Nhiều nhà văn, bạn đọc đã không bất ngờ khi Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một đoạt Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 ở thể loại văn xuôi được Hội nhà văn Việt Nam công bố ngày 27-12.
Vừa xuất bản không lâu, tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023 đã tạo được sức hút đối với bạn đọc và giới văn chương khi tác phẩm chạm đến đề tài chiến tranh, giai đoạn hậu chiến bằng thủ pháp văn học mới mẻ, cuốn hút, mang dấu ấn riêng; với tuyến nhân vật gắn với những số phận trong thời cuộc đầy biến động.
Các tuyến nhân vật Sơn, Diễm, Hùng, Trang, Thành… được tác giả khắc họa với những biến đổi về cảm nhận, tính cách, ứng xử trong giai đoạn chuyển đổi của thời cuộc, từ chiến tranh, loạn lạc, chia cắt, ly tán sang thống nhất, hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, lập lại cuộc sống mới. Những cuộc đời, tình yêu, những đau đáu và ước mơ đeo bám được biến hóa, đặt vào những cảm xúc của từng nhân vật, nghịch cảnh của cuộc sống. Ở đó đầy sự dở dang, lỡ làng của một cô gái độ xuân thì, một chàng trai trốn lính yêu da diết tưởng chừng sống chết với người mình yêu lại có lúc bi lụy, nhu nhược trước những tình cảnh đưa đẩy, khắc nghiệt của cuộc sống, bám víu với lý tưởng mơ hồ của riêng mình. Một gia đình đã “chia cắt” thời chiến khi có anh ruột theo cách mạng, đấu tranh để thống nhất đất nước và hai người khác lại theo chính quyền ngụy. Sơn, nhân vật chính, một cậu thanh niên ở trong gia đình ấy, với góc nhìn, cảm nghĩ của cậu thanh niên mới lớn đã bị đẩy đưa, giằng xé giữa hai luồng nhận thức, lý trí để lựa chọn con đường đi cho chính mình...
Nhà giáo - Nhà văn Nguyễn Một và tác phẩm ''Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín''
Không chỉ là những số phận nhân vật đầy màu sắc, chân thực, bám vào sự chuyển đổi của thời cuộc, mà điểm độc đáo, hấp dẫn, rất mới mẻ của tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là đã khắc họa được bức tranh nhiều vùng nông thôn, đô thị của miền Nam lẫn cảm thức của những thân phận, của thời cuộc.
Cuốn tiểu thuyết được đánh giá là mang đến một góc nhìn chiến tranh, giai đoạn hậu chiến đầy sống động, độc đáo ít có nhà văn nào làm được là nhờ chính sự trải nghiệm của chính tác giả trong mấy mươi năm sống trong giai đoạn, thời cuộc đầy biến động ở miền Nam giai đoạn trước và sau năm 1975. Mẹ bị địch bắn khi Nguyễn Một còn đỏ hỏn, được cậu ruột nuôi dưỡng suốt thời thơ ấu. 12 tuổi, Nguyễn Một cùng cậu lưu lạc vào miền Nam, sống bằng đủ nghề để kiếm sống, trưởng thành và trở thành thầy giáo dạy học ở một ngôi trường ven sông Đồng Nai trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới...
Nhà văn Nguyễn Một sinh năm 1964 được bạn đọc biết đến qua hàng chục tác phẩm ở các thể loại truyện thiếu nhi, truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết... Các tiểu thuyết như: Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời đã tạo được dấu ấn, nhận được những giải thưởng văn học, được dịch và phát hành ở nước ngoài. Tôi may mắn được nhà văn Nguyễn Một gửi bản thảo “Bên lở dòng sông” tựa đề được tác giả đặt đầu tiên, sau đổi tên thành “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” ngay sau khi anh vừa hoàn thành bản thảo.
Đề tài chiến tranh tưởng chừng như xưa cũ, khó có những tác phẩm mới mang dấu ấn riêng, nhưng khi đọc những trang đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút cùng với sự ngỡ ngàng lẫn ngạc nhiên ở chất liệu, sống động, chân thực với bút pháp mới mẻ, rất khác với cấu trúc, thủ pháp hiện thực huyền ảo hiện rõ ở các cuốn tiểu thuyết trước đây của anh. Nguyễn Một chuyển tải góc nhìn chiến tranh dù không trực diện nhưng xuyên thấu nỗi đau, để thấy rằng khi thoát ra khỏi chiến tranh thì mang lại ý nghĩa, giá trị đến nhường nào đối với thân phận con người, với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Anh như muốn chuyển tải thông điệp về chiến tranh dù xảy ra ở nơi đâu, của dân tộc nào hay của cả nhân loại thì cũng luôn hiển hiện tàn khốc, bi thương, xô đẩy những phận người ở những ngã rẽ và mỗi chúng ta ai cũng cần yêu chuộng, trân trọng, gìn giữ hòa bình.
Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” được Giải thưởng Văn học Hội nhà văn Việt Nam năm 2023 tiếp tục khẳng định được sức viết, sự trăn trở, tách ra cái lối mòn của chính mình trong địa hạt văn chương, tìm đến cái mới, đề tài mới của nhà văn Nguyễn Một. Con đường văn chương của anh chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Đặng Trung Kiên
Bạn có thông tin gì mới không?