Câu chuyện kỉ lục livestream đạt khoảng 600.000 lượt xem đồng loạt tối qua của bà Phương Hằng đã vô tình tạo ra một sự chia rẽ lớn trong giới truyền thông.
Các tranh luận xoay quanh câu hỏi chính: liệu nội dung mà bà Phương Hằng livestream và đạt được một sự ủng hộ lớn từ người xem có “đáng” được xếp vào dạng “nội dung” hay không, tức là có đủ tính chính thống hay không? Và nếu không đủ, thì bà Hằng, hay bất kỳ nội dung tương tự nào khác, có đáng bàn đến không, nếu liên tiếp phá vỡ những kỉ lục nào đó về số lượt người xem?
KHI BÀ TRÙM “TÁT CẠN ĐẦM LẦY”
Đầu tiên, ta xét đến phong cách của bà Phương Hằng khi “lên sóng.” Khí thế ngang tàng, mạnh mẽ, có phần “ào ào” quá trực diện, khiến nhiều người dễ liên tưởng tới… Donald Trump. Tỷ phú Mỹ có cá tính rất mạnh này cũng đã nhiều lần gây “chao đảo cộng đồng mạng” toàn cầu với những phát ngôn gây sốc, những buổi trực tiếp truyền hình đầy năng lượng, máu lửa.
Nhớ “linh xưa”, ở xứ Mẽo xa xôi, ông Trump thẳng thắn tuyên bố rằng giới chính trị Mỹ đang quá bè cánh, phe nhóm và cũ kỹ, không đại diện cho tiếng nói cử tri, và do đó việc của ông khi làm tổng thống là “tát cạn (tháo nước) đầm lầy”, để khơi lại những dòng nước mới, những động lực mới cho chính trường. Bên trời Việt, bà tỷ phú Phương Hằng cũng dựa trên việc tự tin rằng mình không có “dây mơ rễ má” gì với những người mà bà cho rằng là phe nhóm lừa đảo, đang thao túng, trục lợi trên lòng tin của người dân.
Một sự giống nhau nữa giữa 2 đại gia, đó là khả năng hùng biện và sức khoẻ đáng kinh ngạc. Chắc nhiều người cũng biết cựu tổng thống đảng Cộng hoà có khả năng làm việc đáng nể, cùng với năng lực “lời qua tiếng lại” ngày này qua tháng nọ năm kia với cả trăm báo, đài cánh tả bên Mỹ. Bên này, “chị đại” Phương Hằng cũng mạnh mẽ không kém, khi “tuyên chiến” với rất nhiều nhân vật, và cũng sẵn sàng điều tra kỹ càng từng người để… phanh phui “dĩ dãng dơ dáy dễ gì giấu giếm” (!) trong những buổi livestream kéo dài vài tiếng đồng hồ, một mình chị độc diễn liên tục! Quả là… đáng nể.
ĐẠI CHÚNG VẪN LUÔN LÀ LỰC LƯỢNG ĐÔNG ĐẢO
Nhiều trí thức trong giới truyền thông – marketing và báo chí đã thở dài ngao ngán trước sự quan tâm ngày một đông của công chúng trong “vụ bà Hằng”. Nhưng có một thực tế không thể chối cãi, đó là không chỉ tính riêng buổi livestream gần 600k xem trực tiếp trên Youtube hôm 25/05 vào ngay “khung giờ vàng” của truyền hình, mà tính tổng các lượt view từ tin, bài khắp các mặt báo, câu chuyện về bà Hằng hẳn đã mang về hàng vài triệu lượt view cho cả trăm báo đài lớn nhỏ.
Điều này cho thấy việc đã đến lúc những người làm truyền thông bớt mơ mộng về insight của độc giả/ khán giả của mình. Đám đông vẫn luôn là đám đông đông đảo, và dư luận vẫn luôn bị luôn bị hút về nơi có câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, gây tò mò, có kịch tính và liên quan đến nhiều người nổi tiếng.
“TƯ DUY LẠI” TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP
Không phải cho tới khi chị Hằng “đăng đàn” thì số lượt xem trực tiếp trên Youtube ở Việt Nam mới vượt lên con số hàng trăm ngàn. Zingnews ngày 15/11/2020 trong bài “Lượt xem live Rap Việt có thực sự lập kỉ lục thế giới” cho biết “video chung kết của Rap Việt phát trên kênh YouTube Vie Giải Trí đạt hơn 1,12 triệu lượt xem trực tiếp cùng lúc.” Đây mới là kỉ lục VN về lượt livestream, tính đến thời điểm hiện nay. Và cũng trong bài viết này, tác giả Phúc Thịnh thông tin rằng trong giai đoạn Covid hoành hành, trên thế giới đã có nhiều sự kiện văn hoá giải trí đạt 2-3 triệu lượt xem trực tiếp trên Youtube và các nền tảng khác.
Tuy vậy, câu chuyện livestream của chị Hằng vẫn thu hút giới chuyên môn về truyền thông, truyền hình ở chỗ: rất khác với một megashow tiền hô hậu ủng, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng như Rap Việt và trực tiếp trên cả ba nền tảng mạnh là Vie Channel – HTV2, ứng dụng VieOn và kênh Vie Giải trí của Youtube, chị Hằng với “khí giới đơn sơ”, vẫn tung hoành và đạt được lượt xem ngất ngưởng.
Khi xem con số 600 ngàn lượt xem trực tiếp và hàng triệu lượt view “nguội” sau đó trên Youtube, có lẽ nhiều người trong nghề truyền thông cũng không khỏi đặt câu hỏi: liệu rằng các chương trình với rating cao (1.0 rating = 1% dân số cả nước, tương đương 950.000 lượt người xem trong cùng một thời điểm), có thực sự đang mang lại tác động xã hội? Và như vậy, liệu rằng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) của nhóm khách hàng mục tiêu khi xem truyền hình thực sự là bao nhiêu, và nhà tài trợ (đơn vị quảng cáo) phải thực chi bao nhiêu tiền cho 1.000 khách xem TV và quyết định mua hàng?
Và từ góc độ “nhà Đài”, là nơi đang sở hữu nền tảng phát sóng với hạ tầng truyền hình đã vững vàng suốt nhiều năm qua, có lẽ cũng đã đến lúc tư duy lại truyền hình trực tiếp. Đứng trước thực tế về một sự thay đổi cơ bản của truyền thông nghe - nhìn trong thời 4.0, một chiến lược “tích hợp”, trong đó trực tiếp đồng loạt trên nền tảng truyền hình truyền thống – app và mạng xã hội (Youtube, Facebook hay… gì khác nữa) là một chiến lược khả thi về dài hạn. Dẫu biết rằng không ai muốn chia sẻ “miếng bánh thị phần”, nhưng việc mất luôn cả… phần bánh thì lại càng không ai mong đợi.