Nguồn cảm hứng của nghệ thuật
Series phim The Empress về Sissi trên Netflix (2022) không phải là bộ phim đầu tiên nhưng thực sự hình ảnh đẹp ấn tượng, câu chuyện tình yêu lãng mạn đã rất thành công ở mùa một và mọi người đều hi vọng về một mùa hai tiếp theo.
Bộ phim đầu tiên Sissi”, là bộ phim gồm ba phần riêng lẻ – “Sissi, Hoàng hậu Áo quốc”, “Vị hoàng hậu trẻ” và “Những năm tháng quyết định” (1955-1957), và trở thành bộ phim được biết tới nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh nói tiếng Đức. Đây cũng là bộ phim thành công của hai tài tử lớn của nền điện ảnh Áo, Romy Schneider và Karlheinz Böhm. Đặc biệt, Romy Schneider, tượng đài sau này của nghệ thuật thứ bảy thế giới, khi thủ vai Elisabeth ở phần một của phim, cũng mới chỉ chưa đầy 17 tuổi, xấp xỉ độ tuổi của Sissi trong phim.
Danh từ “Hoàng Hậu của Cô Đơn” (L’Impératrice de la Solitude) mà nhà văn Maurice Barrès đặt cho nàng có thể gồm cả ý nghĩa chua chát, bi thương của một số kiếp tài hoa đáng lẽ được rất nhiều hạnh phúc, mà chỉ toàn là đau khổ âm thầm.
Nữ diễn viên Devrim Lingnau (trái) sinh năm 1998, cũng trạc tuổi 16 của Hoàng sậu Sissi trong lịch sử (phải)
Nhờ hiệu ứng của vai diễn này, danh tiếng của nữ diễn viên cũng được ''thăng hạng'' trong mắt khán giả và các nhà làm phim
Chuyện tình yêu có thật không?
Khó quên được nụ cười rạng rỡ cực kỳ duyên dáng của Romy Schneider vai Sissi, lúc hãy còn là nữ quý tộc Đức đang câu cá, giật cần câu và vướng vào áo nhà vua Áo trẻ trung ngời ngời do Karlheinz Böhm thủ vai, đang ngồi xe đi ngang qua đấy. Khi gỡ lưỡi câu từ áo nhà vua, Sissi đã hóm hỉnh nói “Đâu phải ngày nào cũng câu được một ông vua đâu”. Ai lại không đổ cơ chứ!
Trong phiên bản của Netflix 2022, thì là hình ảnh vị vua nước Áo gặp gỡ nàng trong vườn, một cô gái nhút nhát xinh đẹp nhưng lại rất thánh thiện, anh thú nhận rằng hình ảnh của cô làm anh nhớ tới bản thân mình trước khi làm vua, khi còn được sống mà không phải chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ của hoàng đế với đất nước.
Trong phiên bản truyện kể, thì cuộc gặp gỡ giữa vua và nàng cũng rất đáng yêu.
Vị hoàng đế trẻ tuổi, đi xe tứ mã, có một đoàn lính kỵ mã chạy theo hộ vệ… Nhưng thay vì chạy thẳng vào sân, xe của Hoàng đế ngừng nơi cổng. Có lẽ thấy cảnh vườn rộng lớn, xinh đẹp, cỏ cây đầy bóng mát, hoa nở muôn màu như một bồng lai tiên cảnh, Hoàng đế đi một mình dạo chơi xem vườn, chưa vào lâu đài vội. Tôn trọng sở thích bất ngờ của vị Hoàng đế trẻ tuổi Cựu Vương Maximilien và Quận chúa Ludowika vẫn đứng chờ trước bao lơn, không muốn quấy rầy vị chàng rể oai nghi… mơ mộng…Ngài bước chậm rãi, ngó say mê hai con thiên nga bơi yểu điệu, duyên dáng trên mặt nước hồ xanh… Bỗng ngài trông thấy một thiếu nữ mặc toàn trắng, đẹp rực rỡ, đôi mắt xanh đầy ánh sáng, tóc vàng óng ánh chảy xuống đến hai bên vai, nhởn nhơ với gió..Ai đấy nhỉ?Không phải công chúa Hélène, vì Hoàng đế đã biết mặt Hélène nàng cao lớn hơn, và 22 tuổi.Thiếu nữ thần tiên đi trên cỏ xanh, chỉ mới độ 15, 16 tuổi, có hai con chó bergers đủng đỉnh đi cạnh nàng. Bỗng nàng chạy đến bá ngay cổ Hoàng đế, và cười giòn tan.
Với giọng nói tinh nghịch và trong như pha lê, nàng bảo:
Chào Hoàng đế! Chị Hélène của em đang chờ anh trong phòng!François Joseph bật cười. Ngài đổi ý kiến ngay tức thì, nở nụ cười say mê, nhìn Sissi:
Không! Anh sẽ cưới em. Hoàng hậu sẽ là em!
Rồi Hoàng đế nắm tay Sissi đi vào trước mặt Cựu Vương Maximilien và Quận chúa Ludowika, khẽ nghiêng đầu bảo:
Trẫm xin làm lễ đính hôn với công chúa Sissi.Mọi người đều trố mắt ngạc nhiên. Nhưng Hoàng đế muốn, là Trời muốn.
“Con có thể nghe mẹ trong những sự việc khác, nhưng việc hôn nhân thì không được. Nếu con không cưới Sissi, thì cả đời con sẽ không lấy ai”. Franz đã kiên quyết nói với mẹ ý định của mình và cuối cùng thái hậu mẹ chàng phải nhượng bộ.
“Đối với tôi, hạnh phúc được tăng gấp đôi bởi khi lựa chọn người phối ngẫu trong tương lai, tôi đã theo những cảm xúc sâu kín trong lòng, và từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi hy vọng sẽ tìm được niềm hạnh phúc của đời mình trong những đức tính tuyệt vời của Elisabeth”.
Đó là những lời được ghi lại trong chính sử mà Hoàng đế Franz Joseph của Đế quốc Áo đã thổ lộ trong ngày trọng đại của ông, 24/04/1854, khi ông cùng Elisabeth, người em họ, nữ công tước xứ Bayern, bước vào ngôi thánh đường của dòng tu Augustiner tại thủ đô Vienna.
Người phụ nữ được tôn vinh là đẹp nhất Châu Âu hậu bán thế kỷ 19 ấy, khi ở tuyệt đỉnh của danh vọng, vẫn cô đơn và vẫn phải trải qua muôn vàn thử thách, vì cá tính thẳng thắn, bình dân của bà đi ngược lại những lề luật, chuẩn mực hết sức khuôn phép của vương triều Áo.
Không hề được chuẩn bị cho ngôi hoàng hậu, cũng không hề có chút kinh nghiệm trong cuộc sống hoàng tộc, nhưng với vẻ đẹp mê hồn, phong cách quyến rũ và cách hành xử khác biệt trong môi trường bà sống, Elisabeth đã vĩnh viễn để lại tên tuổi trong lịch sử Áo và châu Âu.
Hai người kết hôn vào mùa xuân năm 1854. Trong lễ cưới của mình, Sisi mặc một chiếc váy lộng lẫy và cài một chiếc vương miện kim cương trên tóc, một món quà của mẹ chồng cô. Sisi hạnh phúc và yêu quý chồng mình, nhưng cũng có một chút sợ hãi trước những điều chưa biết.
Hôn nhân tình yêu cũng có tan vỡ
Franz Joseph quá bận rộn để giới thiệu với vợ mình về các nhiệm vụ hoàng gia và nghi thức cung điện của cô ấy, vì vậy mẹ của anh ấy là Sofia đảm nhận vai trò này. Sau đó, địa ngục cho cô gái trẻ bắt đầu. Là người có tính cách mạnh, thậm chí được coi là “người đàn ông duy nhất trong triều đình Áo”, thực chất thái hậu Sophie chỉ muốn dạy dỗ Sissi theo chuẩn mực cần có, nhưng Bà mẹ chồng độc đoán liên tục phàn nàn về Sisi bằng những lời trách móc và bê bối. Câu chuyện của Sissi được ví như công nương Diana của thế kỉ 19 bị kìm kẹp trong luật lệ hoàng gia.
Tình yêu với con trai, và mong muốn con dâu trở thành một hoàng hậu mẫu mực, xứng đáng với ngôi vị của mình đã khiến bà luôn bất hòa với cô gái trẻ hầu như còn chưa biết cư xử theo nghi lễ, với bản tính tự nhiên, yêu tự do. Sissi yêu chồng mình nhưng cũng ước ao ”chồng mình không phải là một vị vua“.
Khi Elisabeth hạ sinh đứa con đầu lòng là công chúa Sophie, mẹ chồng trách mắng vì nàng đã không sinh được con trai nối dõi. Tuy vậy, bà vẫn không để Elisabeth được gần gũi và nuôi dạy công chúa, lấy lí do rằng, Hoàng hậu còn quá trẻ và phong tục của hai vùng miền không phù hợp với nhau.
Sisi sinh con gái thứ hai, Gisela, người mà bà của cô là Sofia cố gắng lấy cô theo cách tương tự. May mắn thay, lần này hoàng đế cấm mẹ anh can thiệp vào quan hệ gia đình của anh. Sofia dồn mọi ác ý lên vai người mẹ trẻ. Trong một thời gian ngắn, cuộc chiến giữa hai người bị gián đoạn bởi hai biến cố cuộc đời. Con gái lớn của Sisi qua đời và người thừa kế ngai vàng được mong đợi từ lâu, Rudolf, ra đời. Vào thời điểm đó, nhà vua đã chiến đấu ở Ý với quân đội của Napoléon, nhưng cả hai vẫn không ngừng viết những bức thư tình dịu dàng.
Mối tình với nước Hung, người Hung
Trong cả cuộc đời, Sissi không thật để tâm tới chính trị, mặc cho người chồng lao tâm khổ tứ với núi công việc của Đế quốc Áo rộng lớn. Duy chỉ có một thời gian ngắn, bà thực sự tham chính, và nỗ lực của bà đã góp phần không nhỏ cho sự hòa dịu của hai kẻ thù Áo – Hungary.
Đó là vào những năm 1866-1867, khi Sissi coi mỗi lần sang Hungary là “trở về nhà”, khi bà có gia sư riêng, bạn gái riêng dạy bà tiếng Hung, văn hóa và lịch sử Hung, khiến bà có cảm tình và khâm phục tình yêu tự do của dân tộc Hung, và vẻ đẹp của xứ sở này, nơi bà thường xuyên lui tới.
Không những thế, khi sang Hung, Sissi còn không giấu giếm rằng, bà cảm thấy thoải mái hơn nhiều vì thoát được sự “quản lý” của bà mẹ chồng, và sự cứng nhắc của những nguyên tắc hoàng tộc. Và nhất là, ở đó bà có một người bạn lớn, người anh mà bà hằng thần tượng và tin cậy.
Đó là bá tước Andrássy Gyula, người đã bị chính hoàng đế Franz Joseph cho kết án giảo hình khiếm diện do tham gia cuộc khởi nghĩa của người Hung năm 1848, và bởi thế ông phải lưu đày biệt xứ tại Pháp trong nhiều năm. Trở về Hung, ông đại diện cho khuynh hướng muốn Áo – Hung hòa giải.
Kể từ năm 1848, người Hungary trên lãnh thổ của Đế quốc Áo đã nhiều lần phát sinh bạo loạn, đòi độc lập. Năm 1867, Đế quốc đã bắt được một số thủ lĩnh của quân nổi dậy. Vào thời điểm đó, các cố vấn trong triều đình và thái hậu Sophie chủ trương giết người không thương tiếc, nhưng Franz, chồng của Sissi thì không muốn giải quyết tranh chấp bằng cách giết người.
Trên thực tế, ông đã bị ảnh hưởng của Sissi nên mới có ý tưởng như vậy. Sissi bản tính thiện lương, yêu thiên nhiên, thích chim chóc và tất cả các loại động vật nhỏ. Cô không bao giờ nhẫn tâm làm tổn thương chúng, điều này cũng khiến Franz cảm động. Vì vậy, thay vì ký vào các giấy tờ để chặt đầu các thủ lĩnh phiến quân, ông đã ân xá cho họ, bao gồm cả Andrássy Gyula nổi tiếng.
Andrássy đã gặp công chúa Sissi và bị thu hút và ấn tượng sâu sắc bởi sự quyến rũ mà cô toát ra. Anh nói rằng, anh và những người dân Hungary sẵn sàng phục vụ cô và nhà vua cho đến khi họ qua đời. Sau đó, hai bên đã ký “Kế hoạch thỏa hiệp Áo -Hung năm 1867”, thiết lập chế độ quân chủ kép của Đế quốc Áo-Hung. Andrássy được bổ nhiệm làm Thủ tướng Hungary đầu tiên, trong khi Franz và Sissi chính thức lên ngôi Vua và Nữ hoàng Hungary.
Chạy trốn bằng những chuyến đi
Khi công chúa Sissi 23 tuổi, cô mắc bệnh phổi nặng. Ngự y đưa ra thông báo về bệnh tình nguy kịch và nói rằng, cô phải tách khỏi gia đình để tránh lây nhiễm.
Sissi được chuyển đến hòn đảo Madeira của Bồ Đào Nha, nơi cô được điều trị và hồi phục sức khỏe. Từ năm 1860 đến năm 1861, cô đã dành thời gian nửa năm ở đây. Madeira đã nhận được sự chú ý của quốc tế kể từ khi hoàng gia châu Âu khám phá ra những điều kỳ diệu của khí hậu quanh năm như mùa xuân và những lợi ích sức khỏe liên quan. (Hoàng hậu Sisi của Áo, Hoàng đế Maximilian của Mexico, và sau đó, Ngài Winston Churchill đã ở lại trong thời gian dài, mang lại cho hòn đảo Bồ Đào Nha này vị thế quốc tế và sự nổi tiếng.)
Thời gian đầu, Sissi cảm thấy như mình sắp chết, khó thở, ho và cô nằm trên giường cả ngày, kiệt sức. Hơn nữa cô lại bị tách khỏi gia đình, cách xa hàng nghìn cây số, cô rất chán nản và bi quan nhưng mẹ cô đã ở bên và nói với Sissi: “Con đừng nghĩ về cái bệnh đó nữa! Thượng Đế sẽ sắp xếp tốt nhất! Con hãy nhìn vẻ đẹp nơi đây, tại sao không ra ngoài dạo chơi và đi một vòng?” Sự xuát hiện của mẹ cùng những lời nói đã giúp Sissi có những chuyển biến tốt hơn.
Vào giữa thế kỷ 19, du lịch trở nên phổ biến trong giới quý tộc châu Âu. Sissi rất thích đi du lịch, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ bố, sự căng thẳng giữa mẹ chồng nàng dâu và cuộc sống cung đình dồn nén cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến cô thường xuyên đi du lịch xa. Lần đầu tiên cô đến thăm hòn đảo xanh Madeira, sau đó là đảo Corfu, Pháp và Anh và chinh phục tất cả Châu Âu với vẻ đẹp tinh vi của nó. Sisi yêu hòn đảo Corfu và ra lệnh xây dựng một cung điện ở đó. Chồng cô, Franz Josef, thương tiếc cho người mình yêu, nhưng không ngăn cản cô đi du lịch, cảm thấy tội lỗi về những gì mẹ anh đang làm với cô.
Sissi và chồng lớn lên trong những gia đình hoàn toàn khác nhau. Do tính cách cha của Sissi là người vui vẻ và tự do, nên cô cũng lớn lên trong bầu không khí vui vẻ và tự do. Còn mẹ của Franz – bà Sophie lại mang tới một nền giáo dục cung đình rất nghiêm khắc cho con trai, và Franz được giáo dục theo những yêu cầu đối với người thừa kế ngai vàng. Franz nói được nhiều thứ tiếng, hiểu các nghi thức triều đình, và nổi tiếng là người siêng năng, thường làm việc 12 giờ một ngày, yêu dân, nên người dân rất kính trọng vua Franz. Vào những năm cuối, người dân tôn kính gọi ông là “Quốc phụ” của đế quốc Áo Hung.
Sophie không thừa nhận phong cách nuôi dạy của cha Sissi, càng không thừa nhận một Sissi do cha cô giáo dục tạo ra. Bà muốn biến Sissi trở thành một nữ hoàng ngoan ngoãn, giống như con trai mình. Sự thật đã chứng minh rằng Sissi không thích nghi, thậm chí ghét cuộc sống cung đình như này, vì nó đi ngược lại với sự tự do mà cô khao khát. Cuộc sống nơi hoàng cung khiến cô cảm thấy chán nản, phiền muộn, thậm chí là ngột ngạt. Cô đã từng nói với chồng mình rằng sẽ tốt biết bao nếu anh không phải là vua. Trong hồi ký của mình, con gái của Sissi cũng kể về nỗi sợ hãi và trầm cảm của Sissi nơi hoàng cung.
Do khác biệt tư tưởng nên Sissi và mẹ chồng đã mâu thuẫn trong một thời gian dài, mẹ chồng thậm chí còn đem con của Sissi đi, bà cho rằng Sissi không thể đào tạo tốt thế hệ sau, và bà cần phải nuôi dưỡng chúng. Sissi rất yêu thương con cái, và việc buộc phải xa con cũng khiến tình cảm và cuộc sống của cô rơi vào ngõ cụt, điều này càng làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu giữa mẹ chồng và con dâu.
Vì vậy, Sissi phải chọn cách bỏ trốn và đi du lịch bên ngoài để khuây khỏa, như vậy có thể giảm bớt mâu thuẫn giữa cô và mẹ chồng, và cũng là để rời khỏi nơi khiến cô cảm thấy chán nản. Đi du lịch cũng trở thành một cách để Sissi giải phóng bản thân.
Lúc đầu, vua Franz phản đối, nhưng sau khi khuyên can không hiệu quả, ông đã chuyển sang ủng hộ và cung cấp tiền cho cô. Ông biết rằng bệnh phổi của Sissi chỉ được chữa khỏi sau khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Tất nhiên ông hy vọng rằng hoàng hậu yêu quý của mình sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và tâm trạng vui vẻ.
Sau khi sinh người con thứ tư, công chúa Marie-Valerie, cuộc hôn nhân của Elisabeth và Hoàng đế xem như chấm dứt. Họ chỉ gặp nhau vào những nghi lễ hoàng gia hay những chuyến công du. Thậm chí Elisabeth còn có ý tác thành cho nhà vua và nữ diễn viên Katharina Schratt, thay mặt hoàng gia chấp thuận mối quan hệ này.
Khi ở bên ngoài, Sissi thường xuyên trao đổi thư với chồng, giới thiệu về nơi cô đã đến, cảnh vật cô ấy đã nhìn thấy, những người cô ấy đã gặp, những gì cô ấy đã trải qua, v.v. Sau khi nhận được những lá thư này, Franz phấn khích như đang đọc nhật ký du lịch. Ông cũng nhiệt tình viết thư lại cho Sissi, và mối quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn, họ giữ mối quan hệ như những người bạn dù không còn tình yêu cho đến cuối đời.
Công chúa Sissi đã đến Vương quốc Anh, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Hy Lạp và các quốc gia khác. Cô cũng đi đến các quốc gia mà hoàng gia châu Âu chưa từng đến thăm vào thời điểm đó, chẳng hạn như: Maroc, Algeria, Malta, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Sissi đã dành phần lớn thời gian của nửa sau cuộc đời để đi du lịch.
“Hoàng hậu phiêu du” không phải đi du lịch để hưởng thú nhàn hạ, xem các thắng cảnh, mà chính là để quên những buồn bực ở Triều đình, xa lánh bà mẹ chồng cay nghiệt, hủ lậu, không thích hợp với tính tình cởi mở, hòa nhã, và nhất là nghệ sĩ tính của Hoàng hậu. Hơn nữa, chính nàng đã thố lộ tâm sự với cả Hoàng đế rằng nàng muốn “quên cảnh sống rực rỡ xa hoa của Cung điện” mà chính nàng không ưa. Hoàng hậu Elisabeth ở Paris đi xe ô tô buýt như một kẻ thường dân. Ở Ai Cập, nàng tìm đến sa mạc, rồi đi lang thang trong sa mạc, giữa cơn nắng cháy, cho đến khi nào khát nước quá và mỏi chân nàng mới quay về. Nàng không cần ai phê bình, chỉ trích, vì nàng như con chim Hải âu bay lượn quá cao, không có mũi tên nào bắn trúng vào nàng được. Đi ngoài phố, nàng không muốn cho ai biết mặt, cũng không nhận mình là hoàng hậu Áo.
Ra đi trong đau thương
Suốt quãng đời còn lại của mình, Elisabeth sống trong u buồn. Bà thường mặc đồ đen, thơ thẩn đi dạo một mình mà không muốn ai đi theo bảo vệ. Hành động này của Sissi có liên quan đến con trai bà là Rudolf. Năm 21 tuổi, Sissi sinh người con trai duy nhất của mình, Rudolf (tiếng Đức: Rudolf, Kronprinz von Österreich und Ungarn), sau này được gọi là Hoàng tử của Áo và Hungary.
Dưới sự sắp đặt của bà nội Sophie, Rudolf ngay từ nhỏ đã nhận sự giáo dục rất nghiêm khắc của triều đình, bao gồm cả huấn luyện quân sự nghiêm ngặt. Sau khi lớn lên, anh buộc phải kết hôn với Công chúa Stephanie của Bỉ, con gái của Vua Leopold II của Bỉ. Đây là cuộc hôn nhân chính trị, hai người cũng bằng mặt mà không bằng lòng.
Rudolf cũng giống mẹ, anh khao khát tự do, cùng với cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, nhất là trong thời đại đó, khi phong trào lật đổ hoàng gia châu Âu đang dâng cao, và hoàng gia Áo cũng lâm vào cảnh bấp bênh. Rudolf nhìn thấy sự suy tàn của hoàng gia và những tham vọng chính trị của mình khó đạt được, nên vào ngày 30 tháng 1 năm 1889, đã chọn cách tự sát trong tuyệt vọng.
Trước cái chết của người con trai duy nhất, Sissi rất đau khổ và tự trách bản thân. Kể từ đó, bà chỉ mặc đồ đen để tưởng nhớ con trai mình.
Ngày 10 tháng 9 năm 1898, ở tuổi 60, Elisabeth bị một tên người Ý ám sát bằng một nhát dao xuyên tim.
Tên sát nhân này là Lucheni, hắn luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải giết chết một người trong Hoàng gia. Và cơ hội đã đến khi chuyến đi của Elisabeth được báo chí thông tin rầm rộ, dù chính bản thân bà đã muốn giữ kín. Hoàng hậu đã ra lệnh cho cảnh sát không túc trực tại khách sạn của bà, chính điều này đã tạo thời cơ cho tên sát nhân. Sau khi bị Lucheni đâm và bỏ chạy, Elisabeth vẫn bình tĩnh trả lời rằng, vết thương của mình không nghiêm trọng. Có thể vì chiếc áo ngực quá dày khiến vết thương không chảy máu nên mọi người đã không nhận ra sự nguy hiểm của nó. Bà lên chiếc thuyền đang đợi sẵn để người ta đưa về khách sạn, nhưng đã tử vong khi tàu cập cảng. Elisabeth được được chôn cất trong hầm mộ của Hoàng gia ở Vienna.
Franz Joseph bị choáng ngợp khi nghe tin về cái chết của vợ, anh đã ôm ảnh cô và thì thầm, nàng không biết ta yêu nàng đến nhường nào đâu.
Có lẽ vị vua trẻ cũng không thể nghĩ được vợ mình sẽ bị giết hại như vậy, người ta có thể ám sát một vị vua, một chính khách, một tổng thống, thủ tướng,… nhưng giết hại một hoàng hậu, lại còn là một hoàng hậu không quan tâm tới chính trị để làm gì chứ. Sau cái chết của người anh yêu, anh đã không nói chuyện trong nhiều tháng, ngừng tham dự các sự kiện văn hóa, sau này ông cũng không cưới thêm một hoàng hậu nào khác.
Cuộc đời huyền thoại của bà đã được tái hiện trong nhiều tiểu thuyết, phim ảnh và các tác phẩm văn học nghệ thuật khác sau này và nhận được sự chào đón rộng rãi. Nhiều nơi bà từng sống và đến thăm, ngày nay là những điểm du lịch nổi tiếng, chẳng hạn như Cung điện Schönbrunn ở thủ đô của Áo, và Cung điện Gödöllő ở Hungary. Tất cả những gì liên quan đến “Công chúa Sissi” cũng trở thành thu hút với công chúng, điều đó cho thấy sức hút và tầm ảnh hưởng của công chúa. Công chúa Sissi đã trở thành đại diện và biểu tượng của nước Áo và cả Châu Âu, được mọi người yêu mến và thương nhớ.
Linh Linh
Dear Child (Liebes Kind) là series phim của Đức được Netflix sản xuất, phần lớn phim của họ đều hàm chứa rất sâu tính triết học. Thời gian vừa qua có rất nhiều bài viết ca ngợi phim One Piece nhưng mình chỉ xem đúng tập 1 là ngừng, vì phim này chỉ dành cho các bạn trẻ, và sở dĩ nó nổi tiếng vì gắn liền với bộ truyện tranh của Nhật; còn Dear Child mới thật là bộ phim dành cho người lớn, mà người lớn xem xong chưa chắc đã hiểu hết thông điệp của nó. IMDb 7.5 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Như mọi khi, trước khi phân tích phim thì chúng ta cần hiểu thêm một chút về dân tộc Đức, đây là một quốc gia được thống nhất từ nhiều bang, là cái nôi của triết học hiện đại, cũng là cái nôi của những thứ thuộc về tinh thần ví như âm nhạc, và cũng là nơi sinh ra 2 thứ chủ nghĩa cực đoan hoàn toàn đối lập nhau, là chủ nghĩa gì thì bạn tự suy diễn nha, không nói vì nó rất nhạy cảm, bản thân nước Đức hiện đại cũng từng trải qua giai đoạn lịch sử phân đôi của hai nửa đối lập, trong mỗi cái nửa này lại mang trong nó sự đối lập cực đoan, nửa này tự do nhưng mang tính cá nhân, nửa kia kiểm soát nhưng mang tính cộng đồng, nếu muốn hiểu thêm thì đọc bài về phim Possession (1981) mà mình đã review; bởi cùng tồn tại trong 2 trạng thái cực đoan mang tính “bệnh hoạn” nên nó tạo ra sự phân ly, sau đó bởi vì sự phân ly mà sinh ra sự khao khát được hợp nhất cũng “bệnh hoạn” không kém.
Sau khi bạn xem phim thì sẽ hiểu rằng tại sao “người cha” – kẻ bắt cóc Lena lại hành động như thế, vì ông ta có người cha độc đoán thích kiểm soát, người mẹ thì bỏ gia đình để đi theo tình yêu mới, cho nên khi ông ta phát hiện Lena vừa giống với người mẹ lại vừa có được những phẩm chất tuyệt vời thì ông ấy bắt cóc cô ấy về làm vợ, muốn “sở hữu” cô ấy hoàn toàn, để sự việc quá khứ không bị tái diễn, ông ấy nhốt Lena trong một căn phòng với sự kiểm soát tuyệt đối, mà cũng chính vì thế, cái chết của Lena là không thể tránh khỏi. Sau đó thì sao? Ông ấy sẽ tiếp tục bắt cóc những cô gái khác về làm vợ? Có và không! Vấn đề ở đây là thuộc về tinh thần, tinh thần của một “người vợ” với những phẩm chất tuyệt vời đã chết về mặt thể xác, cho nên ông ấy bắt cóc những cô gái trẻ có khuôn mặt giống người mẹ và giống Lena nhưng hoàn toàn bỏ qua tính cách của những cô gái này, bắt họ về, biến họ thành Lena về thể xác cũng như tinh thần, buộc họ làm những điều mà Lena đã từng làm khi còn sống.
Mặc dù bộ phim ít cho chúng ta thấy những gì Lena đã trải qua sau khi bị bắt cóc, nhưng sự tuyệt vời trong phẩm chất của cô ấy là không có điểm nào để chê, điều đó được thể hiện qua việc cô ấy đã tác tạo nên một Hannah cực kỳ thông minh trong điều kiện sống cực kỳ tối thiểu, phải nói rằng để làm được điều này là cực khó. Hãy tưởng tượng, một đứa trẻ bị nhốt trong ngôi nhà từ lúc sinh ra đến khi được 12 tuổi, nhưng sau khi bước ra ngoài lại vô cùng bình tĩnh, không những thế, cô bé còn có thể kiểm soát mọi tình huống, nhận ra ông ngoại, đã vậy có thể qua mặt tất cả mọi người và “hệ thống” để đạt được kế hoạch đề ra, kiểm soát luôn cả “người cha” và mạng sống của “người mẹ” mới. Phải nói rằng tôi chưa từng chứng kiến một “cao thủ” nhí có trí tuệ cao như vậy mà không trái với logic. Còn mấy cái thứ “thông minh” của trẻ con ở những phim khác thì chỉ là bọn nhải nhép. Hannah càng thông minh bao nhiêu thì càng thể hiện Lena tuyệt vời bấy nhiêu, và cũng không thể bỏ qua sự góp phần về mặt trí tuệ cũng như khả năng kiểm soát cực đoan của “người cha” mà Hannah đã học được.
Từ đó có thể thấy rằng, mặc dù “người cha” là một kẻ giết người hàng loạt, nhưng ông ấy không phải là một tên biến thái, ông ta bị truyền nhiễm “căn bệnh” thích kiểm soát của người cha và khao khát sở hữu một gia đình trọn vẹn “hoàn hảo” đến cực đoan, bằng chứng là ông ấy không buộc Lena hủy đứa bé trong bụng là Hannah. Về phần cô bé Hannah – là kẻ đồng lõa trong những cái chết của những “người mẹ” sau, nhưng cô bé hoàn toàn ngây thơ và trong sáng, cô bé chỉ muốn có đủ cha và mẹ, một người cha thích kiểm soát – thứ mà cô bé đã quen từ khi mới được sinh ra, còn người mẹ có đủ trí tuệ và tình yêu thương để biến sự bất thường trở nên bình thường, về phần tội ác thì cô bé vốn không biết nó là gì, vì kể cả “cha” và mẹ luôn biết cách tránh tạo ra sự ảnh hưởng tiêu cực đối với những đứa con, không những thế, cô bé đã cố gắng rất nhiều trong việc “giúp đỡ” những “người mẹ” kế tiếp hoàn thành vai trò của mẹ ruột, nhiều người trong họ đã thất bại và đã chết, “người mẹ” sau cùng có thể sống được là vì… trong cô ấy có một phần phẩm chất như Lena nên được Hannah chọn, và cũng bởi vì “người mẹ” này làm những điều Lena làm nên nó cũng góp phần biến đổi tính cách của cô ấy.
Bộ phim của Đức này cũng chạm đến những vấn đề rất quan trọng như tinh thần – trí tưởng tượng – vai trò của nghệ thuật – sự kiểm soát – tự do – tình yêu thương – tội ác.
Tinh thần – trí tưởng tượng – tình yêu thương – vai trò của nghệ thuật có thể giúp con người sống hạnh phúc và vượt qua những khó khăn tưởng chừng như bất khả, nhờ có nó mà Lena có thể tác tạo nên một đứa trẻ hoàn hảo như Hannah, cũng nhờ có nó mà Hannah có thể kiểm soát được hành vi của “người cha” bệnh hoạn muốn hủy diệt những phiên bản “thay thế” của người “vợ” đã chết; “người cha” mặc dù thích kiểm soát nhưng không hề buộc Hannah phải trở về căn nhà sau khi cô bé thoát khỏi đó nhờ vào “người mẹ”, vì với cả “người cha” và Hannah thì tinh thần gia đình là quan trọng nhất, “người cha” còn thực hiện kế hoạch do đứa con gái đề ra.
Còn về sự kiểm soát, bởi vì cha của “người cha” sống bằng sự kiểm soát nên vợ ông ta mới yêu người khác, tiếp theo, vì sự kiểm soát và cưỡng bức của “người cha” mà một cô gái tuyệt vời như Lena và nhiều cô gái trẻ khác phải chết. Đôi khi chúng ta tưởng rằng sự kiểm soát chính là sự bảo vệ (công ty bảo vệ), nhưng hóa ra nó lại là tác nhân tạo ra sự hủy hoại, kiểm soát có chừng mực mới thật sự là bảo vệ; nó cũng giống với việc một căn cứ quân sự lại là nơi giam giữ 2 đứa trẻ, giết chết một người mẹ hoàn hảo cùng với đứa trẻ sơ sinh, và nhiều cô gái trẻ khác nữa; hoặc sự kiểm soát thái quá giống như lớp thủy tinh của món đồ chơi, ban đầu lớp thủy tinh là thứ bảo vệ những gì bên trong, nhưng vì nó quá cứng và sắc bén, nên sau khi vỡ ra thì nó trở thành hung khí giết chết “người cha”.
Còn về sự tự do, tự do thái quá cũng là sự hủy hoại, hãy nhìn cách Lena sống trước khi bị bắt cóc, cô ấy “quan hệ” từa lưa – để biết được ai mới là cha thật của Hannah thì đám bạn trai xếp thành hàng kiểm tra ADN, hoặc việc về quá khuya nên bị bắt cóc, những cô gái trẻ khác cũng vậy. “Tự do” và “yêu thương” không kiểm soát giống như chỉ đạo của nữ cảnh sát, cả nhóm nhân viên xâm nhập vào khu quân sự và lao thẳng vào bãi mìn, sau đó thì có người bị tổn thương. Các bạn có nhớ trò chơi của “gia đình” khi “người cha” ở bên ngoài bước ngang bước dọc và bên trong căn nhà thì “người mẹ” và 2 đứa trẻ cũng làm y như vậy? Đó là phương pháp để vượt qua bãi mìn đấy, là câu trả lời cho việc tại sao “người mẹ” cuối cùng và Hannah không dính mìn khi thoát khỏi căn nhà, và ở mọi nơi Hannah luôn đếm bước cùng quan sát kỹ mọi thứ xung quanh để có thể kiểm soát tất cả mọi thứ nếu rơi vào bóng tối.
Nếu sự kiểm soát trở thành cực đoan và không có tự do thì nó sẽ tạo ra điều gì? Nó sẽ tạo ra một Hannah tuy cực kỳ thông minh nhưng lại không hiểu gì về thứ gọi là “tội ác”, cô bé trở thành đồng lõa trong cái chết của nhiều người mẹ và một người đàn ông tốt, sau đó là cái chết gián tiếp của bà y tá tốt bụng. Chúng ta tự hỏi có bao nhiêu người trong các chế độ cực đoan thực sự hiểu “tội ác” là gì, khi mà tiêu chuẩn đạo đức hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của kẻ độc tài?! Các bạn có nhớ bộ phim “The Reader – 2008”, người phụ nữ “mù chữ” từng là quản tù, đã làm theo lệnh cấp trên khi đưa nhiều tù nhân người Do Thái vào phòng hơi ngạt, cô ấy đâu hiểu việc làm đó là tội ác, và cô ấy chỉ hiểu điều đó và hiểu về tình yêu sau khi đọc sách, hoặc những đứa trẻ trong thời Pol Bot ở Campichia trở thành “cai tù”, tìm và chỉ ra những người trí thức hoặc có ý nghĩ chống chế độ để mang ra xử bắn, hoặc bạn cũng có thể tìm thấy ở những tôn giáo cực đoan.
Phim còn nhiều ý nghĩa và thông điệp khác nữa nhưng các bạn tự tìm ra nhé, lẽ ra một bộ phim như thế này nên viết nhiều hơn, nhưng có rất nhiều điều cần sự cảm nghiệm hơn là phân tích thuần túy, và đây là một bộ phim tràn đầy cảm xúc chứ không phải chỉ toàn lý tính, cảm xúc thì khó nói thành lời.
Chí's Blog
Vừa qua, Netflix đã chính thức tung ra phần thứ 2 của Bridgerton - series từng đạt kỷ lục người xem trên nền tảng này. Vẫn tập trung vào xã hội thượng lưu ở London thế kỷ 19, loạt phim theo chân những chàng trai gia đình quý tộc, có địa vị cao trong xã hội theo đuổi, tán tỉnh những cô gái trẻ tại mùa lễ hội chỉ tổ chức một lần trong năm.
Dù có cùng một mô-típ kể chuyện và dàn diễn viên (chỉ bổ sung thêm một số gương mặt mới), Bridgerton 2 vẫn không thể mang lại những trải nghiệm giống như mùa 1 từng làm được.
Tương tự phần đầu tiên, loạt phim này cũng được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết của tác giả Julia Quinn về các anh chị em trong gia đình Bridgerton. Năm ngoái, con gái cả của gia đình là - Daphne (Phoebe Dynevor) đã kết hôn với công tước Hastings đáng quý và giờ đây, mọi áp lực đặt lên vai tử tước Bridgerton (Johnathan Bailey). Sau nhiều năm rong chơi và tận hưởng cuộc sống trụy lạc, giờ đây, Anthony phải tìm kiếm một người vợ thông minh và tài giỏi, có thể giúp đỡ được anh chăm sóc gia đình và đặc biệt là những người em của anh trên đường tiến tới hôn nhân.
Trước khi bắt đầu tham gia vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm, anh gặp Kate (Simone Ashley) - một cô gái có sức hấp dẫn vô cùng lớn, gây ấn tượng với anh bằng những lời khiêu khích đầy trọng lượng. Cuộc gặp gỡ này dường như ngấm báo hiệu mối quan hệ không hề tầm thường giữa cả hai. Gạt sang một bên, Anthony quyết định trở lại mục tiêu chính là tìm một người vợ cân xứng với mình và ở những buổi tiệc, anh được giới thiệu tới Edwina (Charithra Chandran) - cô gái sau này được nữ hoàng lựa chọn là viên kim cương sáng giá nhất của mùa (danh hiệu mà Daphne từng đạt được trước khi rơi vào mối tình với công tước). Bạn đoán xem chị gái của Edwina là ai?
Bridgerton 2 có hấp dẫn?
Bạn không cần đọc cuốn tiểu thuyết gốc thì cũng biết mối tình tay ba giữa Anthony, Kate và Edwina sẽ diễn ra như thế nào. Có thể nói Bridgerton mùa 2 vẫn tráng lệ và vô cùng lãng mạn so với những loạt phim cùng thời kỳ của đối thủ, thế nhưng để nói series này có để lại được ấn tượng sâu sắc như mùa đầu tiên hay không, thì câu trả lời là không. Người xem dễ dàng biết được họ sẽ được thấy gì trong nửa sau của loạt phim, cùng với việc quá nhiều chi tiết được nhồi nhét trong 8 tập, Bridgerton 2 khiến mình từng kỳ vọng cảm thấy thất vọng và dám chắc là những khán giả mới cảm thấy mệt mỏi.
Nếu như trong chuyện, “cuộc tấn công của ong chích” được cho là sự kiện thay đổi Anthony thành một con người khác và đẩy chuyện tình của anh và Kate sang một hướng mới thì trong phim, chi tiết này bị miêu tả quá nhanh, khiến người xem không biết được nó ảnh hưởng sâu sắc tới con trai cả nhà Bridgerton như thế nào.
Mình có thể tự tin gọi phân cảnh ong chích trong phim là một nỗ lực thất bại của nhà làm phim khi tăng tính gay cấn và bí ẩn cho series đình đám này. Nhìn lại phần đầu tiên, những ám ảnh của Simon được miêu tả vô cùng tinh tế, khiến ta cảm nhận được rõ lý do mà anh không hề muốn có con với Daphne. Để rồi khi mọi khúc mắc được giải quyết, người xem sẽ cảm thông cho anh nhiều hơn.
Mùa thứ 2 nhìn chung cũng có tần suất cảnh lăn giường ít hơn hẳn phần đầu tiên. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì nếu như Bridgerton tập trung vào chuyện tình lãng mạn giữa Daphne - một cô gái trẻ mới bắt đầu nếm trải những cảm giác lãng mạn và Công tước Hastings - một người đàn ông mãnh liệt, có một chút gì đó ngõ ngược và bốc đồng. Nhìn chung, đây là một mối quan hệ của những người trẻ, khiến nhiều khán giả cảm thấy đồng cảm. Còn với Bridgerton 2, chuyện tình giờ đây xoay quanh những người đã trưởng thành, có kinh nghiệm sâu sắc trong chuyện tình yêu và chính vì vậy, cũng kém hấp dẫn hơn hẳn.
Chuyện tình giữa cặp đôi chính kém hấp dẫn không đồng nghĩa với việc Bridgerton 2 mất đi hoàn toàn sự thú vị. Chúng ta vẫn có những bản phối đầy khác biệt của Material Girl và Diamonds, vẫn có những khi vườn và ngôi nhà kiểu cổ được trang trí vô cùng lộng lẫy và những cuộc đua ngựa tuyệt vời trong những khu rừng sâu thẳm. Trong phần này, Adjoa Andoh tiếp tục thể hiện xuất sắc trong vai Quý bà Danbury - người phụ nữ toàn diện của xã hội, có những nét tính cách khác biệt so với những nhân vật cùng đẳng cấp trong các loạt phim khác.
Cốt truyện về những tờ báo được viết bởi Lady Whistledown vẫn giữ nguyên được sự hấp dẫn như phần đầu tiên, nhưng giờ người xem đã biết danh tính người phụ nữ bí ẩn. Bây giờ chúng ta có thể quan sát hành trình cô gái cố gắng không để bị phát hiện, đồng thời đối mặt với những thử thách trong chuyện tình yêu.
Không phải tất cả những mẩu chuyện nhỏ trong phim đều được khai thác thành công, nhưng những phân cảnh liên quan đến Eloise điều khiến mình không thể rời mắt khỏi màn hình. Với vai này, Claudia Jessie trở thành nhân vật hài hước nhất trong một loạt phim ít những tình tiết gây cười hơn mùa đầu tiên.
dienanh.net
Bạn có thông tin gì mới không?