Trong chương trình Vali Cảm Xúc, tiến sĩ Tô Nhi A cảm phục trước hành trình hơn 20 năm điều trị căn bệnh vảy nến của cô gái từng muốn nghĩ quẩn vì mặc cảm, nhưng rồi trở thành người luôn lạc quan, muốn lan tỏa năng lượng đến những người cùng cảnh ngộ.
Trong tập 18 chương trình Vali Cảm Xúc vừa lên sóng với sự dẫn dắt của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A. Khách mời tuần này là Lê Thị Bích Hằng, 33 tuổi, đến từ Đồng Nai. Bích Hằng kéo theo chiếc vali có chứa những đồ vật mang theo những kỷ niệm vui buồn cùng mong muốn chia sẻ, truyền cảm hứng về câu chuyện của riêng mình.
Món đồ đầu tiên mà Bích Hằng mang đến là một chiếc váy, gắn với từ khóa “tự ti”. Bích Hằng cho biết, bản thân bị bệnh vảy nến từ khi mới 8 tuổi, sau một cơn sốt nặng. Từ những vết vảy nhỏ, lan rộng ra khắp cơ thể, khi đó cô chỉ là đứa trẻ mới khoảng 10 tuổi. Cuộc sống gần như bị xáo trộn sau khi phát bệnh. Với cô, nhiều căn bệnh bên trong có thể dễ dàng che giấu được. Song, căn bệnh vảy nến đeo đẳng cô suốt nhiều năm là bệnh ngoài da, không những ảnh hưởng sức khỏe mà còn tác động rất nhiều đến tinh thần.
Những vết vảy nến nhiều dần, đến nổi dính vào tóc buộc cô phải cạo trọc đầu để không bị vướng. Một lần mẹ cắt tóc giúp cô thì vô tình cắt vào da đầu khiến cô nàng vô cùng đau đớn. Với Bích Hằng, lúc đó cô còn quá nhỏ, không hình dung được cuộc sống bên ngoài như thế nào. Cô nàng không ít lần tủi thân vì những lời bàn tán của người xung quanh. Những lời đồn đoán bệnh ghẻ, lở,... khiến cô phải đi giải thích rất nhiều về bệnh của mình.
Bích Hằng cho biết, có khoảng thời gian cô vì uống thuốc dẫn đến tăng căn, vết nứt trên da không còn, tưởng chừng hết bệnh nhưng khi có bất cứ va quẹt gì là vảy nến lại tái phát, thậm chí nặng thêm. “Trong vòng 1 đêm là phát nặng, nổi vảy lên khắp da trên cả người, em cảm giác như phồng người lên. Lúc đó khó thở đến nổi em tưởng mình mất rồi. Em ở ký túc xá, lúc đó nhà trường và ký túc xá thấy không ổn rồi đưa em vô bệnh viện. Em nằm viện 3 tháng để lột bỏ lớp da chết và bắt đầu điều trị. Thời gian đó, em quen biết nhiều người ở bệnh viện da liễu. Lúc đó em mới biết được thật ra bệnh mà em mắc phải chỉ là bệnh thể nhẹ nhất thôi. Bắt đầu từ đó thì cứ 1 năm là em đi viện một lần. Rồi em kết nối với những người bị bệnh vảy nến, để lắng nghe, chia sẻ và động viên với nhau về những vấn đề liên quan đến bệnh”, Bích Hằng bộc bạch.
Căn bệnh từ nhỏ khiến Bích Hằng luôn tự ti về vẻ ngoài của bản thân, không dám mặc váy, mặc quần áo ngắn tay như bao người. Cô nàng cho biết, đến khi đi làm thì cô cũng phải luôn ăn mặc áo dài tay, thật kín để không ai thấy cũng như bảo vệ da. Thậm chí những khi bị nặng, thời tiết thay đổi còn phải dùng băng gạc bên trong rồi mới mặc áo bên ngoài đi làm. Những lúc bệnh nặng, cô bất lực và từng nghĩ đến chuyện tự tử. Nhìn thấy những bạn nữ khác mặc váy, mặc áo ngắn tay cũng khiến cô rất tủi thân, rất muốn được mặc như bao người. Điều ước vô cùng đơn giản với những cô gái nhưng suốt nhiều năm Bích Hằng không thể thực hiện được khiến Tiến sĩ Tô Nhi A đồng cảm.
Song, Bích Hằng thấy mình may mắn khi suốt hành trình chữa bệnh luôn có mẹ, có gia đình, thầy cô và bạn bè ở cạnh ủng hộ. Mẹ cô từng nói, nếu không có được vẻ bề ngoài thì hãy cố gắng học, không ai là vô dụng cả. Và chính những lời động viên của mẹ đã phần nào giúp Bích Hạnh vượt qua khó khăn.
Lên Đại học, Bích Hạnh dần năng động, tích cực và tham gia nhiều hoạt động hơn, cô thoải mái giao lưu với các hoạt động tập thể hơn. Cô cho biết bản thân lựa chọn cởi mở hơn, thay vì e dè với đám đông thì dám đứng trên sân khấu biểu diễn, chọn “vẫn còn vảy nến thì đeo vớ vào” chứ không trốn tránh, thu mình mà tự ti nữa. Chính tinh thần lạc quan này, muốn làm là làm tới cùng nên Bích Hạnh tìm được tình yêu và có cho mình một gia đình nhỏ hạnh phúc. Vfa khi theo đuổi liệu trình chữa bệnh của bệnh viện, cùng tinh thần lạc quan đã giúp Bích Hạnh đẩy lùi dần bệnh vảy nến đã khiến cô đau khổ nhiều năm. Không còn sự tự ti ngày nào, giờ đây cô nàng tự tin diện trên mình chiếc váy yêu thích. Quyết định đến với Vali Cảm Xúc cũng vì muốn chia sẻ câu chuyện bản thân, truyền tải tinh thần lạc quan đã giúp mình vượt qua căn bệnh.
“Em nghĩ, điều gì đến thì chắc chắn sẽ đến. Thay vì ngồi than trách bản thân thì chỉ cần góc nhìn của mình khác đi, tập trung vào giá trị của bản thân của mình thì sẽ tạo ra một kết quả tốt hơn. Giống như em, những gì từng nghĩ không bao giờ có thì nay đã có được”, Bích Hạnh chia sẻ.
Tiến sĩ Tô Nhi A bày tỏ sự đồng tình cũng như cảm phục trước cách nhìn của nhân vật, cô cho rằng có nhiều câu chuyện không ai có thể hình dung được nhưng rằng nó sẽ đến với mình. Vì vậy, khi không thay đổi được những gì diễn ra thì hãy thay đổi cách nhìn, thay đổi cách tiếp nhận để mang đến một kết quả khác hơn, tích cực hơn.
Chương trình Vali Cảm Xúc phát sóng lúc 19h30 Thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Công ty Truyền thông Bee thực hiện, với sự đồng hành của nhãn hàng vali, balo, túi xách cao cấp Sakos và được bảo trợ truyền thông bởi Trang thông tin điện tử Saobiz.vn.