Chúng tôi đọc bài thơ “Gửi đến H.” của nhà thơ Lâm Xuân Thi thấy có một sự ám ảnh lạ lùng! Câu chữ im im ngồ ngộ đầy vẻ ghị níu van nài nhưng mà ý tứ thì cứ vung tóe lên. Rất lạ.

 

Nhìn tổng thể, bài thơ được kết cấu gồm ba phân đoạn. Mỗi phân đoạn đều bắt đầu bằng cụm từ “gửi đến” như một hoạch định khoanh vùng, ấy là chia sẻ, là trút bỏ cho bằng hết những tâm tư xưa giờ nặng bám. Do vậy, ba phân đoạn ấy chia ra gần như cân bằng về mặt câu chữ nhưng lại chất chứa rất nhiều những tâm trạng khác nhau, lúc thì như bộc bạch mà van nài, lúc thì như giằng níu mong cầu, lúc lại như dõng dạc dứt khoát mà ẩn chứa dùng dằng vương mang…

 

lam-xuan-thi-2

Nhà thơ Lâm Xuân Thi

 

Khổ một, nhân vật trữ tình “anh” phải mượn “mười bốn điều răn của Phật” để “gửi đến H…”. Xuất phát điểm của câu chuyện đã thấy có màu sắc rối rắm rồi. Người ta không phải ngẫu nhiên mà mượn kinh phật để nói chuyện, tình huống lúc mượn ấy phải có chi đó vượt mức bình thường. Thực tế không thể nói nhỏ với nhau được nữa thì người ta mới mượn kinh kệ để chuyển tải thông tin muốn truyền đạt; nhất lại trong chuyện tình yêu lứa đôi, điều ấy hẳn nhiên là chuyện cực chẳng đã nên mới phải mượn? Điệp ngữ “cho em” xuất hiện tới bốn lần trong một khổ thơ thì lẽ đương nhiên tác giả muốn nhấn mạnh điều gửi gắm ấy là vô cùng quan trọng. Thì kia, mong “cho em thôi sân si” là nhắm đến cái bản ngã con người chung; “cho em bớt kiêu kì” là nhắm đến tiếng nói bản chất thiếu nữ có trong nhân vật trữ tình “em”; “cho em đừng nghĩ rằng mình là người đến sau hay đến trước” là nhắm đến bản chất tình yêu của “em” hay so đo mà thêm rắc rối, phiền não; và sau cùng “cho em quay về mặt đất” là nhắm đến mục đích rằng “em” hãy hiểu ra lẽ đời mà an yên trong cuộc sống bình thường.

 

Thế thì, tại sao nhân vật trữ tình “anh” lại hướng tới quá nhiều đối tượng như vậy trong khi phải mượn “mười bốn điều răn của Phật” để nói chuyện với nhân vật trữ tình “em”? Là bởi một mong cầu, mong cầu ấy hiển lộ ngay ở câu cuối của khổ thơ thứ nhất tha thiết mong “em” hãy “thôi là người cõi trên”. “Người cõi trên” ở đây là sao? “Cõi trên” theo ẩn ý tâm linh “ông lên bà xuống” hay là em đang ở quá xa anh bởi tâm tính con người “em” gần như hội tụ cả ba điều “sân si, kiêu kỳ” và chắc luôn luôn “nghĩ rằng mình là người đến sau hay đến trước” mà làm cho “anh” đã và đang rất khổ tâm? Sự đa nghĩa của hai chữ “cõi trên” càng làm cho độc giả thêm hiểu hơn tâm trạng nhân vật trữ tình “anh”. Bởi thế, chắc có lẽ cực chẳng đã nên nhân vật “anh” mới đành phải mượn “mười bốn điều răn của Phật” để “gửi đến H” đó thôi! Những câu thơ bám vào sự thật mà ray rứt, mà mong cầu, mà hy vọng! Giọng thơ suy tư phảng phất nỗi buồn lặng lẽ có pha thêm vị cay đắng, xa xót của sự cố gắng vượt mức!?

 

Sang đến khổ hai, vẫn là kiểu thơ “gửi” nhưng ý thơ đã được làm cho mờ đi cái chất thực tế để sự dấp dính ảo diệu ló dạng “gửi đến Ca-li một mùa mưa chưa tới”. Tại sao tự nhiên câu thơ lại có vẻ vô lí như thế? Sao gửi đi mùa mưa chưa tới? À, sự dồn nén cảm xúc, kí ức lên tiếng, trong đó có cả những hứa hẹn và mong chờ không bao giờ trở thành thực tại hòa vào nhau cùng cất lời. Bây giờ, nó vút lên da diết làm sao “gửi đến Ca-li một mùa mưa chưa tới”, thành thử câu thơ như đu theo cái không gian “mùa mưa” của “Ca-li” mà giãn nở ra hết cỡ những ưu tư.

 

Thì đó thôi, tiếp đến là ý thơ như một lời xác nhận “một mùa xưa tôi bỏ lại sau lưng”. Sự dứt áo ra đi trong tâm thế đành phải chấp nhận nên mới có thể xuất hiện tâm trạng rụt rè “một người quen tôi không dám lại gần”. Khi đó, chúng tôi nhận thấy ý thơ đã bắt đầu thổn thức “xin đừng lau nước mắt/ và đừng ôm tôi chặt”. Hai chữ “đừng” như gián tiếp xác nhận sự buồn khổ trong tâm trạng dồn nén đến uất ức ở nhân vật trữ tình “anh”. Can ngăn “em” mà nào “em” có chịu nghe tôi đâu? Tôi dùng cả đến phương tiện gần như cao quý nhất trong cuộc đời là “mười bốn điều răn của Phật” để nói chuyện với “em”, để “em” quay lại “mặt đất” là cũng ẩn theo sự mong cầu “em” sẽ quay lại với tôi, với chúng mình mà nào có được! Ý thơ kìm nén hết cỡ nhưng tâm trạng lúc ấy của nhân vật trữ tình “anh” lại như chợt bùng vỡ, “đừng làm như tôi không biết buồn”. Thêm một chữ “đừng” nữa xuất hiện mà bao nhiêu òa vỡ đau đớn ào ra, một cách viết tâm tình nhỏ nhẹ, tác giả cố tình không trực tiếp miêu tả đến tâm trạng nhưng tâm trạng nhân vật trữ tình “anh” lại cứ chực ào ra, bùng phát khá độc đáo. Bên ngoài do bản lĩnh che đi nhưng bên trong tâm tình ấy là cả một bầu trời mênh mang nỗi lòng…

 

Do thế chăng mà câu thơ mở đầu khổ thơ thứ ba là câu thơ xác quyết chuyện tình đôi ta trước đây quá đẹp “gửi đến H. và Ca-li một chuyện tình không có thật/ anh bước ra từ cổ tích xưa”. Vì quá đẹp nên chuyện tình ấy chỉ có trong cổ tích mà thôi. Ý thơ đâu chỉ dừng lại ở đó, chính tình yêu đẹp như cổ tích ấy đã giúp cho nhân vật trữ tình “anh” có được một sức sống mới, dõng dạc đường hoàng “anh bước ra từ cổ tích xưa”. Sức mạnh tình yêu kia đem đến cho “anh” là có thật, nó “giống như anh mới vừa/ dang đôi cánh tình yêu/ bay qua miền kí ức”. Kí ức ấy cũng đẹp và đáng trân trọng biết bao.

 

Cuối cùng, một yêu cầu hết sức nhân văn và tha thiết “tình hư ảo cũng cầm bằng hạnh phúc/ xin em đừng nhắc lại chuyện mai sau…”. Song, dẫu có ám ảnh, có nồng nàn, có da diết, có làm cho “anh” từng bao nhiêu lần cầu xin này kia thì nó cũng đã qua rồi, đẹp đấy nhưng nó chỉ còn lại trong kí ức thì hãy cho nó ngủ yên trong kí ức “em” nhé! Mà kí ức có ngủ yên được không hay nồng nàn ám ảnh hơn khi kí ức luôn cục cựa lay nhắc chúng ta trong chiêm bao, trong cuộc đời? Chỉ vì nó như thế nên nhân vật trữ tình “anh” mới van xin nhân vật “em” thêm một lần nữa đó thôi: “Tình hư ảo cũng cầm bằng hạnh phúc/ Xin em đừng nhắc lại chuyện mai sau…”

 

Bài thơ “Gửi đến H.” như là tiếng lòng đơn phương trong sự luyến ái nam nữ buộc tình phải dứt áo ra đi mà vẫn tràn đầy tâm tư yêu thương nồng nàn, lưu luyến. Phía sau ấy là mong cầu nặng đầy chất nhân văn, hy vọng. Lời thơ nhẹ nhàng; giọng điệu tha thiết. Cả bài thơ là rất nhiều những tâm trạng đan cài (mong cầu, van vỉ, thổn thức, lưu luyến…), tất cả đã tạo nên một bài thơ tình buồn mà đẹp.

 

GỬI ĐẾN H.

Thơ Lâm Xuân Thi

 

Gửi đến H. mười bốn điều răn của Phật

Cho em thôi sân si

Cho em bớt kiêu kỳ

Cho em đừng nghĩ rằng mình là người đến sau hay đến trước

Cho em quay về mặt đất

Thôi làm người cõi trên

Gửi đến Ca-li một mùa mưa chưa tới

Một mùa xưa tôi bỏ lại sau lưng

Một người quen tôi không dám lại gần

Xin đừng lau nước mắt

Và đừng ôm tôi chặt

Đừng làm như tôi không biết buồn

Gửi đến H. và Ca-li một chuyện tình không có thật

Anh bước ra từ cổ tích xưa

Giống như anh mới vừa

Dang đôi cánh tình yêu

Bay qua miền ký ức

Tình hư ảo cũng cầm bằng hạnh phúc

Xin em đừng nhắc lại chuyện mai sau…

 

Khang Quốc Ngọc/https://vanvn.vn/gui-den-h-cho-thoi-am-anh-hay-lai-them-nang-long/

Công ty Thời trang và Xe đạp Martin 107 (gọi tắt là Martin 107) ra đời năm 1982, nhưng chính thức nâng cấp thành công ty từ ngày 1/11/2003. Tháng 8/2004, Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức chương trình học bổng “Vì nữ sinh nghèo, hiếu học” lần thứ 14 (năm học 2004-2005) với 178 suất, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Chúng tôi gửi thư ngỏ đến anh Lâm Xuân Thi. Năm đó, ông chủ Martin 107… rụt rè ủng hộ chương trình 5 triệu đồng (10 suất).

 

Có thể, anh Lâm Xuân Thi không nhớ nhưng những người làm chương trình học bổng xem đó là một cột mốc ghi dấu cho ngày sinh của Martin 107 và là năm mà Martin 107 trở thành bạn đồng hành liên tục cùng các hoạt động an sinh xã hội do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức cho đến hôm nay, với số tiền chung tay ủng hộ năm sau luôn cao hơn năm trước. 

 

Ông chủ Martin 107 là người khá đặc biệt. Trên trang Facebook cá nhân, ít ai thấy bóng dáng của một chủ doanh nghiệp bận rộn với doanh số công ty, căng thẳng với với cơ chế thị trường. Trên “dòng thời gian”, dễ thấy anh là một người con hiếu đễ, người chồng mẫu mực, là người bạn đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn. Quá nửa trên dòng trạng thái đó là thơ. Số ít còn lại là những đoạn ngắn nói về một tình huống xử lý hỗ trợ cộng đồng nào đó, vừa chân thành vừa tránh xúc phạm người đang cần hỗ trợ.

 

lam-xuan-thi-102138 361

Nhà thơ Lâm Xuân Thi và bà xã

 

Hoặc thỉnh thoảng là một vài lời kiểm điểm định kỳ, mang tính… "phê và tự phê": "Hôm qua có một chuyện lxt (Lâm Xuân Thi) thấy vui. Một bạn trên Facebook xin hỗ trợ 5 triệu làm từ thiện xã hội. Bạn hỏi: 5 triệu có được không anh? Mình trả lời tặng luôn 10 triệu. Thấy bạn vui và cảm ơn. Thực tình mình nên cảm ơn bạn mới đúng. Cảm ơn bạn đã tạo cho mình những cơ hội để cùng giúp đỡ người khác.

 

Bởi đôi khi mình cũng không hoàn toàn có đủ thì giờ nghĩ đến và thực hiện. Hoặc có suy nghĩ thì cũng không biết làm như thế nào và ở đâu, cho chu đáo được như bạn. Xin cảm ơn những người bạn đang làm từ thiện xã hội. Ai đi cùng với họ rồi mới thấy. Vất vả lo toan, gói ghém từng chút quà, đường xa bờ bụi, tháng ngày mưa nắng gian truân. Mình cảm ơn bạn đúng hơn là bạn cảm ơn mình…".

 

Thời kinh tế thị trường, người ta hay nói thị trường là chiến trường, doanh nhân là những chiến sĩ. Thị trường xe đạp ngày càng khó khăn, khiến người ta dễ hình dung ông chủ Martin 107 chắc phải là người khó đăm đăm, dễ quạu quọ. Nhưng khi trò chuyện trực tiếp thì anh lại là một người nhỏ nhẹ rất “kim chỉ thêu thùa”, luôn hết sức tránh những từ có thể làm tổn thương người đối diện.

 

Riêng việc chung tay đồng hành với Báo Phụ Nữ TPHCM gần 20 năm qua, có thể thấy sự “ý tứ để tránh tổn thương” của anh là không thể phủ nhận. Trong những lần nhận được sự ủng hộ của Martin 107 cho các chương trình xã hội từ thiện, những người thực hiện mong muốn nhận được sự đóng góp cụ thể, giám sát chặt chẽ hiệu quả việc ủng hộ từ anh, anh luôn nhẹ nhàng: “Tôi biết, muốn thực hiện một chương trình, ban tổ chức phải lo nhiều thứ, chứ không phải khỏe như doanh nghiệp, chỉ việc đưa tiền rồi thôi”. 

 

“Học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ Nữ TPHCM là một chương trình hay, thiết thực. Bản thân các bé gái luôn kèm theo một sự thiệt thòi so với bạn nam đồng trang lứa. Báo Phụ Nữ TPHCM không làm chương trình này, thì không biết ai có thể làm”, anh Lâm Xuân Thi, thổ lộ.

 

Gần 20 năm đồng hành cùng Báo Phụ Nữ TPHCM, hàng năm Martin 107 ủng hộ các chương trình an sinh cộng đồng của Báo Phụ Nữ TPHCM hai lần. Một lần cho chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó vào trước mùa tựu trường và một lần vào dịp tết cổ truyền, trước ngày đưa ông táo.

 

Hiện nay, mức ủng hộ bằng tiền mặt cho chương trình học bổng của Martin 107 đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm ban đầu, còn hiện vật - xe đạp thì gần như không giới hạn, hễ ở đâu có các nữ sinh cần xe đạp, chúng tôi đề xuất, chưa bao giờ Martin 107 chối từ. 

 

Từ năm 2015, khi triển khai chương trình Biên cương xanh, ngoài các suất học bổng trên địa bàn 24 quận huyện thuộc TPHCM như thông lệ, Báo Phụ Nữ TPHCM còn dành thêm 150 suất học bổng dành cho nữ sinh hiếu học khu vực 10 tỉnh biên giới giáp Vương quốc Campuchia. Năm 2016, Báo Phụ Nữ TPHCM trao tặng 30 suất học bổng nữ sinh hiếu học vượt khó khu vực 5 huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh. Ngoài tiền mặt (1,5 triệu đồng/suất), còn tặng thêm 6 chiếc xe đạp cho các trường hợp cần thiết. Khi khảo sát thực tế, mới biết cả 30 trường hợp nhận học bổng đều cần xe đạp, liên hệ với Martin 107 để mua giảm giá cho đủ yêu cầu. Bất ngờ, Martin đã tặng luôn 30 chiếc (2,7 triệu đồng/chiếc).

 

Ngày trao những chiếc xe đạp xinh xắn, nghĩa tình và chất lượng cao này, nhiều phụ huynh có mặt trong buổi trao học bổng đã phải thốt lên: “Đến già như tụi tui, còn mơ chưa được chiếc xe đạp tốt như vậy!”.

 

Có lần, tặng cho chương trình học bổng 50 triệu đồng như thông lệ, nhưng ngay sau đó, anh lại gọi điện ngỏ ý muốn gửi thêm một số tiền tương tự. Anh bảo: năm nào, Martin cũng ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện của báo hai lần. Thôi, năm nay ủng hộ một lần với số tiền gấp đôi, để ban tổ chức muốn chi cho chương trình nào cũng được, không cần “báo lại” chương trình này bao nhiêu, chương trình kia bao nhiêu”.

 

Nói là vậy nhưng đến những ngày cận Tết, Martin 107 vẫn tiếp tục chuyển đến quỹ xã hội từ thiện một số tiền đủ để gửi đến 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có được một cái tết cổ truyền đầm ấm. 

 

Tháng 8/1991, Báo Phụ Nữ TPHCM chính thức khởi động chương trình học bổng mang tên “Vì nữ sinh nghèo vượt khó” lần thứ nhất năm học 1991-1992 trao 61 suất học bổng đầu tiên dành cho các nữ sinh các cấp phổ thông với tổng trị giá 27.450.000 đồng (450.000 đồng/suất). Năm học 2004-2005, số nữ sinh phổ thông được nhận học bổng này đã tăng gấp 3 lần (168 suất, 500.000 đồng/suất). Số tiền cần để hỗ trợ cho các em cũng tăng cao, nên ngoài các cá nhân, đơn vị “truyền thống” của chương trình, những người làm chương trình cũng đã gửi thư ngỏ đến các đơn vị tiềm năng.

 

Năm đó, lần đầu tiên, Martin 107 cũng chính thức đồng hành cùng các chương trình xã hội từ thiện của Báo Phụ Nữ TPHCM.

 

Sau gần 20 năm thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Báo Phụ Nữ TPHCM, hơn 8.000 suất học bổng đã được trao, giờ hỏi Lâm Xuân Thi có nhớ duyên nợ đầu tiên khi chung tay với Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện các chương trình xã hội không, anh bảo anh không nhớ chính xác lần đầu tham gia là khi nào nhưng có một kỷ niệm anh mãi không quên:

 

“Trong lần tham dự chương trình được tổ chức tại hội trường UBND quận 3, khi được mời lên nói với các nữ sinh mấy lời, tôi đã nói rằng: mong các em ráng học giỏi để có việc làm và kiếm được tiền. Kiếm được tiền trước là giúp mình, sau là giúp gia đình. Giúp mình thì không phải nhờ người khác hỗ trợ mà còn có thể hỗ trợ ngược lại các hoàn cảnh khó khăn như mình đã từng trải qua. Còn giúp gia đình, hiểu cách nào đó cũng là một cách trả hiếu”. 

 

Thực tế, mấy lời nhắn nhủ ngắn ngủi đó đã được rất nhiều nữ sinh biến thành hành động.

 

“Lúc 15 tuổi, bố không còn bên cạnh gia đình. Khó khăn ngày một chồng chất với mẹ và hai chị em tôi. Tôi trăn trở, phải làm gì để mẹ và em không phải sống khổ? Lựa chọn cuối cùng là phải vượt qua nghịch cảnh để học tập. Đó là lựa chọn bền vững nhất. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, tôi tìm được việc làm với công việc chuyên viên tài chính cho một công ty nước ngoài, thu nhập ổn định”, Nguyễn Thị Thanh Tú, cô nữ sinh đã nhiều năm liền nhận học bổng Báo Phụ Nữ TPHCM đã nói như vậy. 

 

Tôi còn nhớ trong phát biểu của bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, tại buổi trao học bổng lần thứ 29, rằng: “Chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ Nữ TPHCM là một nhịp cầu kết nối ân tình - sự chung tay của xã hội với giấc mơ, khát vọng về tương lai của các em. Là trách nhiệm với xã hội trong sự nâng bước, giúp lan tỏa tinh thần cộng đồng;

 

29 năm xuyên suốt, với con số hơn 10 tỷ đồng được quy thành hơn 8.000 suất học bổng, đã tiếp lửa cho khát khao được đi học của hàng ngàn nữ sinh, chương trình học bổng của Báo Phụ Nữ TPHCM đang chuẩn bị chuyển tiếp một giai đoạn mới, phù hợp với thực tế mới của xã hội”.

 

Kết quả có được này, tất nhiên là nhờ sự tiếp sức liên tục của rất nhiều cá nhân, tổ chức, và không thể không nhắc đến cái tên Lâm Xuân Thi - ông chủ Martin 107. 

 

Nguyễn Thiện/https://www.phunuonline.com.vn/lam-xuan-thi-luon-y-tu-de-tranh-ton-thuong-a1410363.html

Tôi biết Lâm Xuân Thi từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi còn công tác ở Báo Công an TP HCM. Thời điểm ấy, phong trào quần chúng bắt cướp lên rất cao, mỗi tháng đơn vị tổ chức giao lưu một lần với hơn chục quần chúng dũng cảm bắt cướp ở khắp các quận, huyện. Và mỗi gương quần chúng được vinh danh, Lâm Xuân Thi lại tình nguyện tặng một chiếc xe đạp Martin 107...

 

Sau đó chúng tôi kết hợp với Cung Văn hóa lao động TP HCM nâng tầm chương trình lên thành “Gương sáng phố phường”. Qua chương trình này, Lâm Xuân Thi đã tặng gần một ngàn chiếc xe đạp Martin 107 và cũng là nguồn tài trợ chính cho chương trình.

 

Tôi chuyển về Báo Công an nhân dân từ năm 2000. Từ đó, mỗi khi Báo Công an nhân dân tổ chức chương trình “Tết vì đồng bào nghèo” hay tặng xe đạp cho học sinh nghèo, học giỏi, Thi lại tham gia. Chiếc xe đạp Martin 107 được ban tổ chức mua làm quà tặng, và mỗi lần như vậy Lâm Xuân Thi lại giảm giá hoặc tặng năm hay mười chiếc.

 

Lam-Xuan-Thi-vanvn-2

 

Gần đây, Lâm Xuân Thi lấn sân sang ngành thiết kế thời trang và làm thơ. Nhiều người gọi Thi là nhà thơ, Thi từ tốn: “Tôi không phải nhà thơ, tôi chỉ có làm thơ, mê thơ, yêu mến các nhà thơ và hay đi chơi với nhiều nhà thơ mà thôi…”.

 

Đấy là Thi khiêm tốn, còn thực tế Thi làm thơ và được đăng trên tạp chí từ khi còn là sinh viên. Sau này anh có nhiều bài thơ hay và nhiều báo, tạp chí chọn đăng nên mọi người mới biết đến nhà thơ Lâm Xuân Thi.

 

Năm 2009, nhà thơ Lâm Xuân Thi còn cùng nhà thơ Hồ Thi Ca, Phan Hoàng thành lập quỹ Tình thơ nhằm giúp đỡ những nhà thơ gặp khó khăn, bệnh tật. Quỹ Tình thơ chủ yếu do Thi tài trợ đã hoạt đông rất hiệu quả đến nay.

 

Chuyện về Lâm Xuân Thi có nhiều báo khai thác, Thi lại là người tinh tế nên tôi rất đắn đo khi viết về Thi.

 

Thi kể với tôi chuyện ba mẹ định cư bên Pháp, vào đầu thập kỷ 90, ba mẹ bảo lãnh sang Pháp định cư. Thời điểm này cái mác Việt kiều làm mờ mắt nhiều chân dài và chuyện xuất ngoại là giấc mơ của nhiều người. Với Thi thì khác. Ngồi ở phi trường Tân Sơn Nhất với bạn bè trước giờ máy bay cất cánh, từng con đường, từng góc phố, hàng cây hiện về níu chân làm Thi không sao rời xa thành phố này. Thế là Thi đổi ý. Hôm sau, Thi gọi điện thoại xin lỗi ba, mẹ vì lý do: “Con không thể xa thành phố này được…!”.

 

Chuyện chiếc xe đạp Martin 107 Thi kể, thời còn là sinh viên, ước muốn có một chiếc xe đạp là giấc mơ của Thi. Mua xe ráp sẵn thì không ưng ý. Ngày chủ nhật, Thi lượn khắp các chợ phụ tùng xe để chọn những phụ tùng tốt nhất, sau đó mua về tự lắp ráp thành một chiếc xe đạp hoàn chỉnh và lấy mác Martin 107. Đến khi cưỡi xe đi học, nhiều người thấy chiếc xe vừa đẹp, vừa chắc ngỏ ý mua lại. Thấy bạn thích thì Thi chiều. Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác và cái vận kinh doanh xe đạp bắt đầu vận vào Thi từ đó.

 

Nhưng cái nghiệp kinh doanh cũng lắm gian truân. Lúc khó khăn thì chẳng ai giúp, khi ăn nên làm ra thì nhiều người nhảy vào tranh giành  thị trường bằng đủ mọi chiêu. Có người còn thuê luôn căn nhà kế bên dãy cửa hàng Martin 107 của Lâm Xuân Thi rồi trưng biển bán xe đạp Martin 107 “nhái”. Mãi, lực lượng Công an quận 3 phải vào cuộc thì cái cửa hàng nhái đó mới bị dẹp.

 

Nào đã hết khổ, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều nhà máy sản xuất xe đạp quy mô của nhà nước với hàng trăm công nhân cũng bị khai tử tức tưởi vì xe đạp secondhand của Nhật, xe đạp giá “bèo” của Trung Quốc tràn ngập thị trường. Trong bối cảnh ấy, thương hiệu xe đạp Martin 107 cũng lao đao. Lâm Xuân Thi phải kết hợp với một thương hiệu xe đạp nổi tiếng của Đài Loan để giữ thị phần.

 

Rồi “xế nổ” lên ngôi, “xế điếc” hết thời, Thi phải xoay sang xe đạp thể thao, xe đạp trẻ em và kinh doanh thêm xe tay gas để tồn tại. Nhưng dù gì thì Thi vẫn bền bỉ với đứa con Martin 107.

 

Tôi thích sự tinh tế của Thi. Không khoa trương ồn ào, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên là những gì tôi thường thấy ở Thi. Những năm gần đây công ty của Thi đã thêm chức năng mới, Công ty Thời trang và Xe đạp Martin 107. Sự ra đời và phát triển của thương hiệu xe đạp Martin 107 đến hôm nay tôi thấy Thi đã lao tâm, khổ tứ nhiều, vậy mà anh vẫn còn thời gian lấn sân sang lĩnh vực thời trang và còn sáng tác thơ, quả là con người lắm tài.

 

Năm mới, chúc nhà thơ Lâm Xuân Thi  tiếp tục nâng tầm cho thương hiệu Martin 107 và tiếp tục có những vần thơ hay

 

Nguyễn Thanh Hải/https://cand.com.vn/nhip-cau-nhan-ai/Nha-tho-Lam-Xuan-Thi-Kinh-doanh-de-lam-viec-thien-i222026/

Không chỉ là “ông chủ” sáng lập nên thương hiệu xe đạp Martin 107 nổi tiếng, một nhà thơ tâm huyết sớm được tặng thưởng thơ từ thời chưa “loạn giải thưởng”, Lâm Xuân Thi (ảnh) còn nổi tiếng bởi tấm lòng nhân ái luôn hỗ trợ các bạn thơ qua Quỹ Tình thơ và những người nghèo khó bất hạnh…

 

Một nhân vật không… bí ẩn

 

Đối với không ít người, Lâm Xuân Thi là một nhân vật bí ẩn. Bí ẩn trong tính cách. Bí ẩn trong nghệ thuật kinh doanh lẫn ứng xử đời thường. Thoạt nhìn anh là người kín đáo, hiền lành và có vẻ hơi… nhút nhát, thiếu tự tin.

 

Anh thường không thích xuất hiện trước đám đông. Khi trò chuyện với người khác, anh hay nhún nhường, nhỏ nhẹ, lễ phép, kiệm lời. Trước phụ nữ thì lúng túng, thậm chí… bối rối. Lúc mới quen anh, tôi cũng nghĩ “thằng cha này hình như hơi bị nhút nhát”. Nghĩ vậy mà không phải vậy!

 

Đúng là Lâm Xuân Thi kín đáo, nhún nhường, cẩn trọng nhưng không hề nhút nhát… Anh cũng không kiệm lời nếu gặp tri âm. Ngược lại, anh là người thông minh, bản lĩnh, quyết đoán và nhạy bén, có “bộ nhớ” như một… máy vi tính! Thương hiệu xe đạp Martin 107 của anh hiện có mặt trên thị trường gần khắp cả nước đủ chứng minh điều ấy.

 

lam-xuan-thi-2

 

Từ số vốn ban đầu đúng một lượng vàng, mở tiệm tự tay lắp ráp từng chiếc xe đạp để mưu sinh và để có tiền… “chở bạn gái đi chơi”, đến nay anh đã điều hành một hệ thống bán buôn với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, với hàng trăm nhân viên. Nếu nhút nhát, thiếu tự tin thì làm sao anh có thể kinh doanh thành công?

 

Đã bước vào thương trường thì phải có cái nhìn thức thời, thực tế, thực dụng và thậm chí phải “thủ đoạn”. Lâm Xuân Thi là doanh nhân thức thời, thực tế nhưng không thực dụng hay thủ đoạn. Ngược lại, anh còn là người có tâm hồn lãng mạn và say mê cái đẹp.

 

Anh say cái đẹp của sự im lặng thinh không buổi sáng. Anh mê cái đẹp của tiếng chuông nhà thờ hay tiếng xe qua ngõ vắng. Anh say cái đẹp từ người thân, từ tình bạn chân thành. Anh mê cái đẹp trong ánh mắt ngây thơ, nụ cười thánh thiện, tà áo dài trắng tinh khôi của thiếu nữ…

 

Chung thủy với nàng thơ

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều là nhà báo chuyên nghiệp của Sài Gòn trước năm 1975, nên anh yêu chữ nghĩa và sớm làm thơ. Khoảng năm 10 tuổi, anh đã có mấy bài thơ được đăng trên báo Bé Thơ, Chính Luận với bút danh Tiểu Thi. Do bận rộn kinh doanh, thời gian eo hẹp, anh làm thơ không nhiều. Khi tứ thơ chợt đến, anh thường lẩm nhẩm trong đầu, gần như không bản nháp, rồi sau đó chép vào sổ tay.

 

Mỗi bài thơ của Lâm Xuân Thi là một khoảnh khắc bất chợt, một xúc cảm thật, một hoàn cảnh thật. Thơ anh ít có trí tưởng tượng bay bổng. Đó vừa là ưu điểm và cũng vừa là nhược điểm. Nhưng với anh ưu hay nhược không quan trọng. Điều cốt lõi thơ là phương tiện giúp anh giải stress hiệu quả nhất. Buồn, anh dựa vào thơ. Vui, anh trò chuyện cùng nàng thơ. Chẳng hạn, giữa thiên nhiên đồng ruộng anh có cảm giác khá lạ trong bài thơ tứ tuyệt Về quê:

 

“Nắng ruộng đồng mà gió biển khơi

Thấy mình lao xao giữa đất trời

Thấy đàn con gái ra sông tắm

Và thấy buồn vì không biết bơi…”

 

Vốn là người kỹ tính nên Lâm Xuân Thi cũng rất khó tính trong tạo dựng cấu tứ, thi ảnh, ngôn ngữ thơ. Không ít lần Lâm Xuân Thi nói với tôi rằng, anh thấy vui khi bán được đắt hàng nhưng càng vui hơn khi làm được một bài thơ ưng ý: “Thơ là nhu cầu tinh thần rất đẹp giúp con người mình thăng hoa”.

 

“Thà để anh làm một kẻ vô danh

Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng

Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm

Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân”

 

Đó là những câu thơ thật tâm đắc mà tôi đọc được của Lâm Xuân Thi trước khi anh được trao Tặng thưởng thơ hay năm 1988 của báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh. Anh thuộc thế hệ nhà thơ xuất hiện sau ngày đất nước thống nhất.

 

Lâm Xuân Thi có một tình yêu lặng lẽ mà sâu đậm với Sài Gòn quê hương. Vào năm 1983, gia đình anh được bảo lãnh đi nước ngoài, tuy nhiên: “Khi ra sân bay, tôi lại không muốn đi. Mẹ tôi đưa passport lại để đi sau. Lần thứ hai, sau khi chia tay bạn bè, tôi ra sân bay. Nhưng lại tiếp tục đổi ý không đi. Vừa trở về nhà thì lại thấy tiếc… Lúc đó là vào khoảng 12 giờ trưa, tôi vội vàng chạy ra sân bay. Song lần này tôi chỉ dừng ở cổng, không đủ can đảm bước vào sân bay” - anh thổ lộ.

 

Ở lại quê hương, Lâm Xuân Thi làm thơ và mưu sinh bằng nghề buôn bán xe đạp. Làm ăn được, anh dần dần mở rộng công việc kinh doanh. Người ta hay nói doanh nhân là “chiến sĩ của thời bình”, nhân vật trung tâm của đời sống xã hội hiện nay.

 

Anh cho rằng đây là câu nói có nhiều ý nghĩa: “Ở khía cạnh nào đó, có thể hiểu rằng nhà doanh nghiệp cũng phải cật lực phấn đấu và… “chiến đấu” trên thương trường. “Thương trường là chiến trường” mà! Đối với cá nhân tôi thì tôi không thích “chiến tranh” nên cũng không ưa “chiến trường”.

 

Tôi không nghĩ rằng khi mình kinh doanh thì mình phải chiến đấu với ai. Mỗi khi có dịp, tôi vẫn thường gửi tặng quà đến những người kinh doanh cùng ngành nghề với mình”.

 

Nghề mưu sinh cũng chịu ảnh hưởng tác động của cảm hứng thẩm mỹ sáng tạo thi ca. Đối với Lâm Xuân Thi, giữa thơ và xe đạp cũng có mối liên quan hỗ tương chặt chẽ. Anh tâm sự: “Sự bay bổng trong ý tưởng thi ca đã giúp tôi nhiều trong việc tạo dáng cho xe đạp.

 

Đó cũng là lý do nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Martin 107, tôi nảy ra ý định tạo nên kiểu dáng xe đạp thời trang bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, một ý tưởng hoàn toàn mới, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Ngày nay, xe đạp không đơn thuần là một phương tiện di chuyển như trước, mà còn là một sản phẩm có tính thời trang, cũng giống như những sản phẩm có tính thời trang khác…”.

 

Sự thành công trong kinh doanh đã tạo điều kiện cho Lâm Xuân Thi có cơ hội giúp đỡ bạn thơ và những số phận bất hạnh, nghèo khó… Vào dịp Ngày Thơ Việt Nam Xuân Kỷ Sửu 2009, nhà thơ Lâm Xuân Thi đã cùng nhà thơ Hồ Thi Ca và tôi thành lập Quỹ Tình thơ, về sau mời thêm nhà thơ Chim Trắng làm cố vấn. Kinh phí của Quỹ do nhà thơ Lâm Xuân Thi tự nguyện đóng góp từ tích lũy cá nhân, không kêu gọi tài trợ thêm và cũng không nhận tài trợ.

 

lam-xuan-thi

 

Ban đầu Quỹ chỉ giới hạn sự hỗ trợ cho các nhà thơ ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó dần mở rộng ra cả nước. Quỹ Tình thơ đã hỗ trợ nhà thơ trong việc mua tác phẩm mới phát hành đến tận tay bạn đọc yêu thơ, giúp đỡ các nhà thơ gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo…

 

Phan Hoàng/Báo Đà Nẵng

Tôi bắt đầu đọc thơ Lâm Xuân Thi khi rời thành phố biển ở miền Trung để vào Sài Gòn trọ học. Ngay từng thuở ấy, câu thơ anh đã dễ dàng đi thẳng vào tâm hồn với những ý tưởng phiêu phóng, cách thể hiện mới mẻ, trẻ trung và tuyệt nhiên chẳng lập ngôn “thể nghiệm” tân hậu gì cả.

 

"Thà để anh làm một kẻ vô danh

Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng

Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm

Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân".

 

Những câu thơ hay chắc sẽ nhiều người nhớ. Một thời thơ ca hồn nhiên đẹp đẽ dễ chịu như vậy! Sau này nhiều nhà thơ hiện đại lập thuyết, tung phá nhưng rõ ràng chẳng có thơ hay để nhớ. Nghĩ về họ cứ nhớ về những đường ray công nghiệp, gồ ghề, tội nghiệp và rát bỏng.

 

Lâm Xuân Thi là người sáng lập ra quỹ Tình thơ. Quỹ đã từng giúp đỡ cho nhiều văn nghệ sĩ đau ốm, già yếu, thân cô thế cô, tai bay vạ gió và hoạt động rất hiệu quả. Trên báo chí, anh đã từng cho biết: “Quỹ Tình thơ ra đời và duy trì hoạt động vì tôi cùng các cộng sự luôn nghĩ rằng: tâm hồn của các nhà thơ rất đẹp, tác phẩm của họ mang đến cho cuộc đời này nhiều giá trị, vậy tại sao cuộc sống của họ phải khổ?”

 

lam-xuan-thi-2

Nhà thơ Lâm Xuân Thi

 

Câu hỏi mà Lâm Xuân Thi đặt ra có lẽ đã làm bằng tiếng kêu từ thời Hàn Mặc Tử khi lâm bệnh phong cùi, Bích Khê lao phổi, Bùi Giáng điên loạn… Phải chăng tâm hồn chữ nghĩa càng đẹp đẽ thì đời sống càng rách nát? Và tôi mượn ý thơ Huy Cận để mãi mãi còn chút vương vấn về thi sĩ và số phận bạc mệnh của họ. “Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Mà đến muôn đời mặt vẫn chau”.

 

Nhưng thông tin mới nhất anh Lâm Xuân Thi vừa cho tôi biết, quỹ Tình thơ đã chính thức ngưng hoat động vì cạn kiệt. Thế đấy, cuộc đời bao giờ nỗi khổ đau vẫn lớn hơn lòng nhân ái! Và nhà thơ đích thực vẫn phải viết dưới giá treo cổ những câu thơ. 

 

Gần đây, trên facebook, tôi lại đọc được nhiều bài thơ hay của thi sĩ thời sinh viên, áo trắng tôi. Thơ hay thế này cũng ít khi chạm được. Nó như một tiếng kêu thầm của một người trải đời. Nỗi niềm vẫn tươi nguyên. “Con rùa giả dạng hình nhân/ Con chim cú thấy cũng cần giả danh”.

 

Và riêng tư nhưng không của riêng ai: “Đường đời vạn nẻo phù vân/ Kể như tôi cũng muôn phần chúng sinh/ Trăm năm bắt bóng đuổi hình/ Con thiêu thân cứ tưởng mình thoát thân”.

 

Thật khó “thoát thân” khi đã lỡ vướng vào lưới thơ! Dù anh đã là một nhà kinh tế hay một thi sĩ!

 

LÂM XUÂN THI VÀ CHÙM THƠ “NGHE TRONG NHÂN THẾ”

 

Tự họa

 

Tướng không phải tướng kim tiền

Dáng không phải dáng một miền phong lưu

Thôi thì đời cũng phù du

Ta không phải nỗi niềm ưu khuyết mình...

 

Đừng

 

Đừng hỏi chiều nay là mấy tây

Ngàn sau anh vẫn nhớ xưa này

Vương làm chi mắt buồn kỷ niệm

Cuộc tình mình như gió như mây

Đừng nói chiều nay chẳng giống ai

Tình chia xa tình đã phơi bày

Rơi làm chi tóc sầu mấy sợi

Rụng xuống đời thêm mớ tàn phai

Đừng vẽ chiều nay xanh lá cây

Lá phong sương lá cũng hao gầy

Thêm làm chi mấy nhành hoa mới

Anh vẫn còn một đoá cỏ may

Đừng thả chiều nay bong bóng bay

Tình phôi pha tình vẫn trang đài

Tô làm chi một màu môi mới

Tím hay hường anh cũng chết lây...

 

Những bài rời bốn câu

 

1.

Hôm nào mình ra chợ hừng đông

Rủ ba hồn bảy vía đi cùng

Xin làm tên mở hàng buổi sớm

Để cho người khỏi đốt phong long…

 

2.

Ngày tâm linh, tối tâm linh

Lòng không nhớ đã cầu xin kiếp nào

Hay là tôi mộng kiếp sau 

Tôi mơ kiếp trước trừ hao kiếp này…

 

3.

Không nhìn trời, chẳng nhìn mây

Đôi khi tôi chỉ ngồi đây nhìn đời

Bên ly bia bọt với người 

Nghe trong nhân thế những lời ngược xuôi…

 

4.

Con rùa giả dạng hình nhân

Con chim cú thấy cũng cần giả danh

Con sâu giả bộ hiền lành

Tôi như con gái tập tành giả trai...

 

Một nửa

 

Một nửa trần gian là thế gian

Nửa vô vi kia cũng vô vàn

...

Mai mốt thêm em là một nửa

Một nửa nào anh cũng tâm can

 

nha-tho-Lam-Xuan-Thi 4

 

''Nàng thơ'' của nhà thơ - doanh nhân Lâm Xuân Thi

 

Mỗi ngày

 

Sáng nào anh cũng dậy sớm hơn

Anh nghe tiếng chuông nhà thờ đổ

Nghe vài tiếng xe ngang qua phố

Và nghe im lặng của thinh không

Sáng nào trời cũng sáng chưa xong

Anh nghe tiếng mùa xuân thở nhẹ

Dịu dàng như nụ mai vừa hé

Anh nghe em trở giấc thiên thần...

 

Thanh xuân

 

Thanh xuân mất rồi

Ta còn nợ tinh khôi

Ta nợ thời xa vắng

Ta nợ thuở xa xôi

Thanh xuân mất rồi

Ta còn nợ lứa đôi

Ta nợ vòng tay ấm

Ta nợ một làn môi

Thanh xuân mất rồi

Ta còn nợ đơn côi

Ta nợ ngày hiu hắt

Ta nợ chiều lẻ loi

Thanh xuân mất rồi

Ta còn nợ sinh sôi

Ta nợ ngày mưa gió

Ta nợ chiều mây trôi...

 

Bạn

 

Bạn đâu bạn chỉ quây quần

Bạn là bạn những khi gần khi xa

Bạn ngày trước với hôm qua

Thêm mai mốt cũng thành ra bạn hiền

Bạn không thánh, cũng không tiên

Không thiên sứ, cũng không thiền sư đâu

Bạn không ngôi thứ thấp cao

Bạn ta là những ngôi sao cùng thời...

 

https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/lam-xuan-thi-nhung-cau-tho-tinh-yeu

Nổi tiếng là ông chủ của thương hiệu xe đạp Martin 107 hàng chục năm qua, nhưng ít ai thấy nhà thơ Lâm Xuân Thi lên tiếng về câu chuyện kinh doanh. Với nhiều người yêu thơ, Lâm Xuân Thi được biết đến với nhiều bài thơ hay, và đặc biệt là người tạo nên Quỹ tình thơ ấm áp.

Ông chủ thành công nhưng kín tiếng

Ít khi lên tiếng về công việc kinh doanh, như Lâm Xuân Thi từng khẳng định: “Khoảng 10 năm qua tôi không nói về chuyện kinh doanh… Tôi chỉ nói về thơ với bạn bè trên Facebook”. Tuy nhiên, với nhiều người nhà thơ, Lâm Xuân Thi được biết đến nhiều với tư cách doanh nhân khi là chủ thương hiệu xe đạp Martin 107. Anh cũng là một trong những hội viên sáng lập ra Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM (nay là Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM).

Nhà thơ - doanh nhân Lâm Xuân Thi. Ảnh; FBNV

Nhà thơ - doanh nhân Lâm Xuân Thi. Ảnh; FBNV

Với nhiều khách hàng, nhất là tại thị trường TP.HCM, thương hiệu xe đạp Martin 107 vẫn luôn là một trong những thương hiệu được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt nam chất lượng cao, xuất đi thị trường Nhật cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng tại đây. Cho đến hiện tại, sau nhiều cải tiến, thay đổi mẫu mã, thương hiệu xe đạp Martin 107 vẫn luôn được nhiều khách hàng lựa chọn.

Các sản phẩm xe đạp của công ty ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại, phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng như: Xe đạp thời trang, xe đạp thể thao, xe đạp trẻ em, xe đạp điện… Nói về lý do chọn kinh doanh mặt hàng xe đạp, nhà thơ Lâm Xuân Thi dí dỏm: “Tôi kinh doanh từ rất sớm, chỉ vì muốn tự có tiền đi chơi với người yêu mà không phải xin tiền cha mẹ...".

Lâm Xuân Thi (bìa trái), cùng các nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Lê Nhược Thuỷ). Ảnh: FBNV

Lâm Xuân Thi (bìa trái), cùng các nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Lê Nhược Thuỷ). Ảnh: FBNV

Vậy nhưng, với nhiều bạn văn chương của Lâm Xuân Thi, việc anh kinh doanh xe đạp từ rất sớm có nhiều chi tiết thi vị hơn. “Thời còn là sinh viên, ước muốn có một chiếc xe đạp là giấc mơ của Thi. Mua xe ráp sẵn thì không ưng ý. Ngày chủ nhật, anh lượn khắp các chợ phụ tùng xe để chọn những phụ tùng tốt nhất, sau đó mua về tự lắp ráp thành một chiếc xe đạp hoàn chỉnh và lấy mác Martin 107. Đến khi cưỡi xe đi học, nhiều người thấy chiếc xe vừa đẹp, vừa chắc ngỏ ý mua lại. Thấy bạn thích thì Thi chiều. Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác và cái vận kinh doanh xe đạp bắt đầu vận vào anh từ đó...”, một người bạn của anh đã kể lại. 

Trải qua nhiều khó khăn, để giữ được thương hiệu xe đạp khi phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm ngoại nhập, thậm chí bị hàng giả nhái thương hiệu, với vai trò Giám đốc công ty TNHH thời trang và xe đạp Martin 107, Lâm Xuân Thi vẫn âm thầm làm việc đưa doanh nghiệp giữ vững được thị trường.

Xe đạp Martin 107 được doanh nhân Lâm Xuân Thi tặng cho các em học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: NVCC

Xe đạp Martin 107 được doanh nhân Lâm Xuân Thi tặng cho các em học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: NVCC

Từ số vốn ban đầu chỉ một lượng vàng, mở tiệm tự tay lắp ráp từng chiếc xe đạp để mưu sinh và để có tiền… “chở bạn gái đi chơi”, đến nay anh đã điều hành một hệ thống cửa hàng với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm nhân viên, có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, đã cho thấy hình ảnh một doanh nhân đã sớm khởi nghiệp thành công . 

Nặng tình... cùng thơ.

Khi được hỏi anh thích được gọi là doanh nhân thành công hay nhà thơ nổi tiếng, Lâm Xuân Thi cho biết: “Trong lòng tôi không có nghĩ suy mình là người nổi tiếng… Kinh doanh thì cũng chỉ là mưu sinh, buôn bán lâu năm nên cũng nhiều người biết… Được gọi như thế nào mình cũng thích, cũng tự hào".

Với nhiều người yêu thơ, Lâm Xuân Thi là gương mặt thơ không xa lạ. Anh làm thơ từ hơn 30 năm, từng đoạt giải thơ hay của tuần báo Văn nghệ TP.HCM cùng với Bùi Chí Vinh, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thái Sơn…

Nói về thơ của Lâm Xuân Thi, nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Mỗi bài thơ của Lâm Xuân Thi là một khoảnh khắc bất chợt, một xúc cảm thật, một hoàn cảnh thật. Thơ anh ít có trí tưởng tượng bay bổng. Đó vừa là ưu điểm và cũng vừa là nhược điểm. Nhưng với anh, ưu hay nhược không quan trọng. Điều cốt lõi thơ là phương tiện giúp anh giải stress hiệu quả nhất. Buồn, anh dựa vào thơ. Vui, anh trò chuyện cùng "nàng thơ". Vốn là người kỹ tính nên Lâm Xuân Thi cũng rất khó tính trong tạo dựng cấu tứ, thi ảnh, ngôn ngữ thơ.

Nhà thơ Lâm Xuân Thi cùng nhạc sĩ Hoài An ra mắt album thơ ca . Ảnh: NVCC

Nhà thơ Lâm Xuân Thi cùng nhạc sĩ Hoài An ra mắt album thơ ca . Ảnh: NVCC

Không ít lần Lâm Xuân Thi nói với tôi rằng, anh thấy vui khi bán được đắt hàng, nhưng càng vui hơn khi làm được một bài thơ ưng ý: “Thơ là nhu cầu tinh thần rất đẹp giúp con người mình thăng hoa”.

Lâm Xuân Thi cũng cho rằng, trong hai con người kinh doanh và làm thơ của anh, cũng không thể tách bạch. Vốn là người yêu chữ nghĩa, xuất thân từ gia đình có ba mẹ đều là nhà báo trước những năm 1975, nên với Lâm Xuân Thi, việc làm quen với thơ được thiết lập từ thời niên thiếu.

Thơ Lâm Xuân Thi được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc. Ảnh: TL

Thơ Lâm Xuân Thi được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc. Ảnh: TL

Với anh, thơ thật sự là ngừoi bạn cùng anh song hành hàng chục năm qua cho đến hiện tại. Lâm Xuân Thi thường chia sẻ  thơ trên mạng xã hội, được nhiều nhạc sĩ như Nguyễn Ngọc Thiện, Hoài An, Võ Hoài Phú…, đồng cảm phổ nhạc. Dù đến nay đã có hàng trăm bài thơ, nhưng Lâm Xuân Thi vẫn lần lữa, viện nhiều lý do để không in thành sách.

“Tôi không biết ý nghĩa của điều khác nhau là như thế nào! Nhưng tôi thấy có sự bổ sung cho nhau. Thơ làm cho tôi thấy việc kinh doanh của mình cần phải “đẹp” hơn! Đầu óc suy nghĩ nhẹ nhàng hơn… Thơ tôi thường nói về những điều tốt đẹp ẩn hiện trong tình yêu, chen lẫn trong cuộc sống và những nỗi buồn nhẹ như gió, thoảng như mây… Tôi luôn tự an ủi mình trong những nghịch cảnh…”, nhà thơ chia sẻ.

Nhà thơ - doanh nhân Lâm Xuân Thi cùng với vợ nhân dịp ra mắt album Thơ ca. Ảnh: NVCC

Nhà thơ - doanh nhân Lâm Xuân Thi cùng với vợ nhân dịp ra mắt album Thơ ca. Ảnh: NVCC

Bên cạnh sự chung tình cùng thơ, điều được nhiều người yêu quí chính là tấm lòng sẻ chia của anh đến với những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm liền anh luôn đồng hành với việc đồng hành, tài trợ chương trình "Vì nữ sinh nghèo hiếu học" của Báo Phụ nữ, cùng với một vài nhà thơ đứng ra thành lập "Quỹ tình thơ" nhằm góp phần hỗ trợ các nhà thơ tại TP.HCM và các địa phương khác gặp khó khăn trong cuộc sống, lúc hoạn nạn, già yếu, neo đơn, đau ốm…, hoặc gặp khó khăn khi cần in ấn, phát hành tác phẩm.

Đến nay, "Quỹ tình thơ" đã hỗ trợ các nhà thơ nhiều tỷ đồng,với số tiền từ 5-10 triệu đồng/nhà thơ. “Một trong những điều khó khăn muôn thuở của "Quỹ tình thơ", là các nhà thơ hoàn cảnh khó khăn thường ít khi chịu nói ra. Đôi khi chúng tôi phải tìm hiểu và hỗ trợ…”, nhà thơ Lâm Xuân Thi trăn trở, và anh luôn hết lòng làm những công việc này với tất cả sự trân trọng.

Nhà thơ Hồ Thi Ca: Dưới góc độ nhà thơ, Lâm Xuân Thi là một tác giả “lạ”, vì anh làm thơ đã trên 30 năm và từng được trao “Tặng thưởng thơ hay” của tuần báo Văn nghệ TP.HCM năm 1990. Vậy mà đến nay anh vẫn chưa in tập thơ cá nhân nào. Anh hay vin vào rất nhiều những “lý do” như: Thơ chưa hay, thơ hiền quá, thơ ngắn quá… để “né” cho bằng được chuyện in tập thơ riêng.

Nhà thơ Hồ Thi Ca và nhà thơ Lâm Xuân Thi là những người bạn thơ ngoài đời. Ảnh: FBNV

Nhà thơ Hồ Thi Ca và nhà thơ Lâm Xuân Thi là những người bạn thơ ngoài đời. Ảnh: FBNV

Đọc những tác phẩm của anh, tôi thấy thơ Lâm Xuân Thi cũng lành như chính con người chừng mực của anh. Anh thường làm thơ tình, những bài nhỏ và trong sáng từ ngôn ngữ đến cấu tứ. Nhưng thỉnh thoảng Lâm Xuân Thi cũng “xung trận” xông xáo vào những đề tài thế thái nhân tình, khi ấy thơ anh nhiều ẩn ngữ, ẩn ý hơn, nhưng vẫn là một Lâm Xuân Thi giản dị, chân thành…”. 

vnuk-symbol-only-official-800x237 

 tpbank chuyen tien du hoc nhanh gon

 

GÓC THƯ GIÃN

Bạn có thông tin gì mới không? 

 

Fantastic Beasts: The Secrets of Dumbledore

momo-upload-api-210419151712-637544422321043276

momo-upload-api-201117163723-637412278438989473

momo-upload-api-210422152215-637547017356872242

 

momo-upload-api-210419164756-637544476760164339

BOOKING BÁO CHÍ - TRANG TIN - MXH   


 

LOGO-TONGHOP

©SpotlightVietnam2020 


 279/GP-BTTTT cấp ngày 13-05-2021 

Cơ quan chủ quản: Công ty Truyền thông Spotlight Vietnam

 Địa chỉ: 156 Chiến Thắng, P9, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM 

Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Nguyên Thảo 

Hotline: 0345 700 300

Liên hệ hợp tác - bảo trợ truyền thông

[email protected]