Hội thảo diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các đại diện đến từ các hãng xe đang là thành viên của VAMA và VIVA, hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các cơ quan hữu quan và sự quan tâm đông đảo của truyền thông cả nước.
Trong thời gian gần 4 tiếng đồng hồ chiều ngày 27/10, nhiều ý kiến, tham luận được đưa ra xoay quanh việc làm thế nào để hướng đến sự phát triển bền vững, vì môi trường trong lĩnh vực ô tô nói chung. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp, kinh nghiệm từ những bài học, những phương pháp mà một số quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện.Tại hội thảo, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô – Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã trình bày tham luận “Ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong tham luận này, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc đã chỉ ra rằng hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang đối mặt với ô nhiêm không khí. Theo đó, nồng độ PM2.5 trung bình năm của Việt Nam khoảng 24,7 g/m3, cao gấp 5 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo ông Phúc, giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Trong khi đó, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng nhanh khiến lượng phát thải ngày càng cao.Ông Phúc cho rằng, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm phát thải cho ngành giao thông vận tải. “Việc điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giảm đến 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030” - ông Phúc chia sẻ.Cũng tại hội thảo, ông Laurent Genet - Tổng Giám đốc Nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam (Audi Việt Nam) đã trình bày tham luận với nội dung “Kỳ vọng xe điện góp phần giảm phát thải và bảo vệ môi trường”. Trong xu thế phát triển của xe điện hóa, Audi nhiều năm qua đã nghiên cứu, phát triển các công nghệ của riêng mình. Tất cả những sản phẩm hiện có cũng như xuất hiện trong tương lai gần của hãng xe này đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Với Mercedes-Benz, ông Đỗ Tú Cường - Quản lý Cao cấp, bộ phận Sản phẩm của Mercedes-Benz Việt Nam trình bày tham luận đề cập đến “Các sáng kiến xanh của Mercedes-Benz góp phần giảm lượng khí thải vì môi trường và phát triển bền vững”.Bên cạnh các giải pháp được đưa ra từ những nghiên cứu, chế tạo một cách nghiêm túc bởi đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trong chế tạo xe điện, Mecedes-Benz không giấu tham vọng của mình khi cho biết đến năm 2025, khách hàng sẽ hoàn toàn có thể có “một giải pháp thay thế”: chọn một mẫu ô tô điện trong các dòng sản phẩm mà hãng này giới thiệu ra thị trường. Theo đó, trong các phân khúc từ SUV đến Sedan hay mẫu xe siêu sang Mercedes-Maybach, hãng này đều đã có lộ trình sản xuất xe điện và ra mắt thị trường trong thời gian tới.Hiện tại, có thể thấy rằng mỗi hãng xe có hướng đi riêng, có công nghệ riêng để tiết kiệm nhiên liệu, giảm mức khí thải từ động cơ xăng dầu, phát triển các mẫu xe chạy bằng điện… Nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, vì sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, các hãng xe không ngừng nghiên cứu, cải tiến trên cơ sở lắng nghe và tiếp thu ý kiến người tiêu dùng để mang đến những công nghệ tiên tiến nhất trong việc giảm phát thải ra môi trường nhưng vẫn tiện lợi cho người sử dụng.Ông Nguyễn Thanh Trung Hiếu - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH EV1 Charging Equipment & Solutions đến với hội thảo bằng bài tham luận có nội dung “Hạ tầng sạc điện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.Trong phần tham luận của mình, ông Hiếu chỉ ra những nhu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng và của thị trường trong nước đồng thời nêu rõ những việc nên làm và phải làm cho tất cả các bên liên quan, từ người dùng đến chủ sở hữu các hệ thống cung cấp trạm sạc; sự phối hợp mang tính đa chiều nhưng đồng bộ của các bên, từ nhà sản xuất xe đến các bên cung cấp dịch vụ tài chính, công nghệ và quản lý.Đến với hội thảo lần này, đại diện Trình duyệt Cốc Cốc trình bày tham luận với chủ đề “Tăng trưởng xanh - góc nhìn từ người dùng Cốc Cốc”. Tham luận chỉ ra rằng, nếu vào năm 2019, chỉ có 140 ô tô điện được bán ra thị trường trong nước dưới dạng nhập khẩu thì đến 2021, con số này đã hơn 1.000 xe. Và, đầu năm 2021, một hãng xe Việt Nam đã trình làng các mẫu ô tô điện của riêng mình để cung cấp cho thị trường nội địa và giới thiệu ra thế giới. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các dòng ô tô điện hóa.Cũng theo vị đại diện đến từ Cốc Cốc, tỷ lệ tìm kiếm các từ khóa “khí hậu”, “môi trường” tại Việt Nam trong những năm qua tăng lên cực nhanh. Đồng thời, trong tổng số 28 triệu users (người dùng) trên nền tảng này thì có đến 8 triệu users quan tâm đến xe điện và 81% users hiểu rằng xe điện ít tác hại đến môi trường hơn xe xăng.Có thể thấy, các chia sẻ, thảo luận tại hội thảo nhằm tìm ra định hướng, giải pháp cho các đơn vị liên quan nói riêng và cho sự phát triển của ngành nói chung. Hội thảo cũng đã tạo ra một môi trường kết nối trực tiếp các hãng xe, các đơn vị trưng bày với các bộ ban ngành hữu quan và với các chuyên gia đầu ngành.Thông qua hội thảo này, một lần nữa cho thấy các thành viên VAMA và VIVA luôn tìm được tiếng nói chung trong sự phát triển bền vững, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường sống của cộng đồng, phù hợp với xu thế của thế giới.Các thông tin chính thức về triển lãm sẽ được cập nhật tại hai hệ thống website www.vietnammotorshow.vn và www.vietnaminternationalmotorshow.vn hoặc trang fanpage chính thức của sự kiện: https://www.facebook.com/MotorShowVN và https://www.facebook.com/VietnamInternationalMotorShow/