Vai trò của cuốn sách ‘’Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc’’ trong đào tạo, quản lý văn hoá nghệ thuật
''Đây là một đầu sách quan trọng đối với những ai làm công tác về văn hoá nghệ thuật nói chung, trong đó có lực lượng quản lý hoạt động văn hoá nghệ thuật nói riêng.
Với các nhà quản lý, đó là những người có quyền lực, định hướng và nắm trong tay các nguồn lực để điều hành tất cả các hoạt động văn hoá nghệ thuật trong đời sống xã hội. Nếu đưa ra quyết định trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật của nhân loại nói chung, của lịch sử dân tộc nói riêng mà không am tường, am hiểu về chính bản thân nó, nguồn lực đó sẽ vô cùng lãng phí. Để làm tốt công việc quản lý văn hoá của mình, họ phải nắm vững kiến thức về chính nó, ở đây nói riêng là quản lý những gì thuộc về âm nhạc.''
Tiến sỹ Trịnh Đăng Khoa.
''Cuốn sách có 340 trang được trình bày bằng 8 thứ ngôn ngữ, 17 phụ lục và 66 trang - cho thấy một lượng lớn thông tin được tác giả tổng hợp, diễn giải rõ ràng, chuẩn mực trong tác phẩm sẽ là những kiến thức bổ ích để những nhà quản lý có thể nắm rõ kiến thức và vận hành chuẩn mực hơn.
Đây là một cuốn sách dễ đọc, dễ cảm thụ dù nó mang tính học thuật, tính hàn lâm khá cao!
Tiếp cận cuốn sách trên tay, tôi cảm nhận được sự đầu tư chỉn chu, sự cầu toàn vừa đủ cho một tác phẩm được biên soạn công phu từ nội dung đến hình thức.
33 đầu sách về âm nhạc của thầy Nguyễn Bách, chỉ riêng nói về con số thôi, chúng ta cũng đã thấy sự dày công tìm hiểu, miệt mài học tập, lao động, nghiên cứu khoa học của tác giả rồi. Sách về âm nhạc luôn là một trong những loại sách chuyên ngành có số lượng hạn chế, tuy nhiên với tác giả có nhiều thập kỷ nghiên cứu và cho ra đời những cuốn ''từ điển'' thuộc dòng quý hiếm của dòng sách mang tính học thuật, tham khảo, tôi tin ông sẽ không dừng ở đây (cười).
Với một lượng thông tin ‘’khủng’’ như thế, cuốn sách mang đến những giá trị nhất định cho những ai đã, đang và chưa từng học chuyên ngành hay chỉ đơn thuần là một người chơi nhạc, một người thưởng thức âm nhạc như tôi.''
Thạc sỹ - Nhà giáo Thái Thu Hoài.
Đối với người thưởng thức âm nhạc
''Nghệ thuật âm nhạc là một môn đặc thù, nó là diện mạo đẹp của văn hoá. Nếu nói bóng đá là môn thể thao vua thì âm nhạc sẽ là nữ hoàng trong nghệ thuật. Nghệ thuật âm nhạc tự thân nó đã tạo cho người ta một sự cảm thụ, thưởng thức độc lập. Ngoài ra, nghệ thuật âm nhạc còn là một thành tố quan trọng trong rất nhiều các bộ môn nghệ thuật khác.
Âm nhạc là môn nghệ thuật đại chúng, nó tồn tại xung quanh chúng ta từng giờ, từng ngày. Cảm nhận bằng trực giác tự nhiên vốn đã rất quý rồi, nếu chúng ta biết, gọi tên, cảm nhận tính mỹ học của nó bằng kiến thức thì nó còn giá trị hơn nhiều. Nếu muốn làm được điều đó, chúng ta chỉ có thể học và đọc.
Đa phần chúng ta tiếp cận âm nhạc bằng cách nghe, xem và cảm nhận ‘’tại chỗ’’ qua truyền hình, internet. Để cảm nhận về nó, hiểu rõ về nó, thưởng thức đúng quy chuẩn và hiểu rõ một cách sâu sắc ‘’âm nhạc là gì’’, gọi tên, giải thích được về những điều chúng ta vừa nghe, vừa xem thì chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ. Từ đó sẽ hiểu rõ về nó hơn, và chỉ khi được cảm nhận bằng kiến thức thì chúng ta mới nhìn nhận đúng công lao của nhưng người sáng tạo nên tác phẩm, cảm nhận được bản chất của vẻ đẹp thật sự của âm nhạc.''
Thầy Trịnh Đăng Khoa.
Thị trường văn hoá phẩm, sách về văn hoá nghệ thuật hiện nay
Đây là một cuốn sách hiếm trong những đầu sách về âm nhạc hiện nay. Nó mang đến những kiến thức chắc chắn, không mơ hồ, chủ quan về sự vật sự việc, được tác giả lưu giữ rất kỹ, sưu tầm và giải thích đầy đủ. Cuốn sách không chỉ giải thích về góc độ mỹ học của âm nhạc đến người đọc mà nó còn mang tính chất ‘’phổ cập’’ kiến thức sâu rộng về âm nhạc cho những người làm công tác liên quan. Để họ nhận diện được tốt hơn về âm nhạc, từ đó họ sẽ giúp cho nhiều người khác nữa có thể am hiểu, sử dụng kiến thức chuẩn của chuyên ngành. Để làm được điều này, ngoài việc học thì chúng ta phải đọc và trau dồi chuyên môn từ nhà trường đến việc tham khảo nhiều loại sách tham khảo khác nhau. Tôi tin đây là một quyển sách hiếm và rất đáng đọc!
Tiến sỹ - Nhà giáo Nguyễn Bách - Tác giả của ''Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc'' trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Tp.HCM.
Nguyên Thảo (ghi chép)
Từ năm 1999, bộ Thuật ngữ âm nhạc Anh – Đức – Việt và Ý – Pháp – Việt của tác giả Nguyễn Bách đã gây sự chú ý đặc biệt trong giới chuyên môn trên cả nước. Lần đầu tiên có một cuốn từ điển Việt Nam không sắp xếp mục từ theo thứ tự của bảng chữ cái mà theo số Ả Rập. Nhờ sáng kiến đó, các thuật ngữ ở 5 thứ tiếng khác nhau đều trở nên “bình đẳng”, tiếng nào cũng có thể làm chuẩn để tra cứu sang những ngôn ngữ còn lại.
Tiến sĩ - Nhà giáo Nguyễn Bách trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình HTV trong ngày ra mắt cuốn sách mới: Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc.
Sau khi tốt nghiệp ngành Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện TPHCM, Nguyễn Bách không chỉ hoạt động như một nhạc trưởng mà còn biên soạn nhiều tài liệu âm nhạc học bên cạnh bộ thuật ngữ nói trên cùng với không ít những công trình “đầu tiên” mang tính khai phá như:
- Thành lập tủ sách Âm nhạc điện toán (thuộc nhà xuất bản Âm nhạc năm 2002) với gần 10 đầu sách về công nghệ âm nhạc (viết về microphone, mixer, nghệ thuật chỉnh âm thanh, sổ tay kỹ thuật phòng thu, v.v.).
- Biên soạn sách giúp trí nhớ về âm nhạc (không cấu trúc theo chương, bài mà chỉ gồm gần 80 bảng tổng hợp các vấn đề âm nhạc từ đơn giản đến phức tạp).
- Viết sách đầu tiên về thưởng thức âm nhạc (music appreciation), v.v..
Đặc biệt, ban biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã dùng cuốn sách Thuật ngữ âm nhạc Việt – Anh – Ý – Pháp – Đức (2011, tái bản lần 3 năm 2019) làm một trong các tài liệu tham khảo và chọn cuốn sách Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng (2010) của ông làm một mục từ trong phần “Sách, tạp chí”. Ông cũng là một thành viên chính thức của ban biên soạn này.
Là một người sinh ra, trưởng thành và hoạt động âm nhạc ở miền Nam nhưng Nguyễn Bách lại bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong 20 năm tính đến năm 2020, Học viện Âm nhạc Quốc gia có được 41 tiến sĩ âm nhạc học. Nguyễn Bách là một trong số đó và là một trong ba nghiên cứu sinh từ Nhạc viện TPHCM ra Hà Nội bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đây là một điều thuận lợi cho ông để hiểu được những khái niệm, cách gọi khác nhau mang tính địa phương đối với một số thuật ngữ âm nhạc chuyên ngành, chẳng hạn “đa âm – phức điệu”, “âm thể – giọng, cung”, “âm giai – thang âm”, v.v.. Vì vậy, công trình Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc của ông chắc chắn đáp ứng được nhu cầu tham khảo, tìm hiểu về các mục từ âm nhạc cho giới chuyên môn cũng như người yêu nhạc trên cả nước.
Từ nhiều năm qua, âm nhạc đã là đối tượng nghiên cứu, sáng tạo của nhiều công trình, từ nhiều tác giả nhưng vẫn còn thiếu một cuốn từ điển giải thích chính xác, khách quan, tương đối đầy đủ, đề cập đến những khái niệm quan trọng cũng như đặc điểm phát triển âm nhạc qua các thời kỳ. Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc của Nguyễn Bách (gồm mục từ của nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Ý, Pháp, Đức, Latin, Hy Lạp và Tây Ban Nha) đã làm được điều đó. Đối tượng khảo sát của cuốn từ điển này là những từ và nhóm từ mang nội hàm cần được giải thích không chỉ cho những ai mới tiếp xúc với âm nhạc mà còn cho cả những người đã trải qua nhiều thực hành âm nhạc. Cuốn Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc này giúp cho người học nhạc, người chơi nhạc, người yêu nhạc tiếp cận được những giải thích có cơ sở về lý thuyết và khái niệm cơ bản trong những vấn đề (mục từ, chủ đề) liên quan.
Bìa sách Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc
Cho đến nay, ngoại trừ cuốn Thuật ngữ Âm nhạc Việt–Anh– Ý–Pháp– Đức (tái bản năm 2019) cũng của tác giả Nguyễn Bách, chưa có cuốn từ điển nào của Việt Nam đề cập đến những thuật ngữ về “Công nghệ Âm nhạc”. Nội dung đó được tiếp tục khai thác trong Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc mà ông mới cho xuất bản vào năm 2022.
Ngoài ra, trong cuốn từ điển này còn có phần “Âm nhạc cổ truyền” nhưng chỉ tập trung vào dân tộc Việt hoặc những dân tộc khác nếu có yếu tố hay sự kiện đặc biệt liên quan. Ví dụ, hát then với sự kiện được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, cuốn từ điển này còn có tính cập nhật khi đưa vào những dữ liệu và sự kiện âm nhạc gần đây nhất như sự kiện ca trù được UNESCO công nhận là “di sản nhân loại” (1/10/2020) hoặc ngày mất các nhà soạn nhạc Mario Davidovsky (23/8/2019), Krzysztof Penderecki (29/3/2020), Nguyễn Văn Nam (17/5/2020), v.v.. Bên cạnh đó, 17 phụ lục của sách với gần 60 trang có thể được coi như “cánh tay nối dài” của từ điển chứ không đơn thuần là một phần phụ để tham khảo.
Là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người sáng lập hệ thống Trường Âm nhạc B.A.C.H và đã từng là giảng viên trong 11 năm của Nhạc viện TPHCM, TS Nguyễn Bách có cơ hội tiếp xúc nhiều với những khái niệm âm nhạc trong và ngoài hệ thống âm nhạc kinh viện. Đây là những trải nghiệm cần thiết cho công tác biên soạn từ điển chuyên ngành.
Cách đây 7 năm, trong bài viết “4 nhạc sĩ suốt đời với âm nhạc” đăng trên báo Lao động, nhà báo đã coi tác giả Nguyễn Bách như là người có tấm lòng làm cho những quan niệm giáo điều, những khu vực “đền thiêng” của âm nhạc kinh viện trở nên dễ hiểu, rất thiết thực với mọi người, nhất là những ai “ngoại đạo” với âm nhạc.
PGS - NGND Hoàng Cương đến chúc mừng Tiến sĩ Nguyễn Bách.
Bạn có thông tin gì mới không?