Người ta thường bảo: ‘Chuyện vợ chồng là duyên là nợ có duyên mới gặp nhau có nợ mới ở với nhau trọn đời” quả đúng chẳng sai chút nào. Có những người yêu nhau 4 năm, 5 năm hay 10 năm nhưng cuối cùng vẫn chia tay, nhưng có người chỉ gặp nhau 1 tháng, 2 tháng đã nên duyên vợ chồng. Có những chuyện chúng ta dường như chẳng thể nào giải thích nổi.
Đừng nghĩ cứ yêu nhau lâu thì cưới nhau về sẽ hạnh phúc mãi mãi, cũng đừng khinh quen nhau có mấy ngày lấy nhau về thì sẽ sớm tan vỡ. Chuyện vợ chồng có bền lâu hay không đôi khi không phải do yêu dài hay yêu ngắn mà quan trọng là 2 người có hiểu nhau hay không?? Có vì nhau mà cố gắng và nhường nhịn hay không mà thôi.
Cưới nhau về rồi bản chất của đối phương mới bộc lộ ra, khi yêu thì lúc nào cũng thấy điều tốt nên cô gái nào cũng thấy ở đối phương những điểm: “Tích cực, tích cực, tích cực”. Lấy về rồi thì ôi thôi “Tiêu cực, tiêu cực, tiêu cực”. Lúc đó lại phải xác định lại, nếu muốn đi tiếp với nhau thì học cách chấp nhận con người nhau và cố gắng thích nghi mà thôi. Con người không có ai thực sự hoàn hảo cả,2 vợ chồng với nhau giống như trái tim chia đôi, mỗi người 1 nửa ghép lại cùng chung nhịp đập, chứ không phải là 1 cộng 1 bằng 2.
Tôi có quen những người dành cả tuổi thanh xuân để yêu nhau, họ bên nhau 9, 10 năm khiến ai nhìn vào cũng phải ghen tỵ. Ngần ấy thời gian đủ để khiến họ biến tình yêu thành tình thân hoặc thứ gì đó không thể tách rời nhưng cuối cùng là mỗi người 1 ngả. Người chồng bên cạnh cô gái chẳng phải người đàn ông mà cô ấy gặp năm 17 tuổi và ngược lại.
Cũng có những đôi yêu nhau rồi lấy nhau, nhưng kết hôn rồi cuộc hôn nhân ấy lại chóng tàn đến mức khiến ai cũng nuối tiếc. Khi yêu thì mặn nồng cưới nhau về thì suốt ngày cãi vã. Họ thấy đối phương nhàm chán đến mức như ăn đi ăn lại 1 món cơm đã nguội. Sau cùng con đường họ đi lại chia thành đôi ngả, không ai cùng ai bước chung nữa. Thế mới nói, vợ chồng đến được với nhau là cái duyên còn ở được bên nhau hay không là do nợ.
Còn có những cặp vợ chồng khác gặp nhau 1 vài lần đã xác định cưới. Tôi từng ở với 1 cô bạn, năm 25 tuổi cô ấy rất cô đơn và lúc nào cũng mong ước có người yêu. Và rồi 1 ngày cô ấy quen 1 anh bạn cùng quê qua mạng. Họ nói chuyện với nhau ít lâu rồi gặp nhau uống nước đúng 4 lần. Lần thứ 5 nó bảo với tôi đêm đó nó không về nhà ngủ. Tôi bất an vô cùng, tôi sợ nó dại dột trao gửi tấm thân cho 1 người chẳng xứng đáng. Nhưng hôm sau nó hớn hở:
– Có khi tao sẽ cưới chồng sớm.
Tôi há hốc mồm:
– Đêm qua bọn mày đã làm gì rồi đúng không?? Sao mới gặp nhau đã đòi cưới, mày không sợ sẽ ân hận à.
– Ừ tao trao cho người ta cái ấy rồi.
– Mày điên rồi giữ gìn 25 năm và trao đi dễ thế ư?? Lỡ đó là sở khanh thì sao??
– Không, tao tin đó là người đàn ông tốt, tao tin bọn tao sẽ nên duyên vợ chồng.
Và rồi 1 tháng sau nó làm đám cưới thật, lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm dù trong lòng vẫn có chút sốc, chút hoài nghi. Tôi tự hỏi rồi nó có hạnh phúc hay không khi đã quá nóng vội như thế. Nhưng 5 năm rồi nó và chồng vẫn rất hạnh phúc, cô công chúa nhỏ của nó vô cùng đáng yêu. Nhìn thấy cảnh đó tôi cũng vui lây, nhân duyên vợ chồng là vậy đấy. Chúng ta có thể yêu người này nhưng lại lấy người kia, đôi lúc tất cả như 1 sự sắp đặt kì diệu vậy. Vì thế dù người bạn chọn làm bạn đời là ai thì cũng hãy trân quý và yêu thương nhau, đừng bao giờ để lạc nhau nhé vì giữa hơn 7 tỷ người phải có duyên lắm 2 người mới gặp gỡ và nên vợ nên chồng đấy.
Em đang cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc bất lực chỉ biết dùng nước mắt để rửa trôi những áp lực của cuộc sống. Nhưng hiện thực quá phũ phàng, người tưởng chừng thân thiết, quan tâm mình nhất, lại có bộ mặt hoàn toàn khác.
Em vẫn chưa thể bình tĩnh lại, khi biết người em tin tưởng lại có thể đâm mình một nhát đau đớn đến thế. Hiện tại, em đang làm thủ tục li dị chồng và vạch trần bộ mặt thật của người đàn ông ấy cùng cô bạn thân đồng nghiệp. Họ đã hợp lực để lừa dối em.
Em làm bên kế toán, có chơi thân với 1 chị bên marketing cùng công ty. Ban đầu chỉ là nói chuyện xã giao, chị em đồng nghiệp. Nhưng thấy chị ấy dễ gần, nhiệt tình, lại đáng yêu, quan tâm mình nên em thân thiết. Càng ngày tình cảm càng đi lên, em chia sẻ chuyện tình cảm trong nhà. Những khúc mắc với chồng, những căng thẳng của mẹ chồng nàng dâu... chị ấy lắng nghe em và chia sẻ với em về cả những chuyện của bản thân nữa. Qua 1 thời gian, em dành cho chị ấy 1 niềm tin vững chắc, coi như người thân.
Càng nghĩ em lại càng thấy chị ta giống 1 con "rắn độc". Sau khi lấy được niềm tin của em, chị ta nói xấu dần từng người trong công ty và dặn dò em hạn chế tiếp xúc. "Cái Lan trông vậy thôi, nhưng chuyên gia đi nói xấu người khác"; "Chị Thanh để ý từng lời nói mà bắt lỗi mày rồi đi mách lẻo với Sếp đấy"; "Mà Sếp phòng mình cũng chẳng công bằng gì đâu, chia việc không đều cho 1 số đối tượng đi đêm. Mày phải nghe chị, nếu không khó mà sống nổi ở đây!"... Trưa đi cùng, tối nhắn tin đến khuya, em hầu như không có thời gian để dành cho 1 đồng nghiệp hay bạn bè nào khác. Em bị chị ta nắm chặt trong lòng bàn tay. Vậy mà lúc đó, em còn cảm thấy biết ơn chị ta khi đã chơi và bảo vệ mình.
Rồi tình cờ, nếu không phải vì quá quen thuộc với giọng nói của người chị đó, có lẽ em sẽ không thể nhận ra giọng của người phụ nữ lỡ vang vào điện thoại của chồng lúc đi công tác. Em giật mình, ban đầu rất bối rối. Nhưng suy nghĩ rồi sâu chuỗi dần các sự kiện, em nhận ra chị ta nắm rõ thời gian biểu, suy nghĩ và mọi hành động của em. Những ngày chị ta xin phép nghỉ ốm, trùng khớp với lịch công tác của chồng. Thấy sự chẳng lành, em đã quyết định theo dõi chồng mà vẫn tự nhiên "diễn" kịch để chị ta không nhận ra.
Và rồi điều khiến em đau lòng nhất cũng đã xảy ra, đúng là một câu chuyện ngoại tình ngoài sức tưởng tượng của em. Người tình của chồng, không ai khác lại là người bạn đồng nghiệp thân nhất của mình. Chị ta muốn cô lập em, chỉ để kiểm soát em tốt hơn. Khi thời gian biểu và mọi suy nghĩ của em đã bị chị ta quản lý, thì chồng của em cũng thành chồng của chị ta lúc nào em không hề hay biết. Em đã hỏi chồng rất nhiều, rằng tại sao lại lừa dối em, họ đã có quan hệ từ lúc nào... Nhưng anh ấy chỉ im lặng. Có lẽ, hắn ta đang xấu hổ với đứa con gái, đứa con mà đã dành cho ba mình tình yêu thương và niềm tin vô hạn. Vậy mà, chính anh ta đã phá vỡ tất cả. Hai người em tin tưởng nhất đã hợp lực lại để lừa dối em. Thậm chí em còn đã từng rất tự hào khi kể về người bạn đồng nghiệp tốt bụng luôn giúp đỡ mình với người chồng đó.
Một buổi cà phê quen thuộc với người chị đồng nghiệp thân thiết, cùng với những bằng chứng ngoại tình rõ ràng, chị ta chỉ biết cười cho sự ngốc nghếch của em. Hóa ra, chị ta chẳng phải người xa lạ gì, mà tình cờ là mối tình đầu khó dứt của chồng em. Thật quá thủ đoạn khi mọi cách làm thân với em đều đã là mục địch của chị ta từ trước. Chỉ có em là ngây thơ và bị lừa một cách đau đớn mà thôi.
Em không thể bỏ qua cho những điều này, vợ chồng em đã hết duyên. Chia tay là sự giải thoát cho cả 3 và để em có thể giúp mình bình tĩnh lại và tha thứ tất cả. Chị Thanh Tâm thân mến, em có đang làm đúng không?
https://phunuvietnam.vn/dau-don-khi-nhan-ra-nguoi-tinh-cua-chong-20210808184028529.htm
Không biết bao lần, nước mắt tôi cứ trào ra. Vì em. Vì sự hy sinh không chút so đo, tính toán của em với người chị vô cùng may mắn là tôi.
Tôi sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh trên núi. Đồng áng là công việc hàng ngày của bố mẹ tôi. Một ngày, tôi muốn mua chiếc khăn tay mà dường như tất cả những đứa con gái trong làng đều có. Không dám xin bố mẹ, tôi đã lấy trộm một ít tiền từ ngăn kéo. Bố phát hiện ngay số tiền bị mất.
"Ai đã lấy trộm tiền?" – ông lần lượt nhìn em trai tôi rồi nhìn sang tôi. Tôi sợ hãi đến nỗi không há được miệng. Không ai trong chúng tôi nhận lỗi. Bố quyết định: "Tốt thôi, nếu không ai muốn thừa nhận, cả hai con nên bị trừng phạt!". Đột nhiên, em trai nắm chặt tay bố và nói: "Bố! Là con ạ!".
Nửa đêm, tôi khóc không thành tiếng vì không chịu được cảm giác tội lỗi. Em trai lấy tay che miệng tôi: "Chị đừng khóc nữa. Mọi thứ đã xảy ra rồi". Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ quên cảm giác mình được em bảo vệ. Năm đó em 8 tuổi, tôi 11 tuổi. Tôi hận bản thân không đủ dũng cảm để thừa nhận những gì mình đã làm. Nhiều năm trôi đi, nhưng sự việc vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua.
Sau này, tôi thi đậu một trường đại học trên thành phố. Đêm đó, bố ngồi xổm ngoài sân, hút thuốc. Tôi có thể nghe rất rõ tiếng bố hỏi mẹ: "Cả hai đứa nhà mình đều có kết quả tốt, phải không?". Mẹ lén lau nước mắt và thở dài: "Thì có ích gì? Làm thế nào chúng ta có đủ tiền cho chúng học tiếp?"
Lúc đó, em trai đứng trước mặt bố, nói: "Bố, con không muốn tiếp tục học nữa, con nghĩ mình đã đọc đủ sách rồi". Bố tôi tức giận: "Tại sao con lại yếu đuối như vậy nhỉ? Kể cả bố phải ra đường xin tiền, bố vẫn sẽ cho 2 con ăn học đầy đủ". Ngày hôm sau, bố tôi đi gõ cửa từng nhà trong làng để vay tiền.
Tôi đặt tay lên má em trai, xoa xoa nhẹ: "Em biết không, một chàng trai cần tiếp tục việc học của mình. Nếu không, em sẽ không thể vượt qua được cảnh nghèo đói này đâu". Tôi nói như vậy khi đã quyết định mình sẽ không học tiếp lên đại học.
Nhưng không ai biết rằng vào ngày hôm sau, trước khi trời sáng, em đã ra khỏi nhà chỉ với vài bộ quần áo cũ và một ít đồ ăn. Em lẻn đến bên giường tôi và để lại một lời nhắn trên gối: "Chị à, vào được trường đại học không dễ đâu. Em sẽ đi tìm một công việc và cố gắng gửi tiền cho chị". Tôi ôm chặt mảnh giấy, khóc cho đến khi lạc giọng.
Với số tiền bố vay mượn và số tiền em kiếm được từ việc bốc vác xi măng ở một công trường xây dựng, cuối cùng, tôi cũng học được năm thứ 3 đại học. Năm đó, em 17, tôi 20. Một lần, khi tôi đang học, người bạn cùng phòng bước vào, thông báo: "Có một người cùng làng đang đợi bạn ở bên ngoài".
Tôi bước ra, nhìn thấy bóng dáng em trai từ phía xa. Toàn thân em dính đầy đất, bụi, xi măng và cát. Tôi hỏi: "Tại sao em không nói em là em trai của chị?"
Em tôi cười: "Chị nhìn em này. Họ sẽ nghĩ gì nếu họ biết em là em trai của chị? Thể nào họ cũng cười chê chị". Tôi xúc động, nước mắt trào ra. Rồi cứ thế phủi sạch bụi bẩn trên người em. Cổ họng tắc nghẹn, mãi tôi mới thốt lên được một câu: "Chị không quan tâm người ta sẽ nói gì! Em là em trai của chị, cho dù ngoại hình của em như thế nào đi nữa".
Từ trong túi, em lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm, nhẹ nhàng cài nó lên tóc tôi: "Em thấy tất cả các cô gái trên phố đều dùng chiếc kẹp này. Em nghĩ chị cũng nên có một cái". Tôi không thể kìm nén được nữa. Tôi kéo em trai vào lòng và khóc. Năm đó, em 20, tôi 23.
Sau khi kết hôn, tôi sống ở thành phố. Nhiều lần chồng tôi mời bố mẹ về ở cùng nhưng họ không muốn. Họ nói, một khi rời làng, họ sẽ không biết phải làm gì. Em trai tôi cũng ủng hộ quyết định đó. Em nói: "Chị ơi, chị chỉ chăm sóc bố mẹ chồng thôi. Em sẽ chăm sóc bố mẹ ở đây".
Chồng tôi trở thành giám đốc nhà máy. Chúng tôi mong muốn em trai chấp nhận lời đề nghị làm quản lý bộ phận bảo trì. Nhưng em đã từ chối, em khăng khăng muốn làm một người thợ sửa chữa bình thường. Một ngày, em đang đứng vắt vẻo trên đỉnh thang để sửa dây cáp thì bị điện giật và được đưa vào bệnh viện. Tôi và chồng đến thăm em. Nhìn cơ thể mệt mỏi của em, tôi càu nhàu: "Tại sao em lại từ chối vị trí quản lý? Nếu em đồng ý thì đã không khổ như thế này. Em nhìn lại bản thân mình đi, tại sao em không chịu nghe chị?"
Em vẫn bướng: "Chị hãy nghĩ đến anh rể của em, anh ấy vừa trở thành giám đốc. Nếu em, một người không có học thức, lại trở thành một nhà quản lý, thì những tin đồn không hay sẽ lan khắp nơi, rồi hậu quả sẽ như thế nào?". Nghe em nói, chồng tôi rơm rớm nước mắt. Tôi nói như hét: "Nhưng em không được đi học vì chị mà!". "Tại sao chị lại nhắc đến quá khứ?" - em vừa nói vừa nắm tay tôi. Năm đó, em 26, tôi 29.
Năm em 30, em cưới một cô gái nông dân cùng làng. Trong tiệc cưới, chủ hôn hỏi em: "Ai là người cậu kính trọng và yêu thương nhất?". Em trả lời mà chẳng cần suy nghĩ: "Chị gái tôi". Sau đó, em tiếp tục tỉ tê những câu chuyện mà chính tôi cũng không nhớ được: "Khi tôi học cấp 1, trường ở một ngôi làng khác. Hàng ngày, tôi và chị đi bộ 2 tiếng đến trường và về nhà. Có hôm, tôi đánh mất một chiếc găng tay. Chị đã đưa cho tôi một chiếc của chị. Khi chúng tôi về đến nhà, tay chị run lên vì lạnh. Chị thậm chí không thể cầm đũa. Kể từ ngày đó, tôi đã thề rằng chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ chăm sóc chị và luôn đối xử tốt với chị".
Tiếng vỗ tay vang lên khắp không gian tiệc cưới. Khách khứa đều hướng sự chú ý vào tôi. Một lần nữa, tôi cảm thấy mở miệng để nói sao mà khó khăn đến thế: "Trong cả cuộc đời, người tôi muốn cảm ơn nhất là em trai tôi". Ngày vui ấy, trước mặt đám đông, nước mắt tôi lại lăn dài trên má.
Không hiểu sao mà tôi thích chữ “thương” hơn chữ “yêu”. Nếu chữ “yêu” nghe nồng nàn, da diết thì chữ “thương” nghe khép nép hơn, nhưng lại có gì đó nhẫn nại, có gì đó dõi theo, có gì đó âm thầm mà bền bỉ.
Cớ sao mà cùng một nghĩa, là “thương” mà không phải “yêu” lại luôn được đặt cạnh “nhớ” tạo thành “nhớ thương”. Phải chăng vì trong một chữ “thương” thôi đã bao hàm muôn nỗi nhớ. Chữ “thương” chân chất không phân chia. Người vẫn than “yêu đơn phương” ít nghe ai trách “thương đơn phương”.
Thương là thương thôi…
Chữ “thương” nghe quảng giao và rộng rãi.
Thương mẹ, thương cha, thương cô thầy, bè bạn, anh chị em. Là thân thương.
Ta dùng từ “thương” cho cả người xa lạ, không quen. Nói chung là thương người.
Thương cho cả “người thương” mong nhớ.
Chữ “thương” nói ra nghe nhẹ nhàng, trong veo mà muôn vàn ý nghĩa.
Tình thương phải chăng vì thế vẫn bền chặt hơn tình yêu.
Ánh mắt người tình cờ chạm phải dáng hình của ta từ bên kia căn phòng và người mỉm cười. Khao khát có gì nhiều! Chỉ cần nhìn người qua lớp kính cửa, thấy ai đó đang say sưa với công việc của mình, thậm chí chẳng thèm chú ý đến ta. Nhưng ta thương người, cứ mãi đứng đó ngóng trông.
Tôi thương một người, thương cả cái nói, cái cười, từng cách ngắt câu nhả chữ khi nói chuyện. Câu chuyện đôi khi cứ xoay vần, lặp đi lặp lại chỉ chừng đó. Thương một người, ta chưa bao giờ chán nghe nhau bằng tất cả giác quan và trái tim mình.
Thương một người, thương càng thêm thương khi sau giọng nói vui tươi kia, tôi nhìn ra trong ánh mắt sự mệt mỏi nhuốm màu. Tương lai rồi sẽ đi đến đâu, người rồi thì sẽ ra sao, tôi sẽ ra sao, chúng ta sẽ ra sao? Vì đời luôn biến động và thỉnh thoảng xám ngoét, vì tương lai thật khó nói, ta lại càng thương nhau.
Tôi thương một người. Thương nhiều đến mức, bạn bè vẫn hỏi: “Coi chừng bị yêu!”. Tôi vẫn cười và bảo: “Không yêu được. Thương, thương lắm, thương trên cả yêu”. Như thế, tôi chỉ thương thôi, không phải yêu. Thương đến tận cùng một người mình không chọn để yêu đương. Tôi thương một người theo kiểu không thương để mưu cầu tình yêu lứa đôi, không thương để người thương mình lại, không thương để người ta thuộc về mình.
Nó vừa lặng lẽ, vừa trông theo, vừa khắc khoải, vừa khao khát, vừa đợi mong. Nhưng nó bình yên hơn tình yêu, bởi chúng tôi chẳng bao giờ thuộc về riêng nhau, không chiếm hữu, không đòi hỏi, không thêm nữa… Chỉ cần ngồi cạnh nhau, chỉ cần tôi bước vào căn phòng và bắt gặp dáng lưng người, chỉ cần nhìn vào mắt nhau và người nói: “Mọi thứ vẫn ổn!”. Tôi thương một người chỉ cần có vậy, nên người luôn cho tôi một cảm giác đủ đầy an yên.
Vẫn là thương một người…
Tôi đã biết trong đời có thứ tình cảm gần như là yêu, nhiều hơn cả yêu mà không phải là yêu. Nó trong lành và yên bình, thanh khiết và chân thành như một vạt nắng sớm chiếu qua giọt sương. Tôi chưa biết định nghĩa nó thế nào, cũng chẳng biết bao nhiêu người dành cho nhau thứ tình cảm lạ kỳ như thế nên chỉ có một chữ “thương” muôn nghĩa mới đủ sức gói gọn tất cả.
Chưa biết được là còn đủ sức thương một người được thêm bao lâu. Chữ “thương” dắt tôi đi qua những ngỡ ngàng, những thất vọng, những trách móc rồi chấp nhận. Tôi thương một người, thương cả cái xấu xa, yếu đuối. Chẳng có gì là vĩnh cửu, và rồi sẽ có lúc phải lụi tàn. Nhưng thêm một ngày thôi, cũng đáng để “thương nhau”.
Loaz Kim | coocxe.com
Hôm qua, tôi đã ly hôn vợ. Khoảnh khắc bước chân vào Tòa, tôi tràn đầy niềm vui bởi từ giờ sẽ không bao giờ phải nghe người phụ nữ này cằn nhằn nữa. Tôi có thể thản nhiên hút thuốc hoặc đi nhậu với bạn bè, về nhà không còn nhìn thấy khuôn mặt cau có và già nua của cô ấy.
Mặc dù bố mẹ tôi không đồng ý việc ly hôn và nói rằng thật đáng thương cho hai đứa trẻ, nhưng tôi đã chịu đựng nhiều năm rồi và không thể tiếp tục được nữa. Đối với các con quả thật tôi có lỗi, nhưng đều đặn đóng tiền sinh hoạt hàng tháng, chúng sẽ vẫn yêu tôi và mang họ của tôi.
Sau khi ly hôn, tôi hẹn vài người bạn đi uống bia. Họ đều ghen tị khi biết tôi bây giờ rất rảnh rỗi. Một trong những người bạn nhận được cuộc gọi từ vợ khi anh ta vừa ăn được nửa bữa cơm, hỏi khi nào về nhà. Một người khác nhận được điện thoại từ đứa con, nói rằng đợi bố về để cùng giải bài tập.
Lúc chưa ly hôn, vợ cũ chắc chắn sẽ gọi điện cho tôi, hỏi vài câu ngớ ngẩn với giọng điệu tức giận. Mỗi lần như vậy tôi chỉ đáp vài câu chiếu lệ rồi dập máy. Nhưng bây giờ thì khác, tôi đã tự do, sẽ chẳng ai gọi điện làm phiền và cũng chẳng ai nhắn tin giục về.
Thật sự, có vài giây trong buổi tối đó, tôi có cảm giác người từng ở bên cạnh mình không còn nữa. Nhưng ngay sau đó, cảm xúc này bị tôi lãng quên, và dự định sẽ uống rượu với bạn bè cả đêm. Nhậu đến 1h sáng tôi bắt taxi về , trời đã tối và trong nhà không có ánh đèn, tôi vô thức gọi tên “vợ” và chợt nhận ra mình đã ly hôn. Tôi nằm trên giường, khát khô cổ và muốn uống một cốc nước nhưng chẳng ai rót nước cho. Tôi định đi tắm, nhưng không tìm thấy bộ đồ ngủ của mình.
Hôm sau tôi ngủ một giấc đến 10h sáng, mở mắt ra thấy căn phòng im ắng khủng khiếp, không ai gọi tôi dậy ăn sáng. Tôi đứng dậy và đi vào bếp, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Trong tủ lạnh có thịt bò và vịt, tất cả các món yêu thích , nhưng không ai chế biến giúp tôi bây giờ. Cuối cùng tôi chọn một gói mì ăn liền. Không còn ai ngăn cản chuyện ăn đồ nhanh không tốt cho sức khỏe nữa.
Trong nhà im ắng, không một tiếng động nào.
Sau khi ăn no, tôi nằm trên ghế sofa, vô tình nhặt được bài kiểm tra của con gái thứ hai rơi ở gầm ghế. Tôi mở ra xem mới biết con mình đã học tới lớp 5, phía dưới bài kiểm tra có chữ ký của vợ cũ.
Lần đầu tiên tôi phát hiện ra vợ mình làm tất cả những việc trong gia đình này.
Mới 24 giờ kể từ khi ly hôn, tôi cảm tưởng đã trải qua một tuần. Đây rõ ràng là nhà của mình, tuy sống ở đây nhưng luôn cảm thấy mọi thứ đều xa lạ.
Tôi không thể tìm thấy bộ quần áo muốn mặc, không nhớ cái bấm móng tay ở đâu. Khăn giấy vệ sinh không còn nữa, cũng chẳng biết tìm ở đâu để thay thế. Căn bếp cũng trở nên xa lạ, đã không còn mùi thơm nữa. Sàn phòng ngủ bẩn nhưng tôi chẳng muốn động tay chân.
Đột nhiên tôi cảm thấy mình đã trở thành “đồ bỏ đi”, chẳng biết làm gì ngoại trừ việc đi làm. Tôi thực sự hối hận, chỉ 24 giờ sau ly hôn, tôi bắt đầu nhớ những ngày tháng bên vợ.
Trước đây, tôi luôn nghĩ làm phụ nữ thật dễ dàng, đàn ông kiếm tiền nuôi gia đình mới khó nhưng giờ tôi mới phát hiện vợ mình không sống dễ dàng chút nào. Cô ấy phải làm việc không kém gì đàn ông với những công việc không tên.
Tôi thấy vợ mình già nhanh chóng, đôi khi chế nhạo cô ấy là “vợ béo” nhưng không biết lý do vì sao lại vậy. Đó là vì cô ấy ăn uống đạm bạc và không bao giờ mua các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, chăm chút cho bản thân.
Tôi từng không thích vợ mình cằn nhằn, nhưng giờ mới hiểu đó là cách làm của nhiều phụ nữ quan tâm tới chồng. Cô ấy dặn tôi không được hút thuốc, không nghe điện thoại khi lái xe và không uống quá nhiều rượu vào ban đêm. Cái nào trong số này không phải vì lợi ích của tôi?
Trên đời này thứ không mua được chính là thuốc hối hận. Có những người chỉ biết quý giá thứ gì đó khi đã mất đi. Thật nực cười, tôi phát hiện ra mình thuộc loại người này.
Tôi nhớ khi mới kết hôn, vợ cũ chỉ là một cô gái mỏng manh và dịu dàng. Sau này, khi sinh con, nghe cô ấy hét lên đau đớn trong phòng sinh, lúc đó tôi tự nhủ mình phải dành cả cuộc đời để bảo vệ và nâng niu vợ. Nhưng bao năm rồi tôi không cho cô ấy được sống một ngày thoải mái, có khi công việc không suôn sẻ, về đến nhà là tôi phải xả hơi vào vợ, dẫn đến cãi vã triền miên.
Tôi thấy trên mạng có câu: Đàn ông bất tài thích quát mắng vợ.
Tôi từng ghét và phản đối câu nói này, bây giờ nghĩ lại, có lẽ tôi quá bất tài, không thể cho cô ấy và hai đứa con điều kiện sống tốt . Đôi khi cô ấy vu vơ nói kiếp sau sẽ không muốn trở thành phụ nữ, giờ thì tôi mới hiểu.
Chỉ một ngày sau ly hôn, tôi phát hiện ra trong gia đình có quá nhiều việc đều do cô ấy làm. Không phải ngày một ngày hai mà là hơn mười năm rồi, tôi cũng tự hỏi bản thân ngoài việc kiếm tiền cho gia đình, mình còn làm được gì nữa không?
Tôi không nấu ăn, không giặt quần áo, thậm chí không buồn vò đôi tất bẩn cũng như chưa bao giờ đi đổ rác. Tôi cũng không kèm bài tập về nhà cùng con và chưa khi nào đưa con đến trường. Ngay cả khi bố mẹ tôi bị ốm, vợ cũng là người phải chăm sóc.
Cô ấy ăn uống đạm bạc và không bao giờ chịu mua những thứ đắt tiền, nhưng lại rất hào phóng với tôi, vì sợ chồng mất mặt bên ngoài. Cô bận rộn nhất khi gần đến Tết, không chỉ dọn dẹp nhà cửa mà còn chuẩn bị những bữa cơm thịnh soạn.
Và bây giờ, tôi đã ly hôn với cô ấy.
Tôi từng nghĩ ly hôn nhất định sẽ tìm được người khác tốt hơn, trẻ trung hơn. Nhưng soi gương thấy cái bụng bia nhô cao và mái tóc thưa dần, có lẽ chẳng còn ai yêu tôi như cô ấy từng yêu.
Cuộc đời của một người phụ nữ, kể từ khi kết hôn, giống như dành những năm tháng đẹp nhất của mình cho một người đàn ông. Điều một người đàn ông cần là bảo vệ, cưng chiều và coi vợ như một công chúa nhỏ.
Giờ tôi đã hiểu chân lý này, nhưng mọi thứ đã quá muộn.
Nếu ông trời cho tôi một cơ hội, tôi sẽ không bao giờ cãi nhau với cô ấy nữa, và cũng không nói câu “ly hôn” một cách bốc đồng.
Mù Tạt | coocxe.com
Đôi khi chúng ta thấy khó chịu, không hài lòng về sự ''kìm kẹp'' của phụ huynh trong suốt hành trình khôn lớn, nhưng đến một lúc nào đó tương đối trưởng thành, bạn sẽ thầm cảm ơn khoảng thời gian đó. Vì từ bây giờ về sau, chẳng còn ai bảo vệ bạn như vậy nữa!
Năm tôi học lớp 7, một cậu bạn khác lớp gửi thiệp chúc Tết, nội dung trong sáng không có gì ngoại trừ kiểu xưng huynh muội. Một chiều đi học về tôi thấy mẹ lúi húi nhóm bếp bằng... cái thiệp ấy! Không hiểu mẹ đã đọc nó lúc nào và đã nghĩ gì, nhưng tôi thấy cay cú và bất bình...
Tôi không nói chuyện với mẹ 3 ngày.
Một chiều nọ ngồi ăn cơm, mẹ đá xoáy ba "Con gái anh đấy, mới tí tuổi đầu đã trai gái..." Ba tôi im re.
Chiều tiếp theo mẹ lôi hết nhật ký, lưu bút, thiệp, thư... những thứ rất riêng tư của tôi đi đốt sạch. Tôi đã dự định CẢ ĐỜI NÀY không thèm nói chuyện với mẹ nữa, hoặc là bỏ nhà đi, hoặc... tự tử!
Mối quan hệ của tôi với mẹ lâm vào bế tắc. Tôi từng nghĩ sao mình lại bất hạnh đến thế? Sao mình lại có một người mẹ chẳng hiểu gì về cuộc đời, độc đoán và tàn nhẫn... Những năm cấp 2, tôi lớn phổng phao, cao lênh nghênh so với đám bạn. Đi học thường bị các anh lớp lớn trêu ghẹo, làm quen và đạp xe theo về tận nhà. Tôi thấy điều ấy khá thú vị nhưng mẹ thì không. Mẹ luôn lườm tôi bằng ánh mắt đe doạ mỗi lần đi học về có chàng nào đi chung.
Lên cấp 3, cậu bạn tôi thích từ lớp 7 bỗng tỏ tình, cậu ấy sang nhà chơi, hay gọi điện tìm. Mẹ chả cho tôi đi chơi, cứ bắt hai đứa ngồi lan can nhà mà trò chuyện. 3 lần, 4 lần... rồi cậu ấy không đến nữa.
Tôi cũng chán.
Sau 18 tuổi, tôi "thoát" được sự giám sát của mẹ vì lên SG học. Nhưng lúc đó lại bị... bà cô ruột dòm ngó. Cứ có anh nào rủ đi chơi, mấy giờ đi - mấy giờ về, điệu bộ, dáng ngủ của tôi thay đổi gì không... bla bla đều được kể vanh vách với mẹ, và mẹ thì lại nhằn nhằn mấy lúc tôi về nhà. Tôi luôn cảm thấy mẹ can thiệp quá nhiều trong cuộc đời mình, điều đó làm tôi thấy mất tự do, khó khăn để sống vui vẻ như những người khác.
Cho đến năm tôi gặp chồng. Ngay từ những lần gặp đầu tiên, tôi xác định được ngay: anh này ''có-tố-chất-làm-chồng''!
Thế là tôi mang anh ta về nhà giới thiệu với gia đình. Chắc hợp nhãn phụ huynh nên từ đó tôi chẳng bị mẹ nói lời nào thêm về chuyện trai gái. Tôi cưới và chung sống cùng gia đình ''mới'' của mình suốt 10 năm, khi đó mẹ có vẻ hài lòng và không phàn nàn nhiều dù đôi khi tôi cũng ''lên cơn'' đòi ra ngoài sống riêng. Mẹ chẳng nói gì, có lẽ mẹ hiểu tôi là đứa sợ sống một mình, chẳng bao giờ tôi liều lĩnh với quyết định đó.
Năm tôi 30 tuổi, tối nọ tôi nói với mẹ: con muốn ly hôn, con chẳng yêu chồng nữa, con thích người khác, mà con cũng không thể lấy anh đấy, con muốn ly hôn để sống một mình. Tưởng mẹ nhảy cẫng lên, nghiến ngầm bằng mớ ngôn ngữ cay nghiệt như hồi bé. Không ngờ mẹ im lặng một lúc rồi bảo: đừng làm tổn thương thằng B, ngoài ra con muốn làm gì thì làm!
Nhưng rồi tôi đã chẳng làm gì...
Tối qua đọc mấy câu của anh bạn nhà báo nọ: "Luôn lo cho con, chỉ có Má. Yêu thương con vô điều kiện, chỉ có Má. Bao dung với con, không ai khác ngoài Má."
... rồi buồn bã ngẫm nghĩ:
Mẹ mình tuy hay tỏ ra khắc nghiệt như thế, nhưng nếu mình có giết người hay gây tội lỗi tày đình rồi bị thế gian chà đạp... Có lẽ mẹ là người đầu tiên và cuối cùng tha thứ. Chắc chắn là vậy! Ngoài ra, không có ai nữa, kể cả con mình, như mình từng chẳng tha thứ cho mẹ khi mình còn nhỏ. Nước mắt chỉ có thể chảy xuôi.
Dù lớn đến đâu, trong mắt mẹ, có lẽ chúng ta vẫn chỉ là hình ảnh của cái đứa bé tí còn bế trong tay, là thứ đỏ hỏn còn đặt môi lên ngực, mẹ thương chúng ta như cái thương của thuở thai nghén còn chửa tượng hình...
Chẳng có cái ý chí bảo vệ nào cao hơn việc một bà mẹ đang cứu lấy sự sống còn của con mình, phải không?
Có mẹ là điều tuyệt vời nhất!
Facebook: Trần Nguyên Thảo
Bạn có thông tin gì mới không?