I: Phong tỏa
16h15 ngày 5/6, Chủ tịch Phường Phú Mỹ gọi điện : “Chú ơi, 15 phút nữa Phường sẽ xuống Chung cư Bellza phong toả Tháp E25”.
Choáng ! Tự nhiên tôi như có 1 luồng điện chạy dọc sống lưng. Vẫn biết trong tình hình dịch dã như hiện nay cũng sẽ có lúc mình phải đối diện với những tin tức như thế này, bởi ngay trong Quận 7 cũng đã nhiều nơi bị phong toả, nhưng khi đến lượt mình thì một cảm giác khó tả dâng trào. Lo lắng bồn chồn, hết nghĩ khôn lại dồn đến dại, phen này không khéo thì “toang”.
Tôi ba chân bốn cẳng chạy xuống dãy E của Chung cư thì đã thấy xe Cảnh sát, xe của Uỷ ban Phường, xe của Trung tâm y tế Quận ùn ùn kéo đến. Nhanh thế ! Tiếp theo là đội ngũ nhân viên của Quận, của Phường rồng rắn đi xe máy kéo theo sau. Thật giống như một cánh quân vào trận. Bà con ngơ ngác, không hiểu chuyện gì xảy ra. Một ai đó lớn tiếng: Bà con cô bác chú ý, ai về nhà nấy, khu E25 bị phong toả vì có người bị nhiễm Covid.
Hoảng hồn ! Tiếng hô vừa phát ra, tất cả như ngừng chuyển động rồi bừng tỉnh. Các ông bà già lập cập đẩy xe nôi, các quán hàng quáng quàng thu dọn, những người nồi hóng mát trên các dãy ghế vườn hoa, người đi bộ, trẻ con chơi bóng rổ, trượt Ba tanh như bị hút vào trong các toà nhà. Không khí buổi chiều đang mát mẻ tự nhiên ngột ngạt, khó thở…
Chủ tịch Phường phăm phăm đi trước, tiếp theo là Trưởng ban Quản lý toà nhà, Chủ tịch MTTQ. Các vật tư vật liệu đuợc dỡ xuống. Hàng rào, vật cản, bàn ghế, lều bạt, loa kéo, bình nước, dụng cụ sát khuẩn… đủ thứ linh tinh được dàn ra sắp đặt từng lớp, từng lớp như một trận địa phòng ngự nhanh chóng hình thành; một cỗ máy, nhịp nhàng, ăn khớp. Chỉ trong chưa đấy 1 giờ mọi thứ đã hoàn tất. Ai vào vị trí người nấy.
Ráng chiều nhoè nhoẹt tắt nắng, ùng oàng tiếng sấm đâu đây, phía tây nam chân trời phủ một lớp mây nặng chịch. Đèn đường bật sáng, ánh sáng vàng vọt hòa trong ráng chiều tạo nên một thứ màu sắc ảm đạm. Đội hình các Y, Bác sỹ đi vào, gương mặt người nào người nấy phờ phạc vì mất ngủ hay vì quá căng thẳng cũng chả biết nữa, chỉ biết ngay sau khi đến chẳng ai nói với ai, lần lượt mặc quần áo bảo hộ chống lây nhiễm, lôi các thứ dụng cụ đồ nghề từ trong túi bày ngăn nắp trên bàn chuẩn bị cho việc lấy mẫu xét nghiệm.
18h, loa phóng thanh của Chung cư ọ ẹ như người ngạt mũi thông báo cho mọi người xuống sảnh chung cư lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi chờ mọi người trên tầng đi xuống, các bác sỹ mang dụng cụ đồ nghề đi lên các tầng ở gần với căn hộ Bệnh nhân F0 lấy mẫu xét nghiệm trước. Một lát sau, Bà con từng tầng lần lượt đi xuống, nét mặt ai ai cũng không tránh khỏi lo âu.
Từng nhóm, 5 người một vào lấy mẫu. Lớp người xếp hàng rồng rắn tiến vào, chẳng ai nói chuyện với ai, im lặng lầm lũi chờ đến lượt mình dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Những cái nhăn mặt khó chịu khi bác sỹ dùng chiếc que có quấn bông ở đầu chọc vào mũi ngoáy ngoáy. Trời âm u, không có một ngọn gió, không khí ngột ngạt khó chịu. Trong chiếc áo chống nhiễm khuẩn chốc chốc các nhân viên y tế lại đưa tay xốc xốc vạt áo, dường như để tìm một chút khí mát hiếm hoi trong chiếc áo màng ni lông kín mít từ đầu đến chân.
20h30, một nhóm người 7 cô cậu thanh niên đi xe máy ào vào, giống như vừa nhảy dù xuống. Dựng xe thay đồ chống dịch, khoác máy tính tiến vào khu vực lấy mẫu. Chiếc áo thì rộng thùng thình, cả 7 đứa đều nhỏ thó, trông giống như 7 chú lùn trong chuyện cổ tích “Nàng bạch Tuyết” hoặc chí ít cũng như các nhà thám hiểm đi trên mặt trăng. Họ là những sinh viên tình nguyện của Thành phố sắn sàng lao đến vùng dịch.
21h, tiến độ lấy mẫu có vẻ chậm, Chủ tịch Phường ghé tai nói: “Chú, chú, chú giúp con cho gọi bà con 2 tháp bên cạnh xuống nhanh để lấy mẫu, kiểu này đến hết đêm chưa chắc đã xong”. Ông Chủ tịch Mặt trận khoát tay yêu cầu đội Dân quân thường trực kê thêm bàn cho đội lấy mẫu làm việc. Bộ phận kỹ thuật chung cư mắc thêm đèn chiếu sáng.Tôi gọi điện cho các tổ trưởng dân phố, loa chung cư lại lên tiếng. Giọng Phó ban Quản lý lanh lãnh giục dã như trống trận. Chừng 10 phút, mọi người rùng rùng kéo xuống. Ông Phó chủ tịch Phường chỉ huy đội dân quân hướng dẫn bà con giữ khoảng cách. Ông bà già, các con trẻ, người trưởng thành xếp thành những hàng dài đợi lấy mẫu.. Bầu trời vẫn oi nóng ngột ngạt, thời gian năng nề chuyển dịch như ngừng trôi. Đêm nay có lẽ là một đêm không bao giờ quên đối với Chung cư Bellza.
22h15. Bí thư Đảng uỷ Phường gọi điện, nói như liên thanh: “Chú ơi, tình hình bà con mình dưới đó thế nào rồi ?, có gì chú nắm tình hình giúp tụi Con nhé”.
Lại chú, sao mà cán bộ trong Sài Gòn ai cũng xưng hô với lớp người như mình bằng chú xưng con thế nhỉ ?! Nghe kỳ kỳ nhưng mà thấy dễ thương !. Yên tâm đi Bí thư ạ. Bà con ở đây vững vàng lắm.
23h45, đêm về khuya, từ con sông Rạch Bàng thi thoảng một ngọn gió cô đơn len lõi luồn vào mát rượi. Bác sỹ, trưởng trạm Y tế báo cáo đã thu thập được gần 1000 mẫu, số còn lại không nhiều, có thể họ đi ra ngoài chung cư từ trước, chưa về hoặc vì lý do nào đó họ chưa xuống. Bây giờ các nhân viên lấy mẫu đã thấm mệt nên cho dừng ở đây, mai lấy tiếp. Chủ tịch Phường sau vài giây suy nghĩ gật gật đầu đồng ý. Mới hơn 5 tiếng, lấy mẫu được một lượng lớn như thế cũng là rất nhanh gọn. Các y, bác sỹ trút bỏ bộ quần áo phòng dịch, ai nấy người ướt đầm mồ hội, nhưng nét mặt thanh thản vì vừa hoàn thành được một công việc nặng nề và nguy hiểm.
Các bộ phận rút dần, hàng rào ngăn cách đuợc khôi phục lại, ở lại chỉ còn lực luợng công an, an ninh, dân quân tự vệ. Trên các căn hộ đèn lần luợt tắt hết, chỉ còn các ô cửa sổ tối om, nặng nề chìm vào giấc ngủ.
II. “Trong vòng vây”
Một đêm nặng nề trôi qua. Chắc gì trong vòng cách ly mấy ai đã ngủ được. Hình ảnh hàng người trầm lặng chuyển dịch từng bước vào bàn lấy mẫu, những đứa trẻ khóc thét khi nhân viên y tế đưa que lấy mẫu vào họng. Hình ảnh chiếc xe cứu thương kéo còi với hộp đèn nhấp nháy loạn xạ lao vào vùng dịch, để sau đó 2 nhân viên y tế trong bộ đồ quần áo chống dịch đưa anh nhân viên bảo vệ ra xe đi khu cách ly tập trung. Cả hàng người đang chỉnh tề xếp hàng chờ lấy mẫu dạt ra, nhường lối đi cho họ, ngoái đầu nhìn 3 nguời với ánh mắt thương cảm, lo âu vừa như nhắn gửi người ra đi sớm trở về. Những hình ảnh đó cũng đè nặng lên tâm trí tôi không sao ngủ được…
Buổi sáng bắt đầu bằng màn sát khuẩn toàn khu vực Chung cư Bellaza của lực luợng phòng chống dịch Bộ Tư lệnh TPHCM. Anh bộ đội mang quân hàm trung uý, đeo phù hiệu quân y dáng người to đậm chắc chắn chỉ huy đội hình tiến vào. Trên xe các chiến sỹ trong bộ đồ phòng dịch cầm vòi phun hướng ra 2 bên phun thuốc sát khuần mù mịt ra bên ngoài. Đội hình y bác sỹ đã đến, tiếp tục lấy mẫu cho những người đêm qua chưa làm và truy vết những người tiếp xúc với F0, F1, F2. Ban chỉ đạo chống dịch và các nhân viên của Phường cùng với các tình nguyện viên của Thành phố dàn ra chuẩn bị cho một ngày làm việc trong khu cách ly.
Toàn bộ khu Chung cư vắng lặng như một ốc đảo. Hàng quán đóng cửa, người đi lại lác đác. Khác hẳn cách đó chỉ chừng trăm mét là quang cảnh nhộn nhịp của cuộc sống đô thị. Nhịp sống đảo lộn; đây không phải là thời chiến, cũng chẳng phải là thời bình, mà đây là thời chống dịch Covid-19 !. Không còn cảnh từng tốp người đi bộ râm ran chuyện trò; những ông bà gìa rạp mình trên các máy tập ở khu thể thao, người đạp xe đạp, người tập dưỡng sinh, những người nhàn tản ngồi trong quán nhìn ra đường, nhâm nhi tách cà phê trước khi đi làm, các em nhỏ cổ quàng khăn đỏ, đeo những chiếc ba lô nặng chịch leo lên xe tới truờng.... Có trong những lúc như thế này mới tiếc nuối thời kỳ yên hàn và thấm thía sự phát hoại kinh khủng của con vi rút Corona. Chỉ sơ sểnh chủ quan một chút xí là kéo theo cả ngàn người bị liên lụy, cả hàng loạt chuỗi cung ứng của xã hội bị đứt gẫy, làm tổn hại về kinh tế, tổn hại về tinh thần không biết bao nhiêu mà tính nổi.
12h trưa. Tiếng còi xe cứu thương hú dài, nhìn từ ban công xuống, chiếc xe đang lao vút ra khỏi khu Chung cư, giống như đang cố thoát ra khỏi vòng tay ‘Thần chết”. Rợn người. Ai nấy nháo nhác!. Hay là có ai bị nhiễm nữa rồi ?! không khí buổi trưa đặc quánh, bao trùm sự lo âu. Lát sau, một tin nhắn trên Group Cư dân của Mr Hoàng: “mọi người ơi, xe vừa rồi chở bệnh nhân đi chạy thận…”. Hú hồn!. Té ra có một bệnh nhân chạy thận ở Tháp đang bị phong toả, bệnh viện cho xe cứu thương đến đón mang đi. Kể ra cái bệnh viện này cũng rất chu đáo với người bệnh đấy nhỉ.?!
Cuộc sống dù sao vẫn cứ tiếp diễn. Con người vẫn phải giải quyết những vấn đề tối thiểu để tồn tại. Những gói hàng hoá từ bên ngoài chuyển vào, lại thêm cả những đơn hàng từ bên trong chuyển ra, thượng vàng hạ cám đủ cả… Một cô gái từ bên trong toà nhà bước ra mang theo một chiếc ba lô rõ xinh gọi: “Em ơi, chị nhờ tí… Em đưa dùm con cún của chị ra ngoài cho nó ị”. Một tình huống không có trong kịch bản!? Ông chủ tịch Mặt trận nhanh trí xử lý: Cháu ơi, cháu đưa cún nhà cháu ra ngoài các chú bắt buộc phải phun thuốc khử trùng lên người nó, liệu nó có chịu nổi không?. Hơn chi cháu đem về cho nó ị vào chiếc túi ni lông rồi bỏ vào thùng rác cũng được mà. Cô gái hết nhìn ra ngoài lại nhìn bộ lông mượt mà của chú cún rồi gật đầu: “dạ con cảm ơn chú”…Những chuyện sinh hoạt đời thường trong vòng phong toả có muôn màu muôn vẻ như vậy.
Có lẽ sống trong vùng phong toả vì dịch con người ta mới có thời gian tìm hiểu về con vi rút gây bệnh hơn, thấy rõ tác hại và sự nguy hiểm của con vi rút Corona nên đã có sự đề phòng tốt hơn. Nhà có điều kiện thì mỗi khi ra khỏi nhà đều mặc áo phòng chống lây nhiễm, nhà chưa có điều kiện thì cẩn thận trong từng việc nhỏ. Vào thang máy, cẩn thận thận dùng một miếng giấy lót tay để ấn nút cầu thang, giữ khoảng cách không tiếp xúc gần với mọi người, không còn ai không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
Sau đợt lấy mẫu là khoảng thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm căng thẳng, không phải từng ngày mà từng giờ, từng phút. Bản tin về phòng chống dịch Covid của Ban quản trị Chung cư được mọi người truy cấp liên tục… 21h30 một mẩu tin trên Group của cư dân đưa tin; có 1 người ở D25 đi chung thang máy với bệnh nhân F0 chưa khai báo y tế, chưa được cách ly. Cả chung cư như bùng cháy. Trên diễn đàn mạng, mọi người la lối om sòm; chì chiết trách móc cô gái đã vô tình đi chung thang máy với bệnh nhân F0 mà không hề hay biết. Búa rìu dư luận thật tai hại, làm cho cô gái hoảng loạn tột cùng. May thay, có một “Già làng” trong chung cư gọi điện động viên cô gái bình tĩnh để cùng với nhân viên Y tế làm rõ vụ việc. Trong khi chờ sự chỉ đạo của trên, một số người quay sang chỉ trích chính quyền sao không đem xe đưa người ta đi cách ly ngay, sao còn chờ hết ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật Quận mới làm việc… Sốt ruột tôi chạy xuống khu vực đang bị phong toả, gặp chủ tịch phường đang điện thoại, nghe Giám đốc Trung tâm y tế Quận, chỉ đạo việc xử lý ca tiếp xúc với bệnh nhân F0. Nghe xong thấy người nhẹ nhõm như trút được gáng nặng. Chạnh lòng trách ai đó đã nghĩ xấu cho cả một hệ thống chính quyền đang ngày đêm căng mình ra chống dịch, chỉ đạo từng ly từng tý để sớm đưa cuộc sống trở lại nhịp sống bình thường.
Có ở trong tâm dịch mới hiểu được thế nào là sự hoảng sợ !. Cứ tưởng tượng người bệnh nhân F0 đi qua đây, đã có hàng tỷ tỷ con vi rút Covid-19 lan toả vào khắp mọi ngóc ngách. Mở cửa nhà đi ra ngoài là cảnh giác với đủ mọi thứ… lắng nghe cơ thể mình, một cái hắt hơi, một cơn ho, một chút khó chịu nhức đầu đều nghĩ đến căn bệnh chết người kia. Vì vậy khi chứng kiến bác bảo vệ hàng ngày phải đi lại giữa vùng dịch mang hàng hoá bên ngoài tiếp tế vào toà nhà không ai không cảm phục và biết ơn. Chứng kiến người công nhân làm vệ sinh vẫn hàng ngày đi vào vùng cấm mang rác thải từ Toà nhà ra bên ngoài, ai cũng cảm nhận được rằng mình còn được an toàn hơn người khác.. Điều đó đã an ủi động viên rất nhiều những người trong vòng phong toả. Tuyến đầu chống dịch không chỉ là đội ngũ Y, Bác sỹ, những lực lượng Quân đội, công an, dân quân tự vệ hùng hậu…mà tuyến đầu có cả những con người rất bình dị này và thầm lặng này.
Nếu ai muốn biết một ngày “dài” thế nào thì hãy hỏi những người trong tâm dịch. Ngày đầu tiên không phải đi làm, được ngủ nướng thoả thích… ngày thứ 2 chán ngủ lao ra vệ sinh dọn dẹp, lôi bằng hết số áo quần trong tủ ra ủi, sắp xếp lại đồ đoàn trong nhà. Ngày thứ 3 trở đi hết việc bắt đầu gặm nhấm thời gian… Phụ nữ thì trổ tài nội trợ nghĩ cách chế biến món ăn, đủ thứ…để sau mấy ngày người cân nặng lên vài ký, cuống cuồng thở hắt ra vì toi công mấy tháng trời tập luyện. Đàn ông thì dán mắt vào tivi, điện thoại cho đến khi mắt cứng đờ…nhìn qua khung của sổ ra bên ngoài thấy phố phường vẫn đông vui nhộn nhịp mà muốn phát điên. Trẻ con thì cuồng chân la hét trong nhà, ông bà bố mẹ cứ phải canh chừng không thì chúng mở cửa phóng ra ngoài…Cuộc sống vẫn cứ là cuộc sống, phải làm, phải ăn. Công việc đình trệ, hàng hoá tồn đọng. Tiền thuê nhà, thuê cửa hàng, tiền cho đủ thứ linh tinh vẫn phải trả. Mấy ông, mấy bà nhấp nhổm suốt ngày, ruột gan như có lửa đốt quay sang chỉ trích mấy ông chính quyền, rằng phong toả thì phong toả nhưng cũng phải thông báo cho người ta biết phong toả mấy ngày chứ !?. Khốn khổ! Ông chính quyền nào dám công bố mấy ngày, khi mà chưa biết trong những ngày tới diễn biến của dịch bệnh sẽ như thế nào ?! Trong khi đó các khu khác trong thành phố ngày nào cũng có ca mắc mới trong khu cách ly. Tôi lại gọi cho Chủ tịch Phường. Giọng Chủ tịch cũng sốt ruột không kém: “Chú ơi, chú động viên bà con ráng lên chứ biết làm thế nào. Cứ phải qua 14 ngày theo quy định mới tính tiếp được chú ạ”
III. Những tấm lòng nhân ái
Trong những ngày xảy ra cơn chấn động ở Chung cư Belleza có một thứ đã át đi sự cô lập trong vòng vây, át đi nỗi sợ hãi của mỗi nguời trong tâm dịch … đó chính là lòng nhân ai, tình người, tình đồng loại. Câu ca trong một ca khúc của nhạc sỹ Trần Hoàn “ rằng qua cơn hoạn nan, mới hiểu trọn lòng nhau” cứ ám ảnh tôi khi viết về sự sẻ chia đùm bọc của bà con cô bác trong những ngày đại dịch.
Ở trong vòng vây, nhưng không ai thấy bị đơn độc. Mạng xã hội giúp người ta kết nối với bên ngoài, động viên chia sẻ như trùm lên tạo thành lá chắn chống lại sự sợ hãi. Cũng như những món quà mà những nhà hảo tâm mang đến cho cư dân và cho lực lượng bảo vệ. Giống như một chiến dịch hẳn hoi hướng vào tâm dịch. Lực lượng đủ cả: đủ mọi lứa tuổi, đủ các ngành nghề, đủ các vùng miền. Hàng hoá đủ các chủng loại: sữa tươi, trứng gà, bơ, chanh, đường, chuối xanh, khoai lang, nước sát khuẩn, mì tôm, bánh tét, bánh mỳ, cà phê, nước uống…đúng là một khối lượng vật chất, một lực lượng hậu cần hùng hậu đảm bảo cho một chiến dịch chống “giặc Covid-19”, trong một thế trận toàn dân, toàn diện được tổ chức khoa học. Vòng ngoài có lực luợng tình nguyện tổ chức tiếp nhận, phân chia, đóng gói đưa vào, bên trong có lực lượng tình nguyện hỗ trợ phân phát cho từng nhà.
“Rằng trong cơn hoạn nạn mới hiểu trọn lòng nhau”. Có những anh chị có điều kiện đã đành, nhưng nhiều anh chị không lấy gì làm khá giả, nhiều anh chị cũng đang bị vây ngay trong tâm dịch nhưng hết lòng hỗ trợ bà con. Có những món quà tuy nhỏ về vật chất nhưng lại lớn về tinh thần. Hàng hoá hỗ trợ bà con và các lực lượng chống dịch đều có một xuất xứ, made-in đặc biệt, không có tên người gửi, chỉ có địa chỉ nơi nhận: E25 Chung cư belleza... Mọi người làm công việc giúp đỡ người khác không cần một cái tên để đánh bóng tên tuổi, họ làm xuất phát tiếng gọi của trái tim nhân ái, làm theo một triết lý của nhà Phật: Làm phúc thì không kể công, làm phúc mà kể công dù chỉ một ly một lại thì không còn là phúc. Mỗi người tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đều có cách riêng của mình, bằng những công việc thầm lặng, những đóng góp thầm lặng muốn được sẻ chia với đồng bào mình
Tôi nhớ lại, buổi chiều, ngày đầu tiên của của đợt phong toả, một cô gái rất trẻ đi xe máy chở theo một bọc hàng đem đến đặt lên bàn gửi đồ, rồi nhỏ nhẹ nói với cậu thanh niên đang trực ở chốt phong tỏa: “Em mang mấy thứ cho mấy cô chú anh chị dùng ạ”. Cậu thanh niên cảm ơn và hỏi tên, địa chỉ; ý là để biết người đã tặng quà cho đội, nhưng cô gái trả lời: “Dạ không có chi ạ”.
Đúng là sự tử tế đâu phải đợi tuổi tác.
Bên cạnh Tổ chốt làm nhiệm vụ chống dịch, có một gia đình hàng ngày đều dặn đun cho anh em làm nhiệm vụ vài ba ấm nước sôi, luộc hộ cho các con nồi khoai, quả trứng…công việc cần mẫn âm thầm như chăm sóc con cái của mình vậy.
Có một bác sỹ nghỉ hưu, hàng ngày post lên mạng cư dân, hướng dẫn cách phòng chống dịch, cách chăm sóc sức khoẻ bản thân, kể những câu chuyện vui như một chuyên gia tâm lý để làm cho mọi người quên đi nỗi sợ hãi, quên đi mối nguy hiểm đang rình rập là con vi rút Covid-19.
Một nhóm thanh niên tình nguyện, họ là những sinh viên nghỉ học do dịch bệnh, không về quê, tình nguyện xung phong vào vùng dịch. Những chàng trai cô gái chân quê, mộc mạc dễ thương. Chắc chắn những sinh viên tình nguyện đó không vì mức bồi dưỡng 80 ngàn đồng một ngày mà họ đã vì những cái khác lớn lao hơn!
Trong khó khăn hoạn nạn con người ta xích lại gần nhau hơn, sống nhân ái hơn, những xích mích vụn vặt cuộc sống thường ngày không còn chỗ đứng, nhường chỗ cho thương yêu đùm bọc lẫn nhau, nhường cơm sẻ áo... Lần nào đưa hàng hỗ trợ vào bên trong toà nhà cũng có những gia đình xin được nhường lại, dành cho gia đình khác khó khăn hơn. Hôm tôi gặp một em bé trai chừng 8,9 tuổi, dáng người rắn rỏi, có đôi mắt thật đẹp; giữa lúc phong toả, bố đưa mẹ đi viện sinh em bé, nhà chỉ còn 2 bà cháu, em cũng mang túi quà xuống gửi lại, nói với các cô chú: Nhà cháu có đủ rồi ạ… Nhìn cử chỉ đĩnh đạc của một cậu bé chưa lớn, lễ độ, ngoan ngoãn mà thấy yêu vô cùng… Câu chuyện này làm tôi lại nhớ đến sự kiện cách đây 10 năm trong thảm hoạ kép: Sóng thần và rò rỉ phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Fucushima ở Miyako của nước Nhật cũng có một cậu bé như thế.
Trong những ngày chống dịch không thể không kể đến đội hình những tình nguyện viên của Chung cư Belleza. 8 người; già có, trẻ có, giám đốc một doanh nghiệp, công nhân, nhân viên hành chính, lao động tự do, nội trợ , cán bộ nghỉ hưu, đủ cả…Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, nhưng ai cũng đau đáu muốn nhanh chóng được giúp một cái gì đó cho bà con đang bị phong toả ở bên trong. Cậu con trai tên Khanh, người cao to như hộ pháp nhưng làm việc nhanh nhẹn khéo léo; Cô gái có giọng nói tiếng Bình Định rất khó nghe nhưng là người phụ nữ tháo vát, tính toán đâu vào đấy; Cô em út nhất hội, xinh như hoa hậu nhưng chịu thương, chịu khó việc gì cũng làm… Bất kể ngày đêm khi nhận được đề nghị giúp đỡ từ bên trong là cả nhóm lao đến không nề hà… Họ là những người tình nguyện mà có lẽ trong suy nghĩ, được giúp đỡ người khác, được mang niềm vui đến cho mọi người là hạnh phúc của chính bản thân mình.
Buổi chiều ngày thứ 14, ngày 15 tháng 6, trời mưa nặng hạt. Ngày mà theo quy trình sẽ được dỡ bỏ phong toả đối với E25 sau 2 lần xét nghiệm không phát hiện ca mắc mới đối với Covid 19. Những mẫu tin nóng đăng trên Group chờ đợi giờ G. Đúng 18 giờ 30, Chủ tịch Phường Phú Mỹ, Quận 7, điện cho tôi: Chú ơi, Quận đã có lệnh dỡ phong toả một phần đối với tháp E25; Con đang trên đường xuống đó thực hiện quyết định của Quận.
Mừng vui không có gì tả nổi. Tôi đưa tin này lên trang Facebook cộng đồng cư dân Belleza. Nhoằng cái đã có hàng chục người like. Thế mới biết, nhiều người ngóng tin này biết chừng nào?! Có những người diễn tả niềm vui : “Chú ơi, mừng như ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng”. Tôi cười thầm, Miền Nam được giải phóng ngót nửa thế kỷ, lúc đó con đang là “cát bụi” ở đẩu ở đâu sao mà biết là vui như thế nào mà “như”. Nghĩ thế nhưng mà thấy vui lây.
19giờ 15, trời đã quang hẳn, không còn mưa. Chủ tịch Phường đọc Quyết định về dỡ một phần phong toả đối với Tháp E25. Toàn thể bộ cán bộ, nhân viên Uỷ ban, Dân quân tự vệ, Công an, Thanh niên tình nguyện… đều hướng lên toà nhà mà hét : “Dỡ phong toả rồi cô bác ơi i.i.i”…Mọi người trong toà nhà túa ra ban công reo hò…Xe của Phường tiến vào, hàng rào, vật cản, lều bạt, bàn ghế, đồ đoàn được chuyển lên xe. Trong chốc lát “Phòng tuyến” đã được tháo dỡ hoàn toàn. Phút chia tay đã đến. Một cuộc chia tay không hề mong muốn ngày gặp lại, nhưng có một cái gì đó hụt hẫng, cuộc chia tay đầy cảm xúc lưu luyến, mang nặng ân tình.
Cư dân Belleza, có những ngày không quên như vậy.!
Chung cư Belleza 16h, ngày 20/6/2021