Ba trở về từ chiến trường K với vết đạn xuyên thủng cổ tay phải. Mẹ trưởng thành bên cái bàn máy Singer cọc cạch đạp bằng chân. Mình lớn lên bằng 41 đồng hàng tháng tiền trợ cấp chính sách dành cho thương binh cùng những đồng tiền chắt chiu từ việc may vá của mẹ. Vì thế nên cái tết của ấu thơ, năm nào cũng chật vật.
Mái nhà năm xưa được lợp bằng lá dừa nước kiểu miền Tây. Trải qua bao năm tháng, cứ đến mùa Tết về là nó lại... đong đưa như cái võng. Ngôi nhà được ''níu lại'' bởi những sợi dây chằng làm bằng thép, cứ kẽo kẹt theo nhịp gió thổi. Ô cửa sổ được che bằng tấm bạt nilon nhiều màu, cứ phành phạch vỗ vào những song gỗ bạc thếch vì năm tháng. Cả nhà chia nhau ngủ trên ván với hai cái mền dệt chỉ, lạnh ngắt.
Tết, gió lùa hùng hục vào nhà, cứ muốn thổi bay cả người, có hôm mình đang học bài, gió thổi tắt cả ngọn đèn lá cải đang vặn khá to làm mình hoảng hồn. Ngày ấy xóm còn lưa thưa, nhà mình nằm giữa đồng trống, đơn côi nên mỗi tết về là ba lại siết thêm dây chằng cho chắc, thậm chí mình còn được ''huấn luyện'' từ nhỏ rằng nhà có sập thì phải biết chạy hướng nào, nấp vào đâu, lấy gì để chống đỡ...
Tết về, cảm nhận rõ ràng nhất về Tết khi những người đi làm xa trong xóm lần lượt trở về nhà, cứ tầm hai mươi lăm chạp là người người về tảo mộ rôm rả khắp các khu nghĩa trang trên đồng ruộng.
Tết là khi mẹ chắt chiu những đồng tiền trong một cái ví cũ, cất sâu trong gạc-măng-rê, lôi ra đếm đếm tính tính…
Hôm ấy, mẹ sẽ dậy thật sớm, đạp xe 5 cây số để lên chợ, mua vài cây sống đời, vạn thọ, phát tài, miếng thịt heo, ít cải xanh về làm chua, vài loại quả chưng trên bàn thờ và chăm chút nhất là xấp vải để may đồ cho mình. Đó là những cái tết đủ đầy trong ký ức.
Có năm mẹ dắt đi chợ, tới quầy thịt quen, mẹ tần ngần cầm lên buông xuống vì miếng thịt khá to, mình nhớ là hơn 1kg, nhưng mẹ chỉ đủ tiền mua 700gr.
Thế là người ta bảo ‘’Trời ơi, xa lạ gì đâu, chị lấy hết đi, sang năm trả em cũng được!’’, rất nhiệt tình. Nhưng mẹ mình từ chối. Ánh mắt buồn buồn của mẹ làm mình nhớ như in.
700gr thịt ấy mẹ sẽ cắt làm 4 cục rồi hầm với chục trứng vịt. Mỗi ngày ‘’mùng’’ sẽ gắp ra một cục để cúng và sau đó cả nhà ăn cơm cùng nhau.
Năm mình lớp hai, ba bệnh phải điều trị mấy tuần liền trên bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ chăm ba nên gửi mình ở nhà nội. Tết về mẹ lui cui cắt sửa những bộ quần áo mà bà dì cho, để ''cải tổ'' từ size lớn thành size bé cho mình mặc, mình thấy mẹ khóc vì mình không có quần áo mới. Nồi khổ qua hầm của năm ấy cũng ít nhân hơn hẳn. Một cái tết khánh kiệt.
Nhưng dù thiếu dù đủ, dù buồn dù vui. Tết vẫn là những ngày được quây quần bên nhau nhiều nhất trong một năm. Khi những đứa trẻ thì bận bịu đèn sách, người lớn thì bán mặt cho đất bán lưng cho trời hết một năm sẽ dừng lại nghỉ ngơi, ăn những bữa cơm đủ đầy bên nhau. Sống ở nông thôn nên khái niệm ăn và chơi cũng chỉ lẩn quẩn trong những ngày tết, khoảng thời gian người ta sẽ xông xênh một chút, vung tay một chút mà không dè sẻn như những ngày bình thường.
Tết. Sáng mồng một, mẹ dặn không được sang nhà ai hết trừ về nội và ngoại. Mẹ ngại người ta coi tuổi coi hướng xông đất đầu năm, những đứa loắt choắt như mình chạy chơi lại vào ‘’nhầm’’ rồi cả năm người ta bắt vạ. Mẹ mình khéo léo trong cư xử lắm, ai cũng khen ngợi kể cả ông bà nội cũng rất đỗi tự hào về cô dâu cả.
Mình sẽ xúng xính cầm những món tiền lì xì đầu năm đi ăn những ly ‘’chè lạnh’’ còn nghi ngút khói. Món chè gồm các loại đậu cùng bột lọc xanh đỏ, đậu phộng và dừa bào sợi. Ly chè sẽ thêm phần ngọt béo khi cô hàng xóm rưới lên đó chút nước cốt dừa và đường sền sệt. Món chè chỉ duy nhất có bán vào dịp tết nên đứa nào cũng mê tít. Nơi quê nghèo ngày ấy, đến cái tủ lạnh cũng là món xa xỉ nên được ăn ''nước đá'' cũng là một ''đẳng cấp'' chỉ vào dịp đặc biệt mới có.
Mấy đứa con nít trong xóm cứ xí xớn canh me cứ chiều chật vật tối là lại sang đấy để vừa được xem hoạt hình và ăn những ly chè mát lạnh. Chỉ khi nào nghe tiếng gọi: ‘’Đăng ơi, Thảo ơi, Nhã ơi...’’ thì mới lót tót, tiếc nuối ra về.
Nhà neo người, mình mười tuổi thì mẹ mới sinh thằng em trai. Mình lên cấp 3 thì nó mới vào tiểu học. Mình lên Sài Gòn học thì nó bắt đầu hiểu chuyện nọ kia. Chị em không gần gũi nhau mấy vì khoảng cách thế hệ. Nhưng ba mẹ thì vui, khi mình đi xa, còn nó ở nhà để chăm, để quấn quýt.
Mỗi năm về nhà ăn tết, cứ thấy mênh mang những cảm xúc yêu thương mà cuộc đời này mình may mắn có được. Từng quả trứng gà mẹ nuôi, ngọn rau đắng mẹ hái, cái bông so đũa mẹ nhặt... trong những bữa cơm trở nên quý giá quá với những tháng ngày cơm hè cháo chợ chốn thị thành. Thương làm sao những bữa ngon ngọt dành hết cho con dù đứa nào cũng lớn tồng ngồng cả ra.
Tết vẫn thế, dòng đời vẫn thế nhưng mỗi năm ba mẹ lại già đi một chút. Gần hai mươi năm thành thị, bỗng một hôm giật mình khi nhớ ra ba đã ngoài sáu mươi. Người cựu binh già vài năm gần đây gặp biến cố ốm đau nên tính vốn dĩ đã ít nói làm nhà lại càng thêm vắng lặng. Tết về ngồi ăn cơm cùng nhau, thấy mẹ gắp trượt đồ ăn những hai lần, mắt mình cay xè vì mẹ đã không còn nhanh nhẹn, chuẩn xác như hồi mình còn bé. Tết làm mình ngai ngái những nỗi lo sợ mơ hồ…
Ngôi nhà nhỏ với 4 con người dính líu, liên quan một đời với nhau cứ qua hết mùa xuân này đến mùa xuân nọ như thế. Bây giờ cả hai chị em đều đi làm, kinh tế đã đỡ nhiều. Nhưng ký ức về những cái tết thiếu thốn của quá khứ cứ làm cay sống mũi mỗi khi mình nghĩ về.
Ừ, ngày ấy thật gian khó. Cảm ơn ba mẹ, cảm ơn em trai và cảm ơn chính mình vì tất cả đã cùng nhau trải qua.
SG, 21-2-21
#Cỏ