không?”. Công việc nào mà về lâu dài nhận thấy không thể cân bằng với sức khỏe và cuộc sống, gia đình thì tôi sẽ không thể cam kết. Mặc dù đúng là tôi có kỳ vọng cao trong công việc nhưng không có nghĩa là tôi sẽ từ bỏ thời gian cho gia đình. Hiện tại, tôi thấy công việc vẫn cho phép tôi dành thời gian cho gia đình nên tôi cảm thấy vẫn yên tâm để tiếp tục đóng góp. Với tôi, công việc có thể có sự ưu tiên ở một vài thời điểm, giai đoạn nào đó nhưng chắc chắn là gia đình luôn quan trọng và kim chỉ nam cho tôi là gia đình.

Đến bây giờ, khi đã trở thành một người mẹ, nhất là khi là một người mẹ có nhiều thành tựu trong ngành giáo dục, khoa học, chị có đặt lên con trai mình nhiều kỳ vọng?

Trước khi sinh con, tôi đã nghĩ rằng, mai sau có con thì con mình phải thành công hơn mình, học hỏi những kinh nghiệm mình đã trải qua. Mình sẽ cho con đi học rất nhiều lớp để con được phát triển toàn diện và đạt được những thành công hơn những gì mà mình đạt được. Tôi đã từng có nhiều kỳ vọng và nghĩ nhiều về việc mình sẽ giáo dục con như thế nào để con thành công hơn mình.

Nhưng khi có con rồi, tôi lại suy nghĩ khác: tôi chỉ cần con vui vẻ, khỏe mạnh. Bây giờ, với tôi, con muốn làm gì cũng được, miễn là bạn ấy khỏe mạnh, thấy vui, hạnh phúc và không làm ảnh hưởng đến ai là tôi ủng hộ hết. Và chắc chắn một điều rằng, tôi sẽ không bắt bạn ấy phải học nhiều như tôi ngày xưa – trừ khi đó là sự lựa chọn của con.

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 14.

 

Tiến sĩ có cách giáo dục con trai của mình như thế nào?

Theo tôi, với con trẻ, cách dạy tốt nhất là làm gương và hành động. Chẳng có bài giảng đạo đức nào tốt bằng chuyện làm gương cả. Tôi quan niệm, mình muốn con yêu thương mình thì mình sẽ quan tâm, yêu thương con rất nhiều. Mình thể hiện tình cảm với con thế nào thì con cũng thể hiện tình cảm lại như vậy. Muốn giáo dục con gì thì mình phải làm gương cho con. Đây là điều quan trọng nhất ở lứa tuổi này của bé. Còn mai sau khi con lớn hơn, có thể hiểu những lời dạy hay bài học sâu sắc hơn, mình sẽ áp dụng thêm những cách khác.

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 15.

 

Người ta vẫn thường nói: “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Vậy với một người phụ nữ như tiến sĩ thì “phía sau” chị là một người đàn ông như thế nào?

Tôi may mắn có một người chồng luôn tin tưởng vào năng lực và khuyến khích tôi trong công việc. Tôi với anh xã gặp nhau lần đầu ở hội nghị lớn về tài chính do trường anh tổ chức. Trong buổi trình bày của tôi, anh tham dự và nói với tôi rằng anh cảm thấy rất ấn tượng với tôi, sau đó chúng tôi giữ trao đổi, liên lạc. Lúc ấy, anh cũng đang vừa học PhD, vừa làm giảng viên ở trường bên đó.

Vợ chồng tôi một người chuyên về kinh tế, một người lại chuyên về tài chính. So với giới khoa học, tôi kết hôn khá sớm – từ năm 25 tuổi, vì bị chồng tôi “dụ” là hai vợ chồng lấy nhau về sẽ thuận tiện trong việc trao đổi và viết nhiều bài nghiên cứu khoa học với nhau. Nhưng khi kết hôn rồi thì anh xã lại chuyển sang làm trong doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn có vài bài nghiên cứu khoa học cùng nhau nhưng số lượng thì thua xa kỳ vọng của lời hứa năm nào (cười), vì công việc của anh rất bận và không thể dành thời gian cho khoa học nữa. Đến bây giờ thì anh xã dường như lại thành công trong việc “lôi kéo” tôi về môi trường doanh nghiệp.

Chúng tôi hiểu nhau và hỗ trợ nhau trong công việc. Ngày xưa tôi làm nghiên cứu học thuật, giảng dạy, anh xã rất hiểu công việc của tôi vì anh cũng từng làm. Và bây giờ khi tôi làm trong môi trường doanh nghiệp, tôi cũng hiểu công việc của anh hơn trước. Chúng tôi hay thảo luận những chủ đề về kinh tế, xã hội, doanh nghiệp và sự ảnh hưởng lẫn nhau thế nào. 

 

Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture: Để đạt được bước phát triển mới, thường phải trải qua những ngờ vực!  - Ảnh 16.

 

Ngoài những vấn đề liên quan đến chính sách, kinh tế, doanh nghiệp thì với những công việc gia đình, tiến sĩ và chồng đồng hành với nhau ra sao?

Trong nhà, hai vợ chồng tôi phân chia nhiệm vụ tương đối rõ ràng, cụ thể. Nói vui là, mỗi công việc trong gia đình tôi đều được vận hành như một dự án, một người là leader (lãnh đạo) thì người còn lại là supporter (hỗ trợ). Người leader sẽ là người được quyết định nhưng có thể tham khảo ý kiến của supporter. Thường trong các vấn đề liên quan đến con cái, ví dụ như trường con học ở đâu, con ăn uống như thế nào thì tôi sẽ là người lead và anh ấy sẽ hỗ trợ. Tôi quyết định trường cho con nhưng anh ấy sẽ cùng tôi đến trường để tìm hiểu các thông tin. Còn những việc liên quan đến nhà cửa, chỗ ở thì anh ấy sẽ lead còn tôi sẽ ở vai trò hỗ trợ (cười).

Phương châm của tiến sĩ trong công việc, cuộc sống cũng như trong hôn nhân là gì?

Tôi chỉ muốn làm thế nào để mình và những người mình quan tâm cảm thấy thoải mái. Có nhiều “yếu tố” tạo nên sự thoải mái này. Ví dụ, khi làm việc, mình cảm thấy mình có ích, đồng nghiệp làm việc với mình có thể phát huy, gắn kết, và sếp hài lòng. Mình có thể hoàn thành công việc như kỳ vọng mà không phải đánh đổi nhiều về sức khỏe, thời gian cho gia đình. Tất cả những yếu tố đó khiến mình cảm thấy thoải mái. Tôi nghĩ, mình dù bận rộn nhưng thấy an yên, vui vẻ mỗi khi đi làm và về nhà, thế mới là thành công. 

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Minh Nguyệt

Nhipsongkinhte.toquoc.vn

BOOKING BÁO CHÍ - TRANG TIN - MXH   


 

LOGO-TONGHOP

©SpotlightVietnam2020 


 279/GP-BTTTT cấp ngày 13-05-2021 

Cơ quan chủ quản: Công ty Truyền thông Spotlight Vietnam

 Địa chỉ: 156 Chiến Thắng, P9, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM 

Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Nguyên Thảo 

Hotline: 0345 700 300

Liên hệ hợp tác - bảo trợ truyền thông

[email protected]