Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ lớn, huyền thoại âm nhạc của Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông vô cùng đồ sộ và đủ sức nặng để tạo nên cả một dòng nhạc riêng mang tên mình.
Không chỉ tài hoa, Trịnh Công Sơn còn là người thầy đã nâng đỡ, dìu dắt vô vàn ca sĩ danh tiếng như Khánh Ly, Hồng Nhung, Quang Dũng, Hà Trần, Mỹ Lệ… Hầu hết ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam đều chịu ảnh hưởng và từng hát nhạc của ông.
Song hành cùng âm nhạc, những chuyện đời tư, tình ái của Trịnh Công Sơn cũng thu hút dư luận và khán giả không kém. Ông là người yêu đời yêu người nên yêu nhiều và trải qua vô số bóng hồng.
Đến nay đã tròn 22 năm ngày mất nhưng những sáng tác cũng như câu chuyện đời tư của Trịnh Công Sơn vẫn lôi cuốn công chúng một cách kỳ lạ.
Trịnh Công Sơn
Chuyện ly kỳ đêm tân hôn của Trịnh Công Sơn
Suốt một đời phiêu lãng, rong ruổi theo các bóng hồng, không ai nghĩ rằng Trịnh Công Sơn sẽ lấy vợ. Thế nhưng, chính ông đã thú nhận với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo về lễ cưới bí mật của mình cách đây 54 năm.
Người vợ duy nhất của ông là Thanh Thúy, một vũ nữ gốc Hoa ở nhà hàng Catinat, nơi Trịnh Công Sơn thường lui tới. Vì quá đam mê trước nhan sắc tuyệt trần của Thanh Thúy mà ông đã ngỏ lời cầu hôn với cô.
Lễ cưới của Trịnh Công Sơn và Thanh Thúy được tổ chức đơn giản tại một nhà hàng sang trọng phía sau Nhà hát Lớn Sài Gòn vào cuối năm 1964. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhớ lại:
"Đấy là một buổi tối đẹp trời, tiệc cưới được bày trên một cái bàn ngoài ở ngoài sân cỏ. Trên bàn thắp nến. Người đẹp Thanh Thúy mặc áo đầm trắng nhảy tung tăng trên thềm.
Trịnh Công Sơn rất vui, nói với Trịnh Cung và Đinh Cường: "Nhí nhảnh như một con chim". Tiệc đến nửa chừng thì nến tắt.
Hai người bạn nhắm mắt lại để Trịnh Công Sơn đeo nhẫn cho cô dâu. Đó là chiếc nhẫn mà Trịnh Cung và Đinh Cường góp tiền mua chung để mừng lễ cưới của bạn".
Cũng trong dòng tâm tưởng của mình, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã kể thêm về một tình huống trớ trêu đến mức cười ra nước mắt của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Ông nói:
"Đêm hôm đó, Trịnh Cung và Đinh Cường đưa cô dâu, chú rể về phòng tân hôn là phòng riêng của Thanh Thúy. Đến cửa phòng thì hai anh quay về.
Nhưng đi được một quãng khá xa thì họ chợt nghe tiếng giầy lóc cóc đuổi theo sau lưng.
Hai người ngoảnh lại nhìn, hóa ra người đuổi theo chính là chú rể Trịnh Công Sơn! Sơn vừa thở hổn hển vừa thanh minh: Bỗng dưng ở lại một mình với một người đàn bà trước mặt, mình hoảng quá, không biết làm gì, đành bỏ chạy cho khỏe!".
Kể từ đó, Trịnh Công Sơn không bao giờ lấy vợ nữa. Dù yêu rất nhiều và khát khao có được người phụ nữ mình yêu, nhưng ông chỉ chọn cách ở bên họ như một tình nhân mà thôi.
Có lẽ với Trịnh Công Sơn, tình yêu chỉ đẹp khi nó bất toàn và mong manh. Có như thế, nó mới khiến người ta muốn níu giữ, chở che và đong đầy những xúc cảm đẹp nhất. Điều này hợp với tính cách yêu tự do, thích phiêu lãng du mục của ông hơn một cuộc hôn nhân cố định, trần trụi.
Mối tình đơn phương với danh ca Thanh Thúy
Ngoài vũ nữ Thanh Thúy, Trịnh Công Sơn còn phải lòng một nữ danh ca cũng mang tên Thanh Thúy. Tuy nhiên, trong cuộc tình này, ông chỉ yêu đơn phương trong thầm lặng.
Vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, có một giai nhân đẹp tuyệt trần xuất hiện giữa làng nhạc và vụt sáng thành hiện tượng độc đáo bậc nhất.
Không màu mè, cầu kì, chỉ bằng tiếng hát và nhan sắc trời phú, người ca sĩ ấy đã chiếm trọn trái tim khán giả và khiến biết bao nhạc sĩ tài hoa phải si mê mình.
Đó chính là – người được mệnh danh là "Nữ hoàng của thể điệu , Rumba, Slow" hay "Hoa hậu nghệ sĩ".
Không chỉ giới hạn trong Bolero, kể từ khi xuất hiện, Thanh Thúy đã gây được nhiều tiếng vang nhất trong làng nhạc Việt trước năm 1975 và ngự trị trên các làn sóng phát thanh, cũng như truyền hình tại miền Nam.
Danh ca Thanh Thúy
Cô nhanh chóng trở thành lớn trên các sân khấu đại nhạc hội cũng như phòng trà, với lượng đĩa bán ra vượt trội.
Cô cũng là người nhận được nhiều mỹ từ do giới văn nghệ sĩ và báo chí phong tặng nhất như: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương, Tiếng hát lúc không giờ, Tiếng sầu ru khuya, Tiếng hát lên trời, Tiếng hát khói sương chiêu niệm…
Bằng sức cuốn hút kì lạ của mình, Thanh Thúy trở thành ca sĩ Bolero được đi vào ngòi bút của nhiều thi nhân, văn sĩ nhất.
Chính vì thế, Thanh Thúy cũng trở thành người tình trong mộng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Năm 1958, Trịnh Công Sơn vào học ở Sài Gòn, ông dần làm quen với không khí vũ trường, phòng trà, phụ diễn tân nhạc gây sôi động cho Sài Gòn về đêm.
Một lần đến phòng trà Đức Quỳnh, Trịnh Công Sơn bỗng chớm nở những rung động đầu đời với hình ảnh của bóng hồng Thanh Thúy. Dường như đêm nào, Trịnh Công Sơn cũng đến đây, ngoài mục đích thưởng thức âm nhạc ông còn mong muốn được nhìn thấy nàng thơ của mình đi dần vào bóng tối.
Trong thời gian này, Trịnh Công Sơn đặc biệt mê giọng hát hút hồn của ca sĩ Thanh Thúy. Cứ đêm đến, Trịnh Công Sơn lại không thể thiếu tiếng hát và hình ảnh của cô ca sĩ ấy. Ông thường xuyên lui tới phòng trà nơi Thanh Thúy biểu diễn để nghe cô hát.
Cứ như thế, hình bóng Thanh Thúy làm thổn thức trái tim ông, đến mức ông phải tự hỏi: "Lẽ nào tôi đã yêu em?". Nhưng Trịnh Công Sơn không dám ngỏ lời vì ông chỉ là một sinh viên nghèo còn Thanh Thúy đã là ca sĩ nổi tiếng.
Vốn nhút nhát nên tình yêu của Trịnh Công Sơn cũng chỉ thầm lặng, vụng trộm, chờ đợi, đơn phương, nhớ nhung thầm kín.
Một ngày nọ, Trịnh Công Sơn đánh liều viết một mẩu giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát ca khúc Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong.
Thanh Thúy đồng ý thể hiện ca khúc này và vô tình trong lúc hát lại nhớ tới người mẹ đang bệnh tật nên bật khóc.
Giọt nước mắt của Thanh Thúy đã lay động trái tim Trịnh Công Sơn, khiến ông thổn thức. Ông kể lại:
"Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi 17 tuổi, đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết.
Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn. Vì mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ có tiếng lúc bấy giờ, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng.
Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng".
Ngay trong đêm đó, Trịnh Công Sơn đã viết nên nhạc phẩm Ướt mi.
Sau khi hoàn thành nhạc phẩm đầu tay này, Trịnh Công Sơn đã chép thật nắn nót vào một tờ giấy và luôn mang theo bên mình để cơ hội đến là trao cho Thanh Thúy.
Nhưng phải năm lần bảy lượt mang đi rồi lại mang về, ông mới dám đánh bạo lên ngồi hàng ghế đầu để có dịp gởi tặng bài hát cho mối tình đầu Thanh Thúy.
Đêm đó, Trịnh Công Sơn đã không ngủ được vì hồi hộp, lo lắng, không biết số phận của ca khúc sẽ như thế nào.
Phải đến 3 tuần sau, giữa lúc tuyệt vọng nhất thì Trịnh Công Sơn nghe Thanh Thúy hát Ướt mi.
Thanh Thúy hát xong cũng cố ý nán lại sân khấu để chờ người đã tặng nhạc. Lúc này, Trịnh Công Sơn thu hết can đảm bước lên nói lời cám ơn Thanh Thúy vì đã hát bài hát của ông.
Thanh Thúy đã rất ngạc nhiên và tỏ ý muốn nói chuyện riêng với Trịnh Công Sơn. Cô mời luôn Trịnh Công Sơn về nhà và cả hai ra đón taxi. Tuy nhiên, cuộc tình chỉ dừng lại ở đó.