Nghệ sĩ Quyền Linh thể hiện chân thực vai người cha làm muối 'gà trống nuôi con', khiến người xem bồi hồi cảm xúc với nét mặt và tạo hình khắc khổ, thăng trầm, trong phim điện ảnh 'Hai Muối'.
Hai Muối đánh dấu màn tái xuất màn ảnh rộng của Quyền Linh sau gần 20 năm, kể từ Khi đàn ông có bầu (2005). Phim kể về ông Hai (Quyền Linh đóng), làm diêm dân (người làm muối) tại ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Nghề làm muối truyền thống vốn cực khổ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, được mùa hay thất bát phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.
Vợ mất sớm, ông Hai ở vậy nuôi cô con gái Muối (Huỳnh Bảo Ngọc) ăn học nên người. Khi Muối đủ 18 tuổi phải lên học ở Sài Gòn, ông vừa mừng vừa lo cho con. Cũng từ đây, nhiều sự kiện trắc trở xảy ra, thử thách tình cha con của họ.
Quyền Linh là 'xương sống' của Hai Muối
Hành trình hóa thân Hai Muối của nghệ sĩ Quyền Linh khiến người hâm mộ lâu năm khâm phục. Trả lời truyền thông, Quyền Linh nói anh ép bản thân giảm 30kg, nuôi râu dài để phù hợp tạo hình nhân vật. Ngoài ra, anh tự thực hiện nhiều cảnh nguy hiểm trong phim. Trong đó, phải kể đến cảnh ông Hai và nhân vật của Phước Lộc vật lộn bên động cơ chân vịt, Quyền Linh được đạo diễn yêu cầu không mặc đồ bảo hộ để tăng tính chân thực.
Hay trong cảnh ông Hai ngồi thẫn thờ nhìn ruộng muối mồ hôi nước mắt bị mưa bão nuốt trọn, Quyền Linh phải dầm mưa hàng tiếng đồng hồ đến mức cảm nặng. Đổi lại, người xem được chiêu đãi cảnh đẹp mê hồn nhưng cũng buồn man mác, không biết là mưa hay nước mắt, chực trào chảy dài trên gương mặt tiều tụy của ông Hai.
Không ngoa khi nói Quyền Linh và nhân vật của anh là “xương sống”, là chất xúc tác khiến khán giả càng xem Hai Muối lại càng thương, càng xót, nhưng không thể rời mắt. Trong lần trở lại điện ảnh, nghệ sĩ 55 tuổi ghi điểm nhờ lối diễn giàu cảm xúc, đôi mắt thăng trầm, cùng cách nhả thoại chân chất.
Có nhiều cảnh diễn cùng “tân binh” 24 tuổi Huỳnh Bảo Ngọc, Quyền Linh khắc họa được nét tảo tần, kiệm lời nhưng cũng bao dung, ấm áp. Đó có thể là cảnh thường nhật đơn giản, khi hai cha con lời qua tiếng lại thân tình; cũng có thể là phút giây xúc động, họ ôm nhau òa khóc khi mọi hiểu lầm đã được dẹp tan.
Cùng với Quyền Linh, Huỳnh Bảo Ngọc là một mảnh ghép quan trọng trong phim, cũng như ruộng muối thì không thể thiếu nắng trời. Lần đầu tiên đóng phim điện ảnh, người đẹp Cần Thơ làm sáng khung hình với nét tự nhiên, trong sáng, cùng diễn xuất ở mức ổn định. Phần thoại của Huỳnh Bảo Ngọc cũng được đầu tư những câu từ trẻ trung, tươi mới hơn, tạo sự khác biệt với phần thoại của Quyền Linh. Nét diễn của cô không mới, song đủ tròn đầy, làm ấm nóng cảnh sắc trong mỗi phân đoạn cô xuất hiện.
Các tuyến phụ của NSND Hồng Vân, Trần Kim Hải, Năm Chà,... dừng ở mức tròn vai. Mỗi vai đều có khoảnh khắc và thoại đáng nhớ. Song do phải tập trung thời lượng khai thác tình cha con ông Hai - Muối, các tuyến vai này chỉ được lược kể về thân phận, không có nhiều đất diễn.
Bộ phim giúp kích thích du lịch, nâng tầm văn hóa dân tộc
Muối xuất hiện trong mỗi buổi cơm, trong mỗi hành trang của con người, trong huyết quản cũng có muối. Thông điệp tôn vinh giá trị của nghề làm muối được đạo diễn Vũ Thành Vinh lồng ghép vừa vặn, chỉn chu, không hề tạo cảm giác bội thực.
Sau Lý Hải với loạt phim Lật mặt, đến lượt đạo diễn Vũ Thành Vinh đưa văn hóa truyền thống vào phim của mình. Với Hai Muối, đó là làng nghề muối ở ấp đảo Thiềng Liềng. Sử dụng các góc quay bằng flycam, nhà làm phim thu trọn những ruộng muối đều tăm tắp, được nắng vàng chiếu rọi mà trở nên lấp lánh như ngọc ngà châu báu. Cùng với ruộng muối, thiên nhiên hoang sơ của Cần Giờ cũng được bắt trọn trong những góc toàn của nhà làm phim.
Đạo diễn Vũ Thành Vinh - Tác giả - Đạo diễn phim Hai Muối
Để tiết kiệm thời gian, Vũ Thành Vinh giới thiệu các công đoạn làm muối của diêm dân, cũng như sự cực khổ của nghề này thông qua hình ảnh kết hợp thoại, cùng những phân cảnh được sắp đặt song song nhau. Trong một chuỗi phân đoạn, dáng vẻ mệt nhọc, gánh gồng của ông Hai được đặt cạnh nụ cười khi đi học, đi làm thêm của Muối; từ đó mang đến giá trị tương phản cao, giúp người xem hiểu được cái vất vả của nghề này.
Ở phần nghe, đạo diễn Vũ Thành Vinh bổ sung âm nhạc từ đàn tranh, đàn nhị, mang đến cảm xúc hoài cổ, thân thương cho người xem. Âm nhạc từ đó đóng vai trò quan trọng để nâng tầm cảm xúc của khán giả.
Bạn có thông tin gì mới không?