Cảnh nóng thô, kéo dài
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đánh giá, đạo diễn Lê Bảo có sự thể nghiệm, tìm tòi nghệ thuật nhất định khi thực hiện phim Vị (Taste). Phim xoay quanh cầu thủ Nigeria đến Việt Nam lập nghiệp, hợp đồng bị chấm dứt khiến anh lâm cảnh khó - phải sống chung nhà, sinh hoạt tập thể với bốn phụ nữ trung niên ở xóm lao động nghèo.
“Đạo diễn có sự tìm tòi nghệ thuật, thể hiện ở lựa chọn ánh sáng rất kỹ lưỡng và khác lạ, tạo bối cảnh cầu kỳ. Có những cảnh quay khung hình dừng lại rất chậm, người xem cảm nhận như đang xem bức tranh, ảnh trừu tượng. Phim đặc biệt ít lời thoại - khác biệt với nhiều phim Việt nói quá nhiều - có nhiều sự ẩn dụ trong đó”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, nhận xét.
Thế nhưng sự tìm tòi và thể nghiệm đó không thể cứu nổi Vị. Cảnh khỏa thân trực diện, mô tả các bộ phận nhạy cảm kéo dài hơn 30 phút.
“Luật Điện ảnh không đưa ra định lượng cụ thể về cảnh khỏa thân kéo dài bao lâu, thế nhưng cảnh khỏa thân đó phải phù hợp câu chuyện. Nội dung và kịch bản phải logic chứ không thể áp đặt. Vị là phim ý niệm, tác giả tìm giải pháp ngôn ngữ điện ảnh cho nên áp đặt tư tưởng cá nhân lên phim. Cảnh khỏa thân không phải một người mà khỏa thân tới bốn, năm người và kéo dài. Câu chuyện không cần thiết phải có nhiều cảnh khỏa thân đến thế”, Cục trưởng Cục Điện ảnh phân tích.
Nghệ sĩ Việt Văn nêu quan điểm, vấn đề phim Vị không chỉ nằm ở chỗ cảnh khỏa thân kéo quá dài, mà còn ở chỗ hình ảnh phụ nữ Việt Nam hiện lên nhếch nhác, bệ rạc một cách khó hiểu. Các nhân vật được sắp đặt trong bối cảnh ánh sáng tối, u uất như trong nhà tù.
Phim không thiếu hình ảnh phản cảm gây ức chế và tạo sự liên tưởng giữa phụ nữ với con heo: anh da đen tắm cho người này thì người kia tè ngay bên cạnh, cảnh cân bốn phụ nữ không khác cân heo, cảnh anh ta sấy tóc cho bốn phụ nữ đang nằm, một người bò qua mấy người còn lại. Trong cảnh kết, anh ta ngồi một mình trong bóng tối, con chuột thập thò nơi cửa hang.
Phim không đem lại sự tươi sáng, không đem lại lối thoát. Sự u uất, bệ rạc, nhầy nhụa bầy đàn nguyên thủy trong Vị nói lên điều gì?
“Sự mạnh mẽ, vươn lên của người Việt Nam không hề thấy trong phim, chỉ thấy bế tắc, nhỏ bé, yếu ớt đáng thương. Phim Mỹ dù nhân vật có bị bầm dập nhưng cuối cùng họ vẫn mạnh mẽ vươn lên, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Phim ảnh khai thác góc khuất cũng không sao, nhưng quan trọng là cái nhìn của tác giả. Một bộ phim không phải nơi để trút sự hằn học, ẩn ức cá nhân của đạo diễn lên xã hội. Nếu muốn, anh cứ làm cho riêng anh xem còn một khi phim đến với công chúng đòi hỏi có giá trị nhất định”, nghệ sĩ Việt Văn nói.
Cứ “xấu”, “bẩn” dễ ẵm giải quốc tế
Vị không phải trường hợp đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà làm phim độc lập tự gửi phim dự giải quốc tế khi chưa có giấy phép phổ biến (theo quy định của Luật Điện ảnh), cho nên rất dễ xảy ra tình trạng phim đoạt giải ở xứ người nhưng về nước không được chiếu. Phần lớn nhà làm phim độc lập đặc biệt ưa thích khai thác góc u tối, nhớp nháp đưa lên màn ảnh.
Vợ ba cũng gắn mác được giải quốc tế, được duyệt chiếu nhưng nhà sản xuất và phát hành lại gửi bản phim khác so với bản được duyệt, sau đó nhanh chóng phải rút khỏi rạp. Vợ ba còn có không ít cảnh gây tranh cãi như việc để diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng, một số hình ảnh dung tục không phù hợp văn hóa Việt.
Nhiều giải thưởng Âu, Mỹ muốn khuyến khích điều khác lạ, những góc tối, góc khuất ở các nền điện ảnh khác. Vị được giải đặc biệt ở hạng mục Encounters (dành cho phim đầu tay, quan điểm mới của LHP Berlin), tuy nhiên giải phim xuất sắc thuộc về tác phẩm khác. Giải thưởng đặc biệt của Hội đồng giám khảo dành cho Vị chỉ tương đương giải khuyến khích. Không ít người nhầm tưởng giá trị “đặc biệt” ở các hệ thống LHP quốc tế.
“Hội đồng nào thì giải thưởng ấy, thang giá trị khác nhau. Có nhiều phim được giải quốc tế chưa chắc được hội đồng trong nước đánh giá cao, bởi mỗi nền văn hóa có giá trị chuẩn mực khác nhau”, ông Vi Kiến Thành nói.
Nhà phê bình điện ảnh, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhận xét, nhiều nhà làm phim đặt mục tiêu cố gắng ghi dấu ấn trong các LHP quốc tế, nên đa số chỉ chọn tập trung vào những góc tối, u ám và mang tính cá biệt của người Việt Nam.
“Những đề tài kiểu như thế rất dễ khiến giám khảo các LHP chú ý, thậm chí dễ trao giải mang tính khuyến khích sự sáng tạo theo đúng quan điểm của các nền điện ảnh phát triển. Thế nhưng, nhìn ở góc độ thật sự của sự sáng tạo, rõ ràng các nhà làm phim Việt Nam có mưu cầu đoạt giải thưởng gì đó ở các LHP đã tự khu biệt mình.
Họ áp mình vào cái khuôn khổ đó, tự làm khó mình và khó cả với đề tài mà bộ phim theo đuổi. Để rồi cuối cùng huyễn hoặc mình với những giải thưởng mà quên mất đi mục tiêu cuối cùng của một bộ phim là tìm đến sự đồng cảm của khán giả đại chúng”, Phong Việt nói.
Phim Việt Nam dự các liên hoan quốc tế ít nhiều để lại ấn tượng về văn hóa, con người Việt Nam với khán giả quốc tế, nhưng chủ yếu là ấn tượng về sự u tối, nghèo hèn, nhếch nhác.
“Nếu chúng ta có khả năng làm ra một bộ phim u tối nhưng xuất sắc thật sự thì rõ ràng không có lí do gì không ủng hộ. Tiếc là các nhà làm phim của ta hiện nay không có khả năng làm điều đó, ít nhất là vào thời điểm này”, Phong Việt nhận xét.
Việt Văn cho rằng, các nhà làm phim đưa phim Việt ra quốc tế không thể bỏ qua bản sắc văn hóa Việt Nam, nếu có khai thác góc khuất vẫn nên có sự lấp lánh ở khát vọng vươn lên.
Nghiên cứu dán nhãn phim hạn chế
Hỏi Cục trưởng Cục Điện ảnh về đề xuất thêm dán nhãn phim hạn chế cho một số tác phẩm, ông Vi Kiến Thành trả lời, Ban soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang lấy ý kiến, nghiên cứu một số đề xuất phù hợp. “Có thành viên hội đồng thẩm định đề xuất nên chiếu Vị cho một số đối tượng hạn hẹp để nghiên cứu, tham khảo một cách làm phim, tuy nhiên Luật Điện ảnh chưa có quy định cho phép phát hành hạn chế. “Nói dễ nhưng khó làm, bởi khi cấp phép phổ biến phim hạn chế sẽ đè nặng lên nhà quản lý địa phương trong hậu kiểm, cho nên đề xuất này chưa thể sớm đưa vào luật”, ông nói.
https://vtc.vn/phim-vi-bi-cam-chieu-khong-chi-vi-canh-nong-tho-tuc-ar624886.html