Người từng "khuyên" Thủy Tiên không nên đôi co trên MXH mà đưa ra bằng chứng, nói gì sau ồn ào 18.000 trang sao kê?

Viết bởi 
22/09/2021 - 14:09

 

 

 

 

 

 

 

 

"Giả dụ nếu nghệ sĩ không làm từ thiện nữa thì sao? Thôi thấy sẽ chẳng có vấn đề gì cả, bởi vì lòng tốt trong xã hội này vốn đã là hằng số rồi", PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

 

cvtt

 

 

 

Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, lùm xùm vừa qua liên quan đến chuyện các nghệ sĩ làm từ thiện đã phô bày tất cả những vấn đề bức bối mà xã hội cần giải quyết, để đưa công việc này sang trang mới.

 

 

photo-1

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình

BÂY GIỜ TRANH CÃI CHUYỆN SAO KÊ ĐỂ LÀM GÌ?

Trương Thu Hường: Thưa ông Bình, là người từng đưa ra lời khuyên "Thủy Tiên không nên đôi co trên mạng xã hội mà hãy nhanh chóng cung cấp các bằng chứng để chứng minh", ông có đánh giá gì khi mặc dù đã công khai hết 18.000 trang sao kê nhưng nữ ca sĩ vẫn không thể thoát khỏi búa rìu dư luận?

Trịnh Hòa Bình: Tôi nói như thế vì chuyện cãi cọ giữa nghệ sĩ và cư dân mạng thật sự rất không hay. Để minh bạch thì nghệ sĩ không còn lựa chọn nào khác hơn là phải trình bày các bằng chứng. Sao kê cũng là một cách.

Nhưng nếu nói về luật thì thực sự “cuộc chơi” này tất cả mọi người đều sai rồi, kể cả những người lên mạng đòi sao kê. Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định chỉ có các tổ chức, đơn vị được Nhà nước ủy quyền mới được phép đứng lên kêu gọi tiền từ thiện. Như vậy, chuyện từ thiện mà Thủy Tiên làm vốn đâu được pháp luật công nhận?

Nhiều nghệ sĩ khi đi làm từ thiện không để ý chuyện đó. Họ cũng không thể biết trước kết cục bị người đời "đấu tố" để mà làm những việc như là phòng bị, như là dự trữ sẵn những thứ để đáp trả dư luận. Ngay cả việc minh bạch, công khai tài chính một cách toàn thiện toàn mỹ cũng là điều họ không đặt ra ngay từ đầu.

Nghệ sĩ cũng không phải là các nhà kinh tế, chuyên gia từ thiện, càng không phải những người có năng lực tổ chức.... mà làm được như vậy đã là tốt lắm rồi. Tôi nói thế không có ý bênh vực cho tất cả nghệ sĩ, ví dụ như anh Hoài Linh "ngâm" tiền lâu như vậy thì đã khác hẳn rồi.

Câu chuyện là lúc này sau khi nhiều nghệ sĩ đã công khai sao kê - một việc rất đáng hoan nghênh - thì các luật sư, chuyên gia kiểm toán, truyền thông... mới vào cuộc để phân tích. Thú thật, tôi thấy những chuyện đó không thỏa đáng lắm. Nếu tất cả đã sai ngay từ đầu rồi thì liệu chúng ta có nên tiếp tục mổ xẻ vấn đề này, hay cần quan tâm điều gì khác?

Trương Thu Hường: Cụ thể là theo ông, chúng ta nên quan tâm điều gì?

Trịnh Hòa Bình: Theo tôi, những lùm xùm như vừa qua đã phô diễn được tất cả những bất cập kể từ lỗ hổng luật pháp, cách hành xử của cộng đồng và cả những sự chủ quan, cảm hứng… của nhiều nghệ sĩ.

Về phía luật thì chúng ta phải sớm công nhận quyền kêu gọi ủng hộ của cá nhân, và phải có cách quản lý, bảo vệ cái quyền đó cho họ.

Về phía các nghệ sĩ, người đời nếu có lên án, phê bình đi chăng nữa thì nên chăng cần bàn luận về sự vị kỷ, cảm tính, chủ quan… của họ. Ví dụ ngay những hình ảnh đẹp như Thủy Tiên lội nước lũ đi cứu trợ thì vẫn có thắc mắc vì sao chỗ này cho 5 triệu, chỗ kia cho 7 triệu… Phải chăng đấy là sự tùy tiện? Liệu có phải khi kêu gọi được nhiều tiền rồi, người ta đã tự cho mình quyền ban phát, quyền bày tỏ sự sáng suốt và thể hiện sự công tâm bằng cách ra quyết định ngay tại chỗ, còn sau này thiên hạ lên án thì tính sau?

Bởi vì trong bối cảnh như thế, khung cảnh rối ren, thiếu thuyền, đi chỗ này chỗ kia nhiều khi còn phụ thuộc người dẫn đường, do điều kiện thời tiết… Rồi nhiều khi nghệ sĩ còn bị bày binh bố trận, bị chính người khác đưa họ vào thiên la địa võng nữa. Có rất nhiều vấn đề thuộc phương diện kỹ thuật của từ thiện, mà nếu chỉ có cái tâm thôi là không đủ.

Về phía mạnh thường quân, họ cũng sẽ phải đặt câu hỏi: liệu có nên góp tiền cho một cá nhân nào đó chỉ dựa trên niềm tin?

NGHỆ SĨ LÀM TỪ THIỆN CHẮC CHẮN CÓ MỘT PHẦN VÌ ĐÁNH BÓNG TÊN TUỔI

Trương Thu Hường: Và không rõ có phải vì thấy khó hay không, nhưng vừa qua đã có không ít nghệ sĩ đã tuyên bố: "Mùa lũ năm nay, miền Trung sẽ không còn được nghệ sĩ cứu trợ nữa...".

Trịnh Hòa Bình: (Cười) Đó chỉ là cách nói giận lẫy thôi. Nhưng tôi nghĩ sau những chuyện như thế này, có thể nhiều người sẽ rút kinh nghiệm, không tự đứng tên mình kêu gọi hoặc làm quy mô như Thủy Tiên nữa… Họ sẽ phải nghĩ đến khung hành lang pháp lý, sẽ phải làm bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch hơn...

Và giả dụ nếu nghệ sĩ không làm từ thiện nữa thì sao? Thôi thấy sẽ chẳng có vấn đề gì cả, bởi vì lòng tốt trong xã hội này vốn đã là hằng số rồi. Họ không làm thì sẽ có người khác làm. Còn nếu họ vẫn có trái tim, vẫn còn nhiệt huyết với cộng đồng thì chắc sẽ chọn cách ứng xử khác.

Những lùm xùm, bê bối như vậy cũng là một cú hích để những ai đang làm từ thiện vì tùy hứng, làm vì thích thú, làm để cho thiên hạ biết mình là ai, hoặc không có đủ năng lực tổ chức…sẽ phải tự rút lui. Họ sẽ phải tìm con đường khác để đánh bóng tên tuổi.

Trương Thu Hường“Đánh bóng tên tuổi”, vì sao ông lại nghĩ như vậy? Bởi vì tôi thấy tất cả nghệ sĩ làm từ thiện đều khẳng định mọi việc xuất phát từ tấm lòng và họ cảm thấy cần có trách nhiệm với xã hội…

Trịnh Hòa Bình: Chắc chắn vẫn có sự quảng bá cá nhân. Chứ nếu không thì họ làm những chuyện như livestream, chụp ảnh rầm rộ để làm gì? Cứ âm thầm làm rồi minh bạch tài chính là được mà, đúng không nào?

Tôi nghĩ bản chất là họ có tâm, nhưng vẫn có phần vì cá nhân mình. Chuyện đó nó giống như 2 mặt của một đồng tiền nên thật khó mà tách rời. Và giả dụ mục đích ban đầu của họ có hoàn toàn vì đánh bóng tên tuổi đi chăng nữa thì chuyện từ thiện mà họ đã làm vẫn tốt chứ! Đâu thể phủ nhận hết.

CHO DÙ THỦY TIÊN CÓ KÊU GỌI ĐƯỢC 200 TỶ ĐỒNG MÀ CHUYỂN ĐẾN TAY NGƯỜI DÂN ĐƯỢC NGẦN ẤY ĐÃ LÀ RẤT NỖ LỰC

Trương Thu Hường: Tất nhiên cái tốt đó là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều mà lúc này dư luận đang quan tâm lại là sự minh bạch.

Trịnh Hòa Bình: Thực tế là bây giờ dù có trong sạch cũng thật khó để chứng minh.

$1·        

Minh bạch nói thì dễ nhưng vốn đã là chuyện khó rồi. Ngay cả ở cơ quan mình làm dự án có chứng từ mười mươi, người ta còn đàm tiếu. Huống hồ như Thủy Tiên bây giờ chỉ có một mớ hỗn độn và con số to đoành như thế. Biết thì biết thế thôi chứ ai tin?

Và nhìn lại cách hành xử của một số dự án công thì sao? Cả bộ máy vận hành tốn biết bao nhiêu tiền lương, bao nhiêu nhân lực mà vẫn còn có chuyện “rút ruột” công trình đấy thôi. Dẫn một ví dụ như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tới hơn 30 người cùng trở thành bị can.

Cho nên nếu nói một cách công bằng thì tôi nghĩ, dù Thủy Tiên có kêu gọi được 200 tỷ mà chuyển đến tay người dân được từng ấy đã là nỗ lực rất lớn rồi. Giả dụ cô ấy có "chi phí" hết dăm mười tỷ cũng chẳng phải điều gì quá đáng cả (!?).

Trương Thu HườngVâng, và tôi nghĩ hẳn là có rất nhiều cá nhân sẽ vin vào điều này để bình thường hóa chuyện thâm hụt ngân quỹ khi đi làm từ thiện…

Trịnh Hòa Bình: Để giải ngân số tiền lớn không phải chuyện đơn giản. Cá nhân làm từ thiện tử tế cũng xứng đáng được trả công chứ nhỉ? Vì ngay cả các Ban, Ngành cũng là dùng tiền thuế của dân để đi tặng cho người dân. Và họ được trả lương để làm việc đó mà?

Hơn nữa, 5-10 tỷ thì cũng chỉ tương đương với chi phí dành cho truyền thông, quảng bá hình ảnh của dự án này, chương trình nọ mà thôi.

Trương Thu Hường: Vẫn biết là như thế, nhưng rõ ràng như ông cũng đã thấy, điều khiến dư luận tranh cãi là bởi vì mọi thứ đã không minh bạch ngay từ đầu. Bởi vì bản thân nhiều nghệ sĩ luôn cố gắng chứng minh họ đã phải tự bỏ thêm tiền túi để cùng mạnh thường quân làm từ thiện.

Trịnh Hòa Bình: Cái đó một phần vì lỗ hổng ở luật pháp. Từ trong luật đã không có quy định rõ ràng cho những việc như vậy. Và cũng có cả cái mục đích đánh bóng tên tuổi mà tôi đã nói. Vì cá nhân tôi hay rất nhiều người khác vẫn bỏ tiền túi ra làm từ thiện mà. Nhưng họ không cần lưu bằng chứng vì cũng đâu phải để chứng mình cho ai xem.

Rõ ràng sau chuyện này, chúng ta cần xây dựng lại chuyện từ thiện. 

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!

 

 

Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP

Theo tờ Người lao động, ngày 6/9, Bộ Tài chính đã cập nhật tiến độ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó, sau khi cơ quan này có Tờ trình trình Chính phủ, tại thông báo ngày 23/8 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý Nhà nước.

Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu trên, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định để trình Chính phủ ban hành theo hướng bổ sung đối tượng áp dụng là các tổ chức có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã, hội,...) tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Theo: https://toquoc.vn/nguoi-tung-khuyen-thuy-tien-khong-nen-doi-co-tren-mxh-ma-dua-ra-bang-chung-noi-gi-sau-on-ao-18000-trang-sao-ke-820212290251866.htm

vnuk-symbol-only-official-800x237 

 tpbank chuyen tien du hoc nhanh gon

 

GÓC THƯ GIÃN

Bạn có thông tin gì mới không? 

 

Fantastic Beasts: The Secrets of Dumbledore

momo-upload-api-210419151712-637544422321043276

momo-upload-api-201117163723-637412278438989473

momo-upload-api-210422152215-637547017356872242

 

momo-upload-api-210419164756-637544476760164339

BOOKING BÁO CHÍ - TRANG TIN - MXH   


 

LOGO-TONGHOP

©SpotlightVietnam2020 


 279/GP-BTTTT cấp ngày 13-05-2021 

Cơ quan chủ quản: Công ty Truyền thông Spotlight Vietnam

 Địa chỉ: 156 Chiến Thắng, P9, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM 

Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Nguyên Thảo 

Hotline: 0345 700 300

Liên hệ hợp tác - bảo trợ truyền thông

[email protected]