Khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, đời sống tinh thần càng lúc càng được nâng cao thì việc công chúng đòi hỏi người nghệ sỹ phải có “thực học – thực hành – thực danh – thực nghiệp”, đây cũng là tiêu chí của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Tạp chí Thế Giới Nghệ Sỹ đã có buổi phỏng vấn Thạc sỹ - Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng khoa Khoa Âm nhạc – Điện ảnh.
PV: Được biết Khoa Âm Nhạc – Điện Ảnh đã được thành lập từ năm 2016, qua 6 năm phát triển, cô có nhận xét gì về sự trưởng thành của khoa?
ThS.NSƯT Nguyễn Thị Ánh Tuyết: 6 năm qua, chúng tôi không chỉ xây dựng được những tiêu chí cụ thể trong việc phát triển Khoa Âm Nhạc – Điện Ảnh mà còn định hình được đội ngũ giảng viên tâm huyết, có chuyên môn giảng dạy rất tốt, hầu hết là những nghệ sỹ đã thành danh và có tinh thần tâm huyết mong muốn đào tạo một thế hệ kế thừa đủ Tài – Sắc – Trí – Đức để nâng tầm nghệ thuật nước nhà.
ThS. NSƯT Nguyễn Thị Ánh Tuyết và các giảng viên Khoa Âm nhạc – Điện ảnh
PV: Sinh viên của Khoa có nhận được sự hỗ trợ về định hướng nghề nghiệp từ Khoa/ trường không, thưa cô?
ThS.NSƯT Nguyễn Thị Ánh Tuyết: Sinh viên của Khoa đã có sự nâng cấp đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Những khóa sinh viên sau này càng lúc càng bộc lộ rõ năng khiếu và kỹ năng cơ bản. Dưới sự hướng dẫn và nghiêm khắc của thầy cô, hầu hết sinh viên đều có thể biểu diễn tại các sân khấu lớn, trong các chương trình chuyên nghiệp. Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô cũng tạo điều kiện để những sinh viên xuất sắc có thể được chọn tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, nhận các học bổng để rèn luyện kỹ năng.
PV: Sự phát triển của xã hội sẽ kéo theo những yêu cầu cao hơn đối với các chương trình giải trí, như vậy việc định hướng về đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên sẽ như thế nào trong bối cảnh môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay?
ThS.NSƯT Nguyễn Thị Ánh Tuyết: Đây cũng là điều mà với tư cách là một nghệ sỹ đi trước cũng như là một giảng viên, tôi xác định việc giúp các em hiểu rõ trách nhiệm của mình trước hết đối với bản thân các em là sự trung thực và trau dồi kỹ năng, kiến thức, không chạy theo những giá trị ảo. Mỗi nghệ sỹ mang trong mình trách nhiệm với cộng đồng và xã hội bởi nghệ sỹ chính là những người truyền tải các thông điệp thông qua những tác phẩm nghệ thuật và lối sống của mình. Giới trẻ thường rất dễ sa đà vào các trào lưu mà quên mất một nghệ sỹ chân chính phải đặt giá trị nghệ thuật lên đầu, đi kèm theo đó là đạo đức thì mới có khả năng đứng vững, trụ lại được trong nghề, từ đó trau dồi và phát triển, có như vậy mới mong đưa hình ảnh Việt Nam lên tầm thế giới được.
ThS.NSƯT Nguyễn Thị Ánh Tuyết trong buổi biểu diễn báo cáo của sinh viên
PV: Nếu gửi một lời chúc đến sinh viên sắp ra trường, cô sẽ nói gì?
ThS.NSƯT Nguyễn Thị Ánh Tuyết: Tôi muốn gửi đến các em sự tự hào khi được góp phần vào việc giúp các em tỏa sáng trong tương lai. Là giảng viên, là người đưa đò, tôi mong hành khách của mình được bình an, và mỗi chuyến đò qua lại, tôi mong mỏi được nhìn thấy các em trưởng thành và ghi được nhiều dấu son trong cuộc đời. Tôi cũng tin rằng, khi thực sự cọ sát với nghề, các em sẽ hiểu được tâm tư và tình yêu thương của người thầy, từ đó mỗi bạn sẽ tự đặt cho mình trách nhiệm đầu tư cho bản thân đúng cách.
Bạn có thông tin gì mới không?