Dì tôi làm ở trạm xá của xã, từ nhỏ tôi vốn có nhiều thời gian sống ở nhà dì vì gần trường cấp 2 nơi tôi đi học. Cả thời mới lớn, tôi lẽo đẽo theo dì "đi trực" cả đêm lẫn ngày, tôi quen mùi ete, quen tiếng va chạm của dụng cụ inox va vào nhau loảng xoảng khi dì đem "hấp" tiệt trùng mỗi đêm trong một chiếc nồi đặc biệt.
Dì tôi mới về hưu cách đây vài năm. Tôi 35 tuổi thì dì cũng có thâm niên 35+ trong nghề, vì cột mốc duy nhất tôi nhớ được về nghề nghiệp của dì là việc - chính tay dì đã đỡ đẻ cho mẹ tôi khi tôi lọt lòng.
Dì tôi là một nữ hộ sinh!
Sau dì lấy dượng tôi, một Dược sĩ. Nên tôi lớn lên cạnh cái tủ thuốc Tây từ bé. Đó cũng là cơ duyên đẩy tôi đến việc "bị" ông dượng rinh về Tân An học hết năm rưỡi để lấy cái bằng Dược tá mà 15 năm nay tôi chưa sử dụng bao giờ!
Tôi và thằng em họ kém hai tuổi lớn lên cạnh nhau, líu ríu quanh nhà từ lúc vô tư phá phách chẳng biết sợ, đến lúc chớm tuổi mới lớn, chúng tôi là những đứa trẻ "con nhà y" thật sự.
Chuyện đang đêm, điện thoại reo, nghe xong là dì thay quần áo, túm cái giỏ chạy mất tiêu trong đêm - là chuyện bình thường nhất, trong ký ức, có những ca cấp cứu họ chở luôn đến nhà, đập cửa tưng bừng, hoặc đang ăn cơm chưa kịp đánh răng, tắm chưa kịp chải tóc là chuyện "cơm bữa"...
Cực vậy chứ lương chả bao nhiêu tiền, mấy triệu đồng thu nhập! Tuần trực 2-3 đêm 24/24, luôn sẵn sàng tỉnh táo để cấp cứu cho thiên hạ bất cứ lúc nào người ta "tràn vào" sân trạm xá như một cơn bão, mang theo những cơ thể quằn quại, yếu đuối...
Một dì nữa của tôi hiện vẫn đang làm tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Long An. Chồng và con trai cũng cùng đơn vị. Đó cũng là một thằng em họ khác của tôi lớn lên với mùi ete, sát trùng!
Hồi bé tôi từng nghĩ: Mình sẽ chẳng bao giờ theo ngành này. Dù dĩ nhiên với người ngoài, gia đình tôi có những niềm tự hào rất riêng - về họ!
Vì nó quá cực!
Những mùa dịch bệnh kinh khủng thế này làm tôi nhớ lại những mùa dịch sốt rét, sốt xuất huyết... hàng năm, các dì tôi cũng "hoà" vào dòng người ăn mặc như phi hành gia, đi phun xịt khắp mọi ngõ ngách, rồi phát thuốc, tiếp nhận hàng đống người mỗi khi làng quê êm đềm bỗng có loại bệnh gì đó mới xuất hiện, vô tiền khoáng hậu.
Chị họ tôi (thực ra nó nhỏ hơn tôi 6-7 tuổi) năm đầu thi Đại học, nó gạch bỏ khối B ra đầu tiên, không hiểu sao một ngày nọ, nó thành Y Sĩ, có vẻ trong khoảng thời gian tôi "vắng mặt", gia đình đã rù rì vào tai hắn để hắn "sa" vào con đường... chán ngắt ấy!
21 tuổi, nó trở thành một nhân viên y tế xã, với tham vọng được đi học chuyên tu lên Bác sĩ, được cất nhắc để làm quản lý...
Nhưng 2-3 năm trôi qua, nó thấy thanh xuân bị "kéo giãn ra", không đủ thời gian để yêu đương, hẹn hò hay vạch định gì đó thêm cho tương lai. Cuối cùng nó chọn việc làm trợ lý cho một phòng khám tại SG, rồi âm thầm ban đêm đi học tại chức, từ xa các kiểu để "rộng đường" hơn trong tương lai.
Nói thế để biết: DÁM LỰA CHỌN Y - DƯỢC để học - đã là một quyết định khó nhằn, không đơn giản như mọi người tưởng đó là công việc chỉ khoác chiếc blouse trắng, đeo ống nghe rồi đi qua đi lại làm kiểng!
Trong dịch bệnh này, nhân viên t tế phải xa nhà, bỏ chồng/vợ/người yêu, con cái/cha mẹ - những người đáng lẽ phải nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ họ, để đi chăm sóc những người xa lạ... Với rất nhiều nguy cơ cho bản thân như mệt mỏi, stress, suy nhược cơ thể, kiệt quệ năng lượng...
XIN HÃY THƯƠNG LẤY NGÀNH Y của chúng ta, không có những thiên thần áo trắng, trái đất này sớm muộn cũng diệt chủng, không vì Covid-19 thì cũng vì con virus khác!
Cảm ơn thật nhiều và mong sớm đến ngày quê hương sạch bóng Covid!
FB Trần Nguyên Thảo
Bạn có thông tin gì mới không?