Nhìn con gái ngồi vẽ bên khung cửa sổ, những ký ức về năm tháng sơ tán của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chợt ùa về, nóng hổi và thổn thức. Sau hàng tháng trời nằm dưỡng bệnh, cựu nhà báo đã quyết định cầm cọ trở lại sau hơn nửa thế kỷ, bắt đầu bằng hộp màu và giá vẽ của cô con gái nhỏ!
Mỗi ngày ngồi ngắm bình minh rồi hoàng hôn bên những toà cao ốc, nhà báo U70 đã tư lự cùng chiếc cọ và trí tưởng tượng của mình sau những năm tháng rong ruổi với cuộc chơi con chữ, những bức chân dung bạn bè, tranh cổ động các chiến sĩ chống dịch mùa Covid đã ra đời từ đó!
Từ màu nước, bút chì tới Ipad, bắt gặp ý tưởng nào ông lại đắm mình hàng giờ vào đôi tay còn run rẩy sau cơn tai biến bất chợt vào cuối năm 2021. Những bức tranh đầu tiên đa phần là ông vẽ bạn bè mình, qua trí nhớ về những người bạn đặc biệt hoặc qua hình ảnh được chụp ở một khoảnh khắc tươi đẹp, xuất thần nào đấy trong cuộc sống.
Khi gửi tặng những bức tranh, các chủ nhân những bức ảnh đều xuýt xoa ngợi khen chàng ''hoạ sĩ'' nghiệp dư ''khởi nghiệp'' sau 70 tuổi. Đó cũng là niềm vui và động lực lớn để ông dành ra hàng tiếng đồng hồ bên bàn vẽ, mà hơn hết, đó còn là niềm vui của riêng ông!
Chia sẻ về cuộc chơi đặc biệt ‘’lạ mà quen’’ này, Huỳnh Dũng Nhân cho biết: ''Khi còn nhỏ, tôi đã từng học vẽ, nhưng chỉ học căn bản thôi, chưa từng vẽ chân dung, vả lại, thời chiến tranh, mọi thứ thiếu thốn và đứt quãng vì các đợt di chuyển, chạy giặc, tôi không còn tiếp tục học vẽ khi sang tuổi thiếu niên. Tuy nhiên trong suốt thời gian đi học, vẽ vẫn là một ''tài lẻ'' mà bạn bè hay nhớ về tôi. Thi thoảng phóng bút ngẫu hứng đâu đó, vẫn được nhiều người khích lệ rằng vẽ... có nét!
Tôi cũng chơi với rất nhiều hoạ sĩ ở ba miền, vì công việc, vì tính cách nghệ sĩ đãdẫn lối chúng tôi đến với nhau, tôi nghĩ những người vẽ, yêu tranh đều là những con người tài năng, cá tính và sở hữu cái tôi rất chất. Tôi yêu quý họ!''
Kể lại chuyện những bức tranh của mình, ông hài hước thừa nhận: ''Không phải ai cũng thích bản thânđược vẽ, bằng chứng là tôi vẽ ai cũng giống, trừ... vợ mình! Có lẽ do quen với hình ảnh cô ấy qua đôi mắt hàng ngày, quen cảm nhận nắng sớm mưa chiều qua nhiều năm thángnên cái thần sắc nó quen thuộc đến mức... vẽ mãi không ra!''
Dù vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, nhưng Huỳnh Dũng Nhân thích vẽ trên giấy nhất, nó cho ông cảm giác chânthưc hơn, bạn bè cũng thích thú với những bức vẽ bằng bút chì, nét thanh đậm, thần sắc vẫn vô cùng sinh động qua góc nhìn của ''hoạ sĩ'' hơn là nét cọ điện tử với nhiều mảng màu da dạng của Ipad hoặc các phần mềm phóng tác.
Qua hơn 2 tháng cầm cọ, hiện tại Huỳnh Dũng Nhân có vài trăm bức chân dung vẽ các nhà báo đồng nghiệp, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, huấn luyện viên bóng đá, ca sĩ và nhiều người bạn doanh nhân, các ngành nghề khác cùng với những áp phích, tranh cổ động lực lượng chống Covid.
Dự kiến, buổi triển lãm vào ngày 3-3 sắp tới, ông sẽ trình làng hơn 100 bức chân dung đồng nghiệp với chủ đề ''Nhà báo vẽ Nhà báo'', đây là sự kiện được Bảo tàng Báo chí tổ chức nhân dịp đón chào năm mới 2022, chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11 thành công tốt đẹp và mở đầu các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 72 năm thành lập Hội nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2022).
Lễ khai mạc triển lãm "Nhà báo vẽ nhà báo" cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid-19 của tác giả Huỳnh Dũng Nhân sẽ diễn ra lúc 9h sáng ngày 3/3/2022 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Được biết, triển lãm "Nhà báo vẽ nhà báo" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được chia thành 3 cụm chính: 100 tranh chân dung các nhà báo, khổ tranh 70x90 và 100 tranh chân dung khổ A3, A4; Bộ sưu tập 20 tranh áp phích chống dịch của Huỳnh Dũng Nhân; Bộ sưu tập mẫu áo dài thời trang của Nhà thiết kế Minh Hạnh với mẫu tranh áp phích chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Bạn có thông tin gì mới không?