Đến Quảng Nam, người ta sẽ nhớ đến phố cổ, đến biển Cửa Đại, .. Nhưng du lịch chính là tìm đến cái mới để thoả sức khám phá, thoả sức chiêm nghiệm cảm nhận. Cái lò gạch cũ mà người ta được nghe nhiều về những câu chuyện xưa về người dân nghèo đã đào đất, đóng gạch và nung đỏ lửa bao ngày đêm để có những viên gạch hồng dựng nhà xây cửa.
Cái lò gạch mà người ta bắt gặp trong câu chuyện Chí Phèo mà nhà văn Nam Cao nhắc tới, cứ ám ảnh người đọc qua bao nhiêu thế hệ từ lúc tác phẩm xuất hiện.
Nhưng lò gạch chẳng phải là cái nơi mà người ta chào đón, hay yêu mến, bởi họ ám ảnh những lớp khói cuộn bay lên phủ lấp bầu trời, họ thấy được sự sống èo uột đi bởi lớp khói trắng, than muội khi người ta đốt lò. Và cả những rẻo đất hõm sâu khi người ta đào xuống.
Thời điểm trước, lò gạch cũ ở Hội An này là cái lò gạch bỏ không lại, cây cỏ hoang hoá mọc lên. Nơi chẳng ai quan tâm để ý đến nữa, nhưng lại được vợ chồng chị Thang Nga mua lại và thuê thêm 2 hecta đất xung quanh rồi đổ công sức để biến khu đất thành nông trại trồng gạo tím than, và rau oganic.
Sử dụng hoàn toàn cách nuôi trồng hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại hoá chất nào, khiến thương hiệu gạo của vợ chồng chị hoàn toàn sạch, an toàn.
Nhìn cánh đồng lúa bao quanh cái lò gạch, thấy được khung cảnh nên thơ ấy. Vợ chồng chị tu sửa cái lò gạch, rồi làm cầu tre bắc qua, làm đường bê tông và cả điện kéo đến tận ruộng làm nơi nghỉ ngơi, ăn uống.
Lò gạch cũ Farm stay ra đời trở thành điểm du lịch, check in thu hút khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Mùa nào, khung cảnh ở đây cũng đẹp nao lòng, dù mùa lúa xanh, lúa chín vàng, cảnh sớm bình minh hay hoàng hôn. Không khí trong lành, mát mẻ cũng là lợi thế để khung cảnh luôn là điểm đến thú vị với mọi người.
Lò gạch cũ này chỉ cách phố cổ Hội An chừng 7 km, đường đi cũng khá dễ dàng. Đến đây, chẳng phải cái lò gạch xập xệ, hoang tàn hay đổ nát. Mà nhờ bàn tay tu sửa của con người nên mặc dù lò gạch vẫn mang dáng dấp của gió bụi, thời gian nhưng cũng vẫn nên thơ, thi vị, những viên gạch còn đỏ hồng, xếp thẳng tắp, giữa những mảng xi măng tróc ra theo năm tháng.
Đặc biệt, lò gạch chẳng mang cái nhìn kì thị, sợ hãi mà lại đứng hiên ngang giữa bạt ngàn sự sống mơn mởn, non xanh.