PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia VN nhận định: “Văn nghệ sĩ là những người nổi tiếng, được biết đến rộng rãi, chính vì thế những phát ngôn hay phong cách sống, ứng xử không phù hợp với các giá trị đạo đức của họ có tác động tiêu cực hơn nhiều đối tượng khác".

PV: Thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ việc ồn ào liên quan đến những phát ngôn thiếu chuẩn mực, những cách hành xử thiếu văn minh của nghệ sĩ trên mạng xã hội. Ông đánh giá như nào về những vụ việc này?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết chúng ta phải lên án những phát ngôn lệch chuẩn của các nghệ sĩ trên mạng xã hội. Văn nghệ sĩ là những người được công chúng biết đến rộng rãi, chính vì thế những phát ngôn hay phong cách sống, ứng xử của họ luôn là điều mà nhiều người ngưỡng mộ, dõi theo, chịu ảnh hưởng cả ở những điều tốt và chưa tốt, tích cực và tiêu cực. 

Đó là lý do tại sao chúng ta luôn mong muốn văn nghệ sĩ phải là những tấm gương tốt ở trong xã hội, để từ đó định hướng lối sống cho công chúng nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng. Vì vậy, chúng ta cũng luôn mong muốn văn nghệ sĩ phát ngôn phù hợp, hành vi chuẩn mực trên mạng xã hội.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội. Đó là chỉ báo cho thấy văn minh ứng xử không phù hợp, là dấu hiệu cảnh báo chúng ta cần có bộ quy tắc ứng xử văn minh trên mạng. Chính vì chúng ta không có được hành vi ứng xử văn minh, chưa có được một bộ quy tắc ứng xử phù hợp trên mạng khiến nhiều người có hành vi ứng xử lệch chuẩn, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng. Vấn đề quan trọng ở đây vì là người nổi tiếng nên họ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng. Sự lệch chuẩn của họ có tác động tiêu cực nhiều hơn so với các nhóm đối tượng xã hội khác. 

PV: Có ý kiến cho rằng những phát ngôn chưa chuẩn, gây sốc của nghệ sĩ đôi khi là do “vạ miệng” nhưng đôi khi do cố tình, thoả mãn cái tôi của nghệ sĩ. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần xuất phát từ bản tính nghệ sĩ. Đối với các nghệ sĩ, để có thể sáng tạo, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, riêng có, nên cái tôi cá nhân của nghệ sĩ rất lớn, và điều này đôi khi dẫn đến việc họ đôi khi cũng có thể thể hiện bản thân mình nhiều hơn. 

Lý do thứ hai, tôi cho rằng những phát ngôn đó xuất phát từ việc nghệ sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử trên môi trường mạng, lại chưa có bộ quy tắc ứng xử để điều tiết hành động nên họ có thể có những lúng túng nhất định trong việc nói gì, viết gì, đưa hình gì lên trên mạng xã hội. 

Còn lý do thứ ba là thật sự cũng có một số rất ít nghệ sĩ muốn lợi dụng câu chuyện này để tạo ra sự quan tâm, gây chú ý nhiều hơn. Họ muốn gây dựng tên tuổi bằng scandal, phát ngôn gây sốc… Trên thực tế, những scandal như thế có thể tạo ra sự quan tâm của một nhóm công chúng nhưng không đảm bảo tên tuổi, uy tín mang tính bền vững cho người nghệ sĩ. 

PV: Vừa qua, có trường hợp một nghệ sĩ phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội đã phải chịu kỷ luật. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ tự do khác cũng có ứng xử không phù hợp nhưng không phải nhận những chế tài xử lý. Với những trường hợp này thì phải làm như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta gặp vướng mắc trong việc xử lý những vi phạm, phát ngôn lệch chuẩn,… của các nghệ sĩ. Những trường hợp xử lý vi phạm được chỉ là những nghệ sĩ nằm trong hệ thống hành chính, cơ quan quản lý của Nhà nước vốn có những qui định riêng nên mới có thể xử lý được. Ngoài quy định của cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta đã lúng túng trong việc xử phạt đối với các nghệ sĩ tự do. Vì thế, chúng ta cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hơn đối với các hành vi trên mạng này để có thể áp dụng các chế tài. 

Ngày 17/6, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Việc ban hành này có tác dụng rất lớn để chúng ta có được sự điều tiết hành vi của mỗi người trên môi trường mạng. Trong đó, những người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những hành động, phát ngôn, hình ảnh của mình. Theo đánh giá của tôi, đây là những tín hiệu rất tốt để chúng ta điều tiết các hành vi trên mạng xã hội.

Trong quá trình thực hiện bộ quy tắc ứng xử này, chúng ta cần hình thành dư luận xã hội, những ý kiến có sức nặng đủ để ngăn cản những vi phạm, hành vi lệch chuẩn của các nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời nên khuyến khích các hành động chuẩn mực, ứng xử tốt của các nghệ sĩ. Ủng hộ những cái tốt, bài trừ những cái xấu thì chúng ta mới có được một môi trường lành mạnh, văn minh. 

PV: “Nghệ sĩ” là cụm từ cao quý bởi nó không chỉ tôn vinh những thành quả lao động, sáng tạo mà còn đề cao vai trò của người làm nghệ thuật đối với công chúng, xã hội. Tuy nhiên, ứng xử lệch chuẩn đã đặt ra vấn đề cần có một thước đo chuẩn mực về đạo đức đối với người nghệ sĩ?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người. Nghệ sĩ gắn với nghệ thuật, nghệ thuật luôn gắn với chân – thiện – mỹ, những giá trị định hướng sự phát triển văn hóa cho xã hội. Nghệ thuật hay nghệ sĩ không đơn thuần hướng đến các hoạt động giải trí, mà hướng con người ta đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Vì thế chúng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí và ý nghĩa của văn nghệ sĩ cũng như nghệ thuật trong sự phát triển chung của xã hội. 

Để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong xã hội thì chắc chắn chúng ta phải có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng Hội Nghệ sĩ Sân khấu chính là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này. Làm được như thế, chúng ta mới tạo ra định hướng đúng đắn, tốt đẹp cho hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ. 

PV: Theo ông, những phát ngôn, hành xử trên mạng xã hội có thể là một thước đo, một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá, xét tặng những danh hiệu nghề nghiệp cao quý như NSND, NSƯT?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Việc phong tặng NSƯT, NSND là một quá trình trong đó xét đến rất nhiều yếu tố khác nhau. Tất nhiên, những thành tựu nghề nghiệp đạt được là vô cùng quan trọng nhưng các yếu tố khác như trách nhiệm nghề nghiệp, các vấn đề liên quan đến đạo đức cũng luôn luôn được xem xét qua các hội đồng, các cấp khác nhau. Sau đó, chúng ta cũng đã lấy ý kiến rộng rãi của công chúng. Điều đó cho thấy việc xét tặng là một quá trình rất kĩ lưỡng, tỉ mỉ, theo đúng quy định nhất định.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy có một số ít nghệ sĩ được phong tặng nhưng vẫn chưa thực sự là tấm gương tốt, chưa xứng đáng với kỳ vọng của chúng ta với danh hiệu mà họ có. Điều này đặt ra những câu hỏi cần phải trả lời liên quan đến những tiêu chí về mặt đạo đức nghề nghiệp hay đạo đức công dân của nghệ sĩ này phải được xét như thế nào để không để lọt số ít nghệ sĩ chưa đảm bảo tiêu chí về mặt đạo đức nhưng vẫn nhận được danh hiệu NSƯT, NSND?

Tôi nghĩ, chúng ta cần phải cụ thể hoá hơn nữa, làm rõ hơn nữa các tiêu chí xét tặng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự giám sát, lấy ý kiến rộng rãi hơn từ xã hội khi xét các danh hiệu này cho các nghệ sĩ. 

Trước khi xét tặng danh hiệu, các danh sách các nghệ sĩ luôn được công khai trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khi xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên khiến chúng ta đặt ra những suy nghĩ liệu việc lấy ý kiến đã đủ rộng rãi hay chưa, danh sách công khai đã đến tất cả người cần hay chưa khi làm thủ tục công nhận các danh hiệu này. Và khi có được ý kiến đầy đủ, rộng rãi, khách quan thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội lựa chọn được đúng người, đúng danh hiệu. 

PV: Xin cảm ơn ông./.

https://vov.vn/van-hoa/su-lech-chuan-cua-nghe-si-tren-mang-xa-hoi-co-tac-dong-tieu-cuc-hon-nhieu-doi-tuong-khac-867373.vov

Đăng tại Spotlight 24h
 Những ai lợi dụng hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, thông qua nền tảng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, bất chấp pháp luật, gây nhiễu loạn thông tin làm bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội…, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng như các quyền khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận luôn phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Do đó, những ai lợi dụng hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, thông qua nền tảng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, ngôn từ phản cảm, bất chấp pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây nhiễu loạn thông tin, làm bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội…, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phóng viên VOV.VN trao đổi với Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật An Ninh về vấn đề này.

PV: Quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ, kể cả trên không gian mạng. Thế nhưng, việc thể hiện quyền này như thế nào cho đúng trên mạng xã hội thì không phải ai cũng nắm rõ vấn đề, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Thành Chung: Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy theo quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền tự do của người khác. Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Việc tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng phải tuân thủ quy định chung của Luật An ninh mạng. Tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội; … Như vậy, mọi hành vi tự do ngôn luận nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật đều không được pháp luật bảo hộ đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17/6/2021 cũng ghi nhận quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân như không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Do đó, thể hiện quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ cần phải tuân thủ giới hạn mà pháp luật quy định.

PV: Khi MXH phát triển thì một số nghệ sĩ, người nổi tiếng lại hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, phát ngôn bừa bãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân... qua nền tảng mạng xã hội. Vậy họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?

Luật sư Đặng Thành Chung: Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật trên không gian mạng. Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi pham hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định như sau: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự hoặc Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.

PV: Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến việc dùng mạng xã hội để kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt. Luật có quy định và các chế tài gì trong việc hạn chế những phát ngôn ảnh hưởng đến xã hội và thế hệ trẻ?

Luật sư Đặng Thành Chung: Để hạn chế việc này, pháp luật đã quy định rất rõ ràng và cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm và sử dụng mạng xã hội tại Luật An ninh mạng và mới đây nhất là Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, liên quan đến các trường hợp cụ thể, pháp luật chuyên ngành cũng quy định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, …

Trường hợp phát hiện nhưng hành vi sử dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật thì chế tài phổ biến hiện nay là xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

PV: Để ngăn chặn livestream "bẩn" trên mạng xã hội cũng cần sự vào cuộc và xử lý mạnh tay của các cơ quan quản lý. Pháp luật cần bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng và nghiêm minh đối với hoạt động trên mạng để điều chỉnh hành vi cá nhân như thế nào?

Luật sư Đặng Thành Chung: Để đảm bảo làm trong sạch môi trường không gian mạng; đồng thời răn đe những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố) tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động diễn ra trên không gian mạng, nhanh chóng, kịp thời xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền được giao.

Hiện nay với mức độ phổ biến của livestream, pháp luật cần xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử hoạt động livestream. Khi có những quy chuẩn nhất định thì người tham gia sẽ biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình sao cho phù hợp. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy chuẩn cho phép. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước những nội dung mình truyền tải, người livestream phải lường những nguy cơ có thể phát sinh… để tiết chế phát ngôn cho phù hợp. Đồng thời, người tham gia mạng xã hội dựa vào quy tắc chung để có căn cứ đề xuất, xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật.

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nhiều người còn đề xuất cần có những mức xử phạt cao hơn đối với những vi phạm trên không gian mạng xã hội mới đủ sức răn đe, giáo dục. Thêm vào đó, cần có sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc nội dung, gỡ ngay các clip, livestream có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

https://vov.vn/phap-luat/luat-su-dang-thanh-chung-tu-do-ngon-luan-can-phai-tuan-thu-gioi-han-ma-phap-luat-quy-dinh-868287.vov

Đăng tại Spotlight 24h

BOOKING BÁO CHÍ - TRANG TIN - MXH   


 

LOGO-TONGHOP

©Spotlight Vietnam 2020 


Giấy phép số 279/GP-BTTTT cấp ngày 13-05-2021 

Cơ quan chủ quản: Truyền thông Spotlight Vietnam

 Địa chỉ: 156 Chiến Thắng, P9, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM 

Chịu trách nhiệm nội dung: Cỏ Trần 

Hotline: 0345 700 300

Liên hệ hợp tác - bảo trợ truyền thông: 

trannguyenthao.pv@gmail.com