Những bài thơ mang phức cảm phẳng lặng nhưng sâu xa bên trong là một nội hàm đầy huyên náo, xáo trộn bởi những thay đổi của thời gian… Với tính cách nhân hậu và trí huệ tươi sáng, tác giả chấp nhận cuộc đời này như cái cách tự chấp nhận bản thân mình.
‘’Tình yêu của con dạy mẹ hai chữ ‘’biết ơn’’,
dạy mẹ cách thứ tha cho lỗi lầm người khác,
dạy mẹ hiểu thế nào là hổ thẹn lương tâm
Để mỗi người cư xử với nhau bằng tấm lòng rộng rãi hơn
Tử tế với nhau, ngay cả khi lòng mình tan nát bởi những vết thương’’
Những câu thơ mở đầu ‘’Ru những muộn phiền’’ (Thư viết giữa đêm) đã nói lên phần nào tâm thức của Cao Thanh Hương, một cô nhà báo với vóc dáng nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ, tháo vát, là tác giả của hàng trăm bài phỏng vấn chất lượng, năng động trong công việc, hoà đồng với bạn bè và còn làm mẹ của hai cô công chúa đang tuổi ăn tuổi lớn. Chị tâm sự rằng nhờ tình yêu trong veo của con, nhờ mỗi ngày chị nhìn vào ánh mắt trẻ thơ để sống và bản thân học dần những cách cư xử vị tha hơn, nhân hậu hơn, cởi mở và thấu hiểu hơn, ngay cả với những điều không trọn vẹn mà cuộc đời mang đến.
Ở giai tầng nào, địa vị nào, đẳng cấp tới đâu, người ta cũng gặp những nan đề với những người xung quanh, đôi khi chỉ đơn giản là ‘’đòi hỏi’’ sự quan tâm, thấu hiểu từ những người quan trọng nhất, dẫu ai cũng luôn biết rằng: Chỉ mỗi mình ta ‘’chịu đựng tất thảy’’ trên hành trình của bản thân mình.
Giữa ngược xuôi trong đời sống, ta mơ hồ nhận ra bản thân cũng lọt thỏm giữa những câu thơ đầy đơn độc:
‘’Đã bao lần
ta đứng nhìn kẻ trong gương
nước mắt tuôn rơi
môi lại khẽ cười
đâu dám để ai thấy gương mặt xấu xí nhất đời
sau chiếc mặt nạ
vẫn đang ngời hạnh phúc’’
(Ngày mai)
Cuộc sống hiện đại càng bận rộn, người ta dễ nói ra những điều vĩ mô bên ngoài xã hội, dễ thu hút đám đông với những việc lớn lao, nhưng sự tinh tế, nhẹ nhàng nhất để dành cho nhau thì ngày càng hiếm hoi và hời hợt, bởi vậy, sự khao khát được yêu thương một cách trọn vẹn trong thơ rất dễ nhận ra:
‘’Giữa nhân gian hối hả
Ai người bán cho tôi
Chỉ một hạt mầm thôi
Tôi gieo trồng hạnh phúc’’
(Gieo trồng hạnh phúc)
Đã bao nhiêu lần trên đời này, ta sầu uất vì những biến cố đời mình, và luôn gặm nhấm những câu chuyện đau khổ, ôm suy nghĩ trách cứ số phận ‘’tại sao lại là mình? mình đã sai gì’’; đã bao nhiêu lần ta khóc lóc vùi mình trong những ngày buồn bã, độc bước trong tâm hồn mà hồ như chẳng một ai trên thế gian này có thể thấu hiểu…
‘’Ngày tôi đi
Hãy tiễn tôi bằng nụ cười
Bởi lúc ở, tôi đã khóc nhiều rồi
Ngày sau cùng… xin đừng là nước mắt’’
Nỗi niềm rưng rức, tức tưởi của tác giả như bị dồn nén hết mức, thế nhưng chị lại chọn thứ tha để giải thoát cho tâm hồn…
‘’Ngày tôi đi
Hãy vui sống đời bình an
Dù ở địa ngục hay thiên đàng
Tôi sẽ quên tất cả và thế gian luôn trở thành người lạ!’’
(Ngày tuyệt vọng)
Nếu ta cứ miên man, dày vò mình bằng những điều tiêu cực thì vô tình ta cũng đè nén những cảm giác tươi mới, thánh thiện của cuộc sống mỗi ngày. Tác giả đưa người đọc vào tâm thế ‘’tha thứ’’, ‘’bỏ qua’’ cho tất thảy mọi sự khổ đau đời mình. Ở đó, sự buông bỏ không phải yếu đuối, sự buông bỏ không phải phó mặc hay buông xuôi theo định mệnh - mà chính là sự chấp nhận, giác ngộ về những chuyện hiển nhiên của loài người. Ở đó - mặc nhiên là đổi thay mỗi khắc, ở đó luôn có sự sân si, ghét ghen, tranh đoạt và những tham vọng không điểm dừng, nhưng nếu phía ta biết đủ, biết dừng lại, khổ đau cũng từ đó trở nên nhẹ nhàng, nỗi buồn cũng xứng đáng để tận hưởng hơn.
Cái cách chọn chủ đề, đặt tên cho những bài thơ trong tập thơ cũng nói lên tâm thức tác giả: ‘’Gieo trồng hạnh phúc’’, ‘’Bình yên gõ cửa’’, ‘’Mời buồn sang chơi’’, ‘’Biết đủ sẽ an yên’’, ‘’Nhẹ tênh’’, ‘’Bình yên’’, ‘’Ru những muộn phiền’’,… Tất cả đều là những cụm từ mang đến cảm giác nhẹ nhàng, hiền lành, dễ chịu. Đó cũng chính là con người của Cao Thanh Hương bên ngoài.
Kết thúc tập thơ, tác giả ghi 2 câu làm người ta rưng rức, một chút luyến nhớ, một chút hoài tiếc, một chút thẳm sâu buồn bã của tâm hồn vẫn ở đó, dù cho có cố tình buông tay đến đâu:
‘’Mưa đầu mùa chợt rơi trên phố
Có một người đem nỗi nhớ ra phơi’’
Tập thơ đầu tay mang tính ''thiền'' của người mẹ trẻ như một liều thuốc ''chữa lành'', trị liệu cho những tâm hồn tan vỡ, chất chứa ăm ắp sự đồng cảm!
Ở tuổi chớm 40, Cao Thanh Hương đã nhận ra những trải nghiệm đời mình, chấp nhận và chiêm nghiệm nó vào thơ một cách chậm rãi, từ tốn. Đó là những cảm xúc ngày qua ngày được viết như một cuốn nhật ký sống động trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.
Trong đó, các con đóng vai trò quan trọng với chị trong việc ủi an tâm hồn, vẽ nên những sắc màu tươi sáng trong một thế giới mới mẻ cho tất cả, nơi luôn ngập tràn nắng ấm, những nụ hôn, bầu trời yên bình, cùng nhau vui sống, cùng nhau trưởng thành.
Cỏ Trần