Vừa qua, bộ sưu tập ''Hồi sinh'' của hai nhà thiết kế Việt Nam Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huy đã xuất hiện đầy ấn tượng tại Tuần lễ thời trang New York - NewYork Fashion Week. Ngoài thông điệp bảo vệ môi trường, hướng đến xu thế thời trang bền vững, thương hiệu Hulos của hai nhà thiết kế này cũng đã đặt ra một bước ngoặc mới cho thời trang Việt, nâng tầm những sản phẩm tái chế lên một đẳng cấp khác: Haute couture!
Thời trang luôn là nhu cầu thiết yếu của con người, nómang lạinhững giá trị, ý nghĩa nhất định với đời sống, thế nhưng vòng đời ''sản xuất - tiêu thụ - tiêu huỷ'' của nó lại là nguyên nhân của 10% khí thải nhà kính hàng năm, một con số làm đau đầu ngay cả những chuyên gia hàng đầu về xã hội, kinh tế và môi trường. Mỗi năm có hàng trăm triệu tấn quần áo cũ bị thải ra bên ngoài, số lượng ''rác'' khổng lồ này không những gây ô nhiễm toàn cầu khi không xử lý đúng tiêu chuẩn mà nó còn gây lãng phí những nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt của trái đất để tạo ra những sản phẩm mới để phục vụ cho người tiêu dùng.
Khái niệm ''thời trang bền vững'' đã có mặt từ rất lâu, kể từ khi con người còn nghèo khó, thiếu thốn, người Việt có cụm từ ''ăn chắc mặc bền'' cũng từ đấy mà ra. Người xưa luôn ngầm nhắc nhở nhau phải biết giữ gìn, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả với những thứ hàng hoá con người dùng hàng ngày, để vừa tiết kiệm, vừa tận dụng hết công năng, giá trị vốn có của chúng.
Tuy nhiên, dẫu quần áo là một trong những thứ có thể tái chế nhiều nhất mà chúng ta tiêu thụ, nhưng lại ít được tái chế nhất trong số đó. Trung bình một người Mỹ sẽ vứt bỏ 37kg/năm, bằng một nửa trọng lượng cơ thể họ, nhưng chỉ có 15% trong số chúng được tái chế lại. Nếu nhân với con số 8 tỷ người hiện tại thì chúng ta đang tiêu tốn, lãng phí biết bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên, chi phí sản xuất chỉ riêng cho việc mua sắm, tiêu dùng, phục vụ nhu cầu ăn mặc hàng năm? Chúng ta sẽ làm gì để giải quyết bài toán này?
Khá nhiều hãng thời trang tiên phong trong công cuộc tái chế đồ qua sử dụng đã bắt tay vào cuộc chơi này, nhưng hầu hết họ đều xử lý theo kiểu ''hạ thấp'' giá trị của sản phẩm cũ theo những cách thông thường là cắt/nghiền nhỏ, sản xuất chúng theo những giá trị khác với ban đầu hoặc dùng để nhồi ghế sofa, làm thảm trải sàn nhà... và cuối cùng là đưa chúng vào những bãi rác - những bãi rác khổng lồ của ngành công nghiệp may mặc để chôn xuống đất chờ phân huỷ, hoặc đốt cháy, tiêu huỷ...
Với ý tưởng ''nâng tầm những sản phẩm đã bỏ đi'', hai nhà thiết kế Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huy đã kỳ công biến hoá, tái sinh cho những chiếc quần áo cũ trở thành một sản phẩm thời trang đúng nghĩa, đẹp, chất, cá tính, rất khó lòng để ai đó phải ''cất'' chúng vào kho đồ cũ.
Mang một diện mạo mới mẻ, được nâng niu bởi đôi tay tài hoa của cha đẻ thương hiệu Hulos, những sản phẩm thời trang này dường như được phả một làn gió mới với những màu sắc sống động, hoa văn tinh xảo bởi kỹ thuật thêu tay của nghệ nhân lành nghề, nét tinh tươm, mới mẻ cũng từ đó hiện ra rõ rệt. Những sản phẩm được người mẫu khoác trên sàn diễn một cách đầy kiêu hãnh, sang trọng làm người ta quên đi nó từng là những chiếc quần áo bị chủ nhân ''loại'' ra khỏi tủ quần áo một thời.
Với nhiều loại chất liệu khác nhau, từ jeans, khaki, gấm, lụa... chủ nhân BST đã biến tấu đa dạng với những đường cắt xẻ, thay đổi form dáng cho sản phẩm và điểm tô lên đấy những chi tiết thêu tay cầu kỳ bằng kỹ thuật thêu 3D hiện đại, sinh động.
Thế mạnh của Hulos vốn là dòng thời trang mang đậm nét văn hoá phương Đông, khi bắt tay vào việc thực hiện BST ''Hồi sinh'', hai NTK cũng giữ nguyên bản sắc của thương hiệu mình qua những chi tiết rồng phụng, hoa văn truyền thống, tổng thể mỗi tác phẩm đều hiện ra một bức tranh rực rỡ với những gam màu nóng, thời thượng.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nhân trẻ, NTK Huỳnh Hải Long cho biết: ''Chúng tôi mất 5 tháng chuẩn bị từ khi nhận được lời mời từ NewYork Fashion Week. Hành trình đó là những ngày đêm miệt mài với BST không hề rập khuôn theo một quy chuẩn hình thể, cắt may nào, tất cả đều là độc bản. Sau đêm diễn, khá nhiều tổ chức, đơn vị đã liên hệ với chúng tôi vì quan tâm đến ''Hồi sinh'', trong đó, Tạp chí thời trang uy tín tại Mỹ như I-Magazine đã chọn đăng toàn bộ những sản phẩm trong BST, cùng nhiều lời mời hợp tác sản xuất, trình diễn trong tương lai. Với chúng tôi mà nói, đây là bước đầu thành công trong việc mang tâm huyết của thương hiệu Hulos vào thị trường thời trang tái chế.
Có một điều tôi đau đáu là làm sao để ''nâng giá trị'' của các sản phẩm này, nhằm tăng nhận thức với cộng đồng rằng những thứ đồ cũ chúng ta muốn bỏ đi rất có tiềm năng tái sử dụng nếu được khai thác đúng cách. Đây cũng là một phần trên con đường thời trang mà thương hiệu Hulos theo đuổi.''
Những chiếc áo khoác, quần jeans vốn đã cá tính, không kén người mặc, qua bàn tay sáng tạo của thương hiệu Hulos, giá trị thời trang và giá trị thật sự về vật lý của sản phẩm gần như được ‘’nhân đôi’’, trong đó người có lợi nhất chính là người tiêu dùng. Ngoài những sản phẩm như áo, quần, váy, jacket… Hulos còn sáng tạo thêm những dòng thời trang khác như túi xách, giày, boots, trong đó, những đôi boots jeans đã thu hút, gây chú ý với nhiều đơn vị, khách hàng qua những lời đề nghị hợp tác, sản xuất và phân phối ra thị trường.
Ông Huỳnh Hải Long chia sẻ thêm: ‘’Chúng tôi cũng rất cân nhắc khá nhiều về cân đối chi phí sản xuất và thực trạng tiêu dùng của xã hội hiện nay khi bắt tay thực hiện ý tưởng này. Do tính chất đặc trưng, giá thành của những sản phẩm mang phong cách Haute couture vốn luônkhá cao, gần như là ‘’cá biệt về giá’’, nên muốn sản xuất đại trà, phục vụ cho khách hàng còn là việc chọn lọc của thị trường, vốn là dòng thời trang ‘’kén khách’’, tính thẩm mỹ cao của sản phẩmphải được đo bằng góc nhìn mỹ học có chiều sâu của người tiêu dùng.
Vì vậy, Hulos đang phải cân chỉnh nhiều điều kiện khác nhau để lan toả niềm đam mê này theo một cách riêng biệt, vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, vừa hiệu quả trong việc cân bằng về xã hội, kinh tế, môi trường, đó là một bài toán không hề dễ dàng. Nhưng khó không có nghĩa là không giải quyết được, hy vọng trong tương lai, chúng tôi sẽ góp phần và việc thúc đẩy thị trường theo xu hướng thời trang bền vững, thân thiện với con người và môi trường!’’
Phải mất 2700 lít nước để tạo ra một chiếc áo thun cotton, tương đương với nước uống cho một người trong hai năm rưỡi;và theo báo cáo từ tạp chí National Geographic, 11000 lít nước được sử dụng trong chế biến vải và giặt ủi để tạo ra một chiếc quần jeans xanh. Ngoài ra, phải mất một pound hoá chất và một lượng đáng kể năng lượng. Nếu một phần tư lượng quần jeans trên thế giới được sản xuất bởi công nghệ làm denim tiên tiến thì khoảng 2.5 tỷ ga-lông ( 9.46 tỷ lít ) nước sẽ được tiết kiệm mỗi năm – đủ dùng cho 1.7 triệu người hàng năm. Đồng thời cũng ngăn chặn 8.3 triệu mét khối nước được thải ra, tiết kiệm tới 220 triệu kilowatt giờ điện.
Với con số hàng trăm tỷ đơn vị quần áo được mua sắm mới hàng năm, trong khi thời hạn sử dụng thời trang của con người đang ngày càng ngắn đi, cộng với gu thời trang ''thất thường'' của người tiêu dùng... tất cả sẽ đẩy xã hội tiêu tốn nhiều nguồn nguyên liệu mới và tồn đọng những thứ rác thải khổng lồ đến chừng nào. Việc thay đổi tích cực từ tâm thế, xu hướng và nhận thức của người tiêu dùng là yếu tố hàng đầu để giúp con người bảo vệ thiên nhiên, tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng cho những cuộc sản xuất liên tục, bất tận trong ngành thời trang.