Là tác giả của gần 30 đầu sách nổi bật ở các thể loại Phóng sự, Truyện ngắn, Thơ, Hồi ký, Truyện thiếu nhi và Giáo trình, Huỳnh Dũng Nhân luôn là một cái tên ''bảo chứng'' cho chất lượng một quyển sách mới ngay khi nó còn trong nhà in, nhưng lần này là một câu chuyện đặc biệt khi tác phẩm có giá bìa lên tới 990.000VNđ!
Thật đặc biệt khi cầm trên tay một tập thơ tầm 30 bài với giá khá ''chát'', tôi bày tỏ sự tò mò về tác phẩm mới của ông - một người thầy, tiền bối và người dẫn dắt tôi trong nghiệp viết.
Gặp Huỳnh Dũng Nhân sau hai mùa cách ly đằng đẵng, thấy anh có vẻ khoẻ mạnh, hồng hào và tươi mới ra nhiều so với khoảng thời gian bạn đọc bắt gặp những dòng viết ảm đạm trên mạng xã hội Facebook trong mùa dịch bệnh. Anh tâm sự rằng mình ''không thể ngồi yên ngày nào'' sau khi bình phục, bắt gặp quả chuối nằm trên đĩa, con mèo ngáp sớm bên cửa sổ, hay dáng vẻ tất bật của bà xã trước thềm ngày mới... ông đều rung động và muốn đưa những hình ảnh bình dị đó vào tranh vẽ; Ông cho rằng, khi đôi mắt đôi tay còn cảm nhận được sự biến đổi của tạo hoá là cả một niềm may mắn, nên phải tận hưởng và lao động đến say mê cùng những đặc ân đó.
Và thế là ngoài một Dũng Nhân làm báo năng nổ, nhiệt huyết, người ta còn thấy thêm một Dũng Nhân đam mê mãnh liệt với ''nghề tay trái'' của mình là hội hoạ. Tự nhận mình là ''tay vẽ nghiệp dư'' vì đa phần người ta biết đến ông với vai trò là một trong những người thổi hồn vào những bài phóng sự thực tế sinh động lẫn những ''công thức'' làm báo trên các giáo trình uy tín nhất tại các Trường báo Bắc Nam.
Trong tập thơ Một chút riêng tư lần này, ông đã cho in xen kẽ 3 phần thơ với 100 tấm ảnh chân dung của những bạn bè, đồng nghiệp báo chí, văn nghệ sĩ, huấn luyện viên bóng đá... Trong đó, có những người bạn gắn bó với Huỳnh Dũng Nhân suốt nhiều thập kỷ qua, cũng như những người ông thừa nhận là ''chưa gặp lần nào'' như Ca sĩ Phi Nhung. Chính vì lòng mến mộ và thương tiếc nữ ca sĩ tài danh của dòng nhạc Bolero mà ông đã xúc động cầm bút phác hoạ.
Ông bộc bạch: ''Quyển sách này tôi viết đa phần để tặng những người quen biết, nhằm nhắc nhớ nhau về một thời kỳ kỳ lạ, khó khăn chung của thế giới, của Đất nước. Không làm được gì để xoay sở cuộc đời thì mình đành làm ''người chép sử'' vậy.''
Tập thơ được chia làm ba phần, Phần 1 với những bài thơ, câu chữ chắt chiu đầy tình cảm, nhằm gửi gắm vào cuộc sống như một dấu chấm than đồng cảm tại thời điểm toàn quân, toàn dân phải vật lộn với trận chiến không khoan nhượng giữa dịch bệnh và con người. Qua đó, tác giả đã bày tỏ lòng biết ơn của một người dân Sài Gòn trước sự hy sinh của quân đội nhân dân Việt Nam:
Anh lính trẻ hành quân vào thành phố
Nghe tiếng miền Nam ngơ ngác bật cười
Nhưng trái tim đâu cần phiên dịch
Sài Gòn ơi, chống dịch có anh rồi!
(Trích Người lính trẻ lần đầu vào thành phố)
Năm học mới rộn ràng nhưng chẳng đứa trẻ nào được đến trường, nhà thơ cũng dành cho cô Bống con gái út bằng những câu dễ thương mà da diết:
Con hãy làm quen với hai chữ chia xa
Cố chịu đựng nỗi nhớ nhà, ba mẹ
Như ba ngày xưa đi sơ tán chạy bom từ thời rất bé
Thèm cái kẹo và nhớ những vòng tay
Mới thương ông bà nội ngày xưa đánh Tây
Tập kết ra Bắc tưởng 2 năm mà rồi... 20 năm đằng đẵng
Vợ chồng xa nhau, con xa mẹ cha, nhớ thương và hy vọng
Đón vị tính bằng năm, chứ không tính bằng ngày
(Trích Con gái về quê ngày cách ly)
Khi ở nhà con chưa tự xúc ăn
Chưa biết ăn rau, sợ nhìn mắt con cá
Nay về quê phải làm quen tất cả
Sống vô tư, không còn hay dỗi hờn
(Trích Nhớ con)
Phần 2 của tập thơ là câu chuyện Olympic - Thế vận hội Tokyo 2021 với niềm luyến tiếc về những chiếc huy chương trong mơ chưa được... thành vàng của Việt Nam, nhưng chất chứa nhiều kỷ niệm về một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh:
Có đứa trẻ chạy bộ đến trường tuổi thơ
Có những cái tên khó mà nhớ nổi
Có những cô bé tủi buồn, hôm nay đã thành huyền thoại
Tokyo, hẹn gặp lại, xin chào...
(Trích Vẫy tay chào)
Phần 3 của tác phẩm là những dòng viết đầy xúc cảm, nhân văn với những suy ngẫm về một kiếp người mà trong đó có chính tác giả, cũng đau đáu với số phận, với những gì phía trước, phía sau đời sống.
Tháng 8 đi qua không kịp nhớ ngày
Không có buồn vui nào
Tôi một mình nâng lên đặt xuống
Một tháng 8
Một chuỗi ngày
vô cùng bận rộn
Thu chưa vàng
Trời cũng chưa xanh
Tháng 8 ngơ ngác vụt qua rất nhanh
Quanh tôi rất nhiều người nằm xuống
Cây nhang này vừa tàn
Cây nhang khác đã cháy lên
(Trích Tháng 8)
Hoả táng! Chắc là nóng lắm?
Khi ngọn lửa nuốt chửng cái hòm
Rồi liếm lên thân tôi
Không biết từ đầu hay từ chân trước nhỉ?
Chắc là nóng hơn cái lần tôi bật nhầm nước nóng trong nhà tắm
Chắc là nóng hơn 70 mùa hè tôi đã đi qua
(Nghĩ về lửa)
Liên tiếp những bài thơ thật dữ dội về sự chia lìa, chết chóc và buồn tủi dàn trải theo quãng thời gian từ tháng 8/2021 khi mùa dịch thứ 4 bùng phát tại Sài Gòn, Huỳnh Dũng Nhân cũng như bao công dân khác trên thành phố này, đều phải chịu cảnh lo sợ, phập phồng mỗi ngày mà chẳng có cách nào để tự trấn an mình hơn việc... ngồi yên ở nhà không gặp gỡ ai. Và từ đó, nỗi cô đơn vì thiếu vắng những cuộc sum họp, thiếu ly cafe với bạn bè, thiếu bữa ngon ngoài phố cùng gia đình mỗi dịp cuối tuần... Tất cả trở thành một thứ áp lực vô hình vào mỗi ngày tỉnh giấc!
Nửa năm không ra khỏi nhà
Quên mất cả bảng số xe của mình
Quên cả thói quen xem thời gian
Cần gì mang đồng hồ nữa
Đội mũ bảo hiểm như đội cả bầu trời
Thấy xe nào chạy qua cũng giật mình sợ đụng
...
Nửa năm mới ra đường thấy hình như mình không còn là mình nữa
Đâu mất rồi thằng... Huỳnh Dũng Nhân?
(Trích 6 tháng một mình)
Và dù qua bao cảm xúc đầy xao xác của đời người, ta lại bắt gặp đâu đó những hình ảnh đầy ái tình mê đắm trong câu thơ của nhà thơ họ Huỳnh:
Một thời tuổi thanh xuân
Môi hôn còn e ấp
Nắm tay cũng ngượng ngập
Nõn nà đến cả tình yêu
(Trích Vật lý trị liệu)
... và cũng qua đó, đau đáu câu chuyện về Đường một chiều:
Ta có thể làm rơi rồi lấy lại
Có thể chọn lựa rồi đổi thay
Hạnh phúc cũng thế này thế khác
Nắm tay rồi lại phải buông tay
Đời đôi khi leo lên rồi trèo xuống
Lắm lúc rẽ ngang, đi tắt, đi vòng
Có lúc vui, lúc buồn, lúc chán
Chả có gì, cứ hít thở vẫn xong
Ta từng trốn học, trốn làm, trốn họp
Nói dối mẹ cha, dối vợ, dối bạn bè
Nhưng chẳng thể trốn một sự thật
Cái chết! Sao trốn? Đâu chỉ mình ta?
Chỉ có một thứ không thể nào thay đổi
Ta sẽ không có lựa chọn bất kỳ
Phải chấp nhận mà không ra điều kiện
Là chuyến xe cuối cùng ta sẽ đi
...
Ta cãi nhau: 2x2 là mấy
Nhưng tuyệt nhiên phải tuân thủ phận đời
Khi đến lượt phải đi vào vô tận
Nấm mồ hay Kim tự tháp cũng thế thôi
Những thiên đường, huyền thoại với vĩ nhân
Những vi rút, tế bào và nguyên tử
Những học thuyết, công trình và chủ nghĩa
Trời rất cao nhưng đất cũng rất sâu
Tất cả nhé! Một ngày kia! Xin chào!
Tỷ tỷ người sinh ra rồi nằm xuống
Chỉ Thần chết mới quyền uy vĩnh viễn
Bất chấp muôn loài với khao khát trường sinh
Một lần thôi. Ta phải biết yêu mình.
Bài thơ khép lại với tâm thế bình thản trước thời gian, bởi không có sự vĩ đại nào quý giá hơn bản thân mình. Chính mình mới quản trị, tận hưởng và chịu trách nhiệm với toàn bộ cuộc đời mình chứ không phải ai khác! Và dù đang sống hay sẽ chết, trẻ trung hay già nua, vẫy vùng giữa giông tố hay quẫy đạp trước số phận, chúng ta cũng phải lạc quan mà đón nhận tất cả, bởi sự sống - là duy nhất, không có lần hai!
Tôi sẽ sống hết mình cho mỗi ngày còn tồn tại!
- Huỳnh Dũng Nhân -