Chủ nhật (24/03/2024), ngày hội Việt phục Tóc Xanh Vạt Áo lần thứ IV đã chính thức diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM (số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP.HCM). Đây là sự kiện trọng điểm, mở màn cho tuần lễ văn hóa “Sóng Đôi” được tổ chức thường niên bởi Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Sự kiện kéo dài từ 08h00 sáng đến 22h00, thu hút hơn 6000 lượt người tham dự. Đặc biệt ghi nhận hình ảnh hàng nghìn bạn trẻ mặc trên mình những bộ Việt phục rực rỡ qua các triều đại tự tin tham dự ngày hội, tạo nên một điểm nhấn đầy ấn tượng trong các lễ hội văn hóa hướng đến người trẻ tại TP.HCM.
Đương kim HHHV Việt Nam - Bùi thị Xuân Hạnh
Tóc Xanh Vạt Áo mùa 4 - tôn vinh Việt phục & văn hóa truyền thống, hướng đến kỉ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế Áo Dài
Trải qua 4 mùa tổ chức gây tiếng vang, Tóc Xanh Vạt Áo đã khẳng định vị thế của một ngày hội văn hóa truyền thống với quy mô lớn nhất tại miền Nam. Tóc Xanh Vạt Áo là ngày hội nơi người tham dự có thể trải nghiệm những di sản vật chất & tinh thần của tiền nhân, học hỏi được những bài học lý thú và đầy sinh động về văn hóa cổ truyền của người Việt Nam. Ngày hội cũng là nơi để các bạn trẻ có thể đắm chìm trong bầu không khí văn hóa, kiêu hãnh khoác lên mình những trang phục truyền thống, mang đến những câu chuyện của cha ông cũng như kết giao những người bạn mới. Tóc Xanh Vạt Áo qua đó cũng trở thành một sự kiện văn hóa lớn thường niên nhận về sự chờ đợi của đông đảo những trái tim nó tình yêu với lịch sử Việt Nam.
Tóc Xanh Vạt Áo mùa thứ 4 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 đơn vị làm văn hóa với hơn 30 gian hàng trải nghiệm. Những đơn vị tham gia đều có những lĩnh vực chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Bên cạnh những đơn vị tại miền Nam, Tóc Xanh Vạt Áo mùa thứ 4 cũng đón tiếp các đơn vị tại Hà Nội, Huế và Nha Trang cùng vào giao lưu, thực sự là một ngày hội đặc sắc, thỏa lòng những khán giả yêu mến lịch sử nước nhà.
Lễ khai mạc ngày hội diễn ra vào lúc 08h30 sáng Chủ nhật (24/3) với bài phát biểu của TS. Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày hội Tóc Xanh Vạt Áo lần thứ IV cũng hướng đến kỉ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế nên chiếc áo dài ngũ thân (1744 - 2024), tiền thân của áo dài hiện đại. TS. Phan Thanh Hải nhận định: “Áo ngũ thân- tiền thân của áo dài hiện đại, được hình thành, sáng tạo bởi cư dân Đàng Trong trong quá trình Nam tiến, chiếm lĩnh đất phương Nam và hòa nhập vào cộng động Đông Nam Á. Tròn 280 năm trước, sau khi xưng vương hiệu và xây dựng Đô thành ở Phú Xuân- Huế, bên cạnh việc định ra triều phục, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định sử dụng bộ trang phục áo ngũ thân làm thường phục thống nhất cho cư dân Đàng Trong. Chủ trương này đã được thực hiện nhanh chóng, vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn, ở toàn bộ miền Nam, từ sông Gianh trở vào, các tầng lớp nhân dân đều sử dụng áo ngũ thân trong mọi hoạt động, từ lễ nghi, hội hè đến vui chơi, làm việc.
Sau khi thống nhất toàn vẹn đất nước từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau, triều Nguyễn đã tiến hành thống nhất trang phục Bắc Nam nhằm thể hiện sự thống nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập, văn minh, từ năm 1827 đến năm 1837, vua Minh Mạng đã quyết liệt thực hiện chủ trương này. Vì vậy, đến giữa thế kỷ 19, trang phục áo ngũ thân đã trở thành loại lễ phục và thường phục phổ biến trong toàn cõi Việt Nam, trở thành quốc phục của người Việt với cả hai giới, nam và nữ.
Từ đầu thế kỷ XX, âu phục từng bước trở thành trang phục phổ biến trong xã hội, tuy nhiên, Áo dài vẫn luôn được xem là quốc phục của người Việt Nam. Như vậy, Áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng, là thương hiệu và phương tiện nhận diện của người Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua.”
Xuyên suốt ngày hội, bên cạnh những hoạt động triển lãm, trưng bày riêng tại các gian hàng, BTC tổ chức nhiều chương trình đặc sắc tại khu vực sân khấu chính. Các sự kiện bao gồm: Tọa đàm “Thú chơi Cổ ngoạn và Cổ vật” (khách mời: Nhà sưu tầm cổ vật Lê Gia & Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc); Trình diễn trang phục cổ truyền và nghệ thuật truyền thống Chăm Pa; Trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam (cải lương, độc tấu đàn nhị); Workshop “Di sản đô thị Sài Gòn - Nam Bộ qua các bản đồ”; Talkshow “280 năm định chế Áo Dài”; Talkshow “10 năm nhìn lại phong trào Cổ phong”; Workshop làm bánh dân gian; v…v…
Buổi talkshow “280 năm định chế Áo Dài” cũng đón chào sự xuất hiện của nam nghệ sĩ Jun Phạm. Với tình yêu văn hóa, yêu cổ phục Việt, Jun Phạm đã dành sự trân trọng đến các dự án, thương hiệu làm văn hóa do những người trẻ thực hiện. Anh cũng xuất hiện ấn tượng trong chiếc áo ngũ thân tay chẽn thêu họa tiết quý tộc triều Nguyễn.
Đêm gala đặc sắc: dàn người đẹp đình đám trong Việt phục, talkshow “Góc Nhìn” và sân khấu chèo đặc sắc
Sự kiện Tóc Xanh Vạt Áo lần thứ 4 kết thúc theo truyền thống bằng đêm gala tổ chức tại Hội trường Văn Khoa. Đêm gala sẽ mở màn bằng tiết mục trình diễn cổ phục với sự góp mặt của nhiều gương mặt người mẫu - diễn viên nổi tiếng gồm Nữ diễn viên Rima Thanh Vy, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 - Xuân Hạnh, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 - Hoàng Nhung, Hoa khôi Sông Vàm - Diễm Trinh, Á khôi Sông Vàm - Thanh Thanh, Top 10 Miss Grand Việt Nam 2023 - Hà Phương, Nữ diễn viên - Thiên Tú và BTV - MC Lan Nhi,...
Đêm gala cũng sẽ tiếp nối với talkshow “Góc Nhìn” với các diễn giả khách mời: TS Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế), Họa sĩ Nguyễn Đức Bình (Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt), nhà sản xuất Hoàng Quân (đại diện ekip ProductionQ đứng sau hiện tượng Tết Ở Làng Địa Ngục), anh Tôn Thất Minh Khôi (người sáng lập và đồng trưởng BTC ngày hội Tóc Xanh Vạt Áo). Đây là cuộc chia sẻ giữa đại diện của 3 bên: người làm chính sách, người nghiên cứu chuyên môn và người làm các sản phẩm nghệ thuật. Cuộc trò chuyện đã đem đến những góc nhìn sâu sắc, toàn diện và khách quan về câu chuyện ứng dụng chất liệu văn hóa - lịch sử Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Kết thúc đêm gala là tiết mục sân khấu hóa “Chiếu Chèo Sân Đình” chào đón đoàn nghệ nhân - nghệ sĩ từ miền Bắc trình diễn. Sân khấu của Hội trường Văn Khoa đã thực sự biến thành một mái đình nơi miền quê Bắc Bộ tươi đẹp với hàng loạt các loại hình nghệ thuật: múa hát cửa đình, hát chèo, hát xẩm, quan họ, chầu văn,... Tất cả các nghệ sĩ thuộc giáo phường Đình Làng Việt trình diễn đầy thăng hoa, mang đến bầu không khí nghệ thuật cực kỳ đặc sắc.