Sáng ngày 3/3, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Triển lãm giới thiệu 100 bức chân dung của các nhà báo, tranh áp phích chống dịch và mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch.
Triển lãm tranh “Nhà báo vẽ nhà báo” của Huỳnh Dũng Nhân
Với kinh nghiệm 40 năm cầm bút, là một cây phóng sự được nhiều bạn đọc yêu thích, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) nguyên Ủy viên BCH, Phó Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 8-9), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước luôn say mê viết văn, viết báo, in sách, giảng dạy trực tuyến…Nhiều tác phẩm phóng sự của ông đã được in thành sách như: "Ba hồi chuông", "Ăn Tết trong rừng chó sói", "Tôi đi bán tôi", "Kính thưa ô-sin"… Đặc biệt, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân yêu thích việc vẽ chân dung các đồng nghiệp, bởi thế đến nay ông đã cho ra đời khoảng 600 bức chân dung.
Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, những ý tưởng vẽ chân dung các nhà báo đến với ông vô cùng bất đắc dĩ. Bất ngờ bị tai biến từ tháng 4/2021 sau một chuyến đi thăm Cột Cờ Lũng Cú tại Hà Giang, trong thời gian điều trị bệnh tai biến và bị cách ly do đại dịch Covid-19, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã bị liệt và phải nằm điều trị tại nhà, chỉ một tay của ông có thể cử động được.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đam mê với cọ vẽ ngay từ nhỏ
Đam mê với cọ vẽ ngay từ khi còn nhỏ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã được học vẽ, biết cầm cọ, pha màu, vẽ báo tường, có tranh triển lãm nhưng còn ngây ngô và hoàn toàn chưa được tiếp xúc với vẽ tranh chân dung. Sau này, ông theo nghiệp báo nên tạm gác lại đam mê của mình. Chỉ đến khi gặp phải những biến có về sức khoẻ, ông mới lại tiếp tục thực sự trở lại với đam mê được cầm bút, tô màu của bản thân mình.
Lúc bắt đầu vẽ tranh lại, ông chỉ vẽ những thứ hết sức đơn giản như vẽ tĩnh vật, con mèo, trẻ nhỏ trong nhà và dần dần ông vẽ bạn bè, những người thân thiết mà ông tiếp xúc hằng ngày. Được mọi người hết sức ủng hộ nên ông bắt đầu công phu hơn, chăm chút hơn cho các bức tranh của mình. Nhận thấy các bức tranh do mình vẽ không chỉ mang đến niềm vui cho bản thân mà còn mang những tiếng cười, niềm hạnh phúc đến cho mọi người, ông đã quyết tâm thực hiện chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”.
Không gian triển lãm tranh "Nhà báo vẽ nhà báo"
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự: “Bản thân tôi chỉ là một họa sĩ nghiệp dư, tôi thích vẽ và tạo bất ngờ cho mọi người. Tôi vẽ tranh tặng cho một bạn sinh viên đến phỏng vấn, tôi còn vẽ cho cả một cô tiếp viên hàng không trong một chuyến bay ngắn,... đấy là niềm vui trong cuộc sống, chống trầm cảm, chống nỗi buồn cách ly trong mùa dịch”.
Các nhân vật được họa sĩ “nghiệp dư” Huỳnh Dũng Nhân vẽ là bạn bè thân thiết, những người dễ mến, những người tốt, hướng thiện, người tạo cho ông sự đồng cảm trong suy nghĩ. Các tác phẩm của nhà báo Huỳnh Dũng nhân với các nét vẽ mộc mạc, nghiệp dư nhưng vẫn tạo cho người xem cảm giác lạc quan, yêu đời, tươi mới đồng thời thể hiện được tình yêu, sự trân trọng của tác giả dành cho các nhân vật.
Một số chân dung nhà báo được ký họa bởi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Được biết, trong khoảng thời gian điều trị bệnh và trải qua nhiều đợt phong tỏa ở TP. HCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một trong số ít những người đã vẽ lại hình ảnh những chiến sĩ từ khắp mọi nơi trên tổ quốc đến để tăng cường, làm công tác chống dịch tại đây. Bằng sự đồng cảm của mình, ông đã dùng các các bài thơ, các bức vẽ chân dung kết hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh tạo ra các tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần của những chiến sĩ, những người lính hết lòng vì nước, vì dân.
Thông qua triển lãm tranh “Nhà báo vẽ nhà báo”, tác giả muốn truyền tải đến người xem một tinh thần quật cường: “Khi bạn sắp gục ngã, bạn phải cố gắng bước tiếp, tự lực tự cường, tự vươn lên”.
Áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh kết hợp với tranh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” diễn ra từ ngày 3/3 -15/3 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (TP. Hà Nội), triển lãm trưng bày 100 tác phẩm (khổ 70 cm x 90 cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4) cùng bộ sưu tập 20 tranh áp phích chống dịch và nhiều mẫu áo thời trang họa tiết chống dịch do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.
Đây là sự kiện được bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022; chào mừng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp và mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2022)
Nhìn con gái ngồi vẽ bên khung cửa sổ, những ký ức về năm tháng sơ tán của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chợt ùa về, nóng hổi và thổn thức. Sau hàng tháng trời nằm dưỡng bệnh, cựu nhà báo đã quyết định cầm cọ trở lại sau hơn nửa thế kỷ, bắt đầu bằng hộp màu và giá vẽ của cô con gái nhỏ!
Mỗi ngày ngồi ngắm bình minh rồi hoàng hôn bên những toà cao ốc, nhà báo U70 đã tư lự cùng chiếc cọ và trí tưởng tượng của mình sau những năm tháng rong ruổi với cuộc chơi con chữ, những bức chân dung bạn bè, tranh cổ động các chiến sĩ chống dịch mùa Covid đã ra đời từ đó!
Từ màu nước, bút chì tới Ipad, bắt gặp ý tưởng nào ông lại đắm mình hàng giờ vào đôi tay còn run rẩy sau cơn tai biến bất chợt vào cuối năm 2021. Những bức tranh đầu tiên đa phần là ông vẽ bạn bè mình, qua trí nhớ về những người bạn đặc biệt hoặc qua hình ảnh được chụp ở một khoảnh khắc tươi đẹp, xuất thần nào đấy trong cuộc sống.
Khi gửi tặng những bức tranh, các chủ nhân những bức ảnh đều xuýt xoa ngợi khen chàng ''hoạ sĩ'' nghiệp dư ''khởi nghiệp'' sau 70 tuổi. Đó cũng là niềm vui và động lực lớn để ông dành ra hàng tiếng đồng hồ bên bàn vẽ, mà hơn hết, đó còn là niềm vui của riêng ông!
Chia sẻ về cuộc chơi đặc biệt ‘’lạ mà quen’’ này, Huỳnh Dũng Nhân cho biết: ''Khi còn nhỏ, tôi đã từng học vẽ, nhưng chỉ học căn bản thôi, chưa từng vẽ chân dung, vả lại, thời chiến tranh, mọi thứ thiếu thốn và đứt quãng vì các đợt di chuyển, chạy giặc, tôi không còn tiếp tục học vẽ khi sang tuổi thiếu niên. Tuy nhiên trong suốt thời gian đi học, vẽ vẫn là một ''tài lẻ'' mà bạn bè hay nhớ về tôi. Thi thoảng phóng bút ngẫu hứng đâu đó, vẫn được nhiều người khích lệ rằng vẽ... có nét!
Tôi cũng chơi với rất nhiều hoạ sĩ ở ba miền, vì công việc, vì tính cách nghệ sĩ đãdẫn lối chúng tôi đến với nhau, tôi nghĩ những người vẽ, yêu tranh đều là những con người tài năng, cá tính và sở hữu cái tôi rất chất. Tôi yêu quý họ!''
Kể lại chuyện những bức tranh của mình, ông hài hước thừa nhận: ''Không phải ai cũng thích bản thânđược vẽ, bằng chứng là tôi vẽ ai cũng giống, trừ... vợ mình! Có lẽ do quen với hình ảnh cô ấy qua đôi mắt hàng ngày, quen cảm nhận nắng sớm mưa chiều qua nhiều năm thángnên cái thần sắc nó quen thuộc đến mức... vẽ mãi không ra!''
Dù vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, nhưng Huỳnh Dũng Nhân thích vẽ trên giấy nhất, nó cho ông cảm giác chânthưc hơn, bạn bè cũng thích thú với những bức vẽ bằng bút chì, nét thanh đậm, thần sắc vẫn vô cùng sinh động qua góc nhìn của ''hoạ sĩ'' hơn là nét cọ điện tử với nhiều mảng màu da dạng của Ipad hoặc các phần mềm phóng tác.
Qua hơn 2 tháng cầm cọ, hiện tại Huỳnh Dũng Nhân có vài trăm bức chân dung vẽ các nhà báo đồng nghiệp, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, huấn luyện viên bóng đá, ca sĩ và nhiều người bạn doanh nhân, các ngành nghề khác cùng với những áp phích, tranh cổ động lực lượng chống Covid.
Dự kiến, buổi triển lãm vào ngày 3-3 sắp tới, ông sẽ trình làng hơn 100 bức chân dung đồng nghiệp với chủ đề ''Nhà báo vẽ Nhà báo'', đây là sự kiện được Bảo tàng Báo chí tổ chức nhân dịp đón chào năm mới 2022, chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11 thành công tốt đẹp và mở đầu các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 72 năm thành lập Hội nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2022).
Lễ khai mạc triển lãm "Nhà báo vẽ nhà báo" cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid-19 của tác giả Huỳnh Dũng Nhân sẽ diễn ra lúc 9h sáng ngày 3/3/2022 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Được biết, triển lãm "Nhà báo vẽ nhà báo" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được chia thành 3 cụm chính: 100 tranh chân dung các nhà báo, khổ tranh 70x90 và 100 tranh chân dung khổ A3, A4; Bộ sưu tập 20 tranh áp phích chống dịch của Huỳnh Dũng Nhân; Bộ sưu tập mẫu áo dài thời trang của Nhà thiết kế Minh Hạnh với mẫu tranh áp phích chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Là tác giả của gần 30 đầu sách nổi bật ở các thể loại Phóng sự, Truyện ngắn, Thơ, Hồi ký, Truyện thiếu nhi và Giáo trình, Huỳnh Dũng Nhân luôn là một cái tên ''bảo chứng'' cho chất lượng một quyển sách mới ngay khi nó còn trong nhà in, nhưng lần này là một câu chuyện đặc biệt khi tác phẩm có giá bìa lên tới 990.000VNđ!
Thật đặc biệt khi cầm trên tay một tập thơ tầm 30 bài với giá khá ''chát'', tôi bày tỏ sự tò mò về tác phẩm mới của ông - một người thầy, tiền bối và người dẫn dắt tôi trong nghiệp viết.
Gặp Huỳnh Dũng Nhân sau hai mùa cách ly đằng đẵng, thấy anh có vẻ khoẻ mạnh, hồng hào và tươi mới ra nhiều so với khoảng thời gian bạn đọc bắt gặp những dòng viết ảm đạm trên mạng xã hội Facebook trong mùa dịch bệnh. Anh tâm sự rằng mình ''không thể ngồi yên ngày nào'' sau khi bình phục, bắt gặp quả chuối nằm trên đĩa, con mèo ngáp sớm bên cửa sổ, hay dáng vẻ tất bật của bà xã trước thềm ngày mới... ông đều rung động và muốn đưa những hình ảnh bình dị đó vào tranh vẽ; Ông cho rằng, khi đôi mắt đôi tay còn cảm nhận được sự biến đổi của tạo hoá là cả một niềm may mắn, nên phải tận hưởng và lao động đến say mê cùng những đặc ân đó.
Và thế là ngoài một Dũng Nhân làm báo năng nổ, nhiệt huyết, người ta còn thấy thêm một Dũng Nhân đam mê mãnh liệt với ''nghề tay trái'' của mình là hội hoạ. Tự nhận mình là ''tay vẽ nghiệp dư'' vì đa phần người ta biết đến ông với vai trò là một trong những người thổi hồn vào những bài phóng sự thực tế sinh động lẫn những ''công thức'' làm báo trên các giáo trình uy tín nhất tại các Trường báo Bắc Nam.
Trong tập thơ Một chút riêng tư lần này, ông đã cho in xen kẽ 3 phần thơ với 100 tấm ảnh chân dung của những bạn bè, đồng nghiệp báo chí, văn nghệ sĩ, huấn luyện viên bóng đá... Trong đó, có những người bạn gắn bó với Huỳnh Dũng Nhân suốt nhiều thập kỷ qua, cũng như những người ông thừa nhận là ''chưa gặp lần nào'' như Ca sĩ Phi Nhung. Chính vì lòng mến mộ và thương tiếc nữ ca sĩ tài danh của dòng nhạc Bolero mà ông đã xúc động cầm bút phác hoạ.
Ông bộc bạch: ''Quyển sách này tôi viết đa phần để tặng những người quen biết, nhằm nhắc nhớ nhau về một thời kỳ kỳ lạ, khó khăn chung của thế giới, của Đất nước. Không làm được gì để xoay sở cuộc đời thì mình đành làm ''người chép sử'' vậy.''
Tập thơ được chia làm ba phần, Phần 1 với những bài thơ, câu chữ chắt chiu đầy tình cảm, nhằm gửi gắm vào cuộc sống như một dấu chấm than đồng cảm tại thời điểm toàn quân, toàn dân phải vật lộn với trận chiến không khoan nhượng giữa dịch bệnh và con người. Qua đó, tác giả đã bày tỏ lòng biết ơn của một người dân Sài Gòn trước sự hy sinh của quân đội nhân dân Việt Nam:
Anh lính trẻ hành quân vào thành phố
Nghe tiếng miền Nam ngơ ngác bật cười
Nhưng trái tim đâu cần phiên dịch
Sài Gòn ơi, chống dịch có anh rồi!
(Trích Người lính trẻ lần đầu vào thành phố)
Năm học mới rộn ràng nhưng chẳng đứa trẻ nào được đến trường, nhà thơ cũng dành cho cô Bống con gái út bằng những câu dễ thương mà da diết:
Con hãy làm quen với hai chữ chia xa
Cố chịu đựng nỗi nhớ nhà, ba mẹ
Như ba ngày xưa đi sơ tán chạy bom từ thời rất bé
Thèm cái kẹo và nhớ những vòng tay
Mới thương ông bà nội ngày xưa đánh Tây
Tập kết ra Bắc tưởng 2 năm mà rồi... 20 năm đằng đẵng
Vợ chồng xa nhau, con xa mẹ cha, nhớ thương và hy vọng
Đón vị tính bằng năm, chứ không tính bằng ngày
(Trích Con gái về quê ngày cách ly)
Khi ở nhà con chưa tự xúc ăn
Chưa biết ăn rau, sợ nhìn mắt con cá
Nay về quê phải làm quen tất cả
Sống vô tư, không còn hay dỗi hờn
(Trích Nhớ con)
Phần 2 của tập thơ là câu chuyện Olympic - Thế vận hội Tokyo 2021 với niềm luyến tiếc về những chiếc huy chương trong mơ chưa được... thành vàng của Việt Nam, nhưng chất chứa nhiều kỷ niệm về một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh:
Có đứa trẻ chạy bộ đến trường tuổi thơ
Có những cái tên khó mà nhớ nổi
Có những cô bé tủi buồn, hôm nay đã thành huyền thoại
Tokyo, hẹn gặp lại, xin chào...
(Trích Vẫy tay chào)
Phần 3 của tác phẩm là những dòng viết đầy xúc cảm, nhân văn với những suy ngẫm về một kiếp người mà trong đó có chính tác giả, cũng đau đáu với số phận, với những gì phía trước, phía sau đời sống.
Tháng 8 đi qua không kịp nhớ ngày
Không có buồn vui nào
Tôi một mình nâng lên đặt xuống
Một tháng 8
Một chuỗi ngày
vô cùng bận rộn
Thu chưa vàng
Trời cũng chưa xanh
Tháng 8 ngơ ngác vụt qua rất nhanh
Quanh tôi rất nhiều người nằm xuống
Cây nhang này vừa tàn
Cây nhang khác đã cháy lên
(Trích Tháng 8)
Hoả táng! Chắc là nóng lắm?
Khi ngọn lửa nuốt chửng cái hòm
Rồi liếm lên thân tôi
Không biết từ đầu hay từ chân trước nhỉ?
Chắc là nóng hơn cái lần tôi bật nhầm nước nóng trong nhà tắm
Chắc là nóng hơn 70 mùa hè tôi đã đi qua
(Nghĩ về lửa)
Liên tiếp những bài thơ thật dữ dội về sự chia lìa, chết chóc và buồn tủi dàn trải theo quãng thời gian từ tháng 8/2021 khi mùa dịch thứ 4 bùng phát tại Sài Gòn, Huỳnh Dũng Nhân cũng như bao công dân khác trên thành phố này, đều phải chịu cảnh lo sợ, phập phồng mỗi ngày mà chẳng có cách nào để tự trấn an mình hơn việc... ngồi yên ở nhà không gặp gỡ ai. Và từ đó, nỗi cô đơn vì thiếu vắng những cuộc sum họp, thiếu ly cafe với bạn bè, thiếu bữa ngon ngoài phố cùng gia đình mỗi dịp cuối tuần... Tất cả trở thành một thứ áp lực vô hình vào mỗi ngày tỉnh giấc!
Nửa năm không ra khỏi nhà
Quên mất cả bảng số xe của mình
Quên cả thói quen xem thời gian
Cần gì mang đồng hồ nữa
Đội mũ bảo hiểm như đội cả bầu trời
Thấy xe nào chạy qua cũng giật mình sợ đụng
...
Nửa năm mới ra đường thấy hình như mình không còn là mình nữa
Đâu mất rồi thằng... Huỳnh Dũng Nhân?
(Trích 6 tháng một mình)
Và dù qua bao cảm xúc đầy xao xác của đời người, ta lại bắt gặp đâu đó những hình ảnh đầy ái tình mê đắm trong câu thơ của nhà thơ họ Huỳnh:
Một thời tuổi thanh xuân
Môi hôn còn e ấp
Nắm tay cũng ngượng ngập
Nõn nà đến cả tình yêu
(Trích Vật lý trị liệu)
... và cũng qua đó, đau đáu câu chuyện về Đường một chiều:
Ta có thể làm rơi rồi lấy lại
Có thể chọn lựa rồi đổi thay
Hạnh phúc cũng thế này thế khác
Nắm tay rồi lại phải buông tay
Đời đôi khi leo lên rồi trèo xuống
Lắm lúc rẽ ngang, đi tắt, đi vòng
Có lúc vui, lúc buồn, lúc chán
Chả có gì, cứ hít thở vẫn xong
Ta từng trốn học, trốn làm, trốn họp
Nói dối mẹ cha, dối vợ, dối bạn bè
Nhưng chẳng thể trốn một sự thật
Cái chết! Sao trốn? Đâu chỉ mình ta?
Chỉ có một thứ không thể nào thay đổi
Ta sẽ không có lựa chọn bất kỳ
Phải chấp nhận mà không ra điều kiện
Là chuyến xe cuối cùng ta sẽ đi
...
Ta cãi nhau: 2x2 là mấy
Nhưng tuyệt nhiên phải tuân thủ phận đời
Khi đến lượt phải đi vào vô tận
Nấm mồ hay Kim tự tháp cũng thế thôi
Những thiên đường, huyền thoại với vĩ nhân
Những vi rút, tế bào và nguyên tử
Những học thuyết, công trình và chủ nghĩa
Trời rất cao nhưng đất cũng rất sâu
Tất cả nhé! Một ngày kia! Xin chào!
Tỷ tỷ người sinh ra rồi nằm xuống
Chỉ Thần chết mới quyền uy vĩnh viễn
Bất chấp muôn loài với khao khát trường sinh
Một lần thôi. Ta phải biết yêu mình.
Bài thơ khép lại với tâm thế bình thản trước thời gian, bởi không có sự vĩ đại nào quý giá hơn bản thân mình. Chính mình mới quản trị, tận hưởng và chịu trách nhiệm với toàn bộ cuộc đời mình chứ không phải ai khác! Và dù đang sống hay sẽ chết, trẻ trung hay già nua, vẫy vùng giữa giông tố hay quẫy đạp trước số phận, chúng ta cũng phải lạc quan mà đón nhận tất cả, bởi sự sống - là duy nhất, không có lần hai!
Tôi sẽ sống hết mình cho mỗi ngày còn tồn tại!
- Huỳnh Dũng Nhân -
Đời người có 3 bước ngoặt lịch sử: Sinh - Lão - Bệnh, qua mỗi giai đoạn quan trọng này người ta có biết bao điều để nhắc đến. Huỳnh Dũng Nhân cũng thế, sau mỗi biến cố anh lại đặt mình vào một góc nhìn mới, rộng hơn và bao dung hơn với chính cuộc đời mình!
Vào một ngày đầu tháng tư năm 2021, bạn bè khắp nơi đã bất ngờ chia sẻ thông tin Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai; cơn tai biến nghiêm trọng trong chuyến đi Hà Giang buộc anh phải tạm dừng đợt công tác dài ngày để điều trị. May mắn được các Bác sĩ và nhân viên y tế tiếp cứu kịp thời, Nhà báo đã hồi phục nhanh chóng sau một tuần nằm yên trên giường bệnh.
Suốt thời gian ‘’bị’’ nhân viên y tế ‘’tạm giữ’’ điện thoại và máy tính để chăm sóc sức khoẻ, Huỳnh Dũng Nhân đã đùa rằng mình đang bị ‘’cách ly cây bút’’ bởi không còn được nuôi cảm xúc mỗi ngày qua những bài viết, hay chiêm nghiệm cuộc đời qua những câu thơ…
Rằng với một người làm báo như anh, “Có thể cách ly chống dịch nhưng không thể cách ly cây bút. Trước các vấn đề lớn của xã hội và những câu chuyện có tính chất riêng chung của cuộc sống, người cầm bút không thể thờ ơ đứng bên lề.”
HN hết Covid chưa em?
Chúng mình sẽ lại nắm tay về căn nhà cũ
Thế giới này sẽ một lần như thế
Lại cách ly giãn cách một kiếp người
Đất nước mình còn vất vả lắm em ơi
Thiên tai đến mỗi phận người bé nhỏ
Hãy yêu thương như chưa từng như thế
Bởi em ơi cuộc sống chỉ một lần.
Thật vậy, dù là thầy của rất nhiều các thế hệ nhà báo Nam Bắc, là một U70 hẳn hoi nhưng người ta luôn nhìn Huỳnh Dũng Nhân qua một lăng kính tươi mới, trẻ trung mỗi ngày qua từng dòng chữ anh viết trên báo, sách và cả trang Facebook cá nhân.
''Tôi còn sống, còn sống
Để chào mỗi bình minh
Tia nắng là Vĩnh Cửu
Xuyên vụt qua đời mình''
Ngày nối tiếp ngày, duy trì được nguồn năng lượng tích cực, giữ lối sống lạc quan nhìn về phía trước, Huỳnh Dũng Nhân luôn là người truyền cảm hứng, nghị lực về những điều tốt đẹp cho người thân, con cái, cộng sự và bạn đọc của mình.
Thật bất ngờ khi biết bản thảo của tập thơ này đã được ra đời, hoàn chỉnh chỉ trong 100 ngày anh… nằm viện tịnh dưỡng vào thời gian cả Thành phố thực hiện lệnh giãn cách xã hội và một số ít bài thơ được viết trước đó. Đây là tập thơ thứ 3 và là tập sách thứ 6 trong gần 30 đầu sách đã xuất bản của nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân sau 6 năm anh nghỉ hưu để dành thời gian và bút lực cho văn chương.
Anh tâm sự: “Đã trót mang cái nghiệp, cái nghề làm báo làm văn, nếu tôi không viết, không làm gì hết thì còn gì là tôi nữa…” Với một người ‘’nuôi chữ’’ làm lẽ sống, những ngày Đất nước cách ly cũng là giai đoạn Huỳnh Dũng Nhân nhớ nghề nhiều nhất. Vì vạn dặm trên quê hương này đều có dấu giày của anh Nhà báo là cây bút phóng sự nổi tiếng nhất Việt Nam đã từng đi qua, những ngày xã hội không được dịch chuyển tự do, anh thấy ‘’đôi chân đi’’ của mình như ‘’bỗng dưng bị trói’’ vậy!
''Đi khắp đất chữ S
Rồi bốn bể năm châu
Nếu nằm dưới lòng đất
Thì có khác gì nhau?
Mang theo những gì nhỉ?
Chục áo size M
Đôi giày cỡ 38
sách viết từ ấu thơ
Tạo hoá đã lập trình
Đời tôi chỉ từng ấy...
... Mỗi sáng tôi tắm nắng
Con mèo cũng phơi lông
Chia nhau từng sợi nắng
Chắc vài năm là cùng?
Mỗi sáng ra kéo rèm
Khi các con còn ngủ
Tôi cười với mặt trời
Hôm nay - Tôi còn sống!''
(''Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa'')
''Ở nhà thì váy áo
Son phấn với lược gương
Vào viện đi dép rọ
áo xống thấy mà thương''
(Thơ tặng người nuôi bệnh)
''Đang vẽ chợt nghĩ buồn
Vẽ bao người thì giống
Vẽ mẹ thì lóng ngóng
Sao tệ quá thế này
Công ơn mẹ tràn đầy
Chở che từ thơ ấu
Bữa cơm nghèo mẹ nấu
Đời con mẹ vá may
Thôi đành cất tranh vẽ
Không vẽ được, mẹ ơi
Chân dung MẸ đẹp nhất
Trong tim con mất rồi...''
(Vẽ mẹ)
Tập thơ “Riêng một góc nhìn“ có tựa đề phảng phất tính báo chí mang nhiều trăn trở về cuộc sống xung quanh, có những bài thơ tác giả yêu thương dành tặng người thân, có nhiều bài bộc bạch tâm trạng của một người trước đại dịch Covid; ngoài ra sách còn in một số tranh và các bản nhạc phổ thơ của thơ Huỳnh Dũng Nhân - một người đã sống rất mặn mà chất nghệ sĩ, như cách mà bạn bè hay đùa anh là ‘’tổ hợp 3 trong 1’’ ở nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí của hai ngôi trường đào tạo về lĩnh vực báo chí - truyền thông hàng đầu Việt Nam là Học viện báo chí tuyên truyền và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM.
Chân dung Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân qua nét cọ của Hoạ sĩ Lê Sa Long.
''Đi. Yêu. Và viết lách...
Dăm cuốn sách cuối đời
Vài tỉ chữ trên báo
Muôn dặm in dấu chân''
Tập thơ “ Riêng một góc nhìn” dày 112 trang, thiết kế bìa của nữ họa sĩ Võ Anh Thơ, do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành. Độc giả là người yêu thơ và những ai luôn mến mộ cây bút Huỳnh Dũng Nhân sẽ được trải nghiệm chuyến du hành vào thế giới của tập thơ ‘’Riêng một góc nhìn’’ tại các quầy sách vào giữa tháng 7-2021.
TÁC PHẨM ĐÃ IN
Truyện thiếu nhi:
Nối dây cho diều - in chung - NXB Kim Đồng
Những vòng sóng - in chung - NXB Kim Đồng
Kỷ niệm ngày sinh - in chung - NXB Kim Đồng
Kể về một tài năng - NXB Kim Đồng
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn - NXB Kim Đồng
Lãng mạn cùng cá sấu - NXB Kim Đồng
Truyện ngắn:
Ba hồi chuông - NXB Tổng hợp TP.HCM
Phóng sự:
Ăn Tết trong rừng chó sói - NXB Lao Động
Ký sự Xuyên Việt - NXB Công an Nhân dân
Tôi đi bán tôi - NXB Văn Nghệ TP.HCM
Những người đi trong gió - NXB Trẻ
Kính thưa ôsin - NXB Thông tấn
Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng (in chung với Đỗ Doãn Hoàng) - NXB Tổng hợp
Tản văn:
Giọt lệ trên trời - NXB Thông tấn, NXB Tổng hợp TP.HCM (Tái bản)
Sao băng - NXB Văn Nghệ TP.HCM
Giáo trình:
Phóng sự, từ giảng đường đến trang viết - NXB Thông tấn
Để viết phóng sự thành công - NXB Thông tấn
Để viết phóng sự thành công - NXB Tổng hợp TP.HCM (Tái bản)
Thơ:
- Dã quỳ tím - NXB Trẻ - 2011
- Tự Tình với Facebook - NXB Tổng hợp 2017
- Ký ức chao nghiêng - NXB VHVN TPHCM 2018
Hồi ký:
Hồi ký Nguyễn Trọng Trúc - Bóng bàn một đời tôi đam mê - Huỳnh Dũng Nhân chấp bút.
Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối - NXB Tổng hợp TPHCM 2020 (Tác phẩm được tặng thưởng của Hội nhà văn Tp.HCM)
Phóng sự Kính thưa Ôsin đã được dựng thành kịch diễn tại sân khấu 5B Võ Văn Tần và bộ phim 70 tập cùng tên trên HTV.
Cỏ Trần
Bạn có thông tin gì mới không?