Kiểm tra một trường hợp F1 thí điểm cách ly tại nhà ở Bình Dương. Ảnh: BYT
Theo các chuyên gia, các trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà có thể chuẩn bị các loại thuốc, thiết bị cơ bản để có thể tự theo dõi, chăm sóc sức khoẻ hàng ngày, cảnh giác nếu bệnh trở nặng.
Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, với số ca mắc đang tăng cao nhanh chóng, dễ gây quá tải cho các cơ sở điều trị; Bộ Y tế đã cho thực hiện thí điểm cách ly theo dõi tại nhà các ca F0 không có triệu chứng, hoặc nhẹ.
Người dân cũng quan tâm, với người cách ly tại nhà như các F1, F0 cần chuẩn bị những gì để có thể theo dõi sức khoẻ tốt nhất, dễ phát hiện khi bệnh trở nặng...
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phối Trung ương cho rằng: "Điều quan trọng đầu tiên với những người cách ly tại nhà, đặc biệt là các F0, F1 là cần phải trang bị kiến thức để có thể tự theo dõi cơ thể mình, đồng thời có thể trang bị thêm một số loại thiết bị theo dõi, các loại thuốc cần thiết khi chưa cần chăm sóc y tế. Hiện, theo thống kê, có khoảng 84% những người mắc COVID-19 chưa cần chăm sóc y tế, có thể tự theo dõi tại nhà; nhưng quan trọng nhất là người dân phải nhận biết được tình trạng khi nào cần gọi bác sĩ, khi nào cần phải vào bệnh viện. Cụ thể, người tự cách ly tại nhà cần phải được hướng dẫn để biết thế nào là tình huống đã chuyển sang khó thở, biết thế nào là các dấu hiệu mệt mỏi…"
Về các loại thuốc, thiết bị có thể chuẩn bị để theo dõi sức khoẻ tại nhà, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khẳng định: Không có thuốc để chữa COVID-19 tại nhà, vì người bệnh đã phải dùng đến thuốc, phải dùng đến oxy tức là đã đến mức phải vào bệnh viện. Tuy nhiên, trong những trường hợp chưa cần chăm sóc tại cơ sở y tế, những người này cần trang bị một số dụng cụ thông thường để theo dõi sức khoẻ như: Thiết bị đo độ bão hoà oxy ở đầu ngón tay, thiết bị này khá rẻ tiền, dễ mua khoảng 200.000- 500.000 đồng/cái tuỳ loại; có thể trang bị thêm máy đo huyết áp…
Bên cạnh đó, người dân cũng có thể chuẩn bị các thuốc thông thường như: Thuốc hạ sốt; các loại vitamin, nhất là vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; thậm chí người dân có thể ăn thêm tỏi, sả… các các sản phẩm tăng sức đề kháng… Người dân cũng cần chú ý bổ sung dinh dưỡng phù hợp, ăn đầy đủ, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều; bên cạnh đó cần đảm bảo vận động, tập luyện để nâng cao sức khoẻ.
“Nếu trường hợp F0 có sốt nhẹ, có thể uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, có thể bổ sung thêm dung dịch Oresol để tránh mất nước… Đặc biệt không khuyến cáo người dân tự ý dùng thuốc kháng sinh hay các thuốc khác tại nhà, tất cả các loại thuốc thuộc về kê đơn phải do bác sĩ chỉ định”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng: "Người là F0, F1 cách ly tại nhà, ngoài tuân thủ quy định cách ly nghiêm ngặt, cần biết lắng nghe cơ thể và theo dõi sát sức khỏe bản thân vì không có ai theo dõi cơ thể mình bằng chính mình".
Theo đó, với F0 cần theo dõi sát nhiệt độ cơ thể. Trong phòng nên dự trữ một cơ số thuốc hạ sốt, nhiệt kế để sử dụng khi bác sĩ hướng dẫn. Người bệnh nên ở phòng riêng biệt, thực hiện đeo khẩu trang khi có nguy cơ tiếp xúc với người nhà, sát khuẩn tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn với mọi người. Giữ vệ sinh nhà cửa, thông thoáng nơi ở bằng cách mở cửa sổ ra bên ngoài, khẩu trang đã sử dụng phải được sát trùng, khử khuẩn trước khi đưa ra ngoài.
Người cách ly trong nhà có thể rèn luyện sức khoẻ bằng cách thường xuyên vận động, đi lại trong phòng, có thể tập thể dục nhẹ, ngồi thiền, xoa bóp cơ thể, hít thở không khí trong lành, nếu có điều kiện thì tắm nắng, tắm gió, thả lỏng cơ thể…
Hằng ngày người cách ly tại nhà nên dùng nước muối súc miệng, súc họng, xịt mũi; cố gắng thư giãn giữ tinh thần thật tốt, không nên quá lo lắng, hoang mang.
Theo các chuyên gia, các F0 cách ly tại nhà rất cần và luôn luôn phải giữ bên mình các kênh liên lạc với bác sĩ, nhân viên y tế, để nếu có tình huống cần thiết có thể báo ngay cho nhân viên y tế. Thậm chí có thể sẵn sàng liên lạc nhiều đường dây nóng; không được để chậm trễ đến mức không kịp đến bệnh viện. Người bệnh cũng luôn trong tư thế chủ động kết nối với nhân viên y tế địa phương chịu trách nhiệm quản lý F0 hoặc các bác sĩ tư vấn theo dõi bệnh nền của mình để thông báo tình trạng sức khỏe và xin tư vấn.
Khi người người bệnh có dấu hiệu sốt tăng lên, ho khan, tức ngực, biểu hiện hô hấp, đếm nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút (so với mức bình thường là từ 16-18 lần/phút) cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, khi thực hiện cách ly F0 bên ngoài bệnh viện, y tế địa phương phải có các biện pháp dự phòng các tình huống như: Khi bệnh nhân trở nặng đột xuất, khó thở, chuyển sang viêm phổi… có thể gọi ngay cấp cứu đưa tới cơ sở y tế; điều kiện đưa đi cấp cứu cũng phải đảm bảo; phải có tư vấn của bác sĩ, sẵn sàng quy trình đưa bệnh nhân như thế nào để đảm bảo an toàn. Tuy số ca mắc bị trở nặng là ít, nhưng có thể vào bất kỳ ai nên các tình huống xử trí phải luôn luôn sẵn sàng.