Không biết bao lần, nước mắt tôi cứ trào ra. Vì em. Vì sự hy sinh không chút so đo, tính toán của em với người chị vô cùng may mắn là tôi.
Tôi sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh trên núi. Đồng áng là công việc hàng ngày của bố mẹ tôi. Một ngày, tôi muốn mua chiếc khăn tay mà dường như tất cả những đứa con gái trong làng đều có. Không dám xin bố mẹ, tôi đã lấy trộm một ít tiền từ ngăn kéo. Bố phát hiện ngay số tiền bị mất.
"Ai đã lấy trộm tiền?" – ông lần lượt nhìn em trai tôi rồi nhìn sang tôi. Tôi sợ hãi đến nỗi không há được miệng. Không ai trong chúng tôi nhận lỗi. Bố quyết định: "Tốt thôi, nếu không ai muốn thừa nhận, cả hai con nên bị trừng phạt!". Đột nhiên, em trai nắm chặt tay bố và nói: "Bố! Là con ạ!".
Nửa đêm, tôi khóc không thành tiếng vì không chịu được cảm giác tội lỗi. Em trai lấy tay che miệng tôi: "Chị đừng khóc nữa. Mọi thứ đã xảy ra rồi". Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ quên cảm giác mình được em bảo vệ. Năm đó em 8 tuổi, tôi 11 tuổi. Tôi hận bản thân không đủ dũng cảm để thừa nhận những gì mình đã làm. Nhiều năm trôi đi, nhưng sự việc vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua.
Sau này, tôi thi đậu một trường đại học trên thành phố. Đêm đó, bố ngồi xổm ngoài sân, hút thuốc. Tôi có thể nghe rất rõ tiếng bố hỏi mẹ: "Cả hai đứa nhà mình đều có kết quả tốt, phải không?". Mẹ lén lau nước mắt và thở dài: "Thì có ích gì? Làm thế nào chúng ta có đủ tiền cho chúng học tiếp?"
Lúc đó, em trai đứng trước mặt bố, nói: "Bố, con không muốn tiếp tục học nữa, con nghĩ mình đã đọc đủ sách rồi". Bố tôi tức giận: "Tại sao con lại yếu đuối như vậy nhỉ? Kể cả bố phải ra đường xin tiền, bố vẫn sẽ cho 2 con ăn học đầy đủ". Ngày hôm sau, bố tôi đi gõ cửa từng nhà trong làng để vay tiền.
Tôi đặt tay lên má em trai, xoa xoa nhẹ: "Em biết không, một chàng trai cần tiếp tục việc học của mình. Nếu không, em sẽ không thể vượt qua được cảnh nghèo đói này đâu". Tôi nói như vậy khi đã quyết định mình sẽ không học tiếp lên đại học.
Nhưng không ai biết rằng vào ngày hôm sau, trước khi trời sáng, em đã ra khỏi nhà chỉ với vài bộ quần áo cũ và một ít đồ ăn. Em lẻn đến bên giường tôi và để lại một lời nhắn trên gối: "Chị à, vào được trường đại học không dễ đâu. Em sẽ đi tìm một công việc và cố gắng gửi tiền cho chị". Tôi ôm chặt mảnh giấy, khóc cho đến khi lạc giọng.
Với số tiền bố vay mượn và số tiền em kiếm được từ việc bốc vác xi măng ở một công trường xây dựng, cuối cùng, tôi cũng học được năm thứ 3 đại học. Năm đó, em 17, tôi 20. Một lần, khi tôi đang học, người bạn cùng phòng bước vào, thông báo: "Có một người cùng làng đang đợi bạn ở bên ngoài".
Tôi bước ra, nhìn thấy bóng dáng em trai từ phía xa. Toàn thân em dính đầy đất, bụi, xi măng và cát. Tôi hỏi: "Tại sao em không nói em là em trai của chị?"
Em tôi cười: "Chị nhìn em này. Họ sẽ nghĩ gì nếu họ biết em là em trai của chị? Thể nào họ cũng cười chê chị". Tôi xúc động, nước mắt trào ra. Rồi cứ thế phủi sạch bụi bẩn trên người em. Cổ họng tắc nghẹn, mãi tôi mới thốt lên được một câu: "Chị không quan tâm người ta sẽ nói gì! Em là em trai của chị, cho dù ngoại hình của em như thế nào đi nữa".
Từ trong túi, em lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm, nhẹ nhàng cài nó lên tóc tôi: "Em thấy tất cả các cô gái trên phố đều dùng chiếc kẹp này. Em nghĩ chị cũng nên có một cái". Tôi không thể kìm nén được nữa. Tôi kéo em trai vào lòng và khóc. Năm đó, em 20, tôi 23.
Sau khi kết hôn, tôi sống ở thành phố. Nhiều lần chồng tôi mời bố mẹ về ở cùng nhưng họ không muốn. Họ nói, một khi rời làng, họ sẽ không biết phải làm gì. Em trai tôi cũng ủng hộ quyết định đó. Em nói: "Chị ơi, chị chỉ chăm sóc bố mẹ chồng thôi. Em sẽ chăm sóc bố mẹ ở đây".
Chồng tôi trở thành giám đốc nhà máy. Chúng tôi mong muốn em trai chấp nhận lời đề nghị làm quản lý bộ phận bảo trì. Nhưng em đã từ chối, em khăng khăng muốn làm một người thợ sửa chữa bình thường. Một ngày, em đang đứng vắt vẻo trên đỉnh thang để sửa dây cáp thì bị điện giật và được đưa vào bệnh viện. Tôi và chồng đến thăm em. Nhìn cơ thể mệt mỏi của em, tôi càu nhàu: "Tại sao em lại từ chối vị trí quản lý? Nếu em đồng ý thì đã không khổ như thế này. Em nhìn lại bản thân mình đi, tại sao em không chịu nghe chị?"
Em vẫn bướng: "Chị hãy nghĩ đến anh rể của em, anh ấy vừa trở thành giám đốc. Nếu em, một người không có học thức, lại trở thành một nhà quản lý, thì những tin đồn không hay sẽ lan khắp nơi, rồi hậu quả sẽ như thế nào?". Nghe em nói, chồng tôi rơm rớm nước mắt. Tôi nói như hét: "Nhưng em không được đi học vì chị mà!". "Tại sao chị lại nhắc đến quá khứ?" - em vừa nói vừa nắm tay tôi. Năm đó, em 26, tôi 29.
Năm em 30, em cưới một cô gái nông dân cùng làng. Trong tiệc cưới, chủ hôn hỏi em: "Ai là người cậu kính trọng và yêu thương nhất?". Em trả lời mà chẳng cần suy nghĩ: "Chị gái tôi". Sau đó, em tiếp tục tỉ tê những câu chuyện mà chính tôi cũng không nhớ được: "Khi tôi học cấp 1, trường ở một ngôi làng khác. Hàng ngày, tôi và chị đi bộ 2 tiếng đến trường và về nhà. Có hôm, tôi đánh mất một chiếc găng tay. Chị đã đưa cho tôi một chiếc của chị. Khi chúng tôi về đến nhà, tay chị run lên vì lạnh. Chị thậm chí không thể cầm đũa. Kể từ ngày đó, tôi đã thề rằng chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ chăm sóc chị và luôn đối xử tốt với chị".
Tiếng vỗ tay vang lên khắp không gian tiệc cưới. Khách khứa đều hướng sự chú ý vào tôi. Một lần nữa, tôi cảm thấy mở miệng để nói sao mà khó khăn đến thế: "Trong cả cuộc đời, người tôi muốn cảm ơn nhất là em trai tôi". Ngày vui ấy, trước mặt đám đông, nước mắt tôi lại lăn dài trên má.
Bạn có thông tin gì mới không?