Làng nghệ đã chuyển mình thế nào để ''cầm cự'' trong suốt mùa dịch kéo dài? Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát kịch 5B - một trong những cái nôi của sân khấu kịch tại Trung tâm văn hoá lớn nhất phương Nam để lắng nghe và chia sẻ với nỗi niềm của những diễn viên trong hoàn cảnh xã hội đang rất khó khăn, chưa biết đến bao giờ mọi thứ mới khôi phục trở lại.
Chào NSƯT Mỹ Uyên, có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng những vở diễn trong năm 2020 của Sân khấu 5B. Và làng kịch nói Tp.HCM đã đón 'cú bất ngờ' từ dịch Covid như thế nào?
Chúng tôi cũng như nhiều sân khấu kịch khác, luôn chuẩn bị những vở diễn mừng xuân, ít nhất là 2-3 vở mới vào dịp Tết Nguyên Đán cũng như phục vụ khán giả sau Tết. Ngày thường mỗi tuần sân khấu 5B sẽ sáng đèn vào dịp thứ bảy, chủ nhật. Dịp Tết thì ngày nào cũng có suất diễn vì đây là một trong những món ăn tinh thần phổ biến của người dân Tp.HCM. Năm nào cũng vậy, chúng tôi dồn sức để cháy hết mình vào dịp đầu năm, có khi diễn đi diễn lại những vở đã ăn khách trước đó nếu thấy phù hợp với thị hiếu người xem. Song song đấy cũng giới thiệu hàng loạt vở mới trong hàng loạt kịch bản được chọn lọc từ dịp Noel năm trước.
Đầu năm nay, dịch Covid bỗng ập đến bất ngờ, lần đầu tiên tôi cảm nhận được tình hình xã hội khó khăn đặc biệt như thế. Người ta còn chẳng dám đi ra đường thì làm sao đi thưởng thức nghệ thuật, giải trí vì hiển nhiên các nơi đó đều là những nơi tập trung đông người. Tôi đã họp khẩn và thông báo tình hình chung với toàn bộ nhân viên tại sân khấu 5B, mọi người đều đồng lòng với slogan ''Khó trăm bề, không bỏ nghề!'' mà chúng tôi hay nói. Thật sự trong vai trò ''thuyền trưởng'' một con tàu với một số lượng nhân viên không hề ít, tôi cũng rất hoang mang khi không thể đoán định trước tình hình sẽ khó khăn đến mức nào, đó là hồi đầu tháng 2 Âm lịch.
Dịch Covid đến, kéo theo sự trì trệ về kinh tế cho toàn xã hội. Khi sân khấu không còn sáng đèn vào dịp cách ly, các diễn viên đã sống thế nào nếu một ngày không còn diễn ra bình thường như đi làm, viết kịch bản, tập kịch, trình diễn...?
Diễn được tới mùng 5, ca bệnh đầu tiên được xác nhận ở gần quận 3, rất gần với sân khấu 5B. Sau đó tình hình chung là toàn bộ các sân khấu, rạp phim vơi dần khán giả... như nhau!
Bản thân tôi làm tổ chức, tôi biết mình cần phải làm gì để bảo vệ nhà hát, bảo vệ khán giả và bảo vệ chính mình, nên chẳng cần chính quyền hay Nhà nước phải đánh động, tôi tự giác đóng cửa để chung tay cùng cộng đồng chống sự lây lan của căn bệnh này.
Ai cũng tự tin ở giai đoạn đó vì chưa lường được sự khủng khiếp của dịch bệnh, chúng tôi ở trong một tâm thế ''tạm dừng'' chờ thời. Và một phần nữa, do quá vắng khách nên buộc phải dừng, không đủ kinh phí để trang trải suốt một thời gian dài nên đóng cửa là phương cách duy nhất. Bạn biết đấy, một quán ăn hay một nhà hàng cũng vậy, có ngon cỡ nào, hấp dẫn cỡ nào, nổi tiếng cỡ nào mà không có khách thì buộc phải ngừng kinh doanh mà thôi.
Với vai trò là Giám đốc điều hành, chị đã ''trấn an'' anh chị em nghệ sĩ, nhân viên nhà hát như thế nào để họ ''an tâm'' cùng chống dịch?
Chúng tôi đã đóng cửa hơn 3 tháng, tôi chỉ hỗ trợ được từ 50-70% lương trong thời gian đó, còn lại anh em ở tỉnh về Sài Gòn ở trọ, tôi chỉ còn cách nhờ anh em doanh nghiệp hỗ trợ những phần quà như gạo, đường, mắm, muối, khô... nhằm dìu nhau qua nghịch cảnh. Đa phần họ đều đồng lòng với nhau, nhiều bộ phận không hề có lương như make-up artist, nhân viên hậu đài... Tất cả đều tự hứa với lòng là cố gắng, cố gắng hơn nữa, chứ biết làm sao khi đó là tình hình chung của toàn xã hội. Bản thân tôi cũng đâu có thu nhập!
Hiện nay, nhiều anh em nghệ sĩ livestream bán hàng online, kinh doanh một số mặt hàng nhu yếu phẩm trong mùa dịch, có phải gánh nặng kinh tế đang gây trở ngại cho những người làm nghệ thuật?
Mọi người cũng biết đấy, họ có nghề, nên ngoài việc diễn xuất trên sân khấu, họ còn quay phim quảng cáo, đóng web-drama, gameshow, talkshow... Xoay sở đủ các kiểu để tăng thêm thu nhập dẫu là ngày thường, đừng nói là ngày dịch bệnh. Nên khi tất cả các sự kiện đều bị dừng lại, giới nghệ sĩ gần như ''trống lịch'' hoàn toàn, nên họ tự ứng biến cho đời sống của mình cũng là lẽ đương nhiên. Và chúng tôi hiểu tình hình xã hội đang cấp thiết việc giãn cách thế nào nên không quá bi quan vì bi quan cũng chả giải quyết được gì!
Vào giữa tháng 5, đợt dịch đầu lắng xuống, sân khấu 5B cùng nhiều sân khấu, tụ điểm giải trí khác đã mở cửa sau 3 tháng cách ly, chị đã có ''chiêu'' gì để khán giả quay trở lại rạp?
Tôi đã bỏ nhiều thời gian đi xung quanh thành phố xem tình hình dân sinh thế nào sau đợt dịch. Rất nhiều cửa hàng đóng cửa và đăng bảng ''cho thuê nhà'', ''cửa hàng ngừng kinh doanh''..., song song đó là những nơi còn cầm cự được thì tung ra những chương trình quảng cáo, khuyến mãi hoành tráng. Mà mình thì làm giải trí, mình rất khó để giảm giá vé vì không đảm bảo doanh thu. Và khi hết cách ly, người ta cũng chỉ đi ăn uống, cafe chứ cũng chưa đi xem kịch nhiều. Nhưng sự quyết tâm của NSƯT Hữu Quốc với kịch bản Bồ Công Anh làm tôi quyết định ừ thôi mình cứ làm, thế là chuẩn bị từ giữa tháng 5, đầu tháng 6 vở diễn này đã lên sàn.
Vừa diễn được hơn một tháng thì đợt dịch thứ hai kéo đến!
Lại một lần nữa, chị thể hiện bản lĩnh của người cầm quân?
Nói cho to tát vậy thôi, tôi cũng lo sốt vó như bao anh chị em khác, nhưng mọi thứ đã đặt để mình rồi, không cố không được. Riết rồi tôi cũng thành chuyên gia PR khi mà các vở diễn mới, những lời giới thiệu, thu hút khán giả cũng lần lượt post lên Facebook, báo chí và truyền miệng qua lại để khán giả biết đến và quay trở lại. Bạn không biết đâu, diễn viên nào cũng khát khao được đứng trên sàn diễn, đông hay vắng, họ cũng sẽ cháy hết mình trên sân khấu, đó là cảm xúc, là tình yêu khó diễn tả thành lời. Chỉ riêng tôi đứng dưới cánh gà mà thấy vắng quá là lòng xót xa... (cười)
''Cũng khó tránh, bây giờ nhiều loại hình giải trí khá thu hút, nên một bộ phận khán giả yêu kịch nói, thích ngắm nhìn, cảm nhận các vai diễn qua sân khấu tương tác còn rất ít.'' NSƯT Mỹ Uyên bộc bạch.
Bồ Công Anh là một trong những vở diễn được chú ý nhất hiện nay, sân khấu 5B có dự định theo đuổi tiếp đề tài về cộng đồng LGBT hay không khi mà NSƯT Hữu Quốc - cha đẻ của kịch bản đã có một phát biểu đáng chú ý trên báo là ''Tôi sẽ tiếp tục viết về đề tài LGBT''?
Vở diễn nói về hai nhân vật đều mang tên Công Anh, thuộc cộng đồng LGBT, một em được mẹ chấp nhận và sống đúng với bản chất giới tình của mình, một em thì bị mẹ cho là bệnh hoạn nên xa lánh. Cuộc tình đam mỹ này của hai chàng trai được khắc hoạ rõ nét qua phần minh hoạ, làm nổi bật lên một thứ tình cảm lãng mạn, bi thương, dồn nén, uất ức.
Chủ đề về người đồng tính không mới trong xã hội xa xưa đến tận bây giờ, nhưng để khéo léo lột tả nó cũng là vấn đề khiến tôi và những người phụ trách phải cân nhắc rất nhiều. Chỉ cần lệch một chút thôi sẽ thành thô thiển, kém duyên ngay lập tức!
Họ là những người có lý lịch nhân vật, có nghề nghiệp, có giáo dục, họ tử tế... Đối với người ngoài thì tôi không biết, nhưng với tôi và khán giả của Bồ Công Anh đều xúc động với tâm lý của các nhân vật trong vở, không hề có chút kỳ thị, phân biệt đối xử.
Có nhiều cuộc mạn đàm về ''Sân khấu online'' - một hình thức trình diễn gần như đị ngược với sân khấu truyền thống là trực tiếp tương tác với khán giả, chị có đồng ý với loại hình này?
Tôi có nghe tin Bộ Văn Hoá và Cục nghệ thuật biểu diễn muốn hỗ trợ các sân khấu thực hiện ''Sân khấu online''. Tôi nghĩ cũng nên theo thời theo thế vậy, thực ra bây giờ nhiều người cũng thưởng thức nghệ thuật tại chỗ như xem Youtube, phim trên Web... nên việc diễn kịch qua livestream chắc cũng tương tự như chương trình ''Phòng trà online'' mà các Nhạc sĩ ở Tp.HCM từng làm. Điều này cũng tạo điều kiện cho nhiều khán giả ở tỉnh, những người có khi chưa lần nào được đến sân khấu trực tiếp để xem kịch - sẽ được thưởng thức nghệ thuật trọn vẹn hơn!
Tuy nhiên, nếu được đặt hàng thì chúng tôi sẽ viết những kịch bản riêng dành cho khán giả, tuỳ thuộc vào nhu cầu cảm quan, chủ đề thời sự, những vấn đề nổi cộm theo dòng cuộc sống... Chứ không phải ''bán'' các vở kịch mà 5B đã diễn nhiều năm nay hoặc những vở đang có để làm chương trình online. Vì đó là những nét đặc trưng, những tác phẩm riêng của sân khấu, chúng tôi không thể mang đi trình diễn trước các máy quay, trước các sân khấu trống để dựng hình. Chúng tôi không thể mang những vở diễn đã được định hình, khẳng định phong cách, từng trình diễn hàng trăm suất của mình lên mô hình online, vì chắc chắn nó sẽ chẳng còn thu hút nữa chỉ sau một lần lên sóng!
Đó còn là cảm xúc của diễn viên nữa, được sống với nghề là một điều khó thể đánh đổi. 5B là sân khấu kịch tương tác trực tiếp với khán giả. Và khán giả luôn muốn được nhìn thấy diễn viên trên sân khấu, chú ý tới từng chi tiết nhỏ ở biểu cảm của diễn viên nữa kìa. Một vài góc quay không thể nào truyền tải được cảm xúc nhân vật, nên chuyện đem những vở ăn khách đi theo hướng online thì chắc chắn không bao giờ tôi đồng ý!
Mỗi sân khấu đều có một ''màu'' độc quyền rất riêng, ví dụ: hài, xã hội, kinh dị, kịch hoá các tác phẩm văn học... sân khấu 5B đã cởi mở hơn lối truyền thống nghiêm túc của mình khi đưa ra những chủ đề mới, táo bạo hơn trước, liệu đó có là định hướng đa dạng về phong cách hay chỉ là yếu tố, kịch bản mới lạ, bất ngờ?
Tôi chủ trương thiên về dòng chảy xã hội, phê phán hiện thực, đậm chất thời sự, giáo dục... nhưng cũng không loại trừ những kịch bản sâu sắc không thuộc chủ đề trên. Nói chung tôi muốn 5B mang đến cho khán giả những món ăn vừa miệng, không đậm không nhạt, vẫn mang chất đặc trưng, lịch thiệp, sâu sắc.
Chủ đề ''táo bạo'' nghe hơi trừu tượng, vì tôi cũng chẳng biết như thế nào mới ''vừa'' cái nghĩa táo bạo, và dĩ nhiên ai cũng muốn tạo ra những giá trị mới, không lặp lại. Trong vai trò một nhà sản xuất, tôi chỉ biết bám theo thời sự, chính luận để nói lên đúng bản chất của xã hội hiện nay để người xem họ bắt gặp chính họ hay những người xung quanh trong đó hay những chủ đề mà họ quan tâm, họ mới tới rạp.
Chúng tôi chẳng cần câu view, câu like vì khán giả kịch nói họ có gu thẩm mỹ nghệ thuật khá cao, làm dở là bị đào thải ngay sau đó, gọi là ''không còn đất diễn'' (cười), nên chỉ cần làm việc nghiêm túc, hết mình, đặc tả được đúng tâm hồn của nhân vật, đó là ''chiêu'' duy nhất để chúng tôi mang khách tới ghế.
Chị có thể nói thêm về những vở mới của 5B?
Rất may là dù tình hình không mấy lạc quan nhưng sân khấu 5B vẫn được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Đôi khi đứng dưới cánh gà nhìn lên sân khấu, tôi vui phát khóc khi thấy những hàng ghế được lấp đầy bởi những khán giả yêu mến. Dịp tết này, 5B có hai vở diễn mới là Giao kèo sống thật, Tía ơi con lấy chồng khá được khán giả quan tâm. Nội dung hai vở kịch cũng xoay quanh cuộc sống, cách ứng xử giữa người và người, những câu chuyện rất đời thường trong xã hội. Đặc biệt có chút nhấn nhá ý nhị về vấn đề giới tính, những người thuộc cộng đồng LGBT, không quá thô thiển hay uỷ mị, chúng tôi cũng đã siết chặt nội dung kịch bản để không đi quá xa với tinh thần nghiêm túc truyền thống của sân khấu 5B, việc còn lại là do các diễn viên cũng góp phần chuyển tải nội dung một cách tinh tế nhất đến với người xem, một đề tài mang tính xã hội rất khách quan và thiết thực.
Mong muốn của chị hiện tại với sân khấu kịch và đôi lời nhắn nhủ với khán giả?
Mong muốn lớn nhất bây giờ là mong cho 5B không còn cảnh... bù lỗ như nhiều sân khấu xã hội hoá khác, nhìn bề ngoài rộn ràng nhưng thực chất đang phải gồng gánh rất nhiều để sáng đèn. Nhưng vì lòng yêu nghề nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng nhau. Bạn không biết đâu, nhiều diễn viên phải sống bằng nhiều công việc khác, nhưng khi được mời diễn, họ vui vẻ, hăng hái ngồi đợi tới lượt lên sân khấu... Được sống với những vai diễn hay luôn là ước mơ của nhiều người làm giải trí như chúng tôi.
Hiện tại thì mọi người đều lâm vào tình trạng ''lực bất tòng tâm'', cả thế giới đang phải gồng gánh những vấn đề lớn như sức khoẻ, nhân mạng, giáo dục, kinh tế, xã hội... Tất cả những vấn đề lớn đó làm cho ngành giải trí trở nên ''nhỏ bé'' vì không phải quá thiết yếu với tình hình hiện nay! Tuy nhiên, mọi người cũng biết rồi, nghệ thuật là món ăn tình thần rất lớn để làm tăng cảm xúc, niềm vui cũng như giúp người ta vui khoẻ để lao động, yêu thương và đóng góp cho xã hội. Thế nên vẫn rất mong quý vị khán giả thân thương bỏ chút thời gian đến rạp ủng hộ những diễn viên đã dày công dàn dựng tập luyện, để hoà mình vào những tác phẩm được chọn lọc để gửi gắm vào thực đơn giải trí của mọi người.
Không nằm ngoài câu chuyện khó khăn trong mùa dịch chung trên toàn cầu, sân khấu 5B và nhiều sân khấu, đơn vị hoạt động văn hoá khác đều đang lao đao vì tình hình vắng khách. Nhiều năm nay, môi trường diễn xuất tương tác trực tiếp này vốn đã bị cạnh tranh khá mạnh mẽ từ các loại hình giải trí mới lạ khác, trong đó đáng kể nhất là các kênh giải trí từ internet. Trong đại dịch, gần như sân khấu, nhà hát, trung tâm văn hoá nơi nơi đều phủ rèm chờ thời, đời sống anh chị em nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, đó là vẫn đề đau đầu của những cá nhân làm quản lý văn hoá cũng như những lãnh đạo đầu ngành. Những mong muốn thiết thực của nghệ sĩ chỉ là được diễn, có thu nhập đủ để nuôi dưỡng đam mê, ước mơ được toả sáng của họ vì họ vốn là những con người sinh ra để làm nghệ thuật.
Hiện tại Sân khấu 5B đã hoạt động trở lại vào đầu tháng 9/2020 với vài vở diễn như Bồ công anh (12/9), Bên đàng dệt mộng (13/9), Ảo và thật (18/9), Tía ơi con lấy chồng (19/9), Tình lá diêu bông (26/9), Giao kèo sống thật (27/9)...
Cảm ơn NSƯT Mỹ Uyên đã chia sẻ khá nhiều về tình hình chung của sân khấu kịch tại Tp.HCM, mong dịch bệnh nhanh chóng để chúng ta có thể trở lại một cuộc sống bình thường trong thời gian sắp tới!
Cỏ Trần
Ảnh: NVCC
Bạn có thông tin gì mới không?